Lại ồn ào chuyện vi phạm bản quyền ca nhạc

07:00 | 14/07/2013

1,113 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Hầu hết các show truyền hình thực tế ca nhạc đều vướng phải vấn đề bản quyền và chuyện này không có dấu hiệu được điều chỉnh, mặc dù 100% các chương trình này đều ăn sóng đài truyền hình quốc gia. Câu chuyện bản quyền âm nhạc nói rộng ra cũng chưa có hướng giải quyết vì đơn vị đang có tiếng lo về bản quyền lại vừa đưa ra những “đạo luật” tréo ngoe. Vì vậy xem ra, những câu chuyện ồn ào về vi phạm bản quyền sẽ chưa có hồi kết.

Lại “nóng” chuyện bản quyền ca nhạc trong show truyền hình thực tế

Thí sinh Uyên Linh hát “Đường cong” của Thu Minh và cô làm nức lòng hầu hết khán giả truyền hình, lan ra làn sóng “cuồng” Uyên Linh trong mùa thi “Vietnam Idol 2010”. Nhưng bài hát ngay lập tức bị “tuýt còi” vì vẫn còn là ca khúc độc quyền của nữ ca sĩ sexy. Năm 2011, “The Voice” mùa đầu tiên cũng làm nóng câu chuyện bản quyền ca khúc khi hot boy Bùi Anh Tuấn hát lại “hit” của Bằng Kiều “Nơi tình yêu bắt đầu”. Đặc biệt, nhạc sĩ sáng tác bài hát này còn không hề nhận được lời xin phép nào từ phía ban tổ chức chương trình hay cá nhân thí sinh.

Năm nay, “The Voice” mùa thứ hai tại Việt Nam vẫn tiếp tục nóng với nhiều tình tiết gay cấn của 4 đội. Một trong số những chuyện “hot” tiếp tục là chuyện vi phạm bản quyền khi ở vòng đối đầu, hai thí sinh trong đội của diva Hồng Nhung hát lại ca khúc “Chạy mưa” của nam quán quân Sao Mai điểm hẹn 2010 Nguyễn Đình Thanh Tâm. Điều đáng nói, ca sĩ này mới mua ca khúc cho mình chưa đầy 2 tháng và album của anh vừa mới phát hành.

"The Voice 2013" lại tiếp tục bị tố vì vi phạm bản quyền

Ngay sau đêm thi đối đầu kết thúc, trên facebook cá nhân, Thanh Tâm đã viết: “Chuyện ca sĩ “giãy nảy” khi bài hát độc quyền của mình bị ngang nhiên sử dụng trong các cuộc thi, tôi thấy nhiều vì từng là thí sinh và đã tai nghe mắt thấy những chuyện như vậy. “Chạy mưa” là bài hát độc quyền của tôi, tôi không mong gì hơn là một lời ngỏ từ chương trình để sử dụng bài hát của tôi như là một phần dự thi của các thí sinh. Vậy mà chả thấy gì cả...”.

Tuy nhiên, nếu Thu Minh sử dụng cách giải quyết vấn đề êm đẹp với Uyên Linh, tác giả “Nơi tình yêu bắt đầu” cũng tạo điều kiện cho Bùi Anh Tuấn thì bất ngờ những chia sẻ mới đây của ca sĩ Hồng Nhung lại làm “nóng” diễn đàn. Trả lời phỏng vấn về việc để thí sinh đội mình hát “Chạy mưa” chưa thông qua xin phép Thanh Tâm, Hồng Nhung đã đẩy câu chuyện đi theo hướng xa hơn khi bộc lộ suy nghĩ: “Tôi không trách Nguyễn Đình Thanh Tâm, cũng không muốn lên tiếng bởi cậu ấy còn trẻ, là thế hệ đi sau, dù sao trong những ca khúc của mình đã có những ca khúc cậu ấy chọn, đó là niềm vui, tại sao phải lên tiếng. Tuy nhiên, tôi chỉ hơi tiếc một điều cho Thanh Tâm là không nên chỉ trích quá gay gắt đối với các em thế hệ đi sau, tôi nghĩ như thế là không nên”. Ý kiến này của Hồng Nhung lập tức làm nảy sinh những thắc mắc: Hồng Nhung đi trước tại sao không nghiêm túc thực hiện các vấn đề này để làm gương cho thế hệ đàn em? Chưa kể, thái độ với Thanh Tâm như thế của một đàn chị theo ý kiến nhiều người là chưa thỏa đáng.

Cũng trong buổi chia sẻ với phóng viên, ca sĩ “Khu vườn yên tĩnh” cho biết, về nguyên tắc cuộc thi như “The Voice”, ban tổ chức là VTV3 của Đài Truyền hình Việt Nam phải chịu trách nhiệm toàn bộ về mặt pháp lý của bài hát, dù người chọn bài là ai. Theo lập luận này, chị Bống cho biết, “Chạy mưa” là bài hát chị chọn nhưng chị đã báo cáo lên giám đốc âm nhạc, ban tổ chức để họ lo về pháp lý cho ca khúc. Vì thế, không phải huấn luyện viên nào muốn sử dụng ca khúc đều phải đứng ra lo bản quyền ca khúc đó.

Cơ sở nào để tin?

Nhiều người cho rằng, chỉ là một cuộc thi, thí sinh chưa hưởng lợi gì về chuyện hát một bài hát của người khác thì nên cho qua. Thực tế đúng là thí sinh chưa trực tiếp hưởng lợi nhưng ban tổ chức thì đã hưởng lợi được rất nhiều trên những việc làm chưa đúng của mình. Bởi hầu hết các show truyền hình dạng này đều sống bằng quảng cáo, chưa kể người xem có lúc “phát khùng” vì quảng cáo lấn lướt nội dung chính chương trình. Tuy nhiên, trong các trường hợp “sử dụng sai” này, ban tổ chức luôn kiệm lời xin lỗi và tiếp tục tái diễn lỗi trong những chương trình sau.

Tại Việt Nam, chính vì sự nhập nhèm trong khâu quản lý tác quyền mà chuyện tranh cãi về bản quyền xảy ra như cơm bữa. Mới đây, huấn luyện viên của “The Voice”, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng cũng bị khởi kiện vì bị cho là tự ý sửa lại tên bài hát và ghi sai tên tác giả ca khúc “Chút tình phai” trong album mới ra mắt của anh. Tuy nhiên, cho đến nay, câu chuyện này được xác định là Mr Đàm đã mua lại ca khúc này không phải từ chính tác giả mà từ một người mạo danh là tác giả, tức là mua của một người “ăn cắp”. Tuy nhiên, ngay trong trường hợp “oan gia” này Mr Đàm vẫn phạm luật, bởi vi phạm quyền bảo vệ trọn vẹn tác phẩm của tác giả vì đã đổi tên ca khúc, bởi việc mua bán diễn ra với tác giả hờ chỉ là không vi phạm tác quyền.

Tại sao vấn đề vi phạm bản quyền ca nhạc vẫn diễn ra nhan nhản hằng ngày từ chính những người làm nghề? Câu trả lời chính xác khó lòng tìm thấy, nhưng có một thực tế, nhiều khi chính người làm nghề cũng không có một barem chuẩn để nương theo đó làm việc. Bởi ngay cả Trung tâm Tác quyền âm nhạc còn cố tình hiểu sai luật để “tư lợi”. Đó là chuyện mới đây trung tâm này đã đưa ra một “đạo luật” khá hài hước là: thu tiền tác quyền âm nhạc tại các rạp chiếu phim. Tức là, theo luật, các nhà sản xuất phim khi sử dụng tác phẩm âm nhạc trong phim của mình đã phải xin phép và trả tiền sử dụng quyền sao chép cho tác giả.

Thế nhưng, theo ý kiến của trung tâm, khi bộ phim được mang phân phối cho các đơn vị kinh doanh để chiếu thì phát sinh thêm quyền biểu diễn tác phẩm trước công chúng. Vì thế, trung tâm này phải thu thêm khoản tiền phát sinh này. Trong khi đó, Điều 21 Luật Điện ảnh đã ghi rõ, nhạc phim và các yếu tố sáng tạo khác trong phim đều thuộc về tài sản phim và chuyển giao cho nhà sản xuất. Và ở điểm này, Trung tâm Bản quyền không biết đã hiểu sai hay cố tình hiểu sai để thu tiền. Một cơ quan tưởng như sinh ra để giải quyết các tranh chấp cho người làm nghề nhưng lại không hiểu và làm đúng những điều được ghi nhận tại các điều luật thì thử hỏi người làm nghề còn biết tin ai?

Trong xu thế điện ảnh, hội họa và điêu khắc đều chưa có cơ hội khẳng định, ca nhạc và ca sĩ, tức người làm âm nhạc đang trở thành đối tượng hưởng lợi nhiều nhất trong giới nghệ thuật nên ai cũng nhìn thấy xu hướng phát triển của thị trường âm nhạc tại Việt Nam là đối tượng mang lại nguồn lợi nhuận khổng lồ. Nhưng theo ý kiến một nhạc sĩ tâm huyết, hầu hết nguồn lợi đó đang chảy vào túi “những kẻ ăn cướp” mà chưa hẳn mang lại lợi nhuận cho nghệ sĩ, người làm sáng tạo. Bởi vậy, việc ngăn chặn những hành vi sai trái dù là nhỏ nhất trong việc tác quyền âm nhạc nói riêng và tác quyền nói chung có nên chăng là việc cần làm được tốt nhất, trong các chương trình có lượng khán giả nhiều nhất là các kênh truyền hình hiện nay?

Linh Chi

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

(PetroTimes) - Lễ hội Holi của người Hindu, còn được gọi là Lễ hội Màu sắc, báo trước sự khởi đầu của mùa xuân.