Lại dẹp hàng rong?

07:00 | 17/12/2013

2,831 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Vào tháng 12 này, UBND quận 1 bắt đầu mở chiến dịch cao điểm, nói như lãnh đạo quận là tạo “quả đấm tổng lực” nhằm chấm dứt nạn mua bán hàng rong trên vỉa hè khu trung tâm TP HCM. Vốn đã quen đối phó với lực lượng trật tự đô thị, nay trước thông tin có vẻ rất quyết liệt này khiến không ít người nghèo kiếm sống trên vỉa hè lo lắng. Nhiều ý kiến băn khoăn liệu có cần phải dẹp hết hàng rong?

Năng lượng Mới số 282

Bà Năm, ngoài 60 tuổi, là một người dân nhập cư gốc miền Trung. Bà mưu sinh bằng gánh hàng rong chuyên bán miến gà ở quận 1 (TP HCM) nhiều năm nay. Gánh hàng của bà nằm ở vị trí “đắc địa” của khu trung tâm, ngay trên vỉa hè đường Lý Tự Trọng, gần giáp với đường Đồng Khởi. Do nồi nước dùng được bà Năm nêm nếm ngon lành, lại giá “mềm” nên sáng nào khách ăn cũng nườm nượp. Một số khách Tây balô vào ăn cũng gật gù khen ngon. Tuy vậy, mỗi khi lực lượng trật tự đô thị xuất hiện là bà Năm cuống cuồng tháo chạy làm khách trở tay không kịp. Hỏi sao bà không kiếm một chỗ nào đó mà bán cho đàng hoàng, bà than thở không đủ tiền thuê mặt bằng, với lại bán ở vỉa hè quen rồi! Bà nói, nghe tin quận 1 mở đợt thu gom, chấm dứt buôn bán trên vỉa hè, có lo lắng chút đỉnh nhưng nhờn rồi, cứ nghĩ như “bắt cóc bỏ dĩa” giống trước đây thôi. Bởi theo bà, là dân nghèo, nếu không bán hàng rong thế này thì biết sống bằng gì?

Người bán hàng rong là những dân nghèo, việc mưu sinh trên vỉa hè đã nuôi sống bản thân họ và gia đình, nên cần phải được quy hoạch hợp lý

Trên thực tế, bà Năm chỉ là một trong số 12.000 người bán hàng rong, buôn bán lấn chiếm vỉa hè lòng lề đường ở các quận trung tâm TP HCM. Hình ảnh những gánh hàng rong buôn bán trên vỉa hè ở khu vực trung tâm thường nhốn nháo bỏ chạy mỗi khi thấy bóng những người trật tự đô thị vốn chẳng hay ho gì. Thêm nữa, nạn hàng rong tụ tập gây kẹt xe, gây mất vệ sinh, mất an ninh trật tự mỹ quan đô thị hoặc chèo kéo du khách thì dư luận cũng đã nói nhiều. Đó là chưa kể còn có nạn “bảo kê” của lực lượng kiểm tra để được yên thân buôn bán. Thế nhưng, nói đi cũng phải nói lại, với 12.000 người bán hàng rong là những dân nghèo, dân nhập cư thì việc mưu sinh trên vỉa hè đã nuôi sống bản thân họ và gia đình, không những vậy, họ đáp ứng nhu cầu mua hàng của nhiều người bình dân.

Trong đợt cao điểm chấm dứt nạn buôn bán hàng rong trên vỉa hè, lòng lề đường ở khu vực trung tâm TP HCM lần này, ông Phạm Thành Kiên, Phó chủ tịch UBND quận 1 khẳng định: “Mục đích của chúng tôi không phải là “thu gom” mà tập trung nhiều vào công tác tuyên truyền để những người buôn bán hàng rong và người buôn bán đang sử dụng vỉa hè hiểu được hành vi vi phạm của mình để chấn chỉnh. Sau giai đoạn này mới tổ chức tổng kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm và duy trì chốt, trực thường xuyên tại các vị trí không để xảy ra lấn chiếm từ ngày 27-11 đến 27-12-2013”.

Thời gian qua, dù cố gắng rất nhiều trong việc giữ gìn trật tự đô thị, ngăn buôn bán hàng rong tại địa bàn trung tâm thành phố nhưng tình hình vẫn chưa giảm. UBND quận 1 cho biết nguyên nhân khách quan là hơn 80% hàng rong từ những nơi khác đến. Theo ông Phạm Thành Kiên, thông thường các phường của quận thường tổ chức riêng lẻ nên dẫn đến tình trạng phường này làm thì hàng rong chạy sang phường khác tiếp tục buôn bán. Lần này, quận tổ chức ra quân đồng loạt 10 phường, làm đồng bộ, huy động nhiều lực lượng để tạo “quả đấm tổng lực”, thể hiện sự quyết tâm trong việc lập lại trật tự đô thị khu vực trung tâm.

Lâu nay TP HCM vẫn “quyết tâm” không để hàng rong trên vỉa hè lòng lề đường hoạt động. Thế nhưng thực tế tình trạng này vẫn tái diễn thường xuyên, bát nháo ở khắp các tuyến đường nội ô nên việc cấm đoán, tịch thu, đuổi bắt của lực lượng trật tự đô thị vẫn diễn ra “như cơm bữa”. Liệu điều này có gây hình ảnh phản cảm vừa gây khó khăn cho người nghèo? Không ít ý kiến cho rằng, dù có một số lượng đông đảo người buôn bán vỉa hè nhưng với chủ trương phải chấm dứt tình trạng buôn bán hàng rong nên chính quyền TP HCM đã không quy hoạch và sắp xếp lại lực lượng này một cách hợp lý nhất.          

Theo TS Nguyễn Thị Hậu (Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM), loại hình kinh tế phi chính thức phổ biến nhất ở TP HCM là buôn bán trên vỉa hè từ nhiều năm qua đã nhanh chóng đáp ứng nhu cầu mua - bán nhanh, tiện lợi với các loại hàng hóa giá rẻ. Và đây cũng là điều kiện thuận lợi để các hoạt động kinh tế vỉa hè có điều kiện nảy sinh và tồn tại.

Ở góc nhìn của một người nước ngoài, Giáo sư Annette Kim, thuộc Khoa Nghiên cứu và Quy hoạch đô thị của Học viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ), có nghiên cứu về sử dụng không gian vỉa hè tại TP HCM đã từng nhận xét, hàng rong vỉa hè cung cấp 30% thức ăn, hàng hóa, dịch vụ cho người dân thành phố và 30% công ăn việc làm. Người dân trong khu vực xem hàng rong vỉa hè như là một phần lâu đời của nền văn hóa.

Trong khi đó, nói về chuyện cấm buôn bán trên vỉa hè, lòng lề đường, TS Nguyễn Hữu Nguyên, chuyên gia phân tích về kinh tế xã hội tại TP HCM, cho rằng: Cần xem xét đoạn đường nào có thể mua bán trên vỉa hè nhưng không gây ảnh hưởng đến giao thông thì nên duy trì, tạo điều kiện cho người dân mưu sinh.

Còn theo ý kiến của PGS.TS Nguyễn Minh Hòa, nên nhìn nhận lại việc quản lý những hoạt động bán hàng trên lòng, lề đường để thu về một mối quản lý và phát huy được thế mạnh của nguồn lực này, mà cách làm của nhiều nước trong khu vực là bài học cần tham khảo. Vấn đề là chúng ta cần quy hoạch hợp lý để phát huy hiệu quả, mặt lợi và tiết giảm mặt xấu của việc bán hàng này.

PGS.TS Nguyễn Minh Hòa đưa ra một ví dụ như ở Singapore, quốc gia này có hẳn một đơn vị gọi là “cục quản lý bán hàng rong thuộc chính phủ” và với sự thống nhất này, việc quản lý “nền kinh tế vỉa hè” của đảo quốc sư tử khá hiệu quả, tránh được sự chồng chéo, dẫm chân nhau.

Hãy nhìn ra một số nước trong khu vực sẽ thấy, ở khu vực trung tâm của Bangkok của Thái Lan thường xuyên có 26.000 người bán hàng rong. Tại Kuala Lumpur (Malaysia) là 35.000 người và Metro Manila (vùng đô thị đông dân nhất ở Philippines) là 52.000 người bán hàng rong. Theo PGS.TS Nguyễn Minh Hòa, có thể còn nhiều chuyện chưa hài lòng, nhưng phải thấy các thành phố đó họ đã thừa nhận sự tồn tại hợp pháp của người bán hàng rong và tiến hành quy hoạch một cách khá bài bản, bởi họ coi chuyện bán hàng rong là chuyện của “phát triển” chứ không phài là chuyện “xóa bỏ”. Tại thủ đô những quốc gia phát triển của châu Á như Hàn Quốc và Nhật, vẫn tồn tại một số con đường là khu buôn bán vỉa hè. Và New York, nơi hơn 10.000 người bán hàng rong sinh sống, có hẳn một dự án giúp họ nâng cấp các xe bán hàng.

Rõ ràng ở các nước người ta có chính sách hợp lý với người bán hàng rong, thế thì tại sao TP HCM nói riêng và cả nước nói chung lại không làm được như vậy? Bởi nếu biết cách khai thác thì hàng rong sẽ đem lại những lợi ích không nhỏ và còn tránh được những hệ lụy xấu. Đứng ở góc độ của UBND quận 1, áp lực của một quận trung tâm thành phố đã khiến họ “đau đầu” khi xử lý vấn đề hàng rong. Chuyện phát loa tuyên truyền, vận động vẫn là vấn đề muôn thuở, liệu có hiệu quả? Xử lý nghiêm nạn hàng rong, tạo “quả đấm tổng lực” để chấm dứt liệu có phải là biện pháp hay? Tại sao TP HCM và quận 1 không quy hoạch để những người bán hàng rong vẫn có thể kiếm sống được bằng công việc của mình thay vì cấm đoán?

Thế Vinh

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc