Kết quả hội nghị bất thường của OPEC tại Algeria:

Lạc quan nhưng chưa chắc chắn

14:17 | 29/09/2016

1,928 lượt xem
|
Mặc dù việc đạt được một thỏa thuận “đóng băng” sản lượng dầu mỏ của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) vẫn còn chưa chắc chắn, nhưng thông tin 14 thành viên OPEC đã nhất trí về sự cần thiết phải cắt giảm sản lượng để giảm dư thừa nguồn cung của thế giới đã mang lại một niềm tin mới cho giá dầu. Và bên cạnh những dự báo lạc quan, vẫn còn có những cảnh báo không thể bỏ qua.
lac quan nhung chua chac chan
Bên ngoài phòng họp của các Bộ trưởng OPEC tại Algeria ngày 28/9/2016

Kết quả bất ngờ

Trước hội nghị bất thường của OPEC tại Algeria, đã có nhiều “điềm báo” cho thấy việc đạt được thỏa thuận “đóng băng” sản lượng là rất khó khăn. Arập Xêút - “ông vua” của thế giới dầu mỏ tỏ ra hờ hững, khi cho rằng không cần thiết phải điều chỉnh hoặc cắt giảm mạnh nguồn cung dầu hiện nay.

Còn Iran - “kỳ phùng địch thủ” của Riyadh thì thẳng thừng từ chối lời mời tham gia thỏa thuận “đóng băng” sản lượng, bởi họ vẫn đang tìm cách lấy lại thị phần đã mất sau khi được phương Tây gỡ bỏ các lệnh cấm vận.

Trong khi đó, Nga - một cường quốc dầu mỏ khác ngoài OPEC, cũng đã phần nào thể hiện sự thiếu niềm tin vào tương lai của giá dầu khi xây dựng ngân sách trong 3 năm tới dựa trên kịch bản giá dầu khoảng 40 USD/thùng.

Thế nhưng, sau 6 giờ đồng hồ nhóm họp, 14 thành viên của OPEC đã lần đầu tiên - kể từ khi giá dầu lao dốc từ giữa năm 2014, thừa nhận rằng, nhóm sẽ cần phải có hành động để giảm bớt dư thừa nguồn cung toàn cầu - một trong những nguyên nhân khiến giá dầu sụt giảm và do đó, tàn phá nền kinh tế của chính họ.

Sau nhiều tuần con thoi từ Algiers tới Moskva tới Paris để thuyết phục các bộ trưởng dầu mỏ của 14 nước thành viên là đã đến lúc phải cắt giảm sản lượng, Bộ trưởng dầu mỏ của Algeria, ông Noureddine Bouterfa đã tự tin tuyên bố: “OPEC trở lại với vai trò lịch sử của mình là kiểm soát thị trường”

Theo ông Bouterfa, kế hoạch cắt giảm sản lượng sẽ được hoàn thiện và công bố vào tháng 11 tới. Một ủy ban sẽ được thành lập để xác định mỗi quốc gia sẽ phải cắt giảm bao nhiêu và sau đó báo cáo với nhóm tại cuộc họp tiếp theo của OPEC vào ngày 30 - 11 tới tại Vienna, Áo.

Bộ trưởng Dầu khí Algeria cũng tiết lộ, OPEC đề xuất giới hạn tổng sản lượng của nhóm ở mức từ 32,5 triệu thùng/ngày đến 33 triệu thùng/ngày, tức là đã giảm từ 200 đến 700 nghìn thùng/ngày, so với mức sản lượng 33,2 triệu thùng/ngày của cả nhóm trong tháng Tám vừa qua.

Phản ứng với thông tin này, giá dầu trong phiên giao dịch sáng 29 - 9 đã tăng lên hơn 6%.

Thỏa thuận vẫn còn xa vời

Việc các thành viên OPEC nhất trí cần phải có hành động để ngăn chặn dư thừa nguồn cung là một tiến bộ lớn của nhóm này. Bởi, họ chưa khi nào chấp thuận cắt giảm sản lượng kể từ năm 2008, sau cuộc khủng hoảng tài chính khiến toàn cầu lâm vào suy thoái, làm giảm nhu cầu dầu mỏ và đẩy giá dầu xuống còn dưới 40 USD/thùng.

Nhưng việc đạt được thỏa thuận “đóng băng” sản lượng là chưa thể chắc chắn. Bởi ít nhất cũng còn hơn 2 tháng nữa mới biết được họ có thỏa thuận được với nhau về việc ai phải cắt giảm sản lượng khai thác và cắt giảm bao nhiêu.

Mặt khác, theo ước tính của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), nếu OPEC chỉ cắt giảm 200 nghìn thùng/dầu (tức là đặt giới hạn sản lượng 33 triệu thùng/ngày), thì thị trường vẫn dư cung so với cầu, cho đến nửa sau của năm 2017.

Nếu OPEC cắt giảm sản lượng lên đến 700 nghìn thùng/ngày (tức là đặt giới hạn sản lượng 32,5 triệu thùng/ngày) thì tình trạng dư cung sẽ biến mất ngay sau khi kết thúc năm nay. Hàng tồn kho thế giới sau đó có thể được rút xuống và giá dầu có thể tăng.

Hơn nữa, kể cả khi OPEC thỏa thuận được với nhau thì cũng chưa chắc là họ sẽ thỏa thuận được với Nga - nước đang khai thác dầu với số lượng kỷ lục, cao nhất trong 25 năm trở lại đây. Nga không phải là một thành viên của OPEC nhưng đã tham gia rất nhiều cuộc đàm phán với nhau về hợp tác bình ổn thị trường, cắt giảm sản lượng. OPEC dự kiến sẽ thảo luận sớm với Nga, cũng như một số nước ngoài OPEC khác về việc cắt giảm sản lượng.

Trong khi đó, Iran, Libya và Nigeria đều đang cố gắng để gia tăng sản lượng khai thác. Chủ tịch Tổng công ty dầu khí quốc gia Libya tuần trước còn nhấn mạnh nếu nước này không tăng xuất khẩu dầu thì chính phủ sẽ không còn tiền để hoạt động vào năm sau. Còn các nước đang lâm vào khủng hoảng trầm trọng như Venezuela và Algeria thì e sẽ không đủ sức để chống đỡ với các khó khăn kinh tế nếu mất thêm doanh thu từ dầu. Mặc dù các quan chức OPEC cho biết, thỏa thuận “đóng băng” sản lượng của nhóm sẽ đối xử khác biệt và có một số nhượng bộ cho Iran, Libya và Nigeria, nhưng rõ ràng đây là một vấn đề tế nhị và không dễ đàm phán được.

Trong quá khứ, các nỗ lực điều tiết sản xuất của OPEC khá lộn xộn và các thành viên thường xuyên cáo buộc nhau là gian lận, vượt “quota”. Cho nên, như Giovanni Staunovo, một nhà phân tích tại UBS Group AG nhận định: “Ma quỷ nằm trong các chi tiết… Nếu thỏa thuận “đóng băng” sản lượng được thông qua vào tháng 11 tới, thì việc thực hiện sẽ chỉ xảy ra vào năm 2017”.

"Lá bài sinh tử” trong tay Trung Quốc

Ngoài ra, cũng không thể bỏ qua cảnh báo vào giữa tháng này của Standard & Poor’s (S&P). Tổ chức xếp hạng tín nhiệm này đã cảnh báo rằng, Trung Quốc - cường quốc tiêu thụ năng lượng hàng đầu thế giới mới là người đang nắm “lá bài sinh tử”, quyết định đến cung - cầu dầu mỏ thế giới.

Trung Quốc không phát hành nhiều dữ liệu liên quan đến chi tiết cụ thể kho dự trữ dầu mỏ chiến lược của mình, nhưng nhập khẩu dầu của Bắc Kinh đã tăng vọt trong năm qua.

Theo ông Jodie Gunzberg, chuyên gia về hàng hóa và tài sản thực tế của S&P, Trung Quốc đã chớp cơ hội giá dầu thô đang rẻ để xây dựng kho dự trữ chiến lược của mình. Bắc Kinh đang trải qua nhiều giai đoạn dự trữ cho kho dự trữ dầu mỏ chiến lược, dự kiến sẽ hoàn thành giai đoạn hai với 245 triệu thùng trước khi kết thúc năm 2016. Chỉ tính trong 8 tháng đầu năm nay, nhập khẩu dầu của nước này đã tăng 13,5% so với cùng thời gian này vào năm 2015. Một khi đã lấp đầy các kho dự trữ dầu chiến lược của mình thì nhịp độ nhập khẩu dầu của họ sẽ đột ngột giảm đáng kể và thị trường sẽ thừa mứa nghiêm trọng.

Ngân hàng JP Morgan từ vài tháng trước cũng đã ước tính rằng, những nỗ lực lấp đầy kho dự trữ dầu chiến lược của Trung Quốc gần như đã kết thúc. Điều này có thể dẫn đến sự sụt giảm 15% nhập khẩu dầu trong tháng 9 này. Tuy rằng, phải mất một thời gian nữa để kiểm chứng nhận định này, nhưng điều đó chắc chắn là một tin xấu cho thị trường dầu mỏ toàn cầu, khi nhu cầu đột nhiên yếu đi, trong khi nguồn cung lại mạnh lên từ các nước Trung Đông và Bắc Phi.

Kể cả khi OPEC đạt thỏa thuận “đóng băng” sản lượng vào tháng 11 tới, để đẩy giá dầu lên, thì Trung Quốc vẫn có thể “dìm” nó xuống. Bởi vì, Bắc Kinh có thể chọn không mua dầu mỏ với giá cao hơn và chọn sử dụng dầu mỏ trong các kho dự trữ chiến lược của mình, thậm chí còn có thể đem ra xuất khẩu kiếm lời, giống như họ đã từng làm với các hàng hóa khác.

Các chuyên gia năng lượng của Credit Suisse, Tudor Pickering cho rằng, người hưởng lợi nhiều nhất nếu OPEC cắt giảm sản lượng chính là các nhà khai thác dầu từ đá phiến ở Mỹ - những người đã phải cắt giảm sản xuất trong 2 năm qua, nhưng đang dần lắp thêm giàn khoan. Kể cả khi OPEC không hành động, thì sản lượng khai thác dầu từ đá phiến của Mỹ vẫn được dự báo là sẽ tăng trong năm 2017, tiếp tục cạnh tranh thị phần với OPEC.

lac quan nhung chua chac chan

Mỹ hết cửa làm khó Nga sau thỏa thuận của OPEC?

Bị phương Tây cấm vận đúng lúc giá dầu tụt thê thảm, Nga khốn đốn trong suốt hai năm qua nhưng giờ đang đứng trước cơ hội trở lại mạnh mẽ sau quyết định giảm sản lượng để đẩy giá dầu tăng của OPEC ngày hôm qua.

lac quan nhung chua chac chan

Các nước xuất khẩu dầu quyết đấu với nhau tới chết?

Giá dầu thế giới ngày 2-5 sụt giảm nghiêm trọng sau khi có tin nói rằng sản lượng dầu thổ của các nước trong và ngoài OPEC tăng mạnh. Thất bại của hội nghị Doha hồi giữa tháng 4 trong việc đóng băng sản lượng đang đẩy các nước xuất khẩu dầu phản ứng theo kiểu mạnh ai nấy làm và kết quả là tất cả các nước này đang đứng trước nguy cơ “chết chùm”.

Linh Phương

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc