Khai thác viễn dương:

Kỳ vọng lớn từ “siêu đề án” 26.000 tỉ đồng (Kỳ 2)

22:28 | 15/07/2017

1,056 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Theo giới chuyên gia, việc đầu tư phát triển kinh tế biển là cần thiết, song ý tưởng xây dựng một đội tàu khai thác viễn dương với nguồn nhân lực như hiện nay cần tính toán kỹ lưỡng.
ky vong lon tu sieu de an 26000 ti dong ky 2Kỳ vọng lớn từ “siêu đề án” 26.000 tỉ đồng (Kỳ 1)

Bài 2: Còn nhiều băn khoăn

Nhiều nước hợp tác khai thác nghề cá với Việt Nam

Ngày 26-6 mới đây, tại thành phố Vũng Tàu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức hội nghị góp ý Đề án Phát triển nghề khai thác viễn dương và tổ chức đưa ngư dân đi khai thác hải sản ở vùng biển một số nước.

Tại hội nghị, ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, Bộ muốn lắng nghe các ý kiến để hoàn thành đề án nhằm nâng cao năng lực của ngành thủy sản Việt Nam, không chỉ mạnh trong nước mà vươn ra khai thác ở nước ngoài.

ky vong lon tu sieu de an 26000 ti dong ky 2
Thương lái thu mua cá khai thác xa bờ

“Trên cơ sở đó, Bộ sẽ tiếp tục điều chỉnh và hoàn thiện đề án theo ý kiến đóng góp để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Việc phê duyệt đề án sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp, ngư dân sớm đưa tàu ra nước ngoài khai thác, chế biến thủy sản” - ông Tám nói.

Theo lộ trình mà Bộ NN&PTNT đưa ra, từ nay đến năm 2020 sẽ làm điểm đưa mô hình liên kết doanh nghiệp và ngư dân đi các nước Brunei, Papua New Guine và Micronesia để khai thác, chế biến và tiếp đến giai đoạn 2020-2025 sẽ đưa ngư dân khai thác ở các nước khác có ký kết thỏa thuận hợp tác đánh bắt thủy sản với Việt Nam.

“Nếu không phát triển nghề cá viễn dương thì khó phát triển nghề cá hiện đại, dài hạn. Trước hết, cần ký kết hiệp định khai thác với các nước trước, rồi mới tính phần sau” - PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam.

Trên kết quả đàm phán với các nước cũng như phân tích các cơ hội, khả năng hợp tác, thời gian tới ngư dân, doanh nghiệp của Việt Nam sẽ khai thác, chế biến thủy sản tại Brunei, Papua New Guine và Micronesia (đảo quốc nằm ở Thái Bình Dương).

Trong đó, Brunei đã ghi nhớ hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực khai thác thủy sản; nuôi trồng thủy sản và chế biến, dịch vụ hậu cần nghề cá. Hiện tại Việt Nam và Brunei đã đạt được thỏa thuận hợp tác khai thác với 2 ngành nghề chính là câu và lưới vây đuôi.

Papua New Guinea thỏa thuận hợp tác ở nghề vây, nghề câu cá ngừ, cá đáy và một số nghề khai thác hải sâm. Tương tự, Micronesia và Việt Nam sẽ hợp tác trong nghề lưới vây, nghề câu cá ngừ, cá đáy và một số nghề khai thác hải sâm.

Tính toán kỹ lưỡng mới khả thi

Trong hội nghị, có khá nhiều ý kiến góp ý, phản biện đối với đề án của Bộ NN&PTNT. Theo ông Võ Thiên Lăng, Hội Nghề cá tỉnh Khánh Hòa mới nhìn qua đã thấy đây là một đề án khó khả thi bởi để xây dựng được một đội ngũ tàu khai thác viễn dương, những yêu cầu về khoa học công nghệ, nhân lực phải rất cao.

“Khai thác viễn dương nghĩa là phải đi đánh bắt ở vùng biển nước ngoài, đi nhiều tháng vòng quanh thế giới, không chỉ đòi hỏi một con tàu lớn mà còn phải trang bị đầy đủ tiện nghi về công nghệ bảo quản, công nghệ dò tìm thông tin…” - ông Lăng nói. Cũng theo ông Lăng, những tiện nghi đó phải đảm bảo hiện đại, cao cấp mới có thể đáp ứng được việc đánh bắt ở các vùng biển trên thế giới.

Theo ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch Hội Nghề cá Đà Nẵng, việc triển khai đội tàu viễn dương phải nhìn nhận kỹ lưỡng. Ngư dân ta đánh bắt trên vùng biển của mình còn tự tin, kinh nghiệm… nhưng đánh bắt trên vùng biển lạ, thì rủi ro và phiêu lưu. Ông Lĩnh cho rằng, việc liên kết mở rộng vùng đánh bắt hải sản là cần thiết, tuy nhiên, phát triển đội tàu viễn dương, Nhà nước chỉ nên nối kết, giới thiệu và tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân về ngoại giao, đào tạo.

Còn theo ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam, mục đích đưa ngư dân ra vùng biển nước ngoài khai thác, làm kinh tế cũng hợp lý trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, bước đầu, đến năm 2020 mà lên kế hoạch đưa khoảng 150 tàu đi khai thác Brunei, Papua New Guinea là không đơn giản. “Khi đánh bắt ở nước ngoài, lúc một vài tàu đi có thể tiêu thụ tốt, nhưng khi nhiều tàu sang đánh bắt, tiêu thụ ở đâu, nước đó có chắc tiêu thụ hết lượng cá mình đánh lên. Cần tính toán chặt chẽ, đánh giá… chứ không hẳn đưa hàng trăm tàu sang đánh bắt là được liền” - ông Thắng nói.

An An