Kỳ tích tìm dầu ở vùng băng giá

08:58 | 31/07/2012

2,281 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - 4 giờ sáng (giờ Mátxcơva- khoảng 7 giờ giờ Hà Nội), trong lúc trời vẫn lạnh trên 10 độ C và tối mù, chúng tôi đã phải lên đường ra sân bay Seremetyevo để đi cùng Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tới Khu tự trị Nhenhetxki.

Ghi chép của Nguyễn Như Phong

Hôm nay, tại nơi này, có một sự kiện quan trọng của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, ấy là  mỏ  Tây Khosedayu chính thức cho dòng dầu thương mại. Như vậy, đây là mỏ dầu thứ ba của Liên doanh Rusvietpetro tại Nhenhetxki cho dầu thương mại và rất có ý nghĩa đối với việc xây dựng và phát triển kinh tế của Việt Nam. Có lẽ cũng  vì thế, Chủ tịch nước đã dành trọn một ngày để đến thăm mỏ. Sở dĩ phải đi mất một ngày cật lực là vì để tới được mỏ, phải đi máy bay phản lực hết hơn 2 tiếng, tiếp đó lại ngồi trực thăng cũng hơn một giờ nữa… Theo lịch trình, đoàn sẽ rời sân bay Seremetyevo lúc 7 giờ và trở về lúc gần 22 giờ. Ngoài việc chứng kiến mỏ cho dòng dầu thương mại, Chủ tịch nước còn có nhiều hoạt động khác ở Khu tự trị Nhenhetxki.

Hai chiếc máy bay chở đoàn là  YAK -42D, nghe nói là đã bước vào tuổi sắp “ trung niên” và có sức chở  gần 70 khách, nhưng đã được hoán cải thành chuyên cơ, với khoang VIP rộng mênh mông và có bàn ăn bày tiệc sang trọng đủ cho 4 người. Máy bay nom ọp ẹp, cũ kỹ như vậy nhưng bay êm đáo để. Sau hơn 2 giờ rưỡi bay thẳng lên hướng Bắc nước Nga, máy bay hạ cánh ở sân bay Nanhian Mara. Và tiếp đó, đoàn lại lên ba chiếc trực thăng Mi-8 già nua để lên mỏ Nhenhetxki. Nhìn những chiếc Mi-8 cũ kỹ, ọc ạch và bên trong thì chắp vá bằng mọi thứ, thậm chí dây an toàn không có khóa, không có cả chụp tai chống ồn, chúng tôi thấy “hơi lạnh sống lưng”. Nhưng đúng là “già mà vẫn… bay tốt”. Chiếc máy bay vẫn “cõng” được 17 người bốc lên khỏi mặt đất, và lại ngược lên hướng Bắc. Phải mất gần 90 phút bay nữa mới tới khu vực khai thác dầu.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Chủ tịch Hội đồng Thành viên PVN Phùng Đình Thực, bấm nút đưa mỏ Tây Khosedayu vào vận hành thương mại

Mùa này, cả vùng bình nguyên rộng lớn của phía bắc nước Nga ngút ngát một màu xanh mát mắt, nhưng hầu như không có cây lớn, mà chỉ có cỏ, địa y và dày đặc những đầm lầy hoang vu.

Lúc nghe ông Phedorov, Thống đốc Khu tự trị Nhenhetxki nói rằng, khu tự trị  chỉ có hơn 40 ngàn dân, sống trên một vùng đầm lầy rộng bằng… hai phần ba diện tích Việt Nam và có đàn tuần lộc… 170 ngàn con, chúng tôi đã ngỡ ngàng. Nhưng trên máy bay, bay cả tiếng đồng hồ, chả thấy có lấy một ngôi làng nhỏ thì mới thấy nước Nga rộng lớn đến nhường nào. Người dân Nhenhetxki là thuộc dân tộc Nhian, giống như người Eskimo và họ sống chủ yếu bằng nuôi tuần lộc. Kinh tế của khu tự trị cũng chỉ dựa vào dầu mỏ và tuần lộc. Người Nhenhetxki ít là thế, nhưng trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, đã có hơn 10 ngàn người nhập ngũ, và một phần ba số đó nằm lại trên khắp các chiến trường.  

Chúng tôi xuống  khu khai thác khi trời đã gần giữa trưa.

Trời đang nắng gay gắt, bỗng trở mặt. Những đám mây sũng nước cuồn cuộn kéo tới. Gió lạnh tê tái thổi như bão và chỉ phút chốc, nhiệt độ đang từ 15 độ, tụt xuống dưới 10 độ C. Anh em công nhân vội lôi chúng tôi vào những chiếc xe Jil, và lấy áo bảo hộ, có kèm lưới chống muỗi ra cho mặc. Chiếc Jil này na ná giống chiếc Jil 157 ngày xưa dùng cho quân đội, nhưng là loại xe khách đặc biệt để đi vùng đầm lầy. Mặc thêm áo, nhưng vẫn không đủ ấm. Và trong lúc chờ Chủ tịch nước tới sau, chúng tôi đành đi thăm mỏ bằng…ôtô.

Cũng phải nói thêm rằng, so với các nước có công nghiệp khai thác, chế biến dầu khí lớn trên giới, thì ngành công nghiệp dầu khí Việt Nam còn quá non trẻ, và cũng mới “cất cánh” lên được trong khoảng hơn chục năm trở lại đây. Nhưng từ năm 2010, khi mà mỏ dầu Bắc Khosedayu ở vùng tự trị Nhenhetxki thuộc Liên bang Nga cho dòng dầu thương mại, thì lúc đó, vị thế của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã được biết đến trên tầm quốc tế.

Chủ tịch Hội đồng Thành viên PVN Phùng Đình Thực báo cáo với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang về mỏ Tây Khosedayu

Trên thế giới, những nơi có trữ lượng dầu mỏ lớn, có điều kiện khai thác thuận lợi thì đã bị các tập đoàn khai thác dầu khí lớn chia nhau hết sạch. Là người đi sau, chúng ta đành phải tìm đến những nơi  mà tạm gọi là “khó nhằn”, mà một trong những nơi đó là ở  vùng cực Bắc nước Nga.

Khai thác dầu ở vùng này đúng là “thiên nan vạn nan”. Mỏ dầu Khosedayu nằm cách Mátxcơva hơn 3.000km về phía bắc, giữa một vùng đầm lầy hoang vu. Ngôi làng gần giàn khoan nhất cũng cách hơn… 300km. Vùng này mỗi năm phải chịu 9 tháng mùa đông và lúc lạnh nhất từ tháng 12 đến tháng 3, nhiệt độ luôn “quanh quẩn” ở mức từ 20- 50 độ âm. Mùa đông thì rét tới mức, có khi hơi thở đóng thành băng ngay khi vừa ra khỏi… mũi, còn mùa hè thì muỗi nhiều vô cùng. Muỗi ở đây to gần như con ruồi, vòi dài đến 3mm, và dễ dàng xuyên thủng cả quần bò và chúng lao vào người như ném cát. Khi đi ra ngoài, công nhân phải có mạng che mặt chống muỗi.

 Ở đây không có đường vận chuyển, không có cơ sở hạ tầng công nghiệp. Để có đường chở các thiết bị siêu trường siêu trọng vào mỏ, những người thợ Nga - Việt phải “mở đường máu” - ấy là vun tuyết thành đường, rồi lu, đầm thật chặt… Con đường trên băng ấy dài hơn 400km băng qua những cánh rừng và chủ yếu là trên đầm lầy. Và đó là những con đường có tuổi thọ tính bằng… tháng. Thông thường, đường được hoàn thành vào giữa tháng 12 và tồn tại tới… giữa tháng 4. Khi những tia nắng mùa hè xuất hiện, thì con đường biến mất, thay vào đó là đầm lầy, và những bình nguyên cỏ hoang vu. Khi không có đường, thì việc vận chuyển phải dùng trực thăng siêu nặng. Những chiếc trực thăng này có thể cẩu thiết bị nặng đến 26 tấn… Tất nhiên, giá cho việc vận chuyển này là cực đắt.

Ông Phedorov, Thống đốc khu tự trị, nói với Chủ tịch Trương Tấn Sang với vẻ cảm động: “Ở vùng cực Bắc này, chỉ sống trong nhà cũng đã khó, nói gì đến phải lao động trên công trường. Chúng tôi cảm ơn những người thợ dầu khí của Liên doanh Rusvietpetro đã mang đến cho vùng băng giá này ngọn lửa sưởi ấm mới. Chúng tôi rất xúc động được đón Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam, vị nguyên thủ nước ngoài đầu tiên đến thăm khu tự trị”.

Trang phục chống muỗi cho công nhân

Trong hoàn cảnh khó khăn như vậy, nhưng những người thợ dầu khí Nga - Việt tại Liên doanh Rusvietpetro đã lập nên kỳ tích về tiến độ xây dựng mỏ và khai thác:

Giữa năm 2008, Liên doanh  Rusvietpetro được thành lập và  được chính quyền Nga cho phép tiến hành dự án phát triển và khai thác dầu khí tại 4 lô với diện tích khoảng 807km2 ở vùng cực Bắc Khu tự trị Nhenhetxky.

Sau gần 2 năm hoạt động thăm dò, Rusvietpetro đã phát hiện ra 13 mỏ dầu khí có trữ lượng thu hồi 95,6 triệu tấn dầu. Ngoài ra, Rusvietpetro cũng có quyền thực hiện các dự án khác liên quan đến khai thác dầu khí trên lãnh thổ.

Nhưng mới đến tháng 9/2010, mỏ Bắc Khosedayu đã cho dòng dầu thương mại.

Tháng 7/2011, mỏ Visovoi đã đi vào khai thác.

Và ngày 29/7 năm nay, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Đoàn lãnh đạo cấp cao Việt Nam đã tới chứng kiến Lễ khai thác dòng dầu thương mại tại mỏ Tây Khosedayu.

Tiến độ này là chưa từng có trong lịch sử khai thác dầu khí trên thế giới và được coi là dự án có hiệu quả lớn nhất của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tại nước ngoài cho tới thời điểm hiện nay.

 Mỏ Bắc Khosedayu

Năm 2011, Rusvietpetro khai thác 1,51 triệu tấn, năm 2012, sản lượng là 2,83 triệu tấn, cho tổng doanh thu 1 tỉ USD, lợi nhuận sau thuế là 240 triệu USD và phía PVN được chia 49% theo tỉ lệ góp vốn. Năm 2013, dự kiến sản lượng sẽ tăng thêm 1 triệu tấn nữa, và tới năm 2017, sẽ đạt mức 4,5 triệu tấn. Đây sẽ là con số vô cùng có ý nghĩa cho việc đảm bảo an ninh năng lượng của Việt Nam. Và cùng với việc khai thác dầu ở Venezuela, Algeria trong những năm tới và thêm một số mỏ ở Nga trong cuối năm nay và sang năm, thì Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã cơ bản giải được bài toán về năng lượng dầu mỏ cho nhiều năm sau này. Đó cũng là minh chứng cho tầm nhìn chiến lược của lãnh đạo Đảng, Chính phủ và của Tập đoàn trong những năm qua. Nếu không có các hoạt động ngoại giao ở tầm cao và các nỗ lực của lãnh đạo Tập đoàn thì không bao giờ có được những khu mỏ tại nước ngoài như ở Nga, Venezuela…

Có một thực tế là mặc dù mỏ Bạch Hổ (sắp đón tấn dầu thứ 200 triệu vào vài ngày tới) là loại mỏ có trữ lượng cực lớn trên thế giới, nhưng chúng ta đã khai thác quá lâu, và đang khai thác tận thu, nên sản lượng suy giảm. Cũng phải nói thêm rằng, hiện nay, mức độ khai thác và hệ số thu hồi dầu trong mỏ của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tại Bạch Hổ là cao nhất thế giới, tới gần 50%. Do sản lượng như vậy, cho nên, muốn giữ được sản lượng dầu như hiện nay, hoặc nhích lên thì buộc phải vươn ra vùng biển sâu, ra nước ngoài. Khai thác vùng biển sâu chi phí cực kỳ cao. Nếu như ở độ sâu dưới 90m nước, giá cho một mũi khoan khoảng 20 triệu USD, thì ở độ sâu từ trên 100m, giá cao gấp… 15 lần – nghĩa là khoảng 300 triệu USD. Và chi phí cho giàn khoan nước sâu cũng vào khoảng 1 triệu USD cho một ngày. Đây thực sự là một con số khổng lồ mà không phải Tập đoàn dầu khí nào cũng dám mạo hiểm đầu tư.

Ở Nhenhetxki,  dầu hút lên là loại dầu tốt, có giá trị cao. Nhưng vận chuyển thì lại rất không đơn giản. Liên doanh phải xây dựng một đường ống dài hơn 150km tới Trung tâm Vận chuyển Dầu quốc gia Nga, rồi lại thuê tiếp 150km đường ống nữa.  Đường ống này được thiết kế đặc biệt bởi nó phải đảm bảo “sưởi ấm” cho dòng  dầu, không bị đông lại dưới nhiệt độ âm 500C . Đường ống phải được cách nhiệt, rồi được gia nhiệt cho đủ nóng để làm loãng dầu, và phải có các phụ gia chống đông. Mùa đông năm 2010, cũng đã có lúc đường ống bị tắc do dầu đóng băng. Để xây dựng nhà máy, Liên doanh phải đổ 600 ngàn mét khối cát để tôn nền một vùng đầm lầy rộng 20 héc ta, lên độ cao gần hai mét. Cát ở đây được lấy từ mỏ cách ba chục cây số.

Toàn cảnh khu mỏ Nhenhetxki

Sau khi trao Huân chương Lao động hạng Ba cho Liên doanh Rusvietpetro và ông Tổng Giám đốc Rusvietpetro,   Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định: “Đây là dự án hiệu quả nhất của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tại nước ngoài và minh chứng hùng hồn cho mối quan hệ tốt đẹp giữa hai quốc gia Nga -  Việt”. Chủ tịch cũng mong muốn Tập đoàn Dầu khí Việt Nam sẽ mở rộng hơn nữa hợp tác khai thác dầu khí với các tập đoàn của Nga, và cùng nhau vươn sang các nơi khác.

Ông Trần Đức Chính, Trưởng ban Quản lý Dự án ở nước ngoài của PVN cho biết: Dự án có được tốc độ kỷ lục như vậy, trước hết là do cách quản lý mới của Ban điều hành Rusvietpetro, đó là hợp tác chặt chẽ, giải quyết kịp thời mọi vướng mắc nảy sinh. Tổ chức định kỳ giao ban ba bên gồm: Tập đoàn Zarubeznhneft, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và nhà thầu. Hai bên cùng đặt ra mục tiêu về tiến độ và khi đã thống nhất ý chí, thống nhất cách làm thì tất cả đều “xông lên phía trước”, không bàn lùi, không đổ lỗi cho hoàn cảnh khách quan. Về kỹ thuật, có điều may mắn là Rusvietpetro được thừa hưởng thiết kế chuẩn cho khai thác dầu từ thời Liên Xô (cũ). Ta dựa vào thiết kế chuẩn ấy và có điều chỉnh cho phù hợp để thích ứng.

Trong buổi lễ đón dòng dầu thương mại từ mỏ Tây Khosedayu, ông Giám đốc Zarubeznezt đã chân thành cảm ơn ông Trần Ngọc Cảnh, nguyên Tổng Giám đốc PVN là người đã “mở đường” cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tiến lên phương Bắc nước Nga. Ông cũng cảm ơn Tiến sĩ Phùng Đình Thực, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn, Tổng giám đốc Đỗ Văn Hậu và một số đồng chí Phó tổng giám đốc đã gắn bó với Dự án Nhenhetxki.

Trong không khí vui mừng, phấn khởi, chúng tôi cũng rất xúc động khi được nghe một số cán bộ của Tập đoàn đang công tác lại Liên doanh Rusvietpetro nhớ đến công lao của các đồng chí lãnh đạo Tập đoàn đã nỗ lực không ngừng để đặt được những bước đi vững chắc cho PVN tại vùng đất băng giá này. Còn với Chủ tịch HĐTV Phùng Đình Thực, ông nói rất thật rằng, ông đã được chứng kiến nhiều buổi lễ đón dòng dầu thương mại, nhưng  lần tìm ra dầu ở mỏ nào cũng khiến ông hồi hộp, rồi mừng đến mất ăn, mất ngủ… Cảm giác đó, chắc chắn chỉ những người cả đời “vạn dặm tìm dầu” mới có được.

N.N.P

(Năng lượng Mới số 142, ra thứ Ba ngày 31/7/2012)