Kỳ thú lễ nghinh ông

06:33 | 01/10/2011

1,036 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Lễ hội nghinh Ông vừa diễn ra ở huyện Cần Giờ, là một trong năm lễ hội lớn của TP Hồ Chí Minh năm 2011 và đang được xem xét để bình chọn là di sản văn hóa phi vật thể của TP HCM. Từ rất lâu, lễ nghinh Ông và tục thờ cúng cá Ông đã trở thành nét văn hóa tâm linh kỳ thú, đậm đà bản sắc của các cư dân huyện Cần Giờ và các vùng ven biển trong cả nước…

Ngày hội của ngư dân

Cần Giờ, “tiền đồn” vùng ven biển ở phía đông nam của TP Hồ Chí Minh, không chỉ nổi tiếng là khu dự trữ sinh quyển thế giới với các cánh rừng ngập mặn đan xen hệ thống sông rạch dày đặc, nơi cư trú của nhiều loài động, thực vật quý hiếm, mà còn bởi Lễ hội nghinh Ông nổi tiếng độc đáo diễn ra vào giữa tháng 9 hàng năm.

Điểm nhấn của lễ hội này, thu hút sự quan tâm của hàng ngàn du khách chính là Lễ nghinh và rước Ông trên biển, diễn ra tại thị trấn Cần Thạnh (huyện Cần Giờ). Các vị chủ tế trong Hội Vạn lạch “Lăng Ông Thủy tướng Nam Hải huyện Cần Giờ” với trang phục áo dài khăn đóng chỉnh tề, làm Lễ rước kiệu của Nam Hải Tướng quân xuống thuyền rồng ra biển. Tại bến đò Cần Thạnh, hàng trăm ghe lớn nhỏ, trang hoàng lộng lẫy, cờ hoa rực rỡ lập thành đoàn tháp tùng theo thuyền rồng ra biển rước “vong linh” cá Ông.

Theo truyền thuyết, số người trên thuyền càng đông, sẽ hứa hẹn một năm đánh bắt càng nhiều cá. Suốt lộ trình trên biển, đoàn lân, sư, rồng đánh trống rộn rã, vang dội cả vùng. Các chủ ghe bày mâm cúng, khấn vái được làm ăn thuận buồm xuôi gió, đánh bắt thủy, hải sản được dồi dào. Sau hai giờ tổ chức nghi lễ trên biển, các ghe thuyền quay trở về nơi xuất phát. Trên bến Cần Thạnh, các đoàn múa Lân, Sư tử, Rồng cùng những đội cà kheo được hóa trang khéo léo đã đợi sẵn. Dọc theo đường rước, ngư dân sống trên biển và bà con bày lễ vật nghênh đón. Lễ đón Ông về Lăng diễn ra theo đúng nghi thức cổ truyền, đón – tế trang trọng, đưa kiệu Nam Hải Tướng quân nghinh rước về lại miếu Hải Thần (lăng Ông Thủy tướng Nam Hải).

Rước kiệu Ông về miếu Hải Thần (lăng Ông Thủy tướng Nam Hải huyện Cần Giờ)

Ông Ngô Văn Dị, Vạn trưởng của Hội Vạn Lạch “Lăng Ông Thủy tướng Nam Hải huyện Cần Giờ” cho biết, đây là nét văn hóa tâm linh độc đáo của người dân vùng biển và cũng là dịp nghỉ ngơi, vui chơi sau những ngày lao động nặng nhọc của các ngư dân. Thông thường, khi rước kiệu Ông về Lăng, bà con ngư phủ thường cầu khấn Ông phù hộ cho họ được ra khơi đánh bắt thuận buồm, xuôi gió. Ở Cần Giờ, mọi người hay truyền nhau câu nói “chim chết vì ná, cá chết vì gió”, vì thế đối với các ngư dân, gió là cực kỳ quan trọng. Ai cũng cầu mong Ông phù hộ trời đất mưa thuận, gió hòa thì mới có nhiều tôm cá.

Cũng theo ông Ngô Văn Dị, lễ hội cũng là dịp để các ngư dân gặp gỡ giao lưu, thể hiện tình đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ nhau trên biển như câu nói thường được truyền tụng của các ngư dân Cần Giờ: "Đậm tình bạn cũ lái xưa. Chung lưng sóng gió nắng mưa không sờn” .

Theo Hội Vạn lạch “Lăng Ông Thủy tướng Nam Hải huyện Cần Giờ”, Lễ cúng tế Cầu Ngư (nghinh Ông) xuất hiện từ năm 1816 (thời vua Gia Long), sau khi vua ra lệnh dựng Lăng thờ Ông “Thủy tướng Nam Hải” (cá Ông) trên miếu Hải Thần ở cửa biển Cần Giờ xét theo tầm quan trọng của vùng cửa biển này. Đến năm 1913, thời vua Thành Thái, Lễ cúng nghinh Ông được tổ chức quy củ hơn và bắt đầu diễn ra hàng năm. Có thời điểm lễ hội bị gián đoạn trong một khoảng thời gian khá dài và sau đó được khôi phục, đều đặn được tổ chức trở lại từ năm 1980 cho đến nay.

Theo ước tính, trong lễ hội năm nay (được chọn là một trong năm lễ hội lớn nhất TP HCM), Cần Giờ đã đón khoảng 15.000-20.000 du khách đến tham quan. Lễ hội mỗi năm đều được nâng cấp, phục dựng với quy mô hoành tráng và được Sở Văn hóa – Thể thao & Du lịch TP HCM nâng lên thành lễ hội lớn cấp thành phố. Hiện lễ hội này đang được xem xét để trở thành di sản văn hóa phi vật thể của TP HCM.

Mỹ tục làng biển

Theo nghiên cứu của các chuyên gia, Lễ nghinh Ông là lễ hội cúng cá Ông (cá voi) của ngư dân các tỉnh miền ven biển miền Trung trở vào Nam và cũng là lễ hội cầu ngư, cầu cho biển lặng gió hòa, ngư dân may mắn làm ăn phát đạt, an khang. Các ngư dân xem cá Ông là sinh vật thiêng ở biển, chính là vị thần hay vị thủy tướng Nam Hải và Đông Hải, cứu tinh đối với những người đánh cá và làm nghề trên biển nói chung. Tục thờ cúng cá Ông là một tín ngưỡng của cư dân vùng ven biển, hay còn gọi là vạn chài, có từ thời xa xưa. Như ở lăng Ông Thủy tướng Nam Hải huyện Cần Giờ hiện đang thờ bộ xương cốt của một cá Ông (ngư dân gọi là ngọc cốt) có chiều dài 12m, lụy (chết) vào năm 1971, được Viện Bảo tàng TP HCM phục dựng vào năm 2001. Ngoài ra, ở Cần Giờ còn có một mảnh đất lớn được dành riêng để chôn xác cá voi lụy ở vùng biển Cần Giờ mà người dân ở đây quen gọi là nghĩa địa cá Ông.

Thông thường, tại các miếu Hải Thần hay Lăng Ông Thủy tướng, ngư dân thường phối thờ Cá Ông cùng các vị thần khác đã giúp đỡ và phù hộ cho ngư dân no ấm như: Ngũ Hành Nương Nương, Hữu Lý Ngư, Tả Lý Lịch, Hà Bá, Thủy Quan, Ngọc Lân…

Đối với tâm linh của các ngư dân, cá Ông là một vị thần của Biển Đông được nhân dân sùng bái, chính là mảnh pháp y (áo choàng sau) của Quan Thế Âm (hay Nam Hải Bồ tát) quăng xuống biển để cứu giúp cư dân vùng biển trong cơn giông tố giữa biển khơi. Vì thế, tục thờ cúng cá Ông đã ra đời nhằm cầu yên cho các ngư thuyền ra khơi và mong được mẻ cá lớn.

Tục này thời các chúa Nguyễn đã thành lệ. Theo lệ thì dân chài ai phát hiện được cá voi mắc cạn, tục gọi là “Ông lụy” thì có bổn phận chôn cất và để tang Ông như để tang chính cha mẹ mình. Xác cá Ông được đem tắm bằng rượu rồi liệm bằng vải đỏ. Dân làng còn lấy giấy đỏ đắp vào miệng cá thấm lấy nước dãi, xong đem phơi khô rồi đốt thành tro để chữa bệnh suyễn. Xác cá được mai táng trong đụn cát gần biển. Người phát hiện ra cá voi mắc cạn thì được nhân dân tôn sùng và dưới triều nhà Nguyễn còn được miễn sưu dịch 3 năm.

Với những câu chuyện được truyền tụng từ nhiều đời về việc cá Ông liên tục cứu giúp ngư dân miền biển lúc giông to gió lớn đã khiến cho tục thờ cá Ông đã trở thành một nét văn hóa thuần túy mang đậm đà bản sắc của các cư dân vùng ven biển của Việt Nam.

Thế Vinh