Kỳ quặc “Vàng Chứ”!

07:30 | 25/07/2015

5,257 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong vụ việc hàng ngàn bà con người Mông, vì nhẹ dạ cả tin mà tụ tập trái phép ở bản Huổi Khon, xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé năm 2011, phần lớn người Mông bị lôi kéo là những người theo đạo Tin Lành (chính xác chỉ là một nhánh của đạo Tin Lành) mà lâu nay cộng đồng người Mông gọi là “Vàng Chứ” (!?). Số khác (cỡ khoảng 700 đến 800 người) là giáo dân công giáo. Số nhỏ còn lại không theo hai đạo này. Có lẽ chỉ cần những con số biết nói trên cũng cho thấy, tình hình an ninh tôn giáo ở Tây Bắc không bao giờ là đơn giản. Vậy “Vàng Chứ” là như thế nào, có gì “ưu việt” mà lôi kéo được nhiều bà con đến thế? Phóng sự này xin cung cấp cho bạn đọc một chút thông tin, để bạn đọc nhận thức được sơ bộ về loại tà đạo này…  

Để Mường Nhé bình yên

Để Mường Nhé bình yên

Vụ việc gần 7.000 bà con người Mông bị lôi kéo tụ tập trái phép, gây mất trật tự ở khu vực bản Huổi Khon (xã Nậm Kè, Mường Nhé) năm 2011 đã khép lại. Mường Nhé bây giờ đã bình yên. Việc này cho thấy, công tác phòng, chống phản động, chống âm mưu tôn giáo hóa dân tộc nơi vùng cao biên giới chưa bao giờ và không bao giờ là đơn giản…

Không làm tự khắc có ăn!?

Theo tài liệu của TS Phạm Văn Lực, giảng viên Đại học Tây Bắc, khi đạo Tin Lành du nhập vào vùng đồng bào dân tộc Mông (khoảng năm 1986-1987) thì một thời gian sau, một nhánh của tôn giáo này được tách ra, “sáng tạo” với tên gọi “Vàng Chứ”. Chính xác thì vào khoảng tháng 6-1987, đài “Nguồn sáng” phát bằng tiếng Mông trắng từ Manila (Philippines), được tiếp sóng Hồng Kông loan tin: đến ngày 14-7-1987 sẽ có mưa to gió lớn, nước ngập khắp trần gian. Không những thế, họ còn tuyên truyền lời của Chúa: “Đến năm 2000 trái đất sẽ vỡ tung, mọi người đều chết hết. Nếu ai theo “Vàng Chứ” - lúc này cái tên “Vàng Chứ” mới xuất hiện lần đầu tiên - sẽ được sống sung sướng, không làm vẫn có ăn, nhưng phải làm theo những việc sau đây: bỏ bàn thờ tổ tiên; chỗ bàn thờ cũ phải dán hình chữ thập và một miếng vải lanh; mọi người đều phải mặc quần áo lanh; các gia đình phải đăng ký để… bay lên trời và phải mua đài để nghe đài Manila”…

Kỳ quặc “Vàng Chứ”!
Tuyên truyền phổ biến pháp luật và quy chế biên giới cho đồng bào dân tộc các vùng giáp biên tại Mường Nhé

Thật tội nghiệp!

Bây giờ đang là tháng 7-2015, tức là 28 năm kể từ tháng 7-1987, ấy thế mà nào ai đã một lần thấy “nước ngập khắp trần gian” như lời “sấm” điên khùng vừa nêu trên (!?). Còn trái đất, nó vẫn tồn tại nguyên vẹn dưới chân chúng ta, cho chúng ta có đất để cày cấy, để trai gái yêu nhau có chỗ hẹn hò, để các cặp vợ chồng sinh con đẻ cái... Trái đất là một vật thể tự nhiên, nó hoàn toàn không phụ thuộc vào bất cứ thứ quyền giáo hay một thế lực quyền linh nào; nó là tài sản chung của cả nhân loại, mà trong nhân loại thì chỉ có một nhúm người cá biệt là ngớ ngẩn tin theo cái gọi là “Vàng Chứ” mà thôi (!?).

Về cái tên “Vàng Chứ”, cũng có nhiều dị bản chú thích cho loại tà đạo này. Tuy nhiên, cách lập luận theo hướng tích cực, là đồng bào Mông luôn ao ước muốn có một ông vua (Vangx) tài giỏi, công tâm để dẫn dắt người Mông tới cuộc sống thật sung sướng… vẫn thuyết phục hơn cả. Đáng tiếc là với cách “phù phép” đầy thủ đoạn, lũ phản động sáng tác ra khái niệm “Vàng Chứ” (Vua chủ, Vương chủ) hay “Vàng Chứ ntux” (Vua chủ trời, Vương chủ trời) để khéo léo Mông hóa Đức chúa trời với ông vua trong tưởng tượng của người Mông nhằm lôi kéo, lừa mị một bộ phận người Mông. Sự gá lắp đó đã lôi kéo được một bộ phận bà con dân tộc Mông vốn hiền lành chân thật đang khao khát chiến thắng cái nghèo, lạc hậu, để hướng tới một cuộc sống thực sự độc lập - tự do - hạnh phúc. Đáng tiếc là qua thời gian, vì tập tục sinh hoạt trên vùng núi cao, địa hình hiểm trở, lực lượng cán bộ mỏng nên công tác tuyên truyền chưa tới, đã giúp “Vàng Chứ” phình to và lây lan như một thứ dịch bệnh.

Kỳ quặc “Vàng Chứ”!
Bà con người dân tộc đến Trạm Quân y A Pa Chải khám chữa bệnh

Theo “Vàng Chứ”, nghe đâu mỗi tuần bà con tụ tập hai buổi để cầu xin những điều hết sức phi lý, chắc chắn không bao giờ xảy ra được. Cầu xin để không làm vẫn sống sung sướng, đó là tư tưởng lười biếng, chỉ thích hưởng thụ. Cầu xin bay được lên trời, đó là ý nghĩ ngây thơ, phù phiếm nằm ngoài khả năng của con người. Bà con cứ xem ở gia đình mình, họ hàng mình, bản xã, huyện, tỉnh mình, có ai không có làm mà vẫn sống sung sướng không? Hậu quả nhỡn tiền là mùa màng bỏ bê, ruộng nương xơ xác, nhà cửa tan hoang, làng bản tiêu điều. Trong gia đình, cha con mâu thuẫn, anh em xô xát, vợ chồng bất hòa chỉ vì người này theo “Vàng Chứ”, người kia không theo “Vàng Chứ”. Rộng hơn nữa là họ tộc này ghét bỏ họ tộc kia, nhân dân đối lập với chính quyền. Như vậy tức là lũ phản động tuy không đánh trực diện mà chúng ta vẫn đau, đau từ trong tâm đau ra. Chúng gây hận thù giai cấp, chia rẽ dân tộc, nằm trong âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, nhằm chống phá cách mạng Việt Nam.

Thượng tá Lò Văn Khiêm, Phó trưởng phòng Chống phản động và chống khủng bố - Công an tỉnh Điện Biên cho hay, đứng trước mặt cán bộ, có người điềm nhiên nhắc đi nhắc lại họ rất tin vào “Vàng Chứ” (!). Nhưng khi cán bộ hỏi “Vàng Chứ” ở đâu, hình hài thế nào và ân đức của “Vàng Chứ” ra làm sao... thì không ai trả lời được. Còn thực tế đây, là đường giao thông nông thôn, là bệnh xá, trường học, bể nước sạch, trạm biến áp, tháp truyền hình, công trình thủy lợi… cùng bao nhiêu thứ không thể liệt kê hết nữa. Tất cả là nhờ ơn Đảng, nhờ ơn Chính phủ mới có. Ngay cả hàng chục mặt hàng nhu yếu phẩm cho bà con vùng cao, cũng nhờ ơn Đảng, nhờ ơn Chính phủ mới có cái giá bán trợ cước rẻ đến mức ấy. Khoản bù giá đó được trích ra từ ngân khố quốc gia. Mặc dù ngân khố quốc gia còn nhiều khó khăn, nhưng vẫn ưu tiên hàng đầu. Trong khi ấy, bà con bảo không có tiền mua sách giáo khoa cho trẻ, không có tiền mua thuốc chữa bệnh cho người già; nhưng rất nhiều người lại có tiền để mua sách thánh, mua ảnh “Vàng Chứ” mà dại dột nữa là đem tiền nộp cho bọn bịp bợm để đăng ký lúc chết được lên thiên đường(?). Bà con bảo theo “Vàng Chứ” để cưới xin, ma chay thủ tục đơn giản, đỡ tốn kém. Công bằng mà nói, đỡ tốn kém cho bà con là rất tốt. Có điều, không phải bây giờ mà hàng chục năm ròng đã qua, Đảng, Chính phủ và Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam luôn kêu gọi, khuyên nhủ bà con các dân tộc, kể cả dân tộc Kinh, phải hết sức tiết kiệm trong ma chay, cưới xin, lễ lạt... Vậy thì, tốn kém là do bà con, chứ Đảng, Nhà nước và MTTQ có muốn thế đâu? Trên đây chỉ là cách nói lấp liếm, do kẻ khác mớm lời, lợi dụng vào những khó khăn tạm thời để đánh lừa bà con, nhằm đối phó với chính quyền mà thôi. MTTQ các cấp sẽ khuyến khích, sẽ có phần thưởng xứng đáng cho bà con nào gương mẫu trong việc thực hiện tốt cuộc vận động xây dựng gia đình văn hóa, làng bản văn hóa, do Mặt trận Tổ quốc phát động.

Kỳ quặc “Vàng Chứ”!
Đưa các đối tượng tham gia tuyên truyền tín ngưỡng trái phép ra kiểm điểm trước dân

Theo tài liệu lưu giữ ở Công an tỉnh Điện Biên, kinh thánh “Vàng Chứ” của đồng bào Mông gồm 3 quyển in chữ Mông Latinh, dày tổng cộng gần 1.000 trang, không ghi chú nơi in, không nơi xuất bản, không năm phát hành và không có ai chịu trách nhiệm về việc in ấn. Có hỏi cũng chỉ được bà con cho biết, do một số người theo “đạo Vàng Chứ” tự phong là “trưởng đạo” xuống Hà Nội mang lên, giữ khư khư và chỉ truyền mồm.

Đương nhiên người dân tộc khác không thể đọc được các cuốn sách này, mà ngay cả một số người dân tộc Mông theo “đạo Vàng Chứ” cũng không đủ “thông thái” để cắt nghĩa hết. Số người “giác ngộ” được hầu hết là thanh niên, mà họ học từ bao giờ cũng không ai biết, chỉ đoán họ được học qua các buổi truyền đạo và học truyền nhau mà thôi. Có một số người chữ viết phổ thông không biết, nếu có biết thì phát âm và đánh vần, đọc cũng rất chậm nhưng có thể đọc gần như “thuộc làu” những quyển sách trên. Tất nhiên, ý nghĩa của những vấn đề viết và in trong đó, chỉ có người Mông hiểu, còn nếu dịch ra nghĩa tiếng phổ thông thì hầu như là “vô cùng khó khăn”, chỉ là hiểu ý tương đối mà thôi.

Trở lại chuyện “cài cắm” những luận điệu xuyên tạc vào lời hay ý đẹp của Kinh thánh, cái “lếu láo” của bọn phản động là nếu Chúa trời dạy giáo dân 10 điều, thì sách thánh của lũ phản động lại thêm thắt thành 12, 13 điều. Tức là chúng tự cho mình quyền năng của Chúa để bổ sung 2 đến 3 điều có nội dung chống phá Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, tuyên truyền những nội dung không tồn tại trong cuộc sống, mà “miền đất tươi đẹp” Huổi Khon là một ví dụ. Đó là điều cực kỳ nguy hiểm trong vấn đề tôn giáo…

“Tinh võ” đối phó với “Vàng Chứ”

Nhắc đến chuyện “tập bay”, thuốc thang, muối ăn, rồi bột canh I-ốt, nhiều cán bộ Công an tỉnh Điện Biên và Lai Châu còn phì cười vì nhớ đến những câu chuyện vận động dân không theo “Vàng Chứ” của Đại tá Giàng Páo Ly, nguyên Phó giám đốc Công an tỉnh Lai Châu (cũ). Là người Mông, nên hơn ai hết thủ trưởng Ly hiểu gốc rễ, ngọn nguồn của bà con mình.

Phải nói thêm rằng, khi còn là công an vũ trang, ông Giàng Páo Ly còn được vinh dự gặp Bác Hồ hai lần. Lần thứ nhất vào giữa năm 1961, sau khi lập công xuất sắc trong chiến dịch tiễu phỉ ở Phong Thổ, Mường Tè… Chuẩn úy Giàng Páo Ly được cử về Hà Nội dự lớp bồi dưỡng chiến sĩ thi đua toàn lực lượng. Sau đó, một vinh dự lớn nữa đã đến với ông, khi có mặt trong đoàn đại biểu Bộ Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang dự Hội nghị Chính trị đặc biệt, được báo cáo thành tích với Bác Hồ. Đối với Páo Ly, một người con của núi rừng Tây Bắc, việc được gặp Bác làm lòng ông vô cùng sung sướng và tự hào.

Hồi cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, khi “Vàng Chứ” đang “sôi động”, để thực hiện âm mưu lôi kéo người Mông đi theo “Vàng Chứ”, những kẻ cầm đầu đã xuyên tạc, tuyên truyền sai lệch một số chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, gây mâu thuẫn, chia rẽ giữa người Mông với các dân tộc khác… Tình hình khá căng thẳng! Với tư cách là Phó giám đốc Công an tỉnh Lai Châu (cũ), ông đã đề xuất Ban Giám đốc xây dựng kế hoạch tăng cường cán bộ xuống củng cố 52 xã vùng cao xung yếu.

Thật ác là kẻ xấu nói với bà con rằng, theo “Vàng Chứ” thì không cần làm cũng có ăn, ai ốm cứ quỳ ở giữa nhà chắp tay cầu đấng ơn trên là khắc tự khỏi bệnh… Thế mà họ lại bắt bà con ai bán được bất cứ thứ gì cũng phải tự giác khai báo và phải nộp cho họ từ 10-20% giá trị hàng hóa để họ chuyển lên “báo ơn với ơn trên”. Nhưng trên thực tế không có vị “Chúa” nào hiện hữu bằng xương, bằng thịt, vậy thì làm sao ơn trên có thể nhận được những đồng tiền mồ hôi nước mắt của bà con. Chẳng qua, chúng mượn danh ơn trên để bòn rút, bóc lột sức lao động của bà con.

Bởi vậy, vào những thời điểm nhận thấy có tính chất quyết định, đích thân Đại tá Ly đã vào tận hang ổ của bọn tuyên truyền “Vàng Chứ”, đối thoại trực tiếp với những tên cốt cán để cùng giải quyết vấn đề. Vì bà con được tuyên truyền là theo “Vàng Chứ” sẽ biết bay, Đại tá Ly đã dẫn một nhóm đồng bào Mông ra cầu Hang Tôm (QL12, nối Mường Lay qua sông Đà tới Phong Thổ, Sìn Hồ) và hài hước nhờ dậy… bay. Vị Đại tá thủng thẳng: “Nghe thấy theo Vàng Chứ bà con sẽ bay được, tao thích cái bụng quá. Mày bay trước đi, mày mà bay được tao cũng theo Vàng Chứ luôn”. Khi ra đến cây cầu có độ cao tới 70m tính từ mặt nước lên đến mặt cầu, nhìn sông Đà cuồn cuộn chảy về xuôi, nhóm thanh niên Mông đều hãi hùng và tìm cách lẩn dần. Nghe đâu về sau, các mái nhà, đỉnh núi, bờ vực… đều được Đại tá Phó giám đốc Công an tỉnh “trưng dụng” để thức tỉnh bà con.

Rồi chuyện thuốc men, muối ăn, bột canh I-ốt… những nhu yếu phẩm cũng bị Đại tá Ly dọa cắt. Vì đơn giản khi theo “Vàng Chứ”, có bệnh có tật, cứ quỳ gối giữa nhà chắp tay xin đấng ơn trên là khỏi bệnh thì cần gì phải thuốc men, muối, bột canh. Thế là bà con lại gật gù và cho rằng, ông Ly là cán bộ mà ông ấy còn không tin thì mình tin làm gì. Quả là hiệu nghiệm!

Đến giờ phút này, Công an tỉnh Điện Biên vẫn giữ nguyên quan điểm: để bà con thoát khỏi tà đạo thì phải bằng tình cảm và tình đồng bào mà Đại tá Giàng Páo Ly khởi xướng. Trước diễn biến phức tạp về hoạt động tuyên truyền, phát triển đạo biến tướng vào vùng dân tộc thiểu số, Công an tỉnh luôn chủ động chỉ đạo với các đơn vị nghiệp vụ có liên quan tổ chức điều tra, nắm chắc âm mưu “tôn giáo hóa dân tộc”. Đại diện lãnh đạo Phòng Chống phản động và chống khủng bố - Công an Điện Biên chia sẻ, biện pháp chủ yếu vẫn là đẩy mạnh tuyên truyền, để bà con hiểu phát triển đạo trái pháp luật vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số của các thế lực thù địch và hoạt động của số đối tượng cầm đầu, truyền đạo trái pháp luật trên địa bàn. Việc xử lý nghiêm những đối tượng cầm đầu, tuyên truyền đạo trái phép; tác động, hướng lái những đối tượng cầm đầu đạo sinh hoạt tôn giáo thuần túy theo quy định của pháp luật và tham gia đảm bảo ANTT trên địa bàn cũng là vấn đề được đặt lên hàng đầu.

Hiện tại, Ban Chỉ đạo 160 của tỉnh đã cho phép 8 điểm nhóm đạo (Tuần Giáo 3, Mường Chà 1, Nậm Pồ 2, Mường Ảng 1, Điện Biên 1) đăng ký sinh hoạt theo điểm nhóm; vận động nhân dân tự giác tháo dỡ 12 nhà nguyện dựng trái phép tại các huyện Mường Nhé, Nậm Pồ, Mường Chà; tham mưu tạo điều kiện cho 1.046 hộ, 6.653 người theo đạo tự nguyện quay lại phong tục truyền thống của dân tộc.

Kéo bà con Mông khỏi mộng mị

Ở Việt Nam, người Mông có tới trên 1 triệu người, chỉ xếp sau người Kinh, Tày, Thái, Mường và Khơ-me… Người Mông sống du canh, du cư, có bản sắc văn hóa độc đáo, được các thế hệ người Mông trân trọng gìn giữ. Cũng như nhiều dân tộc khác, người Mông là một dân tộc thiểu số, họ sống tản mát trên nhiều quốc gia, Tổ quốc của họ là nơi họ định cư, là nơi nuôi sống họ. Theo các nghiên cứu không chính thức, việc người Mông (thực chất chỉ có người Mông ở Hoa Kỳ) đòi thành lập Vương quốc riêng mới chỉ đặt ra trong nửa sau thế kỷ XX, nhất là sau khi 2 triệu người Mông theo chân Vàng Pao sang Hoa Kỳ và Hoa Kỳ sử dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền như một chính sách, chiến lược để can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Một trong những chiêu bài chính là Vàng Chứ.

Người Mông ở Việt Nam, trong suốt chiều dài lịch sử là một dân tộc đã có rất nhiều đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, sống hòa thuận với 53 dân tộc anh em khác và được chính quyền trân trọng, đối xử công bằng như các dân tộc anh em khác. Do tập tục du canh, du cư, nên địa bàn sinh sống của họ không cố định. Người Mông sinh sống trên 62 tỉnh, thành tập trung hơn cả là các tỉnh vùng Tây Bắc, Đông Bắc kéo dài tới Nghệ An. Cho đến năm cuối thập niên 60 của thế kỷ trước, người Mông còn chưa có chữ viết. Nhu cầu thực sự của đồng bào là giảm nghèo, cải thiện đời sống vật chất tinh thần. Chữ viết mà ngày nay người Mông đang học và sử dụng trong các văn bản là do Chính phủ Việt Nam giúp đỡ sáng tạo nên. Một động thái quyết định tới sự trường tồn của nòi giống người Mông, văn hóa của người Mông.

Nếu không thể thành lập được “vương quốc” riêng, thì việc một số đồng bào Mông nghe theo luận điệu “Vàng Chứ”, tụ họp trái phép chỉ phục vụ cho lợi ích của một nhóm phản động ở tận đâu đâu. Việc này không thể đem lại lợi ích gì cho người Mông, mà chỉ tổn thương đến tình đoàn kết của đại gia đình các dân tộc Việt Nam, phá hoại công cuộc đổi mới của đất nước và cho chính dân tộc Mông mà thôi!