Kỷ niệm về một thời khói lửa

22:33 | 30/04/2015

1,254 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Mặc dù chiến tranh đã lùi xa, nhưng trong tâm trí của nhiều ca sĩ đã sống trong thời kỳ bom đạn, có những ký ức không thể phai mờ.

NSND Thu Hiền: “Hát để hướng tới lý tưởng giải phóng”

50 năm gắn bó với sân khấu, với ánh đèn, đó cũng là chừng ấy năm NSND Thu Hiền gắn bó với những ca khúc cách mạng. 10 tuổi, bà đã thoát ly gia đình, sống tự lập và đi hát. Lớn lên trong khói lửa của những năm tháng chiến tranh, NSND Thu Hiền đã mang tiếng hát của mình tới những chiến trường ác liệt nhất từ Bắc vào Nam. Đối với bà, điều tự hào nhất chính là việc tiếng hát của mình đã góp phần động viên tinh thần cho bao người lính, bao người dân vượt qua khó khăn, vững vàng và dũng cảm hơn trên chiến trường chống giặc.

Ở thế hệ của bà, không có ai đi hát mà nghĩ rằng mình sẽ thành ngôi sao, thành nổi tiếng mà chỉ biết hát. Hát để tinh thần của mọi người mạnh mẽ hơn, hát để hướng tới lý tưởng giải phóng, hát vì tình yêu âm nhạc trong trái tim mình.

NSND Thu Hiền

Nhắc nhớ về những kỷ niệm của những lần biểu diễn cho bộ đội ngoài chiến trường, NSND Thu Hiền chia sẻ, bà vốn xuất thân là một cô thôn nữ mỏng manh, bà kể nhiều lần đi hát ở chiến trường, cứ nghe tiếng bom là bà suýt đứng tim, bàng hoàng và run rẩy. Bà nói: “Mới đầu nghe tiếng súng và ngửi mùi bom đạn tôi nôn nao hết cả người. Có những lúc khóc ngon lành vì tận mắt thấy sự tàn khốc của chiến tranh”.

Chiến tranh không chỉ có bom đạn, có khói lửa, mà trong cuộc đời đi hát, NSND Thu Hiền cũng được chứng kiến nhiều mối tình đẹp đến nao lòng. Bà chia sẻ: “Mối tình của người lính Trường Sơn thường gắn với lí tưởng, gắn với hi vọng. Vì vậy, khi hát tình ca như Trường Sơn Đôn – Trường Sơn Tây tôi luôn thấy mình “cháy”. Tôi hát cho những người lính và cho cả bản thân mình, người luôn ước ao một mối tình vượt dãy núi cao như thế”.

Tuổi đời đã ngoài 60, bà hay xúc động khi gợi kỷ niệm về một thời khoác balô, mặc áo lính. Thu Hiền còn giữ chiếc võng dù, chiếc ănggô, những bức ảnh chụp ngẫu nhiên trên chiến trường. Ngắm kỷ vật, bà tìm lại những rung động chân thật nhất khi hát các ca khúc đã sống cùng đời lính như: Cô gái Sài Gòn đi tải đạn, Những cô gái đồng bằng sông Cửu Long, Bài ca 5 tấn, Khâu áo gửi người chiến sĩ, Vàm Cỏ Ðông... Nhìn lại nửa thế kỷ đi hát của mình, Thu Hiền nói: “Tôi chỉ nói một câu đơn giản: tôi là một người lính đã hoàn thành nhiệm vụ. Tiếng hát vừa là đam mê vừa là chỗ tựa nương cho chính đời mình”.

NSND Thanh Hoa: "Dùng giọng hát gieo niềm tin vào nơi khói lửa"

NSND Thanh Hoa nhớ lại, năm 1970, khi mới 20 tuổi, bà đã trở thành ca sỹ của Đài phát thanh Giải phóng. Năm 1975, Thanh Hoa tham gia biểu diễn phục vụ chiến dịch Hồ Chí Minh ở Trường Sơn. Khi đó, mặc dù đã có 2 con nhỏ (2 tuổi và 6 tháng tuổi), nhưng là diễn viên đơn ca chính của Đài Phát thanh Giải phóng, bà nghĩ Đoàn cần mình. Vì thế, NSND Thanh Hoa vẫn quyết định để các con ở lại để đi chiến trường.

Những người bạn thân thiết cùng vào chiến trường hát phục vụ bộ đội cùng Thanh Hoa lúc đó đã rất ngạc nhiên khi thấy cô gái vốn nhút nhát và rất sợ máu Thanh Hoa tỏ ra vô cùng hồ hởi khi được theo đoàn văn công vào chiến trường.

NSND Thanh Hoa

Những bài hát mà Thanh Hoa thể hiện như "Đưa anh đi hái măng rừng", "Nổi lửa lên em", "Cánh chim báo tin vui", "Người con gái Pa cô", "Chào đường 9 anh hùng"... đã hòa chung phong trào quần chúng mạnh mẽ rộng khắp, thể hiện tinh thần lạc quan, yêu đời của bộ đội những ngày đánh Mỹ. Đó là thứ vũ khí đặc biệt góp phần tạo nên sức mạnh tinh thần mạnh mẽ, chống mọi vũ khí hủy diệt của quân thù, hun đúc ý chí, tôi luyện quyết tâm đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược.

NSND Thanh Hoa tâm sự: “Cho đến bây giờ, tôi cũng như đồng đội tôi, những người hành quân năm ấy, không ai đòi hỏi sự đãi ngộ bằng một huân, huy chương gì, chỉ biết rằng ngày thống nhất chúng tôi lại trào nước mắt, nhớ rằng mình đã được trở về với quê hương, và tiếng hát của mình cũng đã góp một chút bé nhỏ trong cuộc kháng chiến vĩ đại đó”.

Tâm sự với bạn bè của mình, NSND Thanh Hoa luôn khẳng định những ngày tháng được phục vụ trong chiến trường, được dùng giọng hát của mình để gieo vào nơi khói lửa khốc liệt niềm vui, tình yêu cuộc sống, niềm tin về một ngày mai chiến thắng chính là quãng thời gian đáng nhớ nhất trong cuộc đời làm nghề hát.

Khánh An (thực hiện)

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

(PetroTimes) - Lễ hội Holi của người Hindu, còn được gọi là Lễ hội Màu sắc, báo trước sự khởi đầu của mùa xuân.