DNNN trong nền kinh tế thị trường - Góc nhìn từ ngành năng lượng

Vị thế ngành than

21:28 | 25/09/2018

8,013 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Sau giai đoạn hình thành Tổng Công ty Than Việt Nam (tháng 10-1994) và sau này là Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) (12-2005), đến nay TKV đã giữ vững vai trò nền tảng và tiếp tục đẩy nhanh tốc độ phát triển theo hướng tăng trưởng chiến lược, đáp ứng nhu cầu than trong nước ngày càng lớn, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển kinh tế - xã hội.
vi the nganh than PVN - Công cụ điều tiết kinh tế vĩ mô quan trọng của Chính phủ
vi the nganh than Giữ “mạch nguồn nuôi sống” nền kinh tế

Vượt mốc 40 triệu tấn

Nếu như năm 1995, toàn ngành khai thác được 7,6 triệu tấn than nguyên khai thì năm 1997, sản lượng đạt 11,3 triệu tấn đánh dấu lần đầu tiên ngành Than Việt Nam vượt mốc 10 triệu tấn là mức sản lượng mà Đại hội Đảng lần thứ VIII đề ra cho năm 2000. Năm 2005 đạt 31,3 triệu tấn, năm 2007 đạt 42,2 triệu tấn, vượt mục tiêu sản lượng mà Quy hoạch phát triển ngành than đề ra cho năm 2020 (42 triệu tấn).

Và từ đó đến nay, căn cứ vào nhu cầu tiêu thụ thực tế của nền kinh tế, sản lượng than khai thác của Tập đoàn luôn đáp ứng đủ nhu cầu trong nước và xuất khẩu thu ngoại tệ, góp phần giảm nhập siêu và tạo nguồn lực tài chính cho đầu tư phát triển mở rộng.

vi the nganh than

Thông qua các hoạt động sản xuất, khai thác than, TKV đã đảm bảo việc làm cho trên 135.000 người, trong đó tại Quảng Ninh là 95.000 người, thu nhập bình quân khoảng 7,5 triệu đồng/người/tháng. Hằng năm, TKV đóng góp trên 1/3 GDP và trên 40% cho ngân sách tỉnh Quảng Ninh. Không chỉ có vậy, nhiều năm trở lại đây, TKV đã tham gia chương trình 30A của Chính phủ giúp đỡ 3 huyện nghèo thuộc các tỉnh Hà Giang, Bắc Kạn và Lâm Đồng. Ngoài ra, TKV còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện của tỉnh Quảng Ninh và các địa phương khác với kinh phí hằng năm 200-300 tỉ đồng.

Theo số liệu thống kê, nguyên liệu than sử dụng cho điện chiếm khoảng 30-50% tổng sản lượng ngành than. Trong giai đoạn tới, ngành than phải tăng cường cung cấp than cho nhiệt điện để đảm bảo năng lượng cho phát triển kinh tế đất nước trong cả phương án tăng trưởng bình thường và tăng trưởng cao. Bên cạnh đó, than còn là nguyên liệu chính cho hầu hết các ngành công nghiệp như xi măng, luyện kim, hóa chất, phân bón, xây dựng, may mặc… Đó đều là những ngành công nghiệp quan trọng có ý nghĩa sống còn đối với nền kinh tế quốc dân.

Đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia

Hiện nay, nhu cầu năng lượng điện ngày càng gia tăng, cơ cấu các nhà máy điện sử dụng than chiếm 34% trong số các nhà máy điện. Tuy nhiên, trong thời gian tới, cơ cấu nhà máy điện sử dụng than sẽ ngày càng tăng, bởi nhà máy thủy điện không tăng, năng lượng tái tạo giá thành cao nhưng phát triển còn chậm, trong khi đó nhiệt điện than hiện đang có vai trò rất lớn. Phát biểu tại lễ tổng kết năm 2016, triển khai nhiệm vụ 2017, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã nhấn mạnh: Năm nay, cân đối than cho nhu cầu trong nước còn đủ, nhưng đến năm 2020, chúng ta phải nhập 20 triệu tấn than; năm 2025 sẽ nhập 50 triệu tấn và đến năm 2030, theo kế hoạch sẽ phải nhập khoảng 80-100 triệu tấn than. Đây sẽ là thách thức lớn đối với nền kinh tế. Vì vậy, TKV cần phải chủ động trong khai thác, trong nhập khẩu than để đáp ứng yêu cầu sản xuất trong nước.

Song song với đó, TKV cần phải nâng cao chất lượng công tác thăm dò tài nguyên, khoáng sản là than và các tài nguyên khoáng sản khác, để từ đó làm cơ sở khoa học cho việc quy hoạch, lập các dự án kế hoạch đầu tư khai thác. Điều này khắc phục tình trạng khai thác tài nguyên tự phát, khai thác phong trào làm cạn kiệt tài nguyên và hủy hoại môi trường. Một điều kiện cũng đặc biệt quan trọng, đó là mục tiêu phát triển nguồn nhân lực, chất lượng đội ngũ cán bộ, công nhân ngành than để cơ bản đáp ứng được yêu cầu của nhiệm vụ giai đoạn đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Lãnh đạo Tập đoàn nhận thức rất rõ chất lượng nguồn nhân lực là yếu tố sống còn đối với sự phát triển của Tập đoàn và đã có kế hoạch, giải pháp cụ thể - cả dài hạn và ngắn hạn để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao.

Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030 điều chỉnh (Quy hoạch 403) đã xác định mục tiêu xây dựng ngành than Việt Nam trở thành ngành công nghiệp phát triển; có sức cạnh tranh cao; có trình độ công nghệ tiên tiến đáp ứng đủ than cho nhu cầu sử dụng trong nước, đặc biệt là than cho sản xuất điện.

Để đảm bảo được mục tiêu đặt ra, Bộ Công Thương đã chỉ đạo TKV cần hội nhập sâu rộng vào thị trường than thế giới. Đối với chính sách Nhà nước, hiện nay đã xây dựng cơ chế đặc thù đủ điều kiện cho quy hoạch phát triển ngành than.

Về giải pháp thực hiện, ngành than tập trung việc đào tạo nguồn nhân lực và đầu tư khoa học công nghệ, đẩy mạnh nghiên cứu, tiếp nhận, chuyển giao, làm chủ công nghệ - kỹ thuật tiên tiến trong lĩnh vực thăm dò, khai thác, chế biến than (đặc biệt là công nghệ khai thác than dưới mức -300m bể than Quảng Ninh và bể than Sông Hồng); Nghiên cứu, áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật và quản lý nhằm sử dụng tiết kiệm tài nguyên, tiết kiệm chi phí trong các khâu thăm dò, khai thác, chế biến, vận chuyển, tiêu thụ và kinh doanh than… Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động điều tra cơ bản, thăm dò, đánh giá tài nguyên và trữ lượng than trong nước để chuẩn bị cho sự phát triển bền vững của ngành; Nghiên cứu phát triển, ứng dụng các công nghệ tiến bộ trong thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng than; áp dụng các biện pháp kỹ thuật và quản lý tiên tiến để giảm tỷ lệ tổn thất trong khai thác than.

Theo Quy hoạch điện VII (điều chỉnh) đã được phê duyệt, mục tiêu đến năm 2020, công suất nhiệt điện than chiếm khoảng 42,7% trong tổng cơ cấu nguồn điện. Đây là các dự án nhiệt điện than đã được cấp phép đầu tư và bổ sung thêm một số dự án dự phòng khi các nguồn năng lượng tái tạo không kịp đưa vào vận hành. Và để cụ thể hóa mục tiêu này, tại Quy hoạch điện VII (điều chỉnh), Chính phủ đã giao cho TKV giữ vai trò chính trong việc đảm bảo cung cấp than cho sản xuất điện và các nhu cầu khác của nền kinh tế quốc dân từ các nguồn than trong nước và nhập khẩu. Đầu tư các dự án nguồn điện theo nhiệm vụ được giao. Đồng thời, phối hợp với nhà đầu tư tư nhân trong nước và nước ngoài để đầu tư xây dựng các cảng trung chuyển than.

Nói vậy để thấy rằng, áp lực đảm bảo nguồn than cho các nhà máy nhiệt điện qua đó góp phần đảm bảo mục tiêu “điện đi trước một bước” là vô cùng lớn. Và áp lực này được Chính phủ tin tưởng đặt trọn “trên vai” TKV!

Phát triển ngành than ổn định là điều kiện cần để phát triển các ngành công nghiệp khác, là một trong những ngành công nghiệp quan trọng hàng đầu, có vai trò không thể thay thế trong sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa.

(Xem tiếp kỳ sau)

Mạnh Kiên

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc