Ký hợp đồng EPC Tổ hợp NH3 (mở rộng) - Nhà máy NPK

16:39 | 07/06/2015

1,490 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Ngày 7/6 tại Trụ sở Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Hà Nội), Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí – CTCP (PVFCCo) cùng Liên danh các nhà thầu Technip, ThyssenKrupp IS và Tổng công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí (PTSC) đã ký hợp đồng EPC (thiết kế, vật tư thiết bị, vận hành thử) Tổ hợp NH3 (mở rộng) - Nhà máy NPK Phú Mỹ.

Tham dự và chứng kiến Lễ ký có đồng chí Bùi Văn Cường, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương; ông Nguyễn Hồng Trường, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải; ông Nguyễn Văn Thanh, Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công Thương); ông Nguyễn Việt Sơn, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương).

Về phía Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, có Chủ tịch Hội đồng Thành viên Nguyễn Xuân Sơn; các thành viên Hội đồng thành viên Vũ Khánh Trường và Phan Ngọc Trung; các Phó tổng giám đốc Tập đoàn Nguyễn Hùng Dũng và Lê Mạnh Hùng.

Giới thiệu về Dự án, Chủ tịch Hội đồng quản trị PVFCCo Lê Cự Tân cho hay, Tổ hợp NH3 (mở rộng) – NPK Phú Mỹ có diện tích hơn 15ha, được xây dựng trong khuôn viên Nhà máy Đạm Phú Mỹ, gồm 2 hạng mục là xưởng NH3 mở rộng và Nhà máy NPK Phú Mỹ. Tổng mức đầu tư cho tổ hợp là gần 5.000 tỉ đồng, trong đó 70% là vốn vay, 30% của chủ đầu tư.

Đối với hạng mục tăng công suất cho xưởng NH3, sản phẩm NH3 được sử dụng tại chỗ cho Nhà máy sản xuất phân bón NPK Phú Mỹ và đáp ứng một phần nhu cầu NH3 trong nước còn thiếu hụt. 

Nhà máy NPK Phú Mỹ có thể sản xuất phân bón NPK chất lượng cao, đa dạng công thức, đảm bảo hàm lượng các nguyên tố đa, trung và vi lượng, phù hợp với các nhu cầu sinh trưởng của cây trồng tùy từng vùng thổ nhưỡng. Hiện mỗi năm Việt Nam cần tới 4 triệu tấn NPK nhưng các Nhà máy trong nước chỉ đáp ứng được trên dưới 10% nhu cầu.

Chủ đầu tư và Liên danh tổng thầu ký kết hợp đồng EPC Tổ hợp NH3-NPK Phú Mỹ

Phát biểu tại Lễ ký, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam Nguyễn Xuân Sơn một lần nữa khẳng định vị trí của dự án.

“Đây là dự án quan trọng, có thể chưa phải ở mức qui mô, nhưng đối với một quốc gia nông nghiệp Việt Nam, việc tự chủ được hậu cần ngành nông nghiệp luôn là vấn đề cốt lõi. Sau khi nâng cấp, xưởng NH3 của PVFCCo sẽ cung cấp cho thị trường gần 550 nghìn tấn/năm, đóng góp quan trọng trong đầu vào nguyên liệu cho các nhà máy phân bón, hóa chất, thực phẩm... trên cả nước. Đặc biệt là Nhà máy NPK, khi đi vào hoạt động sẽ cung cấp 250 nghìn tấn NPK /năm, thay thế một phần NPK phẩm cấp cao mà chúng ta đang phải nhập khẩu hằng năm”, Chủ tịch Nguyễn Xuân Sơn nhận định về tổ hợp.

Chủ tịch nhấn mạnh, trong bối cảnh giá dầu biến động khó lường và tiêu cực như hiện tại, việc thay đổi cơ cấu sản phẩm ở khâu sau sẽ quyết định sự thành bại của các công ty dầu khí nói chung, và Petrovietnam cũng không phải ngoại lệ. Việc sử dụng khí từ các mỏ của PVN vào các dự án mang giá trị gia tăng cao như của PVFCCo, chính là thực hiện chiến lược phát triển trên. Bên cạnh đó, sự có mặt của PTSC trên danh nghĩa là nhà thầu thi công tiếp tục là minh chứng cho nội lực PVN, nâng cao khả năng cạnh tranh, tính minh bạch các đơn vị thành viên khi “thương trường” khu vực và quốc tế ngày càng khốc liệt.

Chủ tịch Nguyễn Xuân Sơn đánh giá cao, đồng thời đề nghị các nhà thầu dành thời gian và trí tuệ để đưa tổ hợp hoàn thành đúng thời điểm đã đăng ký với chủ đầu tư là PVFCCo. 

Phát biểu đáp từ, đại diện các nhà thầu quốc tế Technip và ThyssenKrupp IS đều hứa với lãnh đạo PVN, sẽ cùng chủ đầu tư và PTSC đưa dự án về đích đúng hẹn, đồng thời khẳng định mong muốn tiếp tục được trở thành đối tác tin cậy của PVN trong các dự án tiếp theo.

Có thể tin tưởng việc PVFCCo lựa chọn công nghệ hiện đại nhất thế giới (Haldor Topsoe A/S cho xưởng NH3 và Incro SA cho Nhà máy NPK) sẽ đảm bảo cho tổ hợp cho ra các sản phẩm có chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Dự kiến sau 26 tháng xây dựng và chạy thử, Tổ hợp sẽ chính thức vận hành thương mại vào Quý II/2017.

Lê Tùng

(theo Năng lượng Mới)

DMCA.com Protection Status