Ký FTA: Nâng cao tính cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt

11:00 | 21/04/2013

1,300 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Hội nhập kinh tế quốc tế đang mở ra nhiều cơ hội lớn đối với ngành xuất khẩu của nước ta. Tuy nhiên, rủi ro cũng tăng tỷ lệ thuận với cơ hội. Trong nhiều năm qua, ngành xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam luôn phải cạnh tranh gay gắt trên thị trường khu vực, đồng thời cũng phải đối mặt với hàng loạt các rào cản khác. Việc ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) khu vực thực sự có ý nghĩa vô cùng quan trọng, từng bước giúp hàng hóa của Việt Nam tìm được chỗ đứng vững chắc trên thị trường.

Nhiều lợi thế

Năm 2012 kim ngạch xuất khẩu Việt Nam đạt hơn 114 tỉ USD, tăng 18,2% so với năm 2011, giúp cán cân thương mại nước ta lần đầu tiên đạt thặng dư 780 triệu USD sau 20 năm. Đây thực sự là tin tốt lành đối với nền kinh tế đang ở trong giai đoạn khủng hoảng. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia kinh tế, ngành xuất khẩu của Việt Nam, mặc dù thu được kết quả cao nhưng cũng phải đối mặt với rất nhiều trở ngại từ thị trường xuất khẩu.

Hiện những lợi thế cạnh tranh khác trong thương mại như giá nhân công rẻ, lợi thế tài nguyên hiện đã bão hòa, không có tính bền vững, còn những yếu tố như thương hiệu, chất lượng sản phẩm cần phải có một chiến lược phát triển lâu dài thì đã đến lúc các doanh nghiệp Việt Nam cần có một lộ trình phát triển rõ ràng. Việc thông qua các lộ trình cắt giảm và xóa bỏ hàng rào thuế quan và phi thuế quan với các nước trong khối FTA sẽ là cơ hội để hàng hóa Việt Nam dễ dàng tiếp cận với các thị trường, các quốc gia đối tác trong FTA.

Trong những năm gần đây, xuất khẩu sang các thị trường có FTA liên quan đến Việt Nam đều có mức tăng trưởng cao. Trong năm 2011 và 2012, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang ASEAN đều tăng tương ứng 30,7% và 27%; sang Nhật Bản là 39,5% và 25%... Thêm vào đó, khả năng tận dụng các FTA để xuất khẩu của các doanh nghiệp trong thời gian qua khá ấn tượng. Trong năm 2012, kim ngạch xuất khẩu có sử dụng các loại C/O (giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa) ưu đãi đạt 18 tỉ USD, chiếm 33,6% tổng kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường có FTA với Việt Nam.

Điều đáng ghi nhận là, ngoài các FTA chúng ta đã tham gia trước đây (chủ yếu là các nước có cơ cấu kinh tế tương đồng) thì hiện các đối tác FTA mới của Việt Nam như EU, EFTA, Hàn Quốc, Liên minh Hải quan Nga, Belarus và Kazakhstan đều là các nền kinh tế có cơ cấu hàng hóa thương mại bổ sung với Việt Nam. Danh mục hàng hóa xuất khẩu hai chiều giữa Việt Nam và các quốc gia khu vực này không mang tính cạnh tranh mà mang tính bổ trợ cho nhu cầu sản xuất và tiêu dùng. Vì vậy, việc ký kết các FTA không chỉ thúc đẩy xuất khẩu mà còn có thể cải thiện cơ cấu các mặt hàng nhập khẩu của Việt Nam, không làm ảnh hưởng nhiều đến khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt.

Cơ hội rộng mở

FTA với Liên minh Hải quan Nga, Belarus và Kazakhstan đang thực sự mở ra nhiều cơ hội mới đối với các mặt hàng như: gạo, thực phẩm, may mặc, đồ da, đồ gỗ… Liên minh hải quan là một thị trường có mức tăng trưởng GDP khá (trung bình 5-6%/năm) và là thị trường tiêu dùng không quá khó tính. FTA được ký kết có thể sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nga tăng 63%, Belarus tăng 41% và Kazakhastan tăng 8%. FTA với Liên minh Hải quan cũng sẽ tạo cơ hội mở rộng thêm thị trường xuất khẩu, là cơ sở để Việt Nam mở rộng khai thác nhóm các thị trường rộng lớn và có tài nguyên thiên nhiên phong phú, bao gồm các nước Đông Âu và các nước thuộc Liên Xô cũ.

EU là một thị trường lớn, với 500 triệu người tiêu dùng ở 27 quốc gia và GDP đạt hơn 17.000 tỉ USD, chiếm 20% GDP toàn cầu. Đây được xem là bước đột phá của Việt Nam trên con đường hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, điều đáng buồn là chính tại thị trường này, chúng ta chưa khai thác hết tiềm năng, khi mà kim ngạch xuất khẩu sang EU mới chiếm khoảng 0,75% tổng kim ngạch nhập khẩu của EU. Việc ký FTA với EU đang tạo ra cơ hội mở rộng hơn nữa cho xuất khẩu của hàng hóa Việt Nam. Đặc biệt, hiệp định này sẽ giúp đẩy mạnh lượng hàng Việt Nam xuất khẩu vào thị trường EU, nhất là những mặt hàng đang bị sức ép cạnh tranh từ Trung Quốc - quốc gia chưa có FTA với EU và cả những quốc gia khác đang được hưởng mức thuế thấp. Theo dự kiến, sẽ có khoảng 90% hàng hóa của Việt Nam vào EU được hưởng mức thuế suất 0%. Như vậy, 5 mặt hàng xuất khẩu nhiều nhất sang EU là giày da, may mặc, cà phê, thủy hải sản và đồ gỗ sẽ giữ được thế cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường này.

Khối Mậu dịch tự do châu Âu (EFTA) tuy chỉ có trên 13 triệu dân nhưng quy mô thương mại quốc tế rất lớn và đóng vai trò quan trọng trong hệ thống thương mại châu Âu. Khối các nước này có GDP tới hơn 1.100 tỉ USD, thu nhập bình quân đầu người trên 58.000USD và tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa hằng năm đạt khoảng 700 tỉ USD. Tuy nhiên, để bước chân vào thị trường này thì các loại hàng nông sản, thực phẩm của Việt Nam lại đối mặt với mức thuế cao. Việc lý FTA giúp hàng hóa của Việt Nam được hưởng thuế suất thấp cũng như có cơ chế tiếp cận thị trường các nước EFTA tốt hơn.

Mặc dù, thấy rõ những mặt tích cực của việc ký kết các hiệp định FTA nhưng đến nay, vẫn còn nhiều doanh nhiệp xuất khẩu Việt Nam chưa thực sự tận dụng hết các cam kết mở cửa thị trường theo các FTA. Nguyên nhân của sự chậm trễ này cũng rất dễ hiểu vì hiện nay không ít doanh nghiệp chưa hiểu hoặc chưa quan tâm đến các ưu đãi về thuế quan. Chính điều này vô hình trung doanh nghiệp tự vứt bỏ đi lợi ích về thuế, khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Khủng hoảng kinh tế đang ngày càng thu hẹp bước chân của nhiều doanh nghiệp. Đây chính là cơ hội để doanh nghiệp xuất khẩu nói riêng và các doanh nghiệp nói chung khẳng định được khả năng nắm bắt thời cơ vươn lên, vượt khó của mình.

Đức Minh