Kỳ 3: Câu lạc bộ đêm và những ánh mắt hút hồn

23:45 | 23/05/2011

913 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nằm ở trung tâm vùng đất xung đột và ảnh hưởng bởi đạo Hồi, Ramallah vẫn có những quán bar đầy sức mê hoặc nơi “mật độ những cô gái xinh đẹp trên một mét vuông mặt sàn và phần trăm những cô gái cực đẹp trên những cô gái đẹp xếp hàng đầu thế giới.”

>>Tường trình từ tâm điểm của bạo lực (Kỳ I)

>>Những nhà báo Việt đầu tiên trên đất Palestine (Kỳ II)

Snow Bar, có nghĩa là quán Bar Tuyết. Nhưng không ai ở đây thấy lạnh, không chỉ bởi một ngọn lửa lớn được đốt ngay giữa trung tâm. Toàn bộ không gian 300 mét vuông của Snow Bar nằm hoàn toàn ngoài trời, trên một sườn đồi thoai thoải nhìn xuống thung lũng bên dưới. Khác hoàn toàn với các sườn đồi khô cằn sỏi đá tại Trung Đông, Snow Bar tọa lạc ở một quả đồi nơi những cây thông mọc thẳng đứng, cao vút.

Một quán bar nằm giữa một khu rừng mini trên đồi, Snow Bar không giống với bất kỳ quán bar nào trên thế giới. 10h đêm, ô tô đã đỗ chật kín trên con phố Ein Samaan dẫn vào quán. Cách đó không xa là những bức tường an ninh, nhưng ở trong này, không thấy ai nói về cuộc xung đột.

Ywad, một diễn viên trẻ tuổi nói: "Tôi đến đây hàng tuần, để cảm nhận không khí tự do.” Một không khí tự do như thế tràn ngập trong khuôn viên quán bar, những thanh niên trẻ Palestine bắt đầu xuống sàn nhảy, lắc lư theo những điệu nhạc phương Tây và ánh đèn flash liên tục đổi màu. Không ai nghĩ đây lại là một quán bar ở giữa một vùng đất vẫn đang nằm trong ách chiếm đóng.

Không gian sôi động nhưng vẫn lãng mạn của Snow Bar.

Người người vẫn nườm nượp đi vào quán bar, không dễ tìm được một chỗ đứng chứ không phải chỗ ngồi. Mùi thuốc shisha tan vào trong những cơn gió nhẹ thổi mơn mơn quanh thung lũng. Mùi shishi là dấu hiệu duy nhất cho biết đây là quán bar của một lãnh thổ ảnh hưởng bởi đạo Hồi. Xung quanh, mọi người đều uống bia và rượu, một đặc điểm không dễ tìm thấy tại những quán bar khác ở Trung Đông, nơi chỉ có bia không cồn được phép bày bán.

"Đạo Hồi cấm uống rượu bởi theo kinh điển, uống rượu sẽ làm các tín đồ đọc sai Kinh Koran.” Nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Hùng đã giảng cho chúng tôi từ trước. Ở đây thì khác, một bầu không khí thế tục và tự do hoàn toàn.

"Ramallah là một thành phố rất dễ chịu và dễ sống bởi thời tiết mát mẻ. Hơn thế, Ramallah rất tự do, bạn thích đi nhà thờ thì có nhà thờ, đi mua sắm thì có siêu thị, đi uống rượu thì có quán rượu. Rất thoải mái.” Đại sứ Saadi Salama nói về thành phố ông yêu thích.

Quán bar ngoài trời nhưng những ánh đèn sân khấu vẫn liên tục đổi màu.

Thế tục là cảm nhận chung về Ramallah và Snow Bar. Thế tục nhưng không vì thế mà trần tục. Không thấy có những cô gái "hở hang” ngồi phì phèo một mình "chờ khách” như ở mọi quán bar trên thế giới, thậm chí không thấy bất kỳ cô gái nào đi một mình. Khách hàng của quán bar là những đôi lứa, những nhóm thanh niên Palestine, những nhân viên tình nguyện nước ngoài, rất ít khách du lịch bởi không dễ vào được lãnh thổ Palestine.

"Quá tuyệt vời, đây là quán bar tuyệt nhất tôi từng đến, đầy sức sống nhưng rất lành mạnh, không thấy bẩn bẩn như nhiều Câu lạc bộ đêm khác,” một nhà quay phim chúng tôi gặp ở quán bar chia sẻ.

Điều tuyệt vời nhất ở Snow Bar là "mật độ những cô gái xinh đẹp trên một mét vuông mặt sàn và phần trăm những cô gái cực đẹp trên những cô gái đẹp hàng đầu thế giới. Ở đây, không thấy có cô gái nào xấu. Tôi chưa từng đến một quán bar nào mà phụ nữ xinh đẹp như ở nơi này”, lời nhà quay phim nước ngoài mà chúng tôi chưa kịp ghi tên.

Đó là bất ngờ lớn nhất tại Ramallah, nơi tưởng chỉ có súng đạn vẫn có những gương mặt trái xoan như quả ôliu với ánh mắt sâu hút hồn, những "ánh mắt tổ quốc” của phụ nữ Palestine theo lời Đại sứ Saadi Salama.

Chỉ riêng điều ấy cũng đủ giải thích cho việc tại sao cả BBC lẫn New York Times đều có bài riêng về những quán bar ở Ramallah, nơi cuộc sống về đêm đang phát triển với một tốc độ đáng ngạc nhiên. BBC cho biết cứ mỗi tháng lại có một quán bar được mở và nhiều người Palestine coi việc vui chơi ở những quán xá ban đêm là một cách để giải tỏa phần nào những bức bối của cuộc sống trong vùng chiếm đóng.

Một giếng lửa được đặt ngay giữa quán bar biến không gian thành một đêm lửa trại thân mật.

Tờ New York Times trích lời Veronica Grant, một thanh niêm Mỹ gốc Do Thái ở North Calorina: "Tôi thấy Ramallah tự do hơn nhiều địa điểm khác ở Trung Đông, thậm chí hơn cả Amman.” Còn John Saadeh, một thanh niên Mỹ gốc Palestine thì nói: "Ở đây mọi người đều biết nhau, bạn cảm thấy mình như một ngôi sao. Rất dễ gặp gỡ chuyện trò.”

12h đêm, toàn bộ sàn nhảy và những không gian của Snow Bar đã chật cứng. Không còn ai muốn ngồi nữa và một cô gái bỗng trèo hẳn lên bàn để "nhảy”. Ngoài cổng quán bar, bảo vệ đã không cho phép vào thêm nhưng rất nhiều thanh niên vẫn đang chầu chực ngoài đó để chờ đợi. Họ sẽ phải chờ lâu vì không ai muốn ra về.

"Bạn biết thi sỹ nổi tiếng Palestine Mahmoud Darwish không? Ông ấy từng viết rằng đất nước này luôn có cái đáng sống vì nó. Bạn thấy không tự do ở dưới kia không, chiếm đóng không là gì cả nếu chúng ta có tinh thần tự do. Tự do ở đây này, trong trái tim của chúng ta, trong tâm hồn của chúng ta.” Ywad vừa nói vừa đặt tay lên tim mình. Thoáng chốc, chúng tôi đã không thấy anh đâu nữa, anh đã hòa vào nhóm người tự do ở dưới kia, ngay giữa tâm điểm của vùng đất còn chưa thoát khỏi ách chiếm đóng.

Khánh Duy

Tuanvietnam

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps