Kính thưa đồng chí chủ tịch... 6 tuổi! 1

10:29 | 30/07/2015

11,573 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Cậu, cô học sinh tiểu học làm chủ tịch và đứa trẻ cấp dưới kia sẽ mang cảm xúc gì khi xưng hô và được xưng hô như vậy? Một cảm xúc méo mó và sẽ gây rối loạn các yếu tố hình thành nhân cách.

Choáng với chức danh “Chủ tịch” ở bậc tiểu học

Choáng với chức danh “Chủ tịch” ở bậc tiểu học

Nếu như dự thảo điều lệ trường tiểu học sửa đổi được thông qua thì lớp tiểu học sẽ có chủ tịch hội đồng tự quản, kéo theo đó là “bộ máy” cồng kềnh trong lớp học.

Cách đây khoảng 15 năm, tôi đã nhờ một nhóm sinh viên làm một khảo sát. Mục đích cuộc khảo sát này là để xem ngôn ngữ mà các gia đình Việt Nam sử dụng hằng ngày trong ngôi nhà của họ là ngôn ngữ gì.

Chúng tôi khảo sát 50 gia đình ở nhiều thành phần khác nhau. Kết quả cho thấy: ngôn ngữ mà hơn 90% gia đình sử dụng là “ngôn ngữ thực dụng”.

Tôi tạm gọi đó là “ngôn ngữ thực dụng” vì hơn 90% gia đình này hằng ngày chỉ nói chuyện với nhau về việc làm ăn, mua bán, đổi chác, tranh giành, chê bai, nói xấu người khác, bực tức vì thua thiệt lợi ích, chạy trường, chạy điểm cho con cái, cãi cọ với hàng xóm, nịnh bợ cấp trên, chạy chọt chức vụ....

Trong khi đó, những câu chuyện về lòng hiếu thảo, về tình thương yêu, về trách nhiệm đối với gia đình và cộng đồng, về những chia sẻ và tha thứ, về những vẻ đẹp của thiên nhiên và con người, về những khát vọng chân chính, về lòng tôn kính tổ tiên... mà tôi tạm gọi là “ngôn ngữ nhân văn” chỉ được sử dụng trong khoảng 10% gia đình.

Kính thưa đồng chí chủ tịch... 6 tuổi!
Học sinh lớp 1 ở Hà Nội.

Chúng ta hãy cùng nhau trả lời câu hỏi: Một đứa trẻ sẽ hình thành nhân cách như thế nào khi lớn lên trong một thế giới ngập tràn ngôn ngữ thực dụng như thế. Câu trả lời đã quá rõ ràng.

Hiện nay, dư luận xã hội đang vô cùng bức xúc với chủ trương của ngành giáo dục sẽ có chức danh chủ tịch một “Hội đồng tự quản” thay vào chức danh lớp trưởng hay gì đó trong các lớp ở cấp tiểu học. Việc để học sinh có tinh thần tự quản là vô cùng cần thiết. Nhưng dùng một học sinh tiểu học đứng đầu lớp/nhóm đó với chức danh là chủ tịch thì là một sai lầm.

Chúng ta đều biết rằng, có những phụ huynh chạy cho con mình làm lớp trưởng. Tất nhiên họ sẽ chạy cho con họ làm chủ tịch. Lúc đầu, những đứa trẻ sẽ không hề có khái niệm về vị trí chủ tịch. Nhưng rồi chính nhà trường và cha mẹ chúng sẽ trực tiếp hoặc gián tiếp làm nảy nở ham muốn quyền lực của đứa trẻ.

Chủ nghĩa thực dụng bắt đầu từng bước xâm chiếm tâm hồn trong sáng của đứa trẻ. Đứa trẻ càng lớn lên thì con quái vật của chủ nghĩa thực dụng cũng lớn lên theo. Đến một ngày, con quái vật ấy sẽ “tàn sát” đồng loại của mình bằng mọi cách để đạt được mọi tham vọng của nó.

Nếu bây giờ chúng ta nghe con cháu mình giới thiệu một bạn học 6 tuổi cùng lớp: “Đây là chủ tịch của con, của cháu” thì chúng ta sẽ mang cảm xúc gì. Cậu, cô học sinh tiểu học làm chủ tịch kia và đứa trẻ cấp dưới kia sẽ mang cảm xúc gì khi xưng hô và được xưng hô như vậy? Một cảm xúc méo mó và sẽ gây rối loạn các yếu tố hình thành nhân cách.

Hãy để cho những danh từ đẹp đẽ và nhân văn bước vào tâm hồn trẻ thơ. Hãy cho tâm hồn những đứa trẻ ăn một thứ thức ăn của cái đẹp thiên nhiên và của con người.

Quang Thiều

Năng lượng Mới số 443