Kinh tế tư nhân - động lực quan trọng

23:10 | 14/05/2017

1,825 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tại phiên bế mạc Hội nghị Trung ương 5 chiều 10-5 vừa qua, bài phát biểu của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có đoạn nhấn mạnh: “…xóa bỏ mọi định kiến, rào cản; cải cách mạnh các thủ tục hành chính rườm rà, tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển”.

Cũng tại hội nghị này, Trung ương Đảng đã nhất trí ban hành 3 nghị quyết mang tính bản lề cho phát triển kinh tế đất nước thời kỳ mới.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: “Sau hơn 30 năm đổi mới, nhận thức của chúng ta về vị trí, vai trò của kinh tế tư nhân đã có những bước tiến quan trọng. Từ chỗ kỳ thị, coi nhẹ đến thừa nhận kinh tế tư nhân “là một trong những động lực” và đến nay “là một động lực quan trọng” để phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Trên thực tế, kinh tế tư nhân đã ngày càng phát triển; tỉ trọng trong GDP chiếm 39-40%; đã hình thành được một số tập đoàn kinh tế tư nhân có quy mô lớn; đội ngũ doanh nhân ngày càng lớn mạnh. Ban Chấp hành Trung ương hoan nghênh và đánh giá cao những nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, nhất là đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp cả nước, thời gian qua, đã tích cực hưởng ứng, triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX “Về tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân”, góp phần quan trọng làm cho kinh tế tư nhân không ngừng phát triển, đóng góp ngày càng lớn hơn vào sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

kinh te tu nhan dong luc quan trong

Thực tế những năm qua cho thấy, kinh tế tư nhân đã có những đóng góp quan trọng cho nền kinh tế của đất nước, song vẫn còn những rào cản bởi những thủ tục rườm rà, gây khó khăn cho các doanh nhân. Vì vậy, 3 nghị quyết của Hội nghị Trung ương 5 sẽ mở ra một định hướng mới, tháo gỡ khó khăn cho kinh tế tư nhân phát triển.

Hiện nay, cả nước có hơn 500.000 doanh nghiệp tư nhân đang hoạt động, đóng góp 30% ngân sách, 40% GDP. Tỷ trọng đóng góp vốn đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân (KTTN) tăng mạnh, chiếm hơn 2/3 tổng vốn đầu tư xã hội. Khu vực kinh tế này giải quyết cho 4,72 triệu lao động có việc làm thường xuyên, chiếm 57,1% tổng số việc làm của khu vực doanh nghiệp, bình quân mỗi năm tăng thêm 8,7% lao động. Nhiều doanh nghiệp tư nhân đã phát triển mạnh mẽ và thành lập tập đoàn kinh tế, tạo dựng được thương hiệu có uy tín trong nước và quốc tế.

Tuy nhiên, “rào cản” lớn nhất là lâu nay những vấn đề chưa thực sự rõ ràng trong lý luận và quan điểm về vai trò của khu vực KTTN, khiến hệ thống cơ chế, chính sách tạo lập môi trường kinh doanh chưa được hoạch định đồng bộ, triển khai thiếu nhất quán; tình trạng phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp thuộc các khu vực kinh tế sở hữu khác nhau vẫn tồn tại, trong đó doanh nghiệp Nhà nước được dành nhiều ưu đãi hơn so với doanh nghiệp tư nhân. “Rào cản” thứ hai là hệ thống thể chế chính sách chưa đồng bộ, đặc biệt là chính sách tín dụng, đất đai và đào tạo nguồn nhân lực.

Những định hướng cơ bản mà Hội nghị Trung ương nêu ra là: “Tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân phát triển ở tất cả các ngành và lĩnh vực mà pháp luật không cấm.

Thúc đẩy phát triển mọi hình thức liên kết sản xuất, kinh doanh, cung cấp hàng hóa, dịch vụ theo mạng sản xuất, chuỗi giá trị thị trường giữa kinh tế tư nhân với kinh tế Nhà nước, kinh tế tập thể và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nhằm tiếp nhận, chuyển giao, tạo sự lan tỏa rộng rãi về công nghệ tiên tiến và quản trị hiện đại.

Phát huy và nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và phong trào khởi nghiệp. Tạo thuận lợi để các hộ và cá nhân tự nguyện liên kết hình thành doanh nghiệp hoặc các hình thức tổ chức hợp tác khác.

Khuyến khích hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân đa sở hữu và tư nhân góp vốn vào các tập đoàn kinh tế Nhà nước, có đủ khả năng tham gia mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.

Về phía Nhà nước và đội ngũ cán bộ, công chức, cần có sự đột phá trong tư duy và hành động, kiên trì đổi mới, hoàn thiện và tổ chức thực hiện thật tốt luật pháp, cơ chế, chính sách phù hợp với quy luật thị trường và thông lệ, chuẩn mực quốc tế; xóa bỏ mọi định kiến, rào cản; cải cách mạnh các thủ tục hành chính rườm rà, tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển; đặc biệt là phòng chống mọi biểu hiện của “chủ nghĩa tư bản thân hữu”, quan hệ lợi ích nhóm, “thao túng chính sách”, cạnh tranh không lành mạnh để trục lợi bất chính.

Thường xuyên chăm lo tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho phát triển kinh tế tư nhân; hỗ trợ kinh tế tư nhân đổi mới, sáng tạo, hiện đại hóa công nghệ và phát triển nguồn nhân lực…”.

Đội ngũ doanh nhân Việt Nam có ý thức chấp hành luật pháp, trách nhiệm với xã hội và kỹ năng quản lý, quản trị cao; chú trọng xây dựng, nâng cao văn hóa doanh nghiệp và đạo đức doanh nhân.

Với những nghị quyết mới về phát triển kinh tế, trong đó có nghị quyết khẳng định vai trò kinh tế tư nhân, đội ngũ doanh nhân sẽ có cơ hội phát triển mạnh mẽ hơn, đóng góp cho sự nghiệp xây dựng đất nước. Ông Lê Vĩnh Sơn (Chủ tịch Công ty CP Quốc tế Sơn Hà, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam) đã nói: “Nghị quyết Đại hội Đảng đến Nghị quyết Trung ương 5 khẳng định vai trò kinh tế tư nhân là phù hợp, là niềm vui cho giới doanh nghiệp tư nhân. Bởi doanh nghiệp tư nhân sẽ được cởi trói, tạo môi trường phát triển mạnh mẽ hơn, đóng vai trò thỏa đáng nhất trong nền kinh tế. Tôi tin sau hội nghị này kinh tế tư nhân sẽ phát triển tốt hơn, nhưng phải trên cơ sở hiện thực hóa các nghị quyết vào cuộc sống”.

Mong sao những nghị quyết này sớm đi vào cuộc sống để kinh tế tư nhân thực sự là một động lực quan trọng của nền kinh tế đất nước.

Linh Trang

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc