Kinh tế Qatar trong cơn bão khủng hoảng ngoại giao

13:50 | 16/06/2017

1,320 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa Qatar với các nước Arập và vùng Vịnh đã bước qua tuần thứ hai mà chưa có dấu hiệu hạ nhiệt nào. Lúc này truyền thông quốc tế đang nói nhiều đến khả năng chịu đựng của nền kinh tế Qatar sau khi bị nhiều nước tẩy chay, cô lập gần như hoàn toàn.

Trong một cuộc phỏng vấn của kênh CNBC (Mỹ) ngày 11-6, Bộ trưởng Tài chính Qatar, Ali Sherif al-Emadi bày tỏ tin tưởng vào khả năng kinh tế của nước ông có thể vượt qua cuộc tranh chấp ngoại giao với các nước đã cắt đứt quan hệ với Qatar vào tuần trước.

Ngày 14-6, trả lời phỏng vấn Đài Sputnik của Nga, chuyên gia người Kuwait Mustafa Salmawi nói rằng, sự cô lập của một số nước Trung Đông với Doha sẽ không thể đánh gục nền kinh tế Qatar. Tuy nhiên, việc cung cấp hàng tiêu dùng cho người dân Qatar có thể gặp trở ngại.

Chuyên gia Mustafa Salmawi cho rằng, do dân số Qatar không vượt quá 2 triệu người, nên những trục trặc ngoại giao hiện nay sẽ có ít tác động tới nền kinh tế. “Mặc dù có quy mô khiêm tốn nhưng Qatar là một đối tác kinh tế ở cấp độ toàn cầu. Đây là cường quốc khí hóa lỏng của thế giới” - ông Salmawi nhận định.

Nhưng theo chuyên gia này, chính sự giàu có về tài nguyên khoáng sản đã khiến Qatar quên đi “miếng cơm tấm áo hằng ngày”. Ông Salmawi cho rằng, Qatar đã quá quan tâm đến khí đốt và dầu mỏ mà quên bẵng việc tự sản xuất các sản phẩm tiêu thụ hằng ngày của người dân. 90% lượng nhu yếu phẩm của Qatar được nhập khẩu từ các nước láng giềng mà chủ yếu từ Arập Xêút. Và chính điều đó có thể gây khó khăn cho chính quyền Doha.

kinh te qatar trong con bao khung hoang ngoai giao
Thủ đô Doha của Qatar

Một ngày sau khi lệnh cấm của các nước Arập và vùng Vịnh được ban hành, theo ghi nhận của phóng viên Báo Les Echos (Pháp), từ ngày 6-6, Qatar rơi vào tình cảnh như Venezuela, với dòng người xếp hàng dài tại các siêu thị để mua đồ nhu yếu phẩm dự trữ. Hàng hóa nhanh chóng cạn kiệt chỉ sau vài giờ. Hôm 7-6, dân chúng tiếp tục đổ đi mua sữa, gạo, thịt gà và nhất là đường - một thực phẩm được tiêu thụ nhiều trong kỳ chay Ramadan đang diễn ra. Ngay lập tức, Doha cho biết đã cầu cứu Iran và Thổ Nhĩ Kỳ để kiếm thêm các nguồn cung cấp thực phẩm và nước.

Biết được khó khăn của đồng minh sau khi bị nhiều nước Arập và vùng Vịnh cô lập, ngày 11-6, Iran cho biết, đã điều ít nhất 4 máy bay vận tải chở thực phẩm đến Qatar và còn tiếp tục trong thời gian tới. Thổ Nhĩ Kỳ cũng thông báo nước này sẽ cung cấp lương thực cho Qatar trong bối cảnh có những lo ngại về tình trạng thiếu lương thực sau khi Arập Xêút đóng cửa đường biên giới trên đất liền duy nhất của Qatar. Hiện cửa khẩu này đã bị đóng, làm tê liệt việc vận chuyển hàng hóa. Khoảng 80% thực phẩm được chuyển vào Qatar thông qua đường bộ từ Arập Xêút. Mỗi ngày có khoảng 800 xe tải vận chuyển thực phẩm từ Liban, từ vùng Vịnh, từ Ấn Độ tới Qatar qua ngả này. May mắn thay là tiểu quốc này không hoàn toàn bị phong tỏa, bởi đường biển vẫn hoạt động bình thường. Cũng trong ngày 11-6, Qatar đã khai trương các tuyến vận chuyển hàng hóa mới thông qua các cảng ở Oman.

Ngày 12-6, giới chức cảng Qatar đã công bố một đoạn video, cho thấy hình ảnh một chiếc tàu, xuất phát từ một bến cảng của thành phố Sohar (Oman), đã cập bến cảng Hamad của thủ đô Doha. Giới chức này cho biết thêm, ngoài Sohar, hàng hóa của Qatar còn đi qua một cảng khác ở Salalah cũng thuộc Oman. Thông thường, hàng hóa được vận chuyển đến Qatar phải được đưa đến cảng nước sâu Jebel Ali ở Dubai, thuộc UAE, sau đó chúng được chất lên các tàu nhỏ hơn để đến Doha. Nhưng từ ngày 5-6, UAE cùng nhiều nước khác đã đồng loạt đóng cửa mọi tuyến đường biển, đường hàng không và đường bộ đến Qatar liên quan đến những căng thẳng ngoại giao trong khu vực.

Trong một động thái mới nhất, hôm thứ Ba tuần này, Bộ Ngoại giao Maroc cho biết, sẽ gửi thực phẩm tới Doha, nhằm thể hiện một cử chỉ “đoàn kết” với người dân Qatar. Trước đó, Thứ trưởng thứ nhất Bộ Nông nghiệp Nga Dzhambulat Khatuov phát biểu với báo giới rằng, Nga sẵn sàng tăng cường giao thực phẩm cho Qatar, tuy nhiên Moskva chưa nhận được yêu cầu chính thức nào từ phía Doha. “Nga sẵn sàng xuất khẩu gạo, ngũ cốc, đường, dầu thực vật và chúng tôi sẵn sàng xuất khẩu thịt, các sản phẩm từ sữa và bột mì. Do vậy danh sách sản phẩm xuất khẩu rất nhiều”, ông Khatuov cho hay.

Reuters dẫn nguồn quan chức Qatar cho biết, ngoài các nước trên, Qatar cũng có cách việc làm tương tự với một số nước khác. Dự kiến, Hãng hàng không Qatar Airways sẽ đảm nhiệm công tác vận chuyển những hàng hóa thiết yếu này. Theo nhà chức trách Qatar, nước này có đủ lương thực trong vòng 1 năm, nhưng thừa nhận rằng sự phụ thuộc vào hàng không và đường biển sẽ làm tăng chi phí và lạm phát.

Trong khi đó, hoạt động sản xuất và xuất khẩu dầu khí của Qatar dường như không bị ảnh hưởng gì. Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Qatar (Qatar Petroleum) ngày 10-6 cho biết, tình hình kinh doanh của họ vẫn như thường lệ, bất chấp những căng thẳng ngoại giao với các nước láng giềng trong vùng Vịnh. Qatar Petroleum cho hay, sẽ luôn tôn trọng các cam kết và nghĩa vụ đối với tất cả khách hàng và đối tác ở trong nước, khu vực và quốc tế. Qatar là nhà sản xuất và xuất khẩu (khí hóa lỏng) LNG lớn của thế giới, cung cấp hơn 30% nguồn khí hóa lỏng buôn bán trên toàn cầu. Nhiều quốc gia trên thế giới đều đang dựa vào nguồn cung cấp khí tự nhiên hóa lỏng của Qatar.

Về phần mình, Qatar khẳng định vẫn đang nỗ lực hòa giải căng thẳng vùng Vịnh. Phát biểu trên kênh truyền hình Al Jazeera, Ngoại trưởng Qatar, al-Thani khẳng định, Doha sẵn sàng thảo luận về mọi yêu cầu, tuy nhiên nước này vẫn chưa nhận được bất kỳ phản hồi nào. Ông nhấn mạnh, đối thoại ngoại giao là một giải pháp để giải quyết căng thẳng, song điều này đòi hỏi “một nền tảng” vốn vẫn chưa đạt được. Trên bình diện ngoại giao quốc tế, liên tiếp những ngày qua, nhiều nguyên thủ đã lên tiếng kêu gọi các nước đang xung đột ngoại giao nên giải quyết theo còn đường hòa giải.

Ngày 9-6, Thủ tướng Đức Angela Merkel bày tỏ quan ngại về tình hình căng thẳng tại vùng Vịnh, đồng thời, kêu gọi tất cả các quốc gia liên quan, cũng như Iran và Thổ Nhĩ Kỳ, hợp tác cùng nhau để giải quyết xung đột khu vực. Một ngày sau đó, Nga cũng kêu gọi mở đối thoại giữa Qatar với các nước láng giềng ở vùng Vịnh. Ông Lavrov cũng nói rằng, Nga “sẵn sàng thực hiện mọi nỗ lực trong khả năng của mình” để giúp giải quyết cuộc khủng hoảng và nhấn mạnh sự đoàn kết là cần thiết để chống khủng bố.

Ngày 13-6, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Quốc vương Arập Xêút Salman đã có cuộc điện đàm nhằm thảo luận về cuộc khủng hoảng hiện nay tại vùng Vịnh. Cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu có cuộc điện đàm trao đổi về những tranh cãi giữa Qatar và các quốc gia Arập. Cuộc điện đàm được thực hiện theo đề nghị của ông Tillerson, diễn ra sau khi ông Tillerson đã hối thúc Arập Xêút và các quốc gia vùng Vịnh nới lỏng việc bao vây, phong tỏa Qatar. Ngoại trưởng Tillerson nhấn mạnh, Mỹ ủng hộ các nỗ lực hòa giải của Quốc vương Kuwait Sabah Al-Ahmad Al-Jaber Al-Sabah nhằm đem lại một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng giữa Qatar và các nước trong Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC), cũng như tiến tới loại bỏ tất cả các hình thức hỗ trợ cho chủ nghĩa khủng bố.

Nhưng không đáp lại lời kêu gọi của Bộ Ngoại giao Mỹ về việc giảm bớt áp lực lên Doha, Arập Xêút và Bahrain bày tỏ hoan nghênh tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump yêu cầu Qatar ngừng hỗ trợ khủng bố được đưa ra tại Nhà Trắng trước đó. Trong lúc này, cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa các nước Arập và vùng Vịnh với Qatar tiếp tục leo thang. Ngày 9-6, Arập Xêút, UAE, Ai Cập và Bahrain liệt 59 cá nhân và 12 tổ chức có liên quan Qatar vào danh sách khủng bố. Hai ngày sau, Ngân hàng Trung ương Bahrain đã ra lệnh cho các ngân hàng hoạt động tại nước này đóng băng tài sản cũng như các tài khoản ngân hàng của những đối tượng trên.

S.Phương

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc