Kinh tế Nga thoát khủng hoảng và khởi sắc

13:56 | 02/08/2017

1,570 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngày 26-7-2017, Bộ trưởng Kinh tế Nga thông báo nền kinh tế Nga đã hồi phục và phát triển mạnh vào quý II năm nay.   

Thông báo này đúng vào thời điểm Mỹ thông qua các biện pháp tăng cường trừng phạt Nga, cho thấy sự trừng phạt về kinh tế không phải lúc nào cũng đem lại những kết quả mong muốn. Kinh tế Nga không những không quỵ ngã mà còn mạnh mẽ lên.

Phát biểu trên kênh RT của Nga ngày 26-7, Bộ trưởng Kinh tế Nga Maxime Orechkine cho biết, GDP của Nga trong quý II năm nay tăng 2,7% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 2,2% so với quý I. Với kết quả này, ông Maxime Orechkine dự báo mức tăng trưởng trong cả năm 2017 của Nga hoàn toàn có thể đạt được mức 2%.

kinh te nga thoat khung hoang va khoi sac

Những con số cụ thể đầy thuyết phục về sự phục hồi, tăng trưởng của kinh tế Nga là bằng chứng chứng minh cho những phát biểu gần đây của Tổng thống Nga Putin trước người dân. Trong chương trình đối thoại “Đường dây trực tiếp với Vladimir Putin” được phát trực tiếp trên nhiều kênh truyền thông của Nga ngày 15-6-2017, Tổng thống Nga thông báo rằng, sự suy thoái trong kinh tế Nga đã qua. “Chúng ta đã chuyển sang giai đoạn phát triển. Chúng ta đã chứng kiến tăng trưởng liên tục trong thời gian vừa qua” - ông Putin nói.

Bộ trưởng Kinh tế Nga Maxime Orechkine cho biết, GDP của Nga trong quý II năm nay tăng 2,7% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 2,2% so với quý I. Với kết quả này, ông Maxime Orechkine dự báo mức tăng trưởng trong cả năm 2017 của Nga hoàn toàn có thể đạt được mức 2%.

Tổ chức Bảo hiểm ngoại thương Pháp (Coface) khẳng định trong báo cáo ngày 5-7 rằng: “Sau thời kỳ suy thoái kéo dài do giá dầu tụt giảm mạnh kèm theo các biện pháp trừng phạt của phương Tây, kinh tế Nga đã tăng trưởng trở lại”. Để có kết luận trên, Coface đã tiến hành phân tích chi tiết, cẩn thận 13 lĩnh vực ngành nghề khác nhau ở 24 quốc gia, đại diện cho khoảng 85% GDP toàn cầu. Coface nhận thấy, trong quý II/2017, kinh tế châu Âu và Nga đã khởi sắc. Cụ thể, nguy cơ suy thoái của nền kinh tế Nga hiện được xếp ở cấp độ B (nguy cơ tương đối) thay vì mức C (rất cao) như trước đây. Hơn nữa, các chuyên gia của Coface cũng nhận thấy nền kinh tế Nga có sự gia tăng đầu tư và sản xuất công nghiệp, trong khi doanh số bán lẻ đã ngừng giảm nhờ tỷ lệ lạm phát được kiểm soát ở mức 4%. Bên cạnh đó, gần đây nhiều ngành nghề đang khởi sắc, đặc biệt là ngành công nghiệp ôtô.

Câu hỏi đặt ra là làm thế nào nước Nga lại có thể thoát khủng hoảng kinh tế một cách nhanh chóng và ngoạn mục như vậy?

Một trong những yếu tố giúp Nga vượt khủng hoảng hiện nay, theo nhận định của báo chí Pháp, chính là sự ủng hộ mạnh mẽ của giới doanh nhân phương Tây. Tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg 2016, một cuộc vận động mạnh mẽ được phát động cho việc dỡ các lệnh trừng phạt kinh tế nhắm vào Nga. “Các lệnh trừng phạt đang gây khó khăn cho tất cả chúng tôi. Các nhà quản lý nên nhìn thẳng vào thực tế” là những lời kêu gọi của giới doanh nhân Pháp đưa ra trước ngày khai mạc diễn đàn này.

Không chỉ có giới doanh nhân mà cả một số nước châu Âu cũng phản đối lệnh trừng phạt nhắm vào Nga. Liên minh châu Âu (EU) ngày 26-7-2017 đã phản đối mạnh mẽ việc Hạ viện Mỹ thông qua dự luật, nhằm bổ sung các chế tài trừng phạt Nga. Châu Âu bất bình, vì Mỹ đơn phương trừng phạt nước Nga mà không tham vấn trước châu Âu như vẫn làm từ trước tới nay và nhất là lo ngại dự luật của Mỹ ảnh hưởng đến an ninh năng lượng của EU.

Pháp kêu gọi các nước châu Âu họp khẩn cấp nhằm thống nhất quan điểm chung. Đức cũng đã tỏ ra bất bình khi thấy dự luật cho phép trừng phạt các doanh nghiệp năng lượng tham gia xây dựng đường ống dẫn khí đốt từ Nga. Hiện nay có 3 doanh nghiệp của Đức, Pháp, Áo và một liên doanh Anh - Hà Lan tham gia dự án này.

Các doanh nghiệp này có thể bị hạn chế vay tiền từ các ngân hàng Mỹ và thậm chí không được tham gia bán hàng cho Chính phủ Mỹ nếu Tổng thống Mỹ ký ban hành luật. Đối với 28 nước EU, dự luật của Mỹ đe dọa an ninh năng lượng của châu Âu. Ngày 26-7, Chủ tịch Ủy ban châu Âu đã tuyên bố, "nếu phía Mỹ không quan tâm đến những lo ngại từ phía châu Âu, EU sẵn sàng đáp trả một cách thích hợp chỉ sau vài ngày".

Trên bình diện trong nước, thời gian qua Nga đã huy động trí tuệ tập thể, kết nối “những bộ não, những người có tài”, tập trung vào đa dạng hóa các lĩnh vực then chốt của nền kinh tế, thay vì chỉ phụ thuộc vào dầu mỏ và khí đốt, để khắc phục hậu quả cấm vận. Theo lời của ông Putin, cấm vận thậm chí giúp nhiều ngành như chế tạo tên lửa, chế tạo máy, dược, nông nghiệp và một số ngành khác phục hồi và phát triển mạnh mẽ.

Chính nhật báo La Croix của Pháp có bài viết nhìn thấy một hệ quả tích cực cho kinh tế Nga, qua các biện pháp trừng phạt của phương Tây. Đó là trừng phạt mở ra cơ hội mới cho doanh nhân Nga. Cấm vận nông phẩm phương Tây đã giúp cho công nghiệp thực phẩm của Nga hồi sinh với những sản phẩm “Made in Russia”.

Bên cạnh đó, Nga cũng tìm cách tăng cường hợp tác kinh tế với những đối tác ngoài châu Âu và Mỹ như Trung Quốc, Iran, Ấn Độ...

Quyết sách hợp lý và kịp thời của Chính phủ Nga

kinh te nga thoat khung hoang va khoi sac

Nền kinh tế Nga gặp nhiều khó khăn trong mấy năm qua do giá dầu thô thấp cùng những biện pháp trừng phạt do phương Tây áp đặt lên Moskwa vì liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine. Đồng rúp mất gần 50% giá trị trong năm 2014 và phục hồi một phần khi giá năng lượng ổn định trở lại trong thời gian gần đây.

Sự phục hồi nhanh chóng của nền kinh tế Nga phần nhiều dựa vào những điều chỉnh chính sách hợp lý và kịp thời của chính phủ. Khi giá dầu bắt đầu sụt giảm, Chính phủ Nga đã nhanh chóng cho thả nổi đồng rúp. Kể từ đó, đồng rúp đã mất giá theo từng biến động sụt giảm của giá dầu - hay chính xác hơn là diễn biến của đồng rúp sẽ chịu tác động rất lớn từ giá dầu do tính lệ thuộc của nguồn thu ngân sách Nga vào xuất khẩu dầu. Vì vậy, cứ mỗi một thùng dầu được bán ra sẽ thu về từng ấy tiền cho nguồn thu ngân sách của chính phủ tính theo đồng rúp.

Để cân bằng ngân sách trong khi giá dầu giảm, ngoài các biện pháp cải tổ nền kinh tế, Nga không còn cách nào khác là phải bán nhiều dầu hơn. Trong bối cảnh giá dầu lao dốc, việc làm trên của Nga không phải là điều đáng mừng, tuy nhiên bối cảnh chính trị đã buộc nước Nga phải làm vậy, không còn cách nào khác.

S.Phương (tổng hợp)

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc