Kinh hoàng rau... sạch!

07:30 | 27/06/2016

2,386 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Có thể nói trên mâm cơm của mỗi gia đình ngày nay cái gì thiếu thì thiếu, chứ khó mà thiếu được món rau xanh. Ở các siêu thị, chợ lớn, chợ bé người dân có thể dễ dàng chọn được hàng trăm loại rau trông cực kỳ mỡ màng, ngon mắt. Thế nhưng nếu được trực tiếp xem quy trình “tăng phọt” cho rau, hay thử dạo quanh một số địa chỉ rau an toàn, có lẽ các bà nội trợ sẽ phải “ngất” vì những sự thật kinh hoàng đằng sau nó.

Rau “sạch”, thích là có!

Những người đã sống qua thời bao cấp có lẽ chưa ai quên những năm tháng nghèo đói, thèm thuồng miếng thịt hay khoanh giò. Đến như mỡ lợn cũng là một thứ đồ ăn thuộc hạng “cao lương mỹ vị” mà chả mấy khi được đụng đến. Cũng thời kỳ này, trên mâm cơm của phần lớn  người dân chỉ có cơm độn ngô, khoai và các loại rau củ. Đến nỗi sách giáo khoa cũng có những bài tập đọc khuyên người ta nên ăn nhiều rau hơn ăn thịt.

kinh hoang rau sach

Thế nhưng mọi thứ đã khác hẳn. Sự thật là không ít người hôm nay thèm một bữa cơm rau, càng nhiều rau càng tốt (dĩ nhiên phải là rau sạch, rau an toàn), chứ không phải là thịt, cá hay “nem công chả phượng” gì.

Tâm lý đó cũng phản ánh nỗi sợ hãi của rất nhiều bà nội trợ là mua phải rau bẩn, rau không an toàn. Chị Phạm Thị Hương (nhà ở quận Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ. Dù gia đình chị sống gần ngay một “vựa rau” của thủ đô, song vẫn nơm nớp lo mỗi khi ra chợ mua thực phẩm về. Các loại rau ở chợ gần nhà chị lúc nào cũng xanh mơn mởn, trông rất ngon mắt. Song bạn bè chị thường cảnh báo đừng có: “Trông ngon mà tưởng là Kiều/ Ăn vào mới biết người yêu… Chí Phèo”.

Sáng sớm một ngày đầu tháng 6-2016, chúng tôi có mặt tại khu vực chợ đầu mối của quận Hà Đông. Có đi mới biết, đúng là “trên trời dưới rau”. Hàng trăm sạp hàng cộng với rất nhiều xe ôtô, xe cải tiến, xe thồ chở cơ man nào là rau, củ, quả. Từ những mớ rau muống, mùng tơi, cải thìa, cải canh… xanh tươi, mỡ màng đến các loại bí xanh, cà rốt, đậu cô ve, dưa chuột, hành lá rồi xà lách, bắp cải các loại rau thơm đều trông rất ngon mắt.

Trong vai nhân viên của một chuỗi nhà hàng chuyên về lẩu chúng tôi tiếp cận sạp hàng của anh Lưu Văn M (trú tại Đông Anh, Hà Nội). M mừng ra mặt khi nghe chúng tôi đặt vấn đề cần nguồn cung khoảng 100kg rau xanh mỗi ngày. M bảo chỉ cần “ký hợp đồng” là sáng sáng sẽ có xe chở rau đến tận nơi.

- Nhưng rau nhà mình liệu có bảo đảm an toàn không?

- Anh chị yên tâm, có đến mấy chục nhà hàng lấy rau của nhà em. Em đảm bảo an toàn 100% - M khẳng định chắc nịch.

- Có giấy chứng nhận rau an toàn không?

- Hiện tại thì chưa, nhưng nếu anh chị cần thì vài hôm nữa là có ngay!

Ở một góc khác, bà Nguyễn Thị P (trú tại Ba Đình, Hà Nội) - chuyên buôn mặt hàng rau củ quả đang dùng một thứ nước gì đó phun như sương mù vào đống rau. Thật thần kỳ, những mớ rau đang héo bỗng dưng căng mọng trở lại, nhìn thật ngon mắt. Chúng tôi lại gần, hỏi bà có loại rau nào xấu xấu, thậm chí có sâu cũng được để lấy về bán tại cửa hàng rau sạch. Bà ta khinh khỉnh: “Cần rau xấu hả, mai nhé”.

Bà Phạm Thị Nền, trú tại phường Phúc Lợi (Long Biên, Hà Nội) cũng là người chuyên canh rau lâu năm bật mí: “Đừng tưởng rau xấu, rau sâu đã chắc mẩm là sạch. Vì chỉ cần tăng hàm lượng thuốc lên một chút là có rau quăn, héo ngay. Còn loại rau có sâu lắm khi cũng do phun quá nhiều thuốc khiến sâu “nhờn” thuốc nên không chết đấy”.

Bà Nền cho chúng tôi biết thêm, gia đình bà có mấy mẫu đất ven sông Đuống chuyên canh các loại cây ăn quả (ổi, nhãn…) và rau xanh như rau muống, mùng tơi, cà chua… Trước kia gia đình cũng trồng rau xanh và thường xuyên mang bán ở các chợ đầu mối. Nhưng sau này, thấy việc trồng rau vất vả, vợ chồng mới bàn nhau chuyển sang trồng cây ăn quả. Chỉ để lại vài luống rau cho… đỡ nhớ nghề.

kinh hoang rau sach
Vỏ một số loại thuốc trừ sâu được vứt ngay trên bờ ruộng của một vùng trồng rau an toàn

 “Rau muống nếu gieo như kiểu “ngày xưa”, nghĩa là chỉ tưới nước cùng phân xanh hoặc đạm, lân thì từ lúc gieo hạt cho đến khi thu hoạch phải hơn hai tháng. Nhưng bây giờ chẳng ai làm thế đâu anh ạ. Mà có thì cũng chỉ cho nhà mình ăn thôi. Còn rau bán ra chợ thì từ lúc gieo đến lúc thu hoạch cùng lắm là từ một đến hai tuần. Cứ cắt xong một lứa mang ra chợ bán là phải phun thuốc “kích thích” để nó mau lớn. Về thuốc sâu, dĩ nhiên cũng phải phun thường xuyên. Vì rau muống thường xuyên “dính” sâu xanh, rệp trắng. Nếu không phun thì chỉ vài ngày là lá quăn, phải vứt bỏ. Cũng không ai có công đâu mà bắt rệp, vì nó li ti như đầu kim bắt đến bao giờ mới hết”- bà ngao ngán.

Nhóm độc U - thuốc “kích phọt”

Cũng theo bà Nền, vì rau của bà chủ yếu trồng để cho gia đình, con cái ăn khi nào thừa mới bán ra chợ.

95% người mua rau không thể phân biệt được rau bẩn và rau an toàn nếu chỉ nhìn bằng mắt thường. Khảo sát của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NN&PTNT) cho kết quả có tới 73% người bán rau tại Hà Nội không thể phân biệt được rau bẩn và rau an toàn, tỷ lệ này ở người mua lên tới 95%.

Xét nghiệm các mẫu rau trên địa bàn Hà Nội của Bộ Y tế (năm 2015) cho kết quả: 13/120 mẫu xét nghiệm định lượng xác định có tồn dư carbofuran (thuốc sâu hữu cơ, gây độc với con người) vượt giới hạn cho phép; 12/120 mẫu có tồn dư cypermethrin (thuốc trừ sâu diệt ruồi, muỗi, kiến gián, có hại với sức khỏe con người); 9/120 mẫu rau tồn dư cùng lúc cả hai loại hóa chất trên.

Trong số 40 mẫu tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, có 14 mẫu rau muống; 21 mẫu rau ngót và 5 mẫu rau mồng tơi…

Vì không đặt nặng vấn đề kinh tế nên rau không bao giờ phải phun thuốc kích thích. Nếu phun truốc trừ sâu, rệp thì cũng phải đến 10 ngày sau mới thu hoạch. Còn các hộ dân trồng rau để bán thì… chả biết đâu mà lần.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hầu hết các hộ nông dân trồng rau bán đều cần đến các loại thuốc trừ sâu, chất biến đổi gen di truyền cho rau màu như Ga3 (Giberelin), “viên sủi”... Bên cạnh đó, còn có những loại thuốc trôi nổi, có xuất xứ không rõ ràng từ Trung Quốc.

Tuy không có nhãn mác, nhưng rất dễ tìm ở các cửa hàng bán thuốc bảo vệ thực vật với giá rất rẻ, chỉ khoảng vài chục nghìn đồng/gói. Các hóa chất được sử dụng tràn lan, nhất là trong những ngày cận thu hoạch, để có những mớ rau mơn mởn, mỡ màng, trông rất ngon mắt. Không những thế, thời gian sinh trưởng của cây trồng cũng được rút ngắn hơn so với cách trồng rau thông thường từ 15 ngày đến cả tháng.

Dành hai ngày dạo quanh nhiều vựa rau trên địa bàn thủ đô như Đông Anh, Quốc Oai, Thường Tín, Hoài Đức, Gia Lâm, Từ Liêm… đâu đâu cũng thấy vỏ các loại thuốc kích thích rơi vãi khắp bờ ruộng.

Tại một số vườn rau ở Gia Lâm, thấy nhan nhản vỏ bao thuốc trừ sâu, thuốc kích thích in tiếng Việt, in chữ nước ngoài (chủ yếu là chữ Trung Quốc) vứt đầu bờ ruộng của nông dân. Có vỏ bao đề “đặc trị bệnh khô vằn, Dui Xiao Meisu”, là loại thuốc dùng đặc trị bệnh khô vằn trên cây lúa nhưng vẫn được phun tràn lan cho rau.

Bên cạnh đó là vỏ loại thuốc Agrnil 75 WP phân phối của Công ty CP JIA NON BIOTECH. Loại thuốc này trị bệnh nấm trên lúa và dưa hấu, không dùng cho rau nhưng cũng được phun cho rau.

Đặc biệt, có cả vỏ thuốc trừ sâu dạng lọ nhãn hiệu Bonnus S thành phần chlorpyrifos Ethyl 40% được cảnh báo “độc cao”, nhà sản xuất nguyên liệu là Zheiang Dongfeng Chem Co cũng được vứt ở các con mương dẫn nước. Loại thuốc này diệt các loại sâu cho cây công nghiệp, cây lúa nhưng lại được người ta dùng để phun cho… rau cải.

Bà Hoa, một thương lái rau chuyên thu mua rau từ vựa rau Đông Anh để rải các chợ đầu mối khu vực Từ Liêm, Cầu Giấy tiết lộ: “Lạ gì việc người ta dùng thuốc kích thích tăng trưởng. Ví dụ với cây hành, người trồng thường dùng loại viên sủi, cứ bốn ngày bơm một lần, khi thu hoạch, hành rất đẹp lá. Rau đắt thì bơm kích thích càng nhiều, nhất là dịp cuối năm, trồng bao nhiêu cũng không đủ bán”.

Bà Hoa chẳng giấu: “Các loại thuốc kích thích bán rất nhiều ở các đại lý thuốc trừ sâu, thuốc thú y… Phải đến hàng chục loại thuốc kích thích cho rau như C sủi loại 502, 702 dùng phun hành tỏi hiệu nghiệm lắm; các loại khác thì dùng để kích củ, quả. Bây giờ, nhiều người trồng rau đang chuộng loại thuốc có tên là “vươn cành”, nghe nói loại này có xuất xứ từ Trung Quốc, vừa rẻ vừa hiệu quả siêu nhanh”.

Lại nói về loại thuốc “vươn cành”, có hai loại: một loại viên sủi và một loại nước. Loại viên sủi có giá khoảng 10.000 đồng/viên, thả vào nước sẽ tan. Loại nước được đóng trong lọ nhỏ khoảng bằng ngón tay, không màu, không mùi và giá bán chỉ 6.000 đồng/lọ.

Loại thuốc này đạt kỷ lục tăng trưởng mà người lạ lần đầu chứng kiến sẽ phải choáng váng. Chỉ cần phun thuốc thì sau một đêm, ngọn rau có thể dài thêm 20cm, xanh non mơn mởn; thậm chí về đêm nếu soi đèn quan sát có thể thấy được ngọn rau dài ra bằng mắt thường (?).

Thuốc “vươn cành” được phun vào buổi chiều hằng ngày. Đến khoảng 22 giờ, những luống rau bắt đầu dày lên, ngọn dài ra, lá non hơn. Quan sát 30-45 phút, thấy ngọn rau dài ra khoảng 3-4 cm, những búp hoa cải bắt đầu nở xòe. Nếu là ngọn rau bí sẽ vươn dài ra cả gang tay. 4 giờ, người ta hái rau. Từ 5 giờ trở đi, rau đã có mặt tại các chợ đầu mối ở Hà Nội.

Được biết, loại thuốc được dân trồng rau gọi với cái tên: thuốc “tăng phọt” (hay “kích phọt”), là hoạt chất bảo vệ thực vật sinh học thuốc nhóm độc U, gây ảnh hưởng sức khỏe người tiếp xúc, hấp thụ. Tuy nhiên, người trồng rau hoặc là mặc kệ hoặc là không biết hết tác hại của những loại thuốc này và vẫn mua về sử dụng hằng ngày.

Siêu thị ư? Cũng tùy!

Trước những thông tin rau bẩn trôi nổi trên thị trường, nhiều bà nội trợ đành chuyển sang mua hàng tại siêu thị. Tuy nhiên, rau ở siêu thị cũng chỉ… tùy. Chỉ yên tâm được phần nào. Bởi vẫn còn những kẽ hở để rau không an toàn “chui” được vào những nơi tưởng như việc kiểm soát rất ngặt nghèo này.

Theo số liệu từ cơ quan chức năng, toàn TP Hà Nội có gần 200 cơ sở trồng rau sạch, đủ điều kiện an toàn thực phẩm (ATTP), trong đó nhiều nhất là Đông Anh (hơn 30 cơ sở), Sóc Sơn (18 cơ sở).

Thời gian qua, số lượng cơ sở trưng mác cung cấp thực phẩm sạch được mở ra khá nhiều, tuy nhiên việc cấp phép, kiểm soát, kinh doanh rau an toàn vẫn có những lỗ hổng nên tồn tại tình trạng đối tượng xấu trà trộn, bán hàng chưa được kiểm định cho người tiêu dùng. Không loại trừ cả việc có những trung tâm thương mại, siêu thị “bắt tay” với nguồn cung cấp, để tiêu thụ những sản phẩm không đúng theo hợp đồng.

Chỉ trong vài tháng đầu năm 2016, lực lượng cảnh sát môi trường đã phát hiện, kiểm tra, xử lý 888 vụ vi phạm về môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, thu nộp ngân sách 3,7 tỉ đồng.

Tháng 4-2016 vừa qua Đội Quản lý Thị trường số 32 - Chi cục Quản lý Thị trường Hà Nội đã kiểm tra cơ sở cung cấp rau an toàn của bà Nguyễn Thị Tưởng (tại thôn Thường Lệ, xã Đại Thịnh, huyện Mê Linh, Hà Nội).

Tại thời điểm kiểm tra, chủ cơ sở đã không chứng minh được nguồn gốc của hơn 1 tấn rau, củ, quả, trong đó có khoảng 2,5 tạ sản phẩm đang được nhân viên đóng gói vào các túi lưới, dán nhãn đảm bảo. Qua xác minh, chỉ 70-80% số rau trên được cơ sở này mua tại khu vực có chứng chỉ an toàn, số còn lại mua trôi nổi ngoài thị trường.

Tiếp đó Phòng Cảnh sát môi trường (PC49), Công an TP Hà Nội phối hợp với Đội Thanh tra chuyên ngành số 2, Thanh tra Sở NN&PTNT thành phố Hà Nội kiểm tra Hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ rau an toàn Đạo Đức (HTX Đạo Đức) tại xã Vân Nội (Đông Anh, Hà Nội), do bà Đỗ Thị Liên làm chủ nhiệm.

Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện bà Liên đang thực hiện hợp đồng cung cấp rau, củ, quả... cho một số siêu thị trên địa bàn Hà Nội. Do lượng rau, củ, quả không đủ nên  cơ sở cho người đi mua gom rau ở các chợ đầu mối, thậm chí mua cả rau của Trung Quốc rồi về gắn mác rau sạch của HTX Đạo Đức để đưa vào các siêu thị bán cho người tiêu dùng.

Công ty TNHH Sản xuất kinh doanh chế biến rau an toàn Ba Chữ (Vân Nội, Đông Anh) cũng từng bị phát hiện làm ăn gian dối. Công ty này cũng đi mua gom rau ở các chợ đầu mối, sau đó gắn mác rau an toàn để “tuồn” vào các siêu thị lớn.

Làm thế nào chắc chắn rằng những món rau xanh trên mâm cơm của người dân là rau an toàn? Khó lắm. Nhưng không phải là không làm được.

Thực phẩm bẩn đang làm suy kiệt giống nòi

Sau 30 năm đổi mới, có thể nói đời sống vật chất của đại đa số người dân Việt Nam đã được sang một trang mới. Theo số liệu của Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đưa ra thì năm 2015 tỷ lệ hộ nghèo trong cả nước chỉ còn dưới 5%. Ước mơ “cơm no áo ấm” gần như đã thành hiện thực với rất nhiều người dân. Nhưng trớ trêu thay, khi mà người ta không còn quá lo lắng về miếng ăn nữa thì một nỗi sợ hãi còn lớn hơn lại bao trùm, đó là vấn đề an toàn thực phẩm.

“Đi ra chợ không biết mua cái gì; Giờ ăn cái gì cũng sợ, đúng là bệnh từ miệng vào”… đó là những lời thở than mà lúc nào ta cũng có thể nghe từ các bà nội trợ. Trên các diễn đàn, mạng xã hội người ta cũng dễ dàng bắt gặp những ảnh “chế” về thực phẩm mất an toàn. Đơn cử như một “thực đơn” trong một tuần lễ sẽ gồm toàn những món ăn mà mới nghe đến đã sởn da gà. Thứ hai, có các món thịt heo (ăn chất tạo nạc) hầm măng (có chất nhuộm vải); tráng miệng: sầu riêng nhúng thuốc kích chín. Thứ ba, có món: “Canh tôm bơm hóa chất nấu với rau nhút trồng bằng chất thải bồn cầu”; Tráng miệng: Chuối chín ép bằng thuốc diệc cỏ.

Thứ tư gồm: Lươn nuôi bằng thuốc tránh thai nấu với rau cải ướp thuốc trừ sâu; uống cà phê đậu nành rang cháy với hóa chất… Lại còn có cả thơ, vè về thực phẩm bẩn: “Sáng điểm tâm tô bún/ Có ướp tí hàn the/ Xong uống ly hóa chất/ Được gọi là cà phê/ Trưa ghé tiệm cơm bụi/ Ăn bột nở trộn cơm/ Lợn siêu nạc kho trứng/ Chiều nấu cơm hạt nhựa/ Với thịt bò “lên đời/ Heo tẩm thuốc Trung Quốc/ Thành miếng bò đỏ tươi/ Làm tô canh rau muống/ Tưới dầu nhớt xanh um... Bốn mươi khám tổng quát/ Bác sĩ cấp văn bằng/ Ung thư giai đoạn cuối/ Ra đồng nằm ngắm trăng!”.

Cũng chưa bao giờ người ta phải chứng kiến tỷ lệ người dân mắc các bệnh đường ruột, đại tràng, đặc biệt là ung thư nhiều như thời nay.

Theo thống kê, mỗi năm Việt Nam có khoảng 200- 250 nghìn trường hợp mắc ung thư và 75 nghìn người chết vì căn bệnh này. Tức là, mỗi ngày có 205 người chết vì căn bệnh ung thư (gấp 7 lần tử vong do tai nạn giao thông). Hiện Việt Nam được xếp vào nhóm quốc gia có tỷ lệ ung thư cao nhất thế giới. Một trong những nguyên nhân chính dẫn tới căn bệnh trên là do thói quen ăn uống mất vệ sinh và thực phẩm bị nhiễm bẩn. Tại Quốc hội, nhiều đại biểu đã phải lên tiếng bày tỏ nỗi lo lắng trước sự lan tràn của thực phẩm bẩn.

Bà Lê Thị Nga, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp khẳng định, thực trạng vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm ở nước ta trong thời gian gần đây đã rất báo động, gây hậu quả trước mắt cũng như lâu dài. Bệnh tật, suy giảm sức khỏe giống nòi, giảm sức cạnh tranh nền kinh tế, làm mất hình ảnh quốc gia... có nguyên nhân không nhỏ từ thực phẩm bẩn.

Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cũng đau xót cho biết: “Thực phẩm bẩn với bản thân tôi thì đây phải là quốc nạn, bởi hiện nay thực phẩm bẩn không chỉ xuất hiện ở chợ, ở những gánh hàng rong, mà nó đã đi vào cả các siêu thị uy tín - nơi mà rất đông người tiêu dùng gửi gắm niềm tin”. Tuyên chiến với thực phẩm bẩn ngay lúc này, có lẽ cũng đã là muộn!

Linh Sơn

Năng lượng Mới 534