Kìm nén tâm lý phấn khích!

23:38 | 13/01/2018

295 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Không chỉ các nhà phân tích kinh tế mới khẳng định rằng, năm 2017 là năm gây dấu ấn mạnh mẽ trong bức tranh toàn cảnh của nước nhà và nhiều người đặt nhiều hy vọng cho năm 2018.

Tuy nhiên, trong Hội thảo “Cơ hội đầu tư - kinh doanh 2018” mới đây, TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, đã có cảnh báo đáng quan tâm, đó là nền kinh tế đất nước vẫn đang tồn tại những yếu tố đã từng gây ra “bong bóng” của 10 năm trước đây. Ông nhận xét: “Tâm lý phấn khích khiến cho nguy cơ này có thể xảy ra”.

Cho dù những nền kinh tế khổng lồ như Mỹ, Nhật, Trung Quốc... cũng còn hãi hùng về những vụ nổ “bong bóng”, huống chi là Việt Nam. Và nếu những lời cảnh báo trên là có cơ sở thì rõ ràng, câu nói “hãy kìm nén bớt sự sung sướng” rất nên trở thành hiện thực.

Vậy “bong bóng” kinh tế là gì mà khiến nhiều người phải đề phòng đến như vậy?

Khi nhắc tới khái niệm này, các học giả thường lấy một ví dụ điển hình xảy ra cách đây gần 4 thế kỷ có tên là Hội chứng hoa tulip hay “bong bóng Uất kim hương” ở Hà Lan. Thời điểm hoàng kim nhất vào tháng 2-1637, một củ hoa tulip được giới đầu cơ đẩy giá cao ngất ngưởng, ngang với 10 lần thu nhập hằng năm của một thợ thủ công lành nghề. Thậm chí, có người sẵn sàng đổi 5ha đất để được sở hữu một củ hoa tulip.

Đến khi tất cả mọi giấc mộng làm giàu bị đổ vỡ, sự xáo trộn khủng khiếp của nền kinh tế quốc gia đã tạo nên một ví dụ kinh điển toàn cầu cho “nền kinh tế bong bóng”.

kim nen tam ly phan khich
Tranh biếm về Hội chứng hoa tulip

Các chuyên gia đã định nghĩa rằng, bong bóng kinh tế là hiện tượng chỉ tình trạng thị trường, trong đó giá hàng hóa hoặc tài sản giao dịch tăng đột biến đến một mức giá vô lý, không bền vững.

Mọi lý luận đã tổng kết, bong bóng kinh tế xuất hiện khi có hiện tượng đầu cơ đối với các tài sản cơ sở, làm cho giá bị đẩy lên cao. Từ đó lại càng khuyến khích hoạt động đầu cơ hơn nữa. Theo sau bong bóng kinh tế bao giờ cũng là một cú giảm giá đột ngột, được gọi là sự sụp đổ của thị trường, hay gọi là "bong bóng vỡ".

Cơ chế của bong bóng kinh tế thường được giải thích bằng một lý thuyết có tên là "lý thuyết về kẻ ngốc hơn". Lý thuyết này giải thích hành vi của những người tham gia vào một thị trường với sự lạc quan thái quá, thường được gọi là “anh ngốc”.

Những “anh ngốc” này sẵn sàng mua những hàng hóa được định giá quá cao, với mong đợi sẽ bán được nó cho một tay đầu cơ tham lam khác (kẻ ngốc hơn) ở một mức giá cao hơn nhiều.

Bong bóng sẽ tiếp tục phình to thêm chừng nào mà anh chàng ngốc này vẫn còn tìm được một kẻ ngốc hơn mình sẵn sàng mua những hàng hóa đó. Và bong bóng kinh tế sẽ kết thúc khi anh ngốc cuối cùng trở thành "kẻ ngốc nghếch nhất", người trả giá cao nhất cho thứ hàng hóa được định giá quá cao và không tìm được người mua nào khác cho chúng, lúc đó bóng nổ.

Các nhà kinh tế học nhìn nhận, bong bóng kinh tế như một hiện tượng gây tác động tiêu cực lên nền kinh tế, bởi vì các nguồn lực được phân bổ vào những mục đích không tối ưu. Thêm vào đó, khi bong bóng nổ, nó có thể gây thiệt hại một khối lượng của cải khổng lồ, đồng thời kèm theo một giai đoạn bất ổn kinh tế kéo dài.

Hậu quả của bong bóng kinh tế không chỉ tàn phá nền kinh tế của một quốc gia, mà ảnh hưởng của nó có khi còn lan ra ngoài biên giới.

Ở Việt Nam cũng đã từng có “bong bóng BĐS” cách đây chục năm. Đó là vào khoảng năm 2006 đến cuối năm 2007, khi hệ thống ngân hàng đã cung cấp tín dụng ào ạt cho các dự án BĐS, thổi vào thị trường một sức nóng đầu tư và thậm chí cả đầu cơ hiếm có, giá cả nhà ở bị đẩy lên cao.

Khi đó, nguồn cung tăng như vũ bão khiến ngày càng cách xa nhu cầu thực về nhà ở, đặc biệt là với khả năng thanh toán của đông đảo dân chúng. Sự trả giá đắt đã ập đến, không chỉ với toàn bộ nền kinh tế mà với nhiều nhà đầu tư BĐS. Thị trường BĐS đã đóng băng cả thời gian dài.

Hậu quả là những khoản nợ xấu khổng lồ sau cả chục năm, cho đến nay vẫn như “những cục máu đông” trong nền kinh tế mà không dễ gì tan chảy.

Trở lại nhận xét của TS Trần Đình Thiên. Ông cho rằng với những thành tựu của năm 2017, năm 2018 được dự báo sẽ rất tích cực. Tuy nhiên, mọi tiềm ẩn vẫn còn đấy.

Thông điệp của ông rất đáng ghi nhận, đó là hãy kìm nén tâm lý phấn khích!

Bởi lý do rất đơn giản, nhiều khó khăn của nền kinh tế đất nước vẫn đang ở phía trước!

Tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương cuối năm 2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Một đất nước thu nhập bình quân đầu người 2.335USD thì có gì quá phấn khởi, có phải là nỗi buồn của những người lãnh đạo khi thu nhập bình quân người dân thấp như thế”. Thủ tướng yêu cầu phải nhìn thẳng vào sự thật không phải là để chủ quan, tự mãn, càng không phải là để tự ti, nhụt ý chí, mà để đánh giá đúng tình hình, từ đó đề ra nhiệm vụ, giải pháp đúng đắn, chính xác, sát hợp với thực tiễn, khả thi. Chính phủ muốn các chuyển động không được phép dừng lại và khẳng định phải tiếp tục nỗ lực phấn đấu hơn nữa để vượt trên các thành tích mà 2017 đã đạt được, tiếp tục giải quyết những vấn đề của cải cách, đổi mới theo đường lối của Đảng đã đề ra.

Nguyễn Long Vân

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc