Kịch hát dân tộc ngày càng vắng bóng thí sinh

07:00 | 13/11/2012

1,937 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Khoảng 10 năm trở lại đây, việc tuyển sinh đủ chỉ tiêu ở khoa Kịch hát dân tộc, trường ĐH Sân khấu & Điện ảnh Hà Nội và ĐH Sân khấu & Điện ảnh TPHCM rất khó khăn. Trong bối cảnh cải lương, tuồng, chèo bị thất sủng dần thì đâu là giải pháp để giới trẻ yêu và học ngành này để mai này không bị mai một là câu hỏi hóc búa.

Trong một diễn đàn về văn học nghệ thuật mới đây do Ban Khoa giáo - Đài truyền hình Việt Nam tổ chức, xung quanh việc làm sao để khoa Kịch hát dân tộc ngày càng thu hút thí sinh; có rất nhiều ý kiến được đưa ra từ nhà quản lí giáo dục, giảng viên Khoa Kịch hát dân tộc và những người có tâm huyết với âm nhạc dân tộc.

Trên thực tế, Khoa Kịch hát dân tộc ở Hà Nội cũng như TPHCM, sinh viên được giảm 75% học phí. Đồng thời, chính sách nhà nước cũng hỗ trợ nhiều phương diện khác để tăng số lượng thí sinh thi đầu vào nhưng những năm vừa qua, thí sinh thi vào nhỏ giọt, phải chăng tiêu chí thi đầu vào đặt ra quá cao- Ông Trần Quang Hùng, Giám đốc Nhà hát cải lương Việt Nam đưa ra lí giải.

Diễn viên chèo là 1 trong 3 chuyên ngành của Khoa Kịch hát dân tộc ĐH SK&ĐA Hà Nội

Nói về nghịch lý giữa học vấn - giọng ca, tác giả Lê Duy Hạnh từng cho rằng, việc tuyển sinh đầu vào hiện nay cần phải có những thay đổi, đặc biệt là đối với những thí sinh thi vào kịch hát dân tộc - cải lương. Ông nói: “Với những thí sinh này, điều quan trọng nhất là sắc vóc, giọng ca tốt, còn về trình độ học vấn nếu có thấp thì dần dần học bổ sung. Chứ cứ dựa vào trình độ học vấn thì vô tình chúng ta lại đánh mất cơ hội của những người thật sự triển vọng. Thử nhìn lại lịch sử cải lương, có nhiều nghệ sĩ thành danh, giọng ca làm say đắm biết bao người nhưng học vấn có cao đâu?”.

Tuy nhiên, khó khăn chung trong việc thiếu sinh viên ở Khoa kịch hát dân tộc của Trường ĐH Sân khấu và Điện ảnh HN và TPHCM theo PGS-TS Trần Trí Trắc thì phải làm sao cho lớp trẻ yêu sân khấu dân tộc thì mới hi vọng có thí sinh thi vào trường. Đồng thời ông đưa ra giải pháp là Nhà trường nên đến các trường Trung học phổ thông động viên nhiều em có năng khiếu ca diễn thi vào.

Nhà báo Bích Hạnh thì cho rằng miền Nam là đất của cải lương, còn rất nhiều người yêu sân khấu cải lương vậy có nên thay đổi tên Khoa Kịch hát dân tộc thành Khoa Cải lương để gây sự chú ý và dễ thu hút thí sinh hơn. Bên cạnh đó là biện pháp phát tờ rơi, phổ biến thông tin về khoa để nhiều học sinh tìm hiểu.

Diễn viên cải lương là 1 trong những chuyên ngành của Khoa kịch hát dân tộc ĐH SK&ĐA TPHCM

Nói về chuyện quảng bá, TS Phạm Trí Thành cho rằng, nhà trường cũng từng đưa ra vấn đề quảng bá, phát tờ rơi nhưng dường như ở hai miền Nam – Bắc khâu quảng bá cũng chưa tốt. Và ông nhấn mạnh là nên có chính sách đi tuyển sinh tại địa phương, sẽ thu hút thêm nhiều thí sinh hơn.

Xung quanh vấn đề này, có nhiều ý kiến cho rằng. Chúng ta mong muốn quảng bá, hỗ trợ đầu vào và đầu ra cho thí sinh nhưng liệu với chính sách quá ưu đãi như vậy thì có gây nên tính toán thực dụng ở thí sinh… Hay có những em sau khi học không trở thành diễn viên kịch hát dân tộc mà tham gia hoạt động văn hóa khác thì vô hình chung tạo nên suất ảo cho Khoa kịch hát dân tộc không?

Giải đáp vấn đề này, nhiều đại biểu khẳng định sẽ không có chuyện suất ảo ở Khoa Kịch hát dân tộc vì đa số các em có lòng yêu nghề, thích nghề thì mới thi vào. Ngày xưa, học kịch hát dân tộc bước ra đời còn có đất sống còn bây giờ thì rất khó khăn nên mỗi thí sinh chọn ngành này thường phải đấu tranh với chính mình và cả gia đình. Các giảng viên đều khẳng định, chúng tôi nhận ra niềm đam mê và khuyến khích các em theo nghề chứ không hề ảo đâu.

Mong rằng ngày càng có nhiều bạn trẻ theo học Diễn viên chèo

Bên cạnh vấn đề đầu vào thì vấn đề đầu ra cũng là nỗi băn khoăn trăn trở của những người làm công tác giảng dạy. Như chúng ta đều biết thì trong mỗi khóa có khi đến vài khóa cũng chỉ có một đến hai sinh viên sau khi ra trường, nổi tiếng, sống được với nghề ca diễn. Vậy đất sống dành cho những sinh viên còn lại sau khi ra trường thì ra sao. Nên NSƯT Trần Quang Hùng nhấn mạnh trong quá trình đào tạo nên tính đầu vào thì phải tính đầu ra. Nếu các em không ca diễn nổi tiếng thì chí ít cũng là một cán bộ văn hóa ở địa phương, vì địa phương nào cũng cần cán bộ văn hóa.

Ngoài ra còn có giải pháp khả thi hơn là Nhà hát cải lương Hà Nội đặt hàng Khoa Kịch hát dân tộc trường ĐH Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội nhận ngay những sinh viên khá giỏi mới ra trường. Đồng thời, các bạn sinh viên vẫn còn nhiều hi vọng cho nghề nghiệp của mình khi ở các nhà hát, lớp nghệ sĩ lớn tuổi sắp về hưu thì luôn cần lớp trẻ thay thế. Vì thế, để có được những diễn viên thực sự có kiến thức cơ bản, được đào tạo bài bản để phục vụ cho các nhà hát thì cần có sự phối hợp giữa các đơn vị nghệ thuật với nhà trường. Nhà trường tạo điều kiện cho các em vừa học vừa làm, tiếp cận sớm với sân khấu và đây chính là nơi để các em theo đuổi niềm đam mê sân khấu.

Có nhiều giải pháp được đưa ra. Trong đó vấn đề là làm thế nào để cải thiện số lượng thí sinh thi vào của bộ môn nghệ thuật truyền thống nói chung, đồng thời giải quyết đầu ra luôn là câu hỏi tâm huyết của tất cả mọi người. Làm sao có giải pháp tốt nhất cho vấn đề này.

Hi vọng giới trẻ mê cải lương có nhiều người mê ca diễn, đam mê nghề như nghệ sĩ cải lương trẻ Thanh Ngân

Mùa tuyển sinh năm nay, một tín hiệu mừng là ở Trường ĐH SK & ĐA TPHCM, đạo diễn Nguyên Đạt, Trưởng khoa Kịch hát dân tộc cho biết, nếu như năm học 2011 - 2012, khoa này chỉ tuyển được 22 sinh viên vào học thì năm học 2012 - 2013 đã tuyển được 40 sinh viên, trong đó có 33 sinh viên học cải lương và 7 sinh viên học đờn, với nhiều bạn trẻ có giọng ca tốt, sắc vóc đẹp.

Quả là một tin vui cho những ai quan tâm đến cải lương, bởi suốt 10 năm qua, chưa năm nào Khoa kịch hát dân tộc ở TPHCM tuyển được nhiều sinh viên theo học hát cải lương, học đờn như năm nay. Bên cạnh đó, sự tái ngộ của nghệ sĩ Bạch Long trong việc giảng dạy cải lương cho các bạn trẻ theo học tại “lò” đào tạo của bà bầu Linh Huyền cũng là một khích lệ.

Với đạo diễn Nguyên Đạt, Trưởng khoa Kịch hát dân tộc của Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TPHCM thì những năm gần đây ông cũng thường xuyên nghĩ ra nhiều cách để các sinh viên của mình có cơ hội làm nghề để các sinh viên kịch hát dân tộc được làm nghề, rèn nghề và giữ nghề.

Mong rằng, những năm sau, lượng thí sinh thi vào Khoa Kịch hát dân tộc ngày càng đông để cải lương, tuồng, chèo luôn có thế hệ kế thừa và phát huy. Những người tâm huyết với sân khấu dân tộc vẫn có niềm tin và hi vọng vào một đội ngũ thế hệ trẻ mê ca diễn, yêu nghề, học nghề bài bản và sống hết mình với nghề.

Thiên Thanh