Kịch bản kinh tế Việt Nam 2012: Doanh nghiệp không nên “chờ sung rụng”

23:25 | 09/12/2011

416 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Không mấy lạc quan, đó là cảm nhận chung về bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2012 của các diễn giả là các chuyên gia kinh tế hàng đầu Việt Nam, đại diện các doanh nghiệp, khách mời tham gia Hội thảo “Kịch bản Kinh tế Việt Nam 2012 – Đâu là cơ hội?” do Thời báo kinh tế Việt Nam tổ chức sáng nay (9/12) tại Riverside Palace (Bến Vân Đồn, quận 4, TP HCM).

Tiến sĩ Trần Du Lịch - Ủy viên Ủy ban kinh tế của Quốc hội

Ảm đạm, khó khăn và vô vàn những vấn đề bức xúc trăn trở đã được các diễn giả tham gia hội thảo thẳng thắn và cởi mở trao đổi với các doanh nghiệp và báo giới.

Tuy nhiên, hội thảo không dành nhiều thời gian để nhắc nhiều về thực trạng kinh doanh sản xuất của doanh nghiệp Việt Nam hay bức tranh tổng thể của nền kinh tế vĩ mô trong 5 năm lạm phát bắt đầu từ 2007 và đặc biệt là trong năm 2011 vừa qua mà chủ yếu tập trung vào phân tích khó khăn còn tồn đọng; tìm kiếm “điểm sáng” để ngõ hầu xây dựng được một kịch bản khả thi, kiềm chế con ngựa lạm phát đang tiếp tục phi nước đại một cách bất kham. Trong đó, tái cấu trúc kinh tế tổng thể là ưu tiên hàng đầu, nếu không nói là sống còn.

Cả 4 tham luận: “Kinh tế Việt Nam 2012, cơ hội và thách thức” của nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển – Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia; “Giải pháp cho doanh nghiệp vừa và nhỏ” của Tiến sĩ Lê Đăng Doanh – chuyên gia kinh tế cao cấp; “Quan hệ doanh nghiệp và ngân hàng, giải pháp cho thị trường vốn hiện nay” của Phó chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính quốc gia – Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa và “Lộ trình tái cấu trúc và chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế” của Tiến sĩ Trần Du Lịch – Ủy viên Ủy ban kinh tế của Quốc hội đều tập trung vào các giải pháp.

Lạm phát được ví như sóng thần đánh bật lòng dân. Lạm phát ảnh hưởng trực tiếp đến “giá áo túi cơm của người dân” và lạm phát đang đứng thứ hai thế giới, đạt đỉnh hồi tháng 4/2011 (3,32%).

Doanh nghiệp thiếu vốn trầm trọng nhưng lãi suất ngân hàng lại chót vót … trên trời. Nợ xấu trong hệ thống ngân hàng thương mại tăng cao. Thị trường chứng khoán giảm sâu. Thị trường bất động sản tê liệt. Tất cả như những nét vẽ màu xám gạch chằng chịt trên bức tranh nền kinh tế vĩ mô của Việt Nam năm vừa qua. Gánh nặng trên vai doanh nghiệp và cả đời sống an sinh xã hội ngày càng thêm nặng.

Tìm một con đường sáng vào lúc này dường như không chỉ là nhiệm vụ cấp bách nữa rồi. Đó có lẽ là lý do mà nói như TS. Trần Du Lịch: chưa bao giờ Chính phủ, doanh nghiệp, các chuyên gia và cả người dân lại có sự đồng thuận cao đến thế cho phương án tái cấu trúc nền kinh tế vĩ mô.

Dĩ nhiên, đập nhà xây lại sẽ phải tính toán nhiều hơn kỹ hơn là xây mới, sẽ phải dọn dẹp đống gạch vữa đổ nát vất vả hơn là xây trên một khoảng đất trống. Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa cũng cho rằng nếu tái cấu trúc thì chúng ta sẽ phải chấp nhận giảm tăng trưởng. Nên Chính phủ đề ra mục tiêu GDP năm 2012 ở mức vừa phải là 6%.

“Trong 3 lĩnh vực cần tập trung tái cấu trúc là Đầu tư công, Thị trường tài chính (trong đó tập trung vào ngân hàng thương mại) và Cải cách doanh nghiệp (trong đó tập trung vào Tập đoàn và các tổng công ty Nhà nước)… thì hệ thống ngân hàng thương mại là cần kíp nhất, bức xúc nhất nhưng cũng nhạy cảm nhất” TS. Lê Xuân Nghĩa cho biết. Không chỉ có Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia xoáy sâu nhấn mạnh vào việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, mà đây cũng là vấn đề mà đại diện các doanh nghiệp tham gia hội thảo quan tâm nhất, “chất vấn” diễn giả nhiều nhất. Bởi một khi hệ thống ngân hàng bất ổn định thì “kịch bản” tái cấu trúc kinh tế vĩ mô sẽ càng khó viết.

Đồng thuận cao với kịch bản tái cấu trúc kinh tế vĩ mô nhưng vấn đề đặt ra ở đây là tái cấu trúc như thế nào để đem lại hiệu quả cao nhất, rủi ro thấp nhất. Đó mới là điều doanh nghiệp quan tâm chứ không phải là những con số có tính mục tiêu, những con số có tính “cố gắng”, “sẽ là”…

Trả lời câu hỏi nên làm gì, làm như thế nào để giải quyết mớ bòng bong như mạng nhện đang treo lơ lửng trên đầu doanh nghiệp với rất nhiều những bất cập chồng chéo lên nhau mâu thuẫn nhau? Tiến sĩ Trần Du Lịch cho rằng: trước hết, doanh nghiệp cũng cần phải phẫu thuật lại chính mình, tái cấu trúc lại kế hoạch chính sách trung và dài hạn của bản thân. Không thể phủ nhận trong các vấn đề xảy ra đối với doanh nghiệp năm qua đến mức phải giải thể hay ngừng hoạt động; ngoài nguyên nhân khách quan thì còn có nguyên nhân chủ quan là năng lực quản lý của doanh nghiệp (trong đó có các ngân hàng thương mại cổ phần) của chúng ta còn yếu kém. Nhìn rộng hơn, hạ tầng – thể chế – và nhân lực là 3 nút cổ chai đang thắt chặt cơ thể kinh tế vĩ mô. Phải mở được những cổ chai đó thì may ra bài toán khó này của Việt Nam trong năm 2012 nói riêng và trong những năm tiếp theo mới có đáp án.

Hội thảo khởi đầu khá ảm đạm nhưng kết thúc đã có chút ánh sáng. Khi mà đại diện các doanh nghiệp tham gia hội thảo không ngần ngại trao đổi những thắc mắc, không ngần ngại “cởi áo cho người xem lưng” và bày tỏ hết mọi khó khăn lo lắng của mình. Và đề nghị những giải pháp cụ thể…

Ngay cả doanh nghiệp nòng cốt của một nền kinh tế còn nhìn về con đường phía trước một cách mơ hồ, mông lung điều đó cho thấy đã đến lúc kinh tế Việt Nam cần có một cuộc cải cách mạnh mẽ, quyết liệt và… thận trọng! Kịch bản kinh tế Việt Nam 2012 cần một đạo diễn tài ba (Chính phủ) nhưng cũng cần có những diễn viên nhập vai xuất thần. Không ai khác, đó chính là doanh nghiệp!

HNTL