Khu công nghiệp Lai Vu: Sống không được, chết chẳng xong!

06:50 | 27/06/2013

2,035 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Chiếm một vị trí rất đẹp với mặt tiền trải dài hàng kilômét trên Quốc lộ 5, con đường giao thông huyết mạch nối Hà Nội - Hải Phòng, Khu Công nghiệp (KCN) Lai Vu với tổng mức đầu tư ban đầu gần 600 tỉ đồng, sau gần 10 năm triển khai xây dựng, đến nay vẫn như một công trường ngổn ngang và hoang phế.

Nghịch lý công nghiệp

Theo kế hoạch ban đầu, KCN tàu thủy Lai Vu được xây dựng hoàn chỉnh vào năm 2009, tạo công ăn việc làm cho trên 10.000 lao động địa phương. Thời đó, KCN được đánh giá là có tốc độ “lấp đầy” nhanh nhất trong số 7 KCN ở tỉnh Hải Dương.

Dù đã biết trước hiện trạng của KCN Lai Vu, song thực tế vẫn khác rất xa so với sức tưởng tượng khi chúng tôi tới đây vào một ngày đầu tháng 6/2013 này. Một công trường rộng mênh mông dang dở bị bỏ hoang, không có bóng người. Những nhà xưởng rộng lớn mới chỉ hoàn thành một phần khung mái, nay phơi nắng phơi sương hoen gỉ. Các thiết bị, máy móc phục vụ cho ngành công nghiệp đóng mới và sửa chữa tàu thủy nằm đắp chiếu. Nhiều nhà máy đã hoàn thành, nay không một tiếng động, cửa đóng then cài. Hàng chục lô đất quây tường rào nửa vời rồi để... trơ gan cùng tuế nguyệt.

Trụ sở điều hành của KCN Lai Vu như mọc lên từ giữa vườn chuối xen canh vừng lạc - sản phẩm "tái chiếm KCN" của những người dân xã Lai Vu. Xa xa là những bãi cỏ dại rộng cả chục hécta đang được người dân xã Lai Vu "trưng dụng" làm nơi chăn thả hàng trăm con trâu bò. Dẫn chúng tôi đi "tham quan", một cán bộ của công ty chua chát: "Đây phải gọi là khu công - nông nghiệp mất rồi". Anh cho biết, cả KCN rộng tới hơn 200ha nhưng hiện chỉ có 2 nhà máy hoạt động với vài chục công nhân đang làm việc cầm chừng.

Hàng tỉ đồng tài sản máy móc thiết bị đang biến thành phế liệu

Dự án xây dựng KCN Lai Vu (trước đây là Cụm Công nghiệp Tàu thủy Hải Dương) được triển khai theo Đề án Phát triển Tổng Công ty Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) giai đoạn 2001-2010. Ngày 12/1/2004, UBND tỉnh Hải Dương đã ban hành Quyết định số 116/QĐ-UBND thu hồi 212,89ha đất của xã Lai Vu, huyện Kim Thành giao cho Ban Quản lý dự án triển khai thực hiện. Đơn vị đã tiến hành bồi thường cho dân có đất, tuy nhiên cho đến nay trong số 1.154 hộ dân trong diện đền bù, vẫn còn 316 hộ chưa nhận tiền đền bù (với số tiền khoảng 23,888 tỉ đồng).

Sau khi Vinashin được Thủ tướng Chính phủ cho tái cơ cấu, KCN được chuyển giao nguyên trạng cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) tại Quyết định số 926/QĐ-TTg ngày 18/6/2010. KCN được đổi tên thành KCN Lai Vu tại Quyết định số 1757 QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 30/9/2011. Hiện tại, KCN được giao do Công ty TNHH MTV Khu Công nghiệp Lai Vu (gọi tắt là Công ty Lai Vu) thuộc PVN làm chủ đầu tư hạ tầng.

Tiếp chúng tôi, ông Đặng Cao Sơn, Chủ tịch Công ty Lai Vu cũng như một số cán bộ chủ chốt của công ty tỏ ra khá căng thẳng và mệt mỏi, dường như những nỗ lực và cố gắng của họ 3 năm qua không có hồi kết. Ông Sơn cho biết, mặc dù PVN không mua dự án này mà là nhận chuyển giao nguyên trạng từ Vinashin, nhưng ngay từ những ngày đầu tiếp nhận dự án, PVN đã xác định có trách nhiệm cao trong việc phối hợp giải quyết những hậu quả của Vinashin để lại, tích cực tháo gỡ các tồn tại để KCN tiếp tục được hoàn thiện và đi vào hoạt động. Công ty Lai Vu đã chuyển trả đầy đủ tiền đền bù giải phóng mặt bằng mà Vinashin còn thiếu trước đây là 16,611 tỉ đồng và trả cả mức lãi suất cao nhất phát sinh từ năm 2006 là 16,7 tỉ đồng vào tài khoản của Ban Giải phóng mặt bằng huyện Kim Thành. Ngoài ra còn chi 3 tỉ đồng xây dựng mới Trạm Y tế xã Lai Vu.

PVN và đại diện là Công ty Lai Vu đã nghiêm túc chấp hành chỉ đạo của Chính phủ, kiên nhẫn đối mặt với những khó khăn, áp lực, cố gắng triển khai các hoạt động xây dựng hạ tầng, tìm cách xúc tiến, mời gọi đầu tư. Tuy nhiên, những vướng mắc nan giải mà Công ty Lai Vu đang gặp phải lại nằm ngoài tầm tay của một doanh nghiệp.

Chưa có lối thoát

Được biết, từ sau khi nhận chuyển giao, triển khai hoạt động thu hút đầu tư, nhiều khách hàng trong và ngoài nước đến rồi lại bỏ đi do vấn đề an ninh trật tự, tình hình khiếu kiện của người dân xã Lai Vu ngày càng phức tạp. Hằng ngày thường xuyên có 30-50 người tự ý xâm nhập chăn thả gia súc và mang công cụ, máy cày vào canh tác tại các khu đất trống. Một số người dân còn có hành động quá khích, lăng mạ, đe dọa nhân viên bảo vệ.

Mới đây nhất, bằng nỗ lực của mình và sự hỗ trợ của tỉnh Hải Dương, ngày 1/2/2013 Công ty Lai Vu đã ký hợp đồng cho 2 đối tác Hồng Công là Công ty TNHH liên doanh dệt Pacific và Công ty TNHH may Tinh Lợi thuộc Tập đoàn Crystal thuê 31,17ha. Khi đối tác vào triển khai khoan thăm dò để xây dựng nhà máy đã bị người dân tràn ra cản trở, buộc phải ngừng thi công rút máy móc ra. Chỉ còn cách trông đợi vào các biện pháp hỗ trợ của chính quyền. Do quá khứ để lại một thực tế éo le là sổ đỏ của dân vẫn chưa thu hồi, tồn tại song song với sổ đỏ của đất thương phẩm trong KCN nên người dân cho rằng họ vẫn còn sổ đỏ, họ vào cấy trồng trên đất của họ.

Chúng tôi rất ngỡ ngàng khi nhận thấy những vọng gác "tiền tiêu" do người dân tự lập ra trong KCN để thường xuyên kiểm soát mọi diễn biến của KCN, nếu có bất kỳ công tác nào được tiến hành thì họ sẽ thông báo cho bên ngoài "dẫn quân" vào ngăn chặn. Như vậy, đến thời điểm này, mọi hoạt động của Công ty Lai Vu và các nhà đầu tư đều buộc phải "đóng băng" hoàn toàn.

Bản chất vấn đề là người dân đòi thay đổi Quyết định số 116/QĐ-UBND, đòi bồi thường đất theo giá hiện tại (gấp 4 lần giá đã đền bù) hoặc cố tình gây khó khăn, kéo dài để đòi tăng quyền lợi. Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, Quyết định số 116/QĐ-UBND ngày 12/1/2004 của UBND Tỉnh Hải Dương là quyết định có hiệu lực pháp luật, khiếu nại của một số hộ dân xã Lai Vu là không có cơ sở pháp lý.

Tuy nhiên, cũng phải nói rằng, việc xử lý thu hồi đất của dân từ những năm trước còn tồn tại nhiều vấn đề gây bức xúc cho dân. Tại Thông báo giải quyết đơn khiếu tố của các công dân xã Lai Vu, do Thanh tra Chính phủ kết luận từ năm 2006, đã nêu: “Những sai phạm trong quá trình triển khai, chỉ đạo và tổ chức thực hiện có biểu hiện nóng vội, chủ quan, thiếu công khai và chưa chặt chẽ… làm ảnh hưởng lòng tin của nhân dân địa phương đối với đường lối chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước".

Về phía các doanh nghiệp (DN) thuê đất của Công ty Lai Vu, theo số liệu báo cáo của công ty, có 9 đơn vị trực thuộc của Vinashin đã đầu tư và triển khai hoạt động sản xuất kinh doanh trong KCN. Diện tích đất của 9 DN này chiếm gần 88ha (chiếm khoảng 65 % diện tích đất thương phẩm - 136ha); sổ đỏ của KCN vẫn chưa hoàn tất và chuyển giao cho công ty (Sở Tài nguyên và Môi trường thì cho rằng, không có chứng nhận của ngành thuế thì không thể cấp sổ đỏ cho công ty - bản chất chỉ là đổi tên người thuê đất). Tính đến cuối năm 2010, các đơn vị thuê đất trong KCN thuộc Tập đoàn Vinashin đã đầu tư vào đây khoảng 2.800 tỉ đồng. Tuy nhiên, hiện chỉ có 2 hai DN là còn hoạt động cầm chừng, đó là Nhà máy Cơ khí chính xác và Nhà máy Ống thép xoắn. Tổng số tiền thuê đất và phí sử dụng hạ tầng từ năm 2007 đến nay của các đơn vị còn nợ Công ty Lai Vu là gần 23 triệu USD (chưa tính lãi vay ngân hàng và phạt chậm trả theo hợp đồng), song hầu hết các DN đều không có khả năng thanh toán do khó khăn về tài chính và ngừng sản xuất.

Để giải quyết tình trạng này, Công ty Lai Vu đã tích cực phối hợp với Ban Quản lý các KCN tỉnh Hải Dương để rút giấy phép đầu tư các đơn vị không hoạt động hoặc đầu tư dang dở, nhằm thu hồi đất. Tuy nhiên, một số DN hoặc đang trong quá trình điều tra, không thể thu hồi hoặc chuyển giao đất của họ, hoặc đang "đóng cửa". Sự hợp tác của các đơn vị này và cả Vinashin là rất thấp, thậm chí không chịu ký lại hợp đồng thuê đất với 2 lý do là chờ chủ trương của Chính phủ tái cơ cấu Vinashin và tài sản đã đầu tư đều là vốn vay trái phiếu. Họ đòi hỏi nếu muốn thu hồi đất thì phải bồi thường tài sản trên đất - đây là một sự đánh đố về cơ chế đối với Công ty Lai Vu.

Quan điểm trái chiều

Về phía tỉnh Hải Dương, tính đến ngày 12/6/2013, tổng cộng đã có 19 cuộc họp Ban Chỉ đạo tỉnh để giải quyết vấn đề của KCN Lai Vu, nhưng mọi việc vẫn dừng ở chỗ bàn bạc tìm biện pháp, tình hình ngày càng phức tạp, dân vẫn khiếu kiện và gây áp lực gay gắt, các vấn đề tồn tại vẫn chưa có hướng giải quyết.

Những gì mà chính quyền đã làm là rất thiện chí như: Chăm lo xây dựng các công trình phúc lợi của xã Lai Vu, tạo mọi điều kiện thuận lợi để người dân nhận tiền đền bù, trả lãi cho số tiền dân chưa nhận đền bù, hay họp bàn, giải thích, tuyên truyền, giáo dục..., đến nay đều không có tác dụng, không đạt được thỏa thuận nào. Giải pháp được Chính phủ chỉ đạo là quy hoạch 12ha thương mại dịch vụ trong KCN để cho dân tham gia cũng đang bế tắc về lựa chọn vị trí quy hoạch, cách chia và các quy định chuyên ngành về xây dựng và môi trường.

KCN Lai Vu hoang phế trong khi người nông dân không có đất cấy trồng

Vấn đề là không chỉ người dân, nhiều cán bộ đảng viên của xã Lai Vu cũng quyết liệt bảo vệ quan điểm "gây áp lực với chính quyền". Cho dù việc gây áp lực đó có nhiều lúc đã đi quá đà, khiến những kẻ có tâm địa xấu lợi dụng kích động làm sự việc rắc rối hơn, khoét sâu mâu thuẫn để các bên lâm vào chỗ bế tắc hơn.

Theo thông tin chúng tôi thu nhận được tại Hải Dương, đến nay tỉnh đã giao cho 6 ban, ngành trực tiếp tham gia giải quyết, nhưng có những đơn vị chưa xuống địa bàn, chưa tiếp xúc với dân, chưa có báo cáo gì. Nhiều cán bộ thuộc các cơ quan liên quan, khi được cử xuống địa phương làm việc với dân thì chưa giải thích cho dân hiểu, hoặc né tránh va chạm, hoặc chưa thống nhất quan điểm giải quyết.

Lãnh đạo công an tỉnh nhận thấy sức ép của dân lên chính quyền tỉnh là rất lớn nên dự định sẽ mở một đợt tuyên truyền đến người dân với hàng trăm cán bộ, chiến sĩ tham gia. KCN Lai Vu ngay sát đường Quốc lộ số 5 nên kế hoạch bảo vệ trật tự an toàn là rất phức tạp. Đối với lực lượng thực thi pháp luật, muốn bảo vệ DN triển khai thi công các công trình, phải có đủ cơ sở pháp lý, phải có kế hoạch chi tiết triển khai dự án thì Công an mới có kế hoạch bảo vệ được.

Về phía Mặt trận Tổ quốc tỉnh, quan điểm chủ đạo là phải an dân, muốn bảo đảm cho các nhà đầu tư thi công được thì phải có thông điệp rõ ràng cho dân, tìm cách để có thể tăng giá đền bù cho họ, đồng thời sắp xếp tạo việc làm cho dân bằng cách giao cho dân địa phương những công trình mà dân tự làm được như nạo vét kênh, xây dựng hệ thống thoát nước. Mặt trận Tổ quốc tỉnh cũng đề nghị xác định rõ việc dân vào KCN canh tác có sai không? Đất đai bỏ không, dân có được vào canh tác không?

Hội Cựu chiến binh thì cho rằng, chính quyền phải có chủ trương thống nhất về cách giải quyết, cách tuyên truyền, phát ngôn với dân, không thể mỗi nơi, mỗi ngành lại nói khác nhau, cũng không thể giải quyết bằng cách mỗi lần đối thoại với dân lại thỏa hiệp một ít. Bên cạnh đó, cũng cần có biện pháp mạnh với những kẻ xúi giục, không có thiện chí, kiên quyết chống đối chính sách của Nhà nước, của địa phương.

Sở LĐ-TB&XH đề xuất, ngoài việc hỗ trợ tiền lãi tiền đền bù dân chưa nhận thì hỗ trợ cho dân bằng cách cấp đất (trong quy hoạch 12ha dịch vụ thương mại) để dân làm dịch vụ - nếu khó bố trí diện tích thì quy ra tiền. Ý kiến của thanh tra tỉnh là cần hệ thống hóa toàn bộ các văn bản pháp lý liên quan để đối thoại với dân, lấy kết luận thanh tra của TTCP làm cơ sở cho việc tuyên truyền chung.

Đại diện cho Công ty Tinh Lợi, cũng là nhà đầu tư tha thiết nhất với KCN Lai Vu thì rất mong chính quyền tạo điều kiện ủng hộ và giải quyết vướng mắc, có biện pháp bảo vệ nhà đầu tư để DN sớm có thể xây dựng nhà máy vì công ty cũng đang đầu tư hiệu quả ở địa phương, nay muốn mở rộng thêm. Trong khi Nhà nước và nhiều địa phương mở rộng cửa, trải thảm đỏ mời gọi các nhà đầu tư mà còn khó khăn thì việc có những nhà đầu tư đang mong muốn vào KCN Lai Vu là một điều rất may mắn, để mất cơ hội này, tương lai khó có thể nói trước bởi gây tâm lý lo ngại và mất đi hình ảnh về môi trường đầu tư.

Tháo gỡ rào cản

Vào thời điểm hiện tại, cho dù Chính phủ đã nhiều lần có chỉ đạo về phương hướng giải quyết, tỉnh cũng triển khai nhiều biện pháp rốt ráo, nhưng dường như phương án cuối cùng và một cơ chế rõ ràng vẫn chưa có. Bao trùm lên toàn bộ các vấn đề của KCN Lai Vu là một sự lùng nhùng do quá khứ thiếu minh bạch để lại. Bài toán khó này cần rất nhiều người chung tay và có thiện chí mới giải được.

Nhìn tài sản của đất nước, của nhân dân tại KCN Lai Vu để lãng phí, hủy hoại theo thời gian, không ai không cảm nhận được một sự bất hợp lý khó chấp nhận được. Đất đai bị hoang phí hàng chục năm trong khi người dân không có đất trồng cấy, không có công ăn việc làm, đời sống nơi đây càng khó khăn hơn. KCN điêu đứng, nhà máy không hoạt động, máy móc để hoen gỉ, DN đã giao đất không triển khai đầu tư sản xuất, nhà đầu tư mới không thể vào. Chính quyền tốn rất nhiều sức người sức của, địa phương mất đi cơ hội phát triển kinh tế...

Thiết nghĩ, nếu không có một cơ chế rõ ràng, không có biện pháp quyết liệt, sự  việc tại KCN Lai Vu sẽ tạo nên những hệ lụy liên hoàn cả về kinh tế, chính trị và xã hội.

Theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, 3 bên liên quan là Công ty Lai Vu, chính quyền địa phương và Tập đoàn Vinashin cần phải ngồi vào bàn cùng giải quyết các tồn đọng về thu hồi công nợ của các DN, thu hồi đất, xử lý tài sản thì mới có lối thoát.

Tuy nhiên, Chính phủ cũng cần có chỉ đạo cụ thể, nhất là cơ chế xử lý tài sản trên đất của các DN thuộc Vinashin đã ngừng hoạt động hoặc phá sản, tránh để tình trạng không sản xuất mà không thu hồi được đất, sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng đất và gây bức xúc trong xã hội; đồng thời có câu trả lời về các vấn đề pháp lý với dân để xử lý triệt để, chấm dứt khiếu kiện.

Chính quyền địa phương cần dũng cảm nhìn nhận những sai lầm, tồn đọng trước đây để lại và vận dụng chính sách một cách sáng tạo, mềm dẻo, tùy theo hoàn cảnh và điều kiện để đối thoại, giải quyết với dân. Có những việc trước đây giải quyết chưa đúng, chưa sát thực tế cần được đánh giá xem xét lại nhằm bảo đảm quyền lợi của bà con nông dân, cũng bảo đảm lợi ích của địa phương, bảo đảm chính sách của Nhà nước được thực thi, không để sự việc của một nơi làm ảnh hưởng đến tổng thể chung. Đồng thời cũng cần tuyên truyền để người dân Lai Vu thấu hiểu chính sách, vì lợi ích tổng thể hài hòa mà có thiện chí giải quyết, không nên nghe lời xúi giục gây chia rẽ, dẫn đến những hành vi cản trở mù quáng, làm thiệt hại cho chính quê hương mình.

Trong quy hoạch tái cấu trúc PVN, lộ trình thoái toàn bộ vốn đầu tư khỏi Công ty Lai Vu đã được xác định, PVN không thể tiếp tục đầu tư vào KCN khi các vấn đề phức tạp chưa được giải quyết. Mục đích của PVN là phải  tìm cách chuyển giao dần dự án để thu hồi vốn. Các khách hàng, đối tác, nhà đầu tư mà PVN và Công ty Lai Vu mời gọi tất nhiên phải đòi hỏi những cơ sở pháp lý vững chắc đảm bảo quyền lợi lâu dài của họ và điều kiện thuận lợi để triển khai dự án. Những cơ hội mới xuất hiện hoàn toàn có thể vuột khỏi tay Công ty Lai Vu và địa phương nếu như các vướng mắc không được giải quyết.

Ngày 12/6 vừa qua, đoàn công tác của PVN do Phó tổng giám đốc Nguyễn Hùng Dũng làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Hải Dương và các sở, ban, ngành liên quan. Tại buổi họp, ông Nguyễn Mạnh Hiển, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, tỉnh Hải Dương sẽ tạo mọi điều kiện, đảm bảo an ninh trật tự để các DN có thể vào KNC triển khai hoạt động sản xuất kinh doanh. Ông Hiển cũng cho biết, vừa qua đích thân ông đã có buổi đối thoại trực tiếp với nhân dân xã Lai Vu, nỗ lực giải quyết việc một số người dân chưa nhận tiền đền bù và xâm nhập vào KCN canh tác.

Về phía PVN, Phó tổng giám đốc Nguyễn Hùng Dũng khẳng định PVN sẽ chỉ đạo sát sao và tạo mọi điều kiện để Công ty Lai Vu triển khai các công việc tiếp theo tại KCN. PVN mong muốn UBND tỉnh Hải Dương có biện pháp hữu hiệu để hoạt động của Công ty Lai Vu cũng như các DN đầu tư vào KCN được diễn ra suôn sẻ.

Hy vọng rằng, một ngày không xa, KCN sẽ được lấp đầy, DN sản xuất kinh doanh có hiệu quả, người dân sẽ có thêm cơ hội việc làm, phát triển các dịch vụ, ổn định đời sống, địa phương có thêm thu ngân sách, mọi bế tắc sẽ được khai thông.

Nhóm phóng viên