"Cuộc chiến" đòi lại vỉa hè:

"Không thể vì vài cá nhân mà hy sinh quyền lợi của 90 triệu dân"

18:35 | 25/03/2017

989 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ông Khuất Việt Hùng cho rằng, trong “cuộc chiến” đòi lại vỉa hè không thể vì một vài cá nhân mà hy sinh quyền lợi của 90 triệu dân...

"Cuộc chiến" phải có lý, có tình

Ngày 24/3, phát biểu tại buổi Tọa đàm trực tuyến “Vỉa hè - chống ùn tắc và trách nhiệm công dân”, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đánh giá: Sau 4 ngày Hà Nội ra quân xử lý trật tự đô thị, vỉa hè ở một số tuyến phố như Đội Cấn, Tây Sơn, Nguyễn Lương Bằng... đều thông thoáng, người dân ủng hộ, chỉ có điều họ mong muốn phải công bằng.

Tuy nhiên, ông Hùng cũng cho rằng, “cuộc chiến đòi lại vỉa hè” phải có lý, có tình. “Lý chính là pháp luật, là thỏa thuận, cam kết của hơn 90 triệu người dân Việt Nam trong việc thực hiện hành vi bảo vệ chức năng giao thông của vỉa hè và cái tình quan trọng nhất là làm sao giữ được cam kết ấy để bảo vệ được đại đa số quyền lợi của người dân. Không thể vì vài cá nhân mà hy sinh quyền lợi của 90 triệu người dân. Cái tình ở đây cần phải hiểu cho đúng” - ông Hùng nói.

khong the vi vai ca nhan ma hy sinh quyen loi cua 90 trieu dan
Ông Khuất Việt Hùng

Ở một góc độ khác, ông Lương Hoài Nam, một chuyên gia trong lĩnh vực giao thông khẳng định, bản chất của hành vi lấn chiếm vỉa hè là vi phạm pháp luật. Ông Nam cũng đặt ra câu hỏi tại sao khi đã quy định rõ trong luật mà vẫn khó khăn trong thực hiện?

“Nguyên nhân cơ bản do đây là hành vi chiếm dụng của công thành tư. Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, Bí thư Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã lên tiếng về thực trạng có lực lượng ‘bảo kê’ cho hành vi lấn chiếm lòng đường, vỉa hè. Cuộc chiến lập lại trật tự, kỷ cương đang diễn ra vô cùng khó khăn. Lý do chính bởi lợi ích từ việc lấn chiếm này rất lớn” - vị chuyên gia giao thông thẳng thắn nói.

Để người dân không tái chiếm vỉa hè, ông Nam nhận định: “Việc giải quyết vỉa hè bị lấn chiếm liên quan tới 2 cụm vấn đề đó là nền kinh tế vỉa hè bao gồm kinh tế mặt tiền và kinh tế hàng rong; kết cấu giao thông vận tải. Nếu chỉ chăm chăm làm sạch vỉa hè, không thay đổi kết cấu giao thông, giảm tỷ lệ phương tiện cá nhân, tăng phương tiện giao thông công cộng thì không giải quyết được gốc rễ vấn đề”.

Đề xuất đỗ xe bên ngoài, đi bộ bên trong

Cho rằng, nhu cầu để xe không chỉ dành cho nhà mặt phố, mà đó là nhu cầu chung, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Vũ Văn Viện nói: “Trên 1 tuyến phố, 1 biển số nhà cùng 1 mặt phố có nhiều hộ khác nhau, vậy phân chia vỉa hè đó cho ai? Hiện trên một số tuyến mới quy định được chỗ đỗ. Về nguyên tắc phải hài hòa lợi ích chung. Trên từng tuyến phố phải bố trí đỗ xe phù hợp”.

Ông Viện cũng dẫn giải Nghị định 36 nghiêm cấm mọi hình thức cho thuê vỉa hè để kinh doanh buôn bán, nhưng lại được phép sắp xếp một phần vỉa hè, lòng đường ở những nơi thích hợp để kinh doanh, buôn bán, đảm bảo đời sống nhân dân, nhưng không ảnh hưởng đến an toàn giao thông.

khong the vi vai ca nhan ma hy sinh quyen loi cua 90 trieu dan
Vỉa hè gọn gàng hơn sau khi Hà Nội ra quân xử lý vi phạm trật tự đô thị

“Vỉa hè tính từ sát mép tường trở ra đến 2 mét nên kẻ vạch và hướng dẫn người dân để xe máy cho ngay ngắn. Hà Nội có 11 quận đã thực hiện theo quy định hướng dẫn để xe vào bên trong sát với tường, riêng quận Hoàn Kiếm đang xin để xe phía ngoài vỉa hè để người dân tham gia giao thông bên trong, tiếp cận được với các cửa hàng kinh doanh mặt phố” - Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết.

Về đề xuất này, ông Khuất Việt Hùng cho rằng nên để xe phía ngoài hơn là để xe từ mép tường ra sẽ tránh việc người đi bộ vướng vào gốc cây. Vì thế, xe để sát mép ngoài sẽ hạn chế người đi xe máy không lao lên vỉa hè, còn phần trong giữ cho đi bộ thông thoáng.

Tại buổi tọa đàm, đại diện cơ quan quản lý Nhà nước và các chuyên gia đánh giá cao việc lập lại trật tự trên vỉa hè, tuy nhiên cần linh hoạt, không nên quy định cứng nhắc, tùy theo từng tuyến phố, lấy mục tiêu trung tâm là người đi bộ và giao thông tĩnh.

Hinh Hùng