Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ:

Không thể mình trần ra trận!

20:39 | 20/04/2015

1,849 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
“Từ ốm yếu, chúng ta đã chữa chạy thành công, coi như nhà máy đã vào giai đoạn hồi sức nhưng để được chuyển sang phòng chăm sóc sức khỏe thông thường và để khỏe mạnh thì phải có những tác động rất lớn từ yếu tố bên ngoài…”. Đây không phải là lời của bác sĩ mô tả một bệnh nhân “thập tử nhất sinh” mà là nhận định rất xác đáng về sự nguy cấp của Nhà máy Xơ sợi polyester Đình Vũ (Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ) của Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) Lê Mạnh Hùng.

Năng lượng  Mới số 415

Thị trường hay phi thị trường

Bắt đầu chính thức vận hành thương mại từ tháng 5-2014, sau gần 1 năm Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ đã sản xuất hàng chục ngàn tấn sản phẩm xơ sợi tổng hợp chỉ với hơn nửa công suất. Ngay khi PVN cùng các đơn vị thành viên hỗ trợ hết mình để Công ty CP Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí (PVTEX) vượt qua rất nhiều thử thách kỹ thuật, hoàn thiện dây chuyền công nghệ thì sản phẩm xơ sợi PVTEX “vấp” ngay một chướng ngại là sự cạnh tranh quyết liệt rất phi thị trường theo kiểu “triệt hạ”.     

Không thể mình trần ra trận!

Phân xưởng kéo sợi Filament của Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ

Từ tháng 5-2014, Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ chính thức vận hành thương mại. Đến nay, nhà máy đã cung cấp cho thị trường xơ sợi khoảng 40 nghìn tấn sản phẩm, phục vụ gần 40 doanh nghiệp kéo sợi, dệt trên cả nước. Sau thời gian đầu thử nghiệm trên các nhà máy kéo sợi, sản phẩm của PVTEX đã dần được khách hàng chấp nhận đưa vào sản xuất trên diện rộng. PVTEX cũng cam kết chính sách bán hàng với giá thấp hơn giá hàng nhập khẩu nên đã thực sự hấp dẫn và đem lại lợi ích cho khách hàng.

Tuy nhiên, kể từ tháng 9-2014, công tác tiêu thụ sản phẩm của PVTEX gặp rất nhiều khó khăn, một phần do sự ảnh hưởng lớn từ đợt khủng hoảng giá dầu đến nguyên liệu đầu vào và giá thành sản phẩm xơ sợi, nhưng đặc biệt nghiêm trọng là sự cạnh tranh quyết liệt của hàng nhập khẩu từ các nhà cung cấp nước ngoài. Trong cuộc khủng hoảng giá dầu trên thế giới khiến nguyên liệu đầu vào xơ sợi tổng hợp giảm mạnh 100-150USD/tấn. Đồng thời giá bông (một trong những nguyên liệu chính để kéo sợi) cũng giảm xuống mức kỷ lục chỉ còn 1.320USD/tấn. Trong thời điểm này, các nhà cung cấp xơ sợi đã điều chỉnh giá theo từng ngày, giá bán bình quân cuối tháng 12-2014 giảm 90-100USD/tấn, giảm khoảng 180USD so với tháng 8 và 9-2014. Đặc biệt trong quý I/2015 giá xơ sợi đã xuống dưới 1.000USD/tấn.

Để giữ đúng cam kết giá bán buôn luôn thấp hơn hàng nhập khẩu, PVTEX đã liên tục phải điều chỉnh giá bán. Cụ thể từ 1.340USD (giá cao nhất) vào tháng 8-2014 xuống còn 1.030USD vào tháng 12-2014 và hiện nay là 970USD nhưng vẫn không cạnh tranh được với các nhà nhập khẩu. Từ cuối tháng 12-2014, họ sẵn sàng chấp nhận giảm giá bán thấp hơn 50-70USD/tấn mỗi khi PVTEX áp dụng giá mới. Theo báo cáo của PVTEX lên Bộ Công Thương đã khẳng định, giá bán sản phẩm như vậy chỉ ngang bằng với giá mua nguyên liệu đầu vào và không thể bù đắp chi phí sản xuất của bất kỳ nhà máy nào trong khu vực. Rõ ràng có đầy đủ cơ sở kết luận thị trường xơ sợi đang diễn ra cạnh tranh kiểu “triệt hạ” nhà máy xơ sợi polyester đầu tiên của Việt Nam.

Mang trên mình “sứ mạng kép” là hoàn thiện chuỗi sản phẩm dầu khí và nguồn nguyên liệu quan trọng phát triển, nâng cao giá trị ngành dệt may Việt Nam, Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ đang phải oằn mình tự chiến đấu trong sự khốc liệt của thị trường. Đã đến lúc Chính phủ và các bộ, ban, ngành liên quan cần nhìn thẳng vào sự cấp bách phải dùng mọi biện pháp để “cứu” Nhà máy Sản xuất Xơ sợi polyester Đình Vũ.

Cần có những chính sách công bằng

Nguyên nhân từ đâu mà các doanh nghiệp nhập khẩu với sự hậu thuẫn của các nhà máy sản xuất xơ sợi nước ngoài có thể dễ dàng “chèn ép” đến ngẹt thở ngay trên sân nhà của xơ sợi tổng hợp Việt Nam. Lý giải cho điều này đã có ngay trong nghiên cứu tiền khả thi xây dựng Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ và đánh giá của các chuyên gia kinh doanh các nhà máy xơ sợi tổng hợp tại các quốc gia trên thế giới. Trong đó nêu rõ, để các nhà máy sản xuất xơ sợi polyester hoạt động ổn định, sản xuất kinh doanh hiệu quả cần ít nhất đủ 4 yếu tố hỗ trợ là chính sách tiêu thụ sản phẩm, miễn thuế với công nghệ, thiết bị, thuế nguyên liệu và được bảo hộ đối với các sản phẩm tương tự nhập từ nước ngoài.

Vừa qua, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) đã thông tin rằng, các tập đoàn lớn của Thái Lan đang lên kế hoạch trong 5 năm tới sẽ biến Việt Nam trở thành một trung tâm sản xuất để tái xuất khẩu các sản phẩm của mình sang các nước khác do Việt Nam có lực lượng lao động giá rẻ có tay nghề. Đại diện của VITAS nhận định, ngành dệt may của Việt Nam quy mô lớn nhưng không mạnh, do lệ thuộc 85% vào nguyên liệu nhập khẩu và trên 70% là gia công. Từ đó có thể thấy rằng, nếu không muốn biến mình thành “sân sau” cho công nghiệp dệt may của các nước khác thì các chính sách của Nhà nước về sự hỗ trợ cho các nhà máy sản xuất xơ sợi tổng hợp, đặc biệt là chính sách tiêu thụ sản phẩm là điều kiện tiên quyết và thực hiện càng sớm càng tốt.

Mặt khác, đối với việc xây dựng một ngành công nghiệp chế biến khâu sau của công nghiệp lọc dầu là hóa dầu thì việc miễn thuế cho nguyên liệu đầu vào tại các quốc gia có ngành hóa dầu chưa phát triển cũng phải đặc biệt chú trọng bởi giá của nguyên liệu đầu vào chiếm đến gần 80% giá thành sản xuất sản phẩm xơ sợi. Ngay từ năm 2009 (thời điểm khởi công xây dựng Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ), Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đã đề ra phương án mở rộng, trong đó có sản xuất 2 nguyên liệu chính cho xơ sợi là PTA (polyethylene terephthalate) và MEG (Monoethylene Glycol). Do Nhà máy Lọc dầu Dung Quất là dự án trọng điểm quốc gia, có vốn đầu tư lớn phải qua nhiều cấp soi xét, “vướng” nhiều thủ tục nên đến nay vẫn chưa thể chính thức đi vào sản xuất 2 loại nguyên liệu trên. Chính vì vậy, MEG và PTA của Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ vẫn đang phải nhập khẩu và chịu thuế nhập khẩu như những nguyên liệu khác. Đây là một sự “bất công” khiến khả năng cạnh tranh một nhà máy non trẻ như PVTEX Đình Vũ bị giảm đi rõ rệt.

Cuối cùng là khi các nhà máy còn non trẻ, trình độ quản lý sản xuất còn thiết kinh nghiệm, máy móc thiết bị thời kỳ đầu luôn có mức tiêu hao, áp lực phải trả nợ lớn nên Nhà nước phải xây dựng hàng rào thuế quan, Quota (hạn ngạch nhập khẩu) đối với mặt hàng tương tự nhập vào nội địa. Đây là chính sách bảo hộ mà các nước có nhà máy sản xuất xơ sợi tổng hợp trên thế giới như Trung Quốc, Thái Lan, Đài Loan, Indonesia… đều thực hiện trong thời gian ít nhất 3-5 năm đầu tiên vận hành thương mại. Hiện nay, PVN đã kiến nghị lên Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để trình Thủ tướng Chính phủ thực hiện áp thuế xơ sợi tổng hợp (bán thành phẩm) nhập khẩu vào Việt Nam với mức 8-10% trong ít nhất 1 năm. Trước đây, Chính phủ từng áp thuế mặt hàng này trong năm 2006 nhưng phải tạm ngưng bởi thời điểm đó chúng ta không có nhà máy sản xuất xơ sợi tổng hợp. Nhưng ngay lập tức đã có những ý kiến trái chiều từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng “dựng hàng rào thuế quan” như vậy sẽ ảnh hưởng “lớn” đến việc các doanh nghiệp dệt may Việt Nam không mua được hàng với giá rẻ. Việc phản ứng này cũng là chuyện bình thường của các doanh nghiệp vừa và nhỏ đối với cái lợi trước mắt, cũng là dịp để Nhà nước quyết định lựa chọn vì sự phát triển lâu dài của công nghiệp phụ trợ trong nước hay tiếp tục “dìm” thời hạn thực hiện chính sách đúng đắn để một bộ phận nhỏ hưởng lợi.

Một người lính ra trận, bên cạnh lòng yêu nước, sự dũng cảm… cũng cần phải được trang bị đầy đủ quân tư trang, vũ khí. PVTEX như một lính mới chỉ được trang bị duy nhất là miễn thuế công nghệ, thiết bị. Trớ trêu là “vũ khí” này của PVTEX chỉ có tác dụng trong giai đoạn xây dựng nhà máy. Bởi vậy, nói không ngoa rằng PVTEX đang “mình trần ra trận”. Nói cách khác, để “người lính cảm tử” PVTEX không “chết uổng, chết yểu” phụ thuộc rất lớn vào quyết tâm của Chính phủ, các bộ, ngành liên quan có nhanh chóng cấp vũ khí, áo giáp cho một đại diện duy nhất của ngành công nghiệp xơ sợi tổng hợp đang còn non trẻ của Việt Nam.

Thành Công

 

DMCA.com Protection Status