Không thể coi thường thẻ vàng!

08:56 | 13/12/2017

297 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngành thủy sản Việt Nam vừa mới bị Liên minh châu Âu (EU) công bố phạt thẻ vàng đối với thủy sản Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này do tình trạng đánh bắt bất hợp pháp không được báo cáo và không được quản lý.

Đây là lời cảnh báo không mấy khả quan về nỗ lực đưa kim ngạch xuất khẩu ngành hàng này của Việt Nam tăng trưởng trong những năm tới.

Năm 2016, tổng sản lượng thủy sản của Việt Nam đạt 6,7 triệu tấn, trong đó, sản lượng nuôi trồng chiếm 54%. Kim ngạch xuất khẩu đạt 7 tỉ USD. Năm 2017 này, Việt Nam phấn đấu đạt 6,85 triệu tấn và xuất khẩu 7,1 tỉ USD.

khong the coi thuong the vang

Chống đánh bắt, khai thác hải sản bất hợp pháp là một trong những quy định khắt khe với nhiều quốc gia trên thế giới.Vì thế, trong quá trình hội nhập quốc tế, Việt Nam không thể ngoài cuộc.

Với vai trò sứ giả mang thông điệp mạnh mẽ từ nước Australia nhằm ủng hộ và giúp đỡ Việt Nam thoát thẻ vàng, ông Brendan Reyner - trưởng bộ phận chấp pháp quốc tế (AFMA) - cho biết, ở Australia, có những vùng biển bị đóng cửa hoàn toàn, chỉ có một số vùng cho phép đánh bắt nhưng phải có giấy phép, ngư dân phải trả phí cho chính phủ.

Có loài hải sản, Chính phủ Australia có những ngư trường riêng biệt, đánh bắt có thời gian và số lượng hạn chế để bảo tồn, phí đánh bắt cũng rất lớn dùng vào việc bảo tồn và nghiên cứu phát triển.

Nhìn nhận vấn đề đánh bắt hải sản không kiểm soát của ngư dân, Australia cũng từng có giai đoạn tương tự Việt Nam hiện nay, khiến các loại thủy sản mất dần. Ông Brendan Reyner nhận xét: “Chúng tôi đã từng trải qua quá trình kiểm soát rất khó khăn và phải áp dụng khung hình phạt nặng với các tàu vi phạm, thậm chí cấm đánh bắt vĩnh viễn. Theo thống kê gần dây, Australia không còn tình trạng khai thác quá mức nữa. Ngư dân có thu nhập cao, nguồn lợi thủy sản được bảo tồn”.

Vậy việc EU “rút” thẻ vàng cảnh cáo thủy sản Việt Nam sẽ ảnh hưởng như thế nào?

Bà Miriam Garcia Ferrer, Tham tán thứ nhất, Trưởng ban Thương mại và Kinh tế (thuộc Phái đoàn EU tại Việt Nam) trong lần chia sẻ đã đưa Thái Lan làm một minh chứng cụ thể cho vấn đề trên. Từ tháng 4-2015, nước này bị EU giơ thẻ vàng do không đáp ứng quy định của EU về khai báo khai thác bất hợp pháp. Dù Thái Lan đã có những động thái hợp tác, có các biện pháp như sửa đổi luật, truy xuất nguồn gốc… nhằm đáp ứng quy định chống khai thác bất hợp pháp nhưng EU vẫn đánh giá chưa có sự tiến triển.

Hậu quả là Hiệp định Thương mại tự do Thái Lan - EU vẫn chưa được Nghị viện châu Âu phê chuẩn. Điều này khiến Thái Lan bỏ lỡ nhiều cơ hội phát triển thương mại.

Còn với thẻ vàng của Việt Nam lần này, ngay lập tức, thủy sản Việt Nam đã bị tác động khi các nước kiểm soát 100% các mặt hàng thủy sản của Việt Nam. Việc kiểm soát này làm thời gian lưu kho sản phẩm và chi phí kiểm tra dẫn đến chi phí của doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản sẽ tăng lên rất nhiều. Tính cạnh tranh sẽ thấp đi.

Hậu quả lâu dài hơn và lớn hơn, đó là ảnh hưởng tới bối cảnh Việt Nam và EU đang đàm phán Hiệp định Thương mại tự do (FTA) VN-EU, dự kiến sẽ được Nghị viện châu Âu phê chuẩn thông qua vào thời điểm giữa năm 2018. Bà Miriam Garcia Ferrer nhận định rằng: “Nếu thời gian tới, Việt Nam không đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế cũng như quy định của EU về chống khai thác đánh bắt bất hợp pháp thì không chỉ ngành thủy sản Việt Nam bị “thẻ đỏ” cấm hoàn toàn xuất khẩu vào EU mà còn ảnh hưởng rất lớn đến Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU”.

Thế nhưng, dường như không phải ai cũng thấm thía hậu quả của chiếc thẻ vàng này. Trong cuộc họp báo gần đây, ông Nguyễn Ngọc Oai, quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, đã trấn an dư luận rằng, đây chỉ là thẻ vàng dành cho sản phẩm đánh bắt từ biển. Hơn nữa, tỷ lệ hải sản đánh bắt của Việt Nam xuất khẩu sang EU rất thấp, chỉ 5,1% (!?).

Một vụ việc khác xảy ra, đó là mới đây, ngày 8-11-2017, Tổng cục Nghề cá EU đã gửi thông báo tới Tổng cục Thủy sản Việt Nam, yêu cầu cơ quan chức trách không cho cập cảng một chiếc tàu khai thác bất hợp pháp. Cơ quan trên của EU đã thông tin cụ thể số hiệu, hành trình của con tàu này… và các nước trong khu vực đã từ chối cho tàu trên cập cảng. Thế nhưng con tàu này vẫn được cập cảng Việt Nam.

Ông Phạm Ngọc Tuấn - Phó vụ trưởng Vụ Khai thác, Tổng cục Thủy sản Việt Nam - cho biết: “Với thẻ vàng của EU vừa đưa ra, nếu thực hiện tốt, khoảng tháng 4-2018, EU sẽ kiểm tra lại và có thể đưa chúng ta ra khỏi danh sách. Nhưng nếu chúng ta không có những thay đổi mạnh mẽ xử lý ngư dân đánh bắt bất hợp pháp, EU sẽ tiếp tục duy trì thẻ vàng. Thậm chí rút thẻ đỏ, các sản phẩm hải sản của Việt Nam sẽ cấm nhập vào thị trường châu Âu”.

khong the coi thuong the vang

Bà Miriam Garcia Ferrer: “Hiện tại, EU chưa tiến hành bất cứ biện pháp kiểm soát chặt chẽ nào đối với hàng thủy hải sản nhập khẩu từ Việt Nam. Mọi hoạt động giao dịch thương mại vẫn diễn ra bình thường và doanh nghiệp Việt Nam không nên quá lo lắng. Tuy nhiên, EU có hệ thống cảnh báo các lô hàng vi phạm về chất tồn dư, vi phạm truy xuất nguồn gốc và đặc biệt sẽ lưu ý những lô hàng được đánh bắt từ biển. Hệ thống này sẽ gửi thông tin về cho phía Việt Nam nắm và khắc phục”.

Nguyễn Long Vân

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc