Không nên "bêu" tên người vi phạm trên báo đài

07:07 | 25/03/2017

537 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
PGS.TS Trịnh Hòa Bình cho rằng: Việc "bêu" tên người vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng là đi ngược với những gì thuộc về quyền riêng tư của con người.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung mới đây đã ký Quyết định số 1665/QĐ-UBND ban hành quy tắc ứng xử nơi công cộng. Theo đó, quyết định gồm những quy tắc ứng xử chung và ứng xử tại một số nơi công cộng, như: vỉa hè, lòng đường; vườn hoa, quảng trường, tượng đài, công viên; cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo; bảo tàng, thư viện, nhà văn hóa; trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, nhà hàng, quán ăn; nhà ga, bến xe, bến tàu, thuyền, sân bay; khi tham gia giao thông; khu vui chơi, giải trí, điểm tham quan du lịch.

Theo UBND thành phố Hà Nội, việc ban hành quy tắc ứng xử nhằm từng bước xây dựng, hình thành những chuẩn mực văn hóa, điều chỉnh lời nói, hành vi của cá nhân, tổ chức nơi công cộng trên địa bàn thành phố; Xây dựng thành phố văn minh, hiện đại, xanh - sạch - đẹp.

khong nen beu ten nguoi vi pham tren bao dai
PGS.TS Trịnh Hòa Bình

Bên cạnh những quy tắc chung về ứng xử tại các nơi công cộng, quy tắc do thành phố Hà Nội đặt ra cũng quy định về chế tài xử phạt các hành vi vi phạm. Cụ thể: “Các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định tại quy tắc ứng xử này, tùy mức độ, sẽ bị nhắc nhở, phê bình công khai trên phương tiện thông tin đại chúng”. Nói như vậy không khác nào "bêu" tên người vi phạm trên các báo đài...

Ngay sau khi xuất hiện thông tin "bêu" tên người vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng dư luận đã có nhiều ý kiến trái chiều. Có không ít ý kiến đồng tình với quy tắc này nhưng cũng có quan điểm cho rằng, việc "bêu" tên người vi phạm lên các phương tiện thông tin đại chúng là không nên.

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với PetroTimes, PGS.TS Trịnh Hòa Bình - Giám đốc Trung tâm Điều tra Dư luận xã hội (Viện Xã hội học) cho rằng, việc ban hành quy tắc ứng xử nơi công cộng là nỗ lực của thành phố Hà Nội. Điều này đáng được ghi nhận. Không phải ngẫu nhiên mà Hà Nội đưa ra những quy tắc ứng xử này.

“Lúc đầu có một bộ quy tắc chung, sau khi đưa ra thì thấy cần phải xây dựng bộ quy tắc ứng xử cho cán bộ công chức trước. Sau đó mới đưa ra bộ quy tắc chung cho người dân ứng xử ở nơi công cộng” - PSG.TS Trịnh Hòa Bình nói.

Về việc "bêu" tên người vi phạm lên các phương tiện thông tin đại chúng, vị chuyên gia nói: “Theo quan điểm của tôi, chuyện "bêu" tên ở đây không phải là đưa tên người vi phạm lên các phương tiện thông tin đại chúng mà chỉ dưới dạng nhắc nhở các sự việc và không nên nêu danh tính cụ thể”.

PGS.TS Trịnh Hòa Bình cũng nhấn mạnh, việc công khai tên người vi phạm lên các phương tiện thông tin đại chúng vì như vậy là đi ngược với những gì thuộc về quyền riêng tư của con người: “Tôi cho rằng những vi phạm chỉ nên nhắc nhở chung và không nên nhắc đến tên từng người thì tốt hơn. Đối với những trường hợp vi phạm nhiều lần và đã nhắc nhở thì mới cần chế tài xử phạt cao hơn”.

Bên cạnh đó, PGS.TS Trịnh Hòa Bình cũng nhận định bộ quy tắc của thành phố Hà Nội không có tính khả thi cao. Để những quy tắc ứng xử có hiệu quả thì không có cách nào khác là các cơ quan chức năng Hà Nội phải tuyên truyền và giáo dục cho các tầng lớp dân cư ở từng khu vực hiểu và chấp hành.

Theo khoản 1 điều 20 Hiến pháp 2013, mọi người có quyền được pháp luật bảo hộ danh dự và nhân phẩm; không bị áp dụng bất kỳ hình thức đối xử nào khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm.

Khoản 1 điều 34 Bộ luật dân sự 2015 cũng khẳng định “danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ”.

Xuân Hinh - Chu Phượng