Không kêu sao được!

21:31 | 28/06/2015

1,418 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Từ nhiều năm trước, cứ mỗi kỳ họp của Quốc hội là thế nào cũng có những tốp dân chúng từ một số địa phương mang đơn về Hà Nội để khiếu kiện, kêu oan nhiều thứ nhưng nhiều nhất vẫn là chuyện thu hồi đất, mức đền bù không thỏa đáng.

Năng lượng Mới số 428

Đã có những chuyện đau lòng xảy ra nơi khiếu kiện. Người dân xô xát với lực lượng bảo vệ trật tự trị an. Nhiều người bị đẩy lên ôtô, gom tới một địa điểm để xử lý. Cá biệt, có người do bệnh lý từ trước lại quá uất ức mà chết ngay ở nơi khiếu kiện.

Không kêu sao được!

Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh

Bị thu hồi đất, giá đền bù không thỏa đáng, người dân lâm vào cảnh trắng tay, đói nghèo, thất nghiệp nên phải đi khiếu kiện. Quan chức địa phương không giải quyết được nên người dân mới phải tìm đến cơ quan trung ương chứ không ai muốn khiếu kiện vượt cấp, đi lại tốn kém tiền bạc và công sức. Nhiều nơi, khi đã được đền bù thỏa đáng thì hiện tượng khiếu kiện chấm dứt, dân tin tưởng chính quyền, đời sống của họ ổn định và phát triển.

Mới đây nhất, 110 hộ dân ở xóm Nam Sơn (thôn Chiêm Sơn, xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) có nhà bị ảnh hưởng xây dựng đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi được bồi thường gấp 6 lần so với mức dự toán ban đầu. Tại sao lại có chuyện lạ như thế? Đơn giản vì khi triển khai dự án, chính quyền địa phương và nhà thầu thi công đã công bố giá đền bù quá thấp cho dân có nhà bị hư hỏng do nhà thầu đánh mìn. Có trường hợp được áp giá đền bù rất hài hước, khó tin. Đó là gia đình ông Lưu Ba (xóm Nam Sơn) trước đây được dự toán đền gần 2.000 đồng; nay điều chỉnh lại, ông được nhận 2,2 triệu đồng, tăng hơn 1.000 lần!

Kết quả là số tiền bồi thường cho 110 hộ dân là 626,2 triệu đồng - gấp 6 lần so với mức dự toán, hộ dân được đền bù cao nhất là 17,5 triệu đồng. Giám đốc ban điều hành gói thầu số 4 dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, chi nhánh Tổng Công ty Sông Đà giải thích: “Do ban đầu giám định không kỹ nên chưa thấy hết khối lượng vết nứt nhà dân. Khi bị người dân phản đối thì chính quyền địa phương và nhà thầu đã xem xét và điều chỉnh giá đền bù. Lỗi là do nhà thầu thi công”.

Nhưng chưa dừng lại ở đó, ông Phan Xuân Cảnh - Phó chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên còn yêu cầu nhà thầu phải chi trả bồi thường trước ngày 3-6 để người dân sớm khắc phục hư hỏng, đồng thời yêu cầu người dân không được cản trở các đơn vị thi công. Đến hết ngày 5-6, bà con kiểm tra lại mức bồi thường, nếu không hợp lý thì cứ gửi đơn để huyện giải quyết.

Sự việc xảy ra ở xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên cho thấy, nếu bà con ở nơi dự án thi công không kêu ca với doanh nghiệp và chính quyền địa phương thì mức đền bù có nhà chỉ đủ tiền uống chén nước.

Nhớ lại những năm trước đây, khi dự án mở rộng và nâng cấp Quốc lộ 10 từ Hải Phòng qua Thái Bình về Nam Định cũng có những chuyện đáng bàn. Lần thứ nhất dự án cần lấy một phần đất của dân hai bên đường thì người dân rất vô tư ủng hộ mà không cần đòi hỏi tiền đền bù. Bởi người dân cũng đồng lòng với chủ trương của Nhà nước mở mang đường sá, tạo điều kiện thông thương hàng hóa, đi lại thuận tiện mà người dân được hưởng lợi đầu tiên. Nhưng mấy năm sau, khi mở rộng nâng cấp lần hai, diện tích đất bị thu hồi nhiều hơn thì chủ đầu tư lên phương án đền bù. Mặc dù giá đất lúc đó đã lên cao nhưng do mức đền bù quá thấp, dự án đã vấp phải sự khiếu kiện dài ngày của dân. Mỗi nhà dân mất hàng chục mét vuông đất mặt đường mà số tiền đền bù chỉ đủ công dỡ nhà, dỡ hàng quán. Và rồi kết quả từ việc khiếu kiện đã đem lại lợi ích rõ rệt cho họ. Hầu như hộ nào cũng nhận được đủ số tiền xây lại nhà cửa. Chính quyền địa phương và chủ đầu tư đã làm được một việc yên dân.

Nhưng từ chuyện đền bù thỏa đáng ấy lại cần lật lại vấn đề: Nếu dân ở những nơi bị thu hồi đất vô tư chấp nhận mức giá đền bù ban đầu do chủ đầu tư thống nhất với chính quyền địa phương đưa ra thì họ rất thiệt thòi, đời sống sẽ gặp khó khăn. Đồng thời, số tiền chênh lệch lẽ ra bồi thường cho dân mà chủ đầu tư giữ lại ấy sẽ đi về đâu khi tổng dự toán đầu tư cho công trình đã được cấp trên phê duyệt? Chẳng hạn, số tiền bồi thường để giải phóng mặt bằng là 10 tỉ đồng nhưng chủ đầu tư chỉ bỏ ra 3 tỉ còn 7 tỉ kia sẽ chi cho ai? Vì thế, dân khiếu kiện là có lý! Không thể dọa dẫm, quy kết họ được, trừ những phần tử quá khích.

Xung quanh việc thu hồi đất, giải phóng mặt bằng để triển khai các dự án có rất nhiều chuyện dở khóc, dở cười.

Có một doanh nghiệp từ nhân thuê đất, đầu tư xây dựng nhà máy ở khu công nghiệp Phố Nối, Hưng Yên. Khi nhà máy chuẩn bị đi vào sản xuất thì có một người đàn ông trung niên đến đắp một nấm đất bằng cái thúng ở giữa sân nhà máy và hằng ngày thắp hương khấn vái. Khi giám đốc nhà máy truy hỏi đến cùng thì người đàn ông lộ mặt là kẻ vòi ăn, đã từng nhận tiền bồi thường rồi, nhưng ăn tiêu hết, nay đòi doanh nghiệp phải chi thêm cho anh ta. Đó là một kẻ ăn vạ kiểu Chí Phèo đáng phê phán mà một số doanh nghiệp đã gặp.

Nhưng có một thực tế là nhiều địa phương, người dân chứng kiến sự không công bằng, khuất tất trong đền bù tiền đất của chủ đầu tư và chính quyền địa phương. Cùng ở một địa điểm nhưng gia đình nào “có máu mặt” thì nhận mức đền bù cao hơn. Đúng là “sơn ăn tùy mặt”.

Còn một thực tế nữa không qua được con mắt người dân mà từ lâu người ta đã tổng kết là các quan bây giờ chỉ ăn vào đất, ăn theo dự án. Trừ những nơi xây dựng nhà máy, xí nghiệp, nhiều thị xã, thị trấn còn nghĩ ra cách làm đường tránh đô thị. Thế là mặc dù mật độ giao thông không cao, đường sá không tắc, địa phương vẫn xin dự án mở thêm một con đường vòng ra ngoài thị xã, thị trấn. Điều không thể khác là tiền đầu tư dự toán chừng 3 tỉ đồng thì đến khi hoàn thành đưa vào sử dụng cũng sẽ lên đến 5 tỉ. Nhà thầu được ăn và quan sở tại cũng có miếng ăn nhờ con đường ấy. Chưa hết, khi đã có đường mới thì quan sở tại lại nghĩ ra việc thành lập khu phố mới. Đất hai bên đường tiếp tục được thu hồi, đền bù giá rẻ để bán phân lô giá cao hơn nhiều lần.

Không ít địa phương còn xin di dời trụ sở làm việc tới địa điểm mới mặc dù địa điểm cũ vẫn đắc địa do các thế hệ tiền nhiệm cắm đất và xây dựng. Trong nhiều lý do di dời thì không thể quan tâm là lý do có công trình xây dựng thì sẽ có ăn. Thế là cái vòng luẩn quẩn: thu hồi đất, đền bù không thỏa đáng và thế là khiếu kiện lại diễn ra.

Kinh tế phát triển, dân số tăng lên và số lao động đang thiếu việc làm rất nhiều. Việc xây dựng, mở mang đô thị và các khu dân cư là điều tất yếu; việc mở mang các khu công nghiệp cũng phù hợp với mục tiêu công nghiệp hóa đất nước. Song, bảo đảm ổn định đời sống cho số đông cư dân nông nghiệp khi họ bị thu hồi đất là chuyện không đơn giản. Mục tiêu công nghiệp hóa không thể đồng hành với thực trạng bần cùng hóa của người nông dân.

Các nhà đầu tư dự án và chính quyền địa phương các cấp chớ để dân phải kêu oan, khiếu kiện kéo dài rồi mới giải quyết. Cứ để dân quá thiệt thòi thì dân lại phải kêu thôi!

Bùi Đức

 

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc