Không để những giá trị văn hóa bị phai nhạt

18:02 | 23/07/2017

3,278 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Cuộc sống đủ đầy hơn, người ta nghĩ nhiều hơn đến việc tận hưởng nó. Resort, các khu nghỉ dưỡng ven biển gần như là một biểu tượng cho cuộc sống tận hưởng ấy. Khi các khu resort ven biển mọc lên, cũng là lúc các làng biển dần biến mất. Sơn Trà của Đà Nẵng với những làng chài ven biển cũng không nằm ngoài quy luật đó.

Cứ trưa hè, ông Lê Nắng lại ra rặng dừa gần mép nước hóng mát và nhìn ra phía biển. Ông Nắng bảo, thói quen này, mấy chục năm sống ở làng ông vẫn giữ. Ông hướng mắt ra biển, nhìn đăm đắm phía xa và hồi tưởng về chỗ Mũi Hạc cuối ghềnh đá Nam Ô kia, ngày còn nhỏ ông hay bắt cua đá. Nhưng chẳng biết vài năm nữa, nó có còn tồn tại hay không; khi mà cả làng chài Nam Ô này nằm trọn trong quy hoạch một khu resort sắp triển khai. Dân cư làng chài này cũng sẽ bị tách rời ra khỏi không gian biển mà họ đã sinh sống qua nhiều thế hệ.

Nam Ô là một trong những ngôi làng cổ lâu đời nhất của Đà Nẵng. Ngôi làng này lưu giữ nhiều giá trị văn hóa đặc biệt. Đà Nẵng hình thành trên cơ sở nhiều làng chài cổ như: Nam Ô, Thanh Khê, Xuân Hà, Nại Hiên, Mân Thái, Khuê Mỹ... Và Nam Ô là làng chài đầu tiên của cánh cung phía Bắc vịnh Đà Nẵng. Ở làng này, ngoài nghề chài lưới đã hình thành từ vài trăm năm nay, còn có vô số các di tích văn hóa. Trong làng có di tích miếu bà Liễu Hạnh, lăng Cá Ông; có 4 giếng cổ hình vuông xây bằng sa thạch từ thời Chăm Pa... Rồi cả khu rừng cấm ở phía cuối làng, nơi mấy trăm năm qua một cành cây cũng không được đem ra khỏi rừng, trừ khi cần gỗ để tu sửa lăng Cá Ông, đình làng... Di sản, di tích văn hóa nhiều là vậy, thế nhưng rất có thể sẽ nằm lọt giữa một khu nghỉ dưỡng với vô số biệt thự, bê tông cốt thép.

khong de nhung gia tri van hoa bi phai nhat
Làng Nam Ô bị giải tỏa để xây resort

Dự án Nam Ô Resort theo công bố của chủ đầu tư sẽ có diện tích hơn 35ha và lấy hết phần bờ biển của làng Nam Ô. Dự án này cũng sẽ khiến 606 hộ dân phải di dời chỗ ở. Theo như thiết kế tổng thể thì toàn bộ làng chài Nam Ô sẽ biến thành một khu tổ hợp với 57 căn biệt thự cao cấp hướng ra biển, khách sạn 5 sao, khu hội nghị, spa.

Liệu rồi miếu bà Liễu Hạnh, lăng Ông sẽ nằm ở vị trí nào trong tổ hợp biệt thự, khách sạn kia? Hồn cốt của một làng chài, phải ở với biển, ở với ngư dân, còn khi lọt thỏm giữa những khối bê tông biệt thự thì sẽ chẳng còn ý nghĩa gì nữa. Và làng chài Nam Ô, qua thời gian sẽ chỉ còn là một cái tên ở trong ký ức. Những người già ở làng, họ không bao giờ thích điều này. Họ là những người luôn đau đáu về nguồn cội, về những sợi dây văn hóa truyền thống nối quá khứ và hiện tại. Họ bảo, đó là những thứ để cho những người trẻ ở làng bám vào đó mà đi, mà nhớ về nguồn cội.

Đà Nẵng cùng những nhà đầu tư, đang mải miết xây dựng những khu nghỉ dưỡng, các khu du lịch trên bán đảo Sơn Trà, nhưng dường như lại đang lãng quên đi những giá trị văn hóa, lịch sử, sinh thái.

Ông Lê Nắng lại nhìn ra biển, phía xa từng con sóng lừng gặp đá tung những cột nước lên cao. Rồi ông quay lại hỏi những người ngồi sau, chẳng biết số phận lăng Cá Ông sẽ thế nào? Có giữ lại thì sau này mình vào làm lễ cầu ngư thế nào nhỉ? Rồi cả hương ước của làng, được giữ gìn chặt chẽ hàng trăm năm nay, cũng sẽ chẳng còn giữ được nữa. Khi mà hơn trăm hộ làm nghề khai thác gần bờ thì ra khu tái định cư, gần trăm hộ theo nghề nước mắm thì lên tít mạn ven sông Cu Đê. Đến lúc ấy, họa hoằn cả năm gặp nhau được vài lần, sợi dây gắn kết cứ thế tự lỏng lẻo đi thôi.

Nam Ô không phải ngôi làng đầu tiên ở Đà Nẵng có nguy cơ biến mất. Ngay từ khi những dự án nghỉ dưỡng đầu tiên được triển khai cách đây hơn chục năm, đã có những làng chài phải nhường đất lại cho các dự án này. Thậm chí, có những cái tên như làng Nam Thọ đã không còn trên bản đồ hành chính, dần biến mất khỏi ký ức của người dân Đà Nẵng. Rồi cả làng Vân, ngôi làng của những người bị bệnh phong ở dưới chân đèo Hải Vân cũng nhường đất cho một siêu dự án nghỉ dưỡng. Người làng Vân đã vào ở những khu nhà liền kề từ 5 năm nay, bỏ lại sau lưng nhà cửa, ruộng vườn và cả những mảnh ký ức. Thế nhưng, cho tới nay dự án vẫn chưa được triển khai. Một vài hộ dân làng Vân đã lục tục trở lại làng cũ, dựng lại nếp nhà, nuôi con lợn, con gà, chiều chiều ra biển đánh cá. Ký ức làng là một điều gì đó không bao giờ dễ quên của người dân Việt Nam. Phải di chuyển cả làng để nhường đất cho những dự án xa hoa, rồi sống cách đó vài kilômét, ngày ngày chứng kiến những giá trị văn hóa làng mình dần mất đi. Điều đó không dễ dàng gì.

Câu chuyện mới nhất ở Đà Nẵng liên quan đến các dự án nghỉ dưỡng và những điểm văn hóa, sinh thái đang dần biến mất là câu chuyện bán đảo Sơn Trà. Bán đảo Sơn Trà trước đây là một đảo nổi với 3 ngọn núi. Ngọn phía Đông Nam giống con nghê chồm ra biển, nên gọi là hòn Nghê. Ngọn Tây tựa cái mỏ diều hâu, nên gọi là ngọn Mỏ Diều. Ngọn Bắc vươn dài như cổ ngựa, nên gọi là ngọn Cổ Ngựa. Sau này, do kiến tạo của dòng chảy, phù sa và cát đã tạo nên một đường nối giữa đất liền và Sơn Trà, tạo thành bán đảo như ngày nay. Cũng từ đó, Sơn Trà gắn bó với nhiều thế hệ của người dân Quảng Nam - Đà Nẵng. Ở Sơn Trà, không chỉ tồn tại các giá trị phi vật thể mà còn có những giá trị hữu hình, có thể đo đếm bằng các số liệu cụ thể. Đó là những đàn voọc chà vá chân nâu, là hệ động thực vật rừng biển độc đáo...

khong de nhung gia tri van hoa bi phai nhat
Bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng

Khi liên quân Pháp - Tây Ban Nha xâm lược Việt Nam vào thế kỷ XIX, điểm đầu tiên là đánh vào bán đảo Sơn Trà. Hỏa lực của liên quân này quá mạnh, Sơn Trà và Đà Nẵng nhanh chóng thất thủ. Sau sự hy sinh của Lê Đình Lý, danh thần Nguyễn Tri Phương được triều Nguyễn gọi về từ Nam Kỳ để làm Quân thứ Tổng thống đại thần thống lĩnh quân đội tại Đà Nẵng. Nguyễn Tri Phương cho xây phòng tuyến ở nhiều nơi, cầm chân được quân Pháp. Xuyên suốt lịch sử, triều Nguyễn nhiều lần cho xây dựng các tuyến phòng thủ tại Sơn Trà. Đến thời hiện đại, quân Mỹ và Ngụy quyền cũng cho xây dựng sân bay dã chiến, trạm radar trên Sơn Trà. Điều đó chứng tỏ vị trí quốc phòng vô cùng quan trọng của bán đảo này.

Lần giở lại lịch sử, 13 năm trước khi liên quân Pháp - Tây Ban Nha nã súng bán đảo Sơn Trà năm 1858 đã có một lính Mỹ hy sinh tại đây. Đó là Wiliam Cook, một người lính quân nhạc trên tàu viễn chinh USS Constitution. Mộ của người lính đặc biệt này, yên vị nằm lại Sơn Trà cho đến trước khi Dự án nghỉ dưỡng Biển Tiên Sa được triển khai vào hơn 10 năm trước. Khi dự án này bắt đầu được triển khai, ông Đặng Hòa, một cựu chiến binh, sau này làm về du lịch đành di chuyển mộ của Wiliam Cook đến khu vực bãi Đá Đen, một khu vực chưa có dự án nào triển khai trên Sơn Trà. Ông Hòa cũng nhiều lần dẫn các đoàn khách du lịch Mỹ, các đoàn cựu binh Mỹ đến thăm ngôi mộ của Wiliam Cook. Trong thiên phóng sự “The search for seaman Cook” (Cuộc tìm kiếm thủy thủ Cook) trên Tạp chí Boston Globe, nhà báo Perter Kneisel viết: “Chúng tôi, cuối cùng đã được một phút yên lặng với William Cook… Nhưng bởi vì đây là Đà Nẵng - thành phố quen thuộc với hàng trăm ngàn cựu chiến binh, những người từng đặt chân qua đây suốt 7 năm dài của cuộc chiến tranh…”.

Voọc chà vá chân nâu được gọi là nữ hoàng linh trưởng. Loài này là loài đặc hữu của Đông Dương, phân bố nhiều nhất ở bán đảo Sơn Trà. Voọc chà vá chân nâu được tìm thấy ở Sơn Trà vào năm 1969. Chúng sống theo bầy đàn 5-10 cá thể, chủ yếu ở độ cao 100-600m so với mực nước biển. Tại Sơn Trà, chúng phân bố đến tận mép biển. Theo Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên Quốc tế (International Union for Conservation of Nature - IUCN), voọc chân nâu đang đối diện với nguy cơ tuyệt chủng thứ hai trong danh mục đỏ của IUCN về các loài bị đe dọa. Đã có nhiều đàn voọc ở Sơn Trà bị săn bắn và giết hại. Trước đây, người ta vẫn tin, trên Sơn Trà có khoảng 300-400 cá thể. Nhưng theo công bố mới nhất của Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (Green Việt) thì con số cá thể là 1.335 với 237 đàn. Số liệu này có được nhờ thực hiện bằng phương pháp lấy mẫu khoảng cách phân tuyến trong khoảng 3 tháng đầu năm 2017. Bằng phương pháp này, trung tâm đã khảo sát, đếm số lượng cá thể voọc chà vá chân nâu cũng như tính toán khu vực phân bố của loài “nữ hoàng” linh trưởng tại bán đảo Sơn Trà. Thế nhưng, những khu resort đã và đang mọc lên đã làm chia rẽ không gian sống của đàn voọc.

khong de nhung gia tri van hoa bi phai nhat
Thạc sĩ Trần Hữu Vỹ, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đa dạng sinh học Nước Việt Xanh

Thạc sĩ Trần Hữu Vỹ, Giám đốc Green Việt cũng là một trong những người đầu tiên gắn bó với voọc chà vá chân nâu tại Đà Nẵng. Về vấn đề này, ông Vỹ cho rằng, giữa bảo tồn và phát triển kinh tế thường có những mâu thuẫn. Tất cả các cơ sở kinh doanh muốn xây dựng và phát triển đều phải mở đường, kể cả đường vận chuyển vật liệu lẫn đường nội bộ. Dự án Intercontinenta được đánh giá là gần gũi với thiên nhiên, nhưng hiện tại đã chia cắt bãi Bắc với phần còn lại của bán đảo Sơn Trà.

Rất nhiều quần thể voọc ở phía bãi Bắc không thể di chuyển được vào phía trong, phía rừng lớn. Bây giờ đang có ý tưởng làm những cầu cây xanh để bắc qua vùng này để đàn voọc có thể di chuyển kết nối 2 khoảng rừng lại với nhau. Vậy là những dự án đang được triển khai cũng đã ảnh hưởng rất nhiều đến voọc chà vá chân nâu. Dẫn những câu chuyện trên để thấy, ở Sơn Trà có những giá trị văn hóa, lịch sử vẫn đang tồn tại mặc cho biến thiên của thời gian. Và Đà Nẵng cùng những nhà đầu tư, đang mải miết xây dựng những khu nghỉ dưỡng, các khu du lịch trên bán đảo Sơn Trà, nhưng dường như lại đang lãng quên đi những giá trị văn hóa, lịch sử, sinh thái như vậy. Đó là những thứ không thể đo đếm bằng tiền và cũng không cách gì khôi phục được.

Phát triển kinh tế hay bảo tồn là một bài toán khó. Cách giải quyết chỉ là cố sao cho hợp lý nhất có thể chứ chẳng thể trọn vẹn cả đôi đường. Câu chuyện bán đảo Sơn Trà ở Đà Nẵng cũng đang như vậy. Tôi rất thích hình ảnh mà nhà báo Trần Tuấn ở Báo Tiền Phong dùng để miêu tả về Sơn Trà. Đó là Sơn Trà có “dáng dấp như một “ban thờ” để hướng ngưỡng tâm linh về nguồn cội thiên nhiên, Đất - Nước, núi sông”. Còn điều này tôi thì nghĩ, nếu là cái ban thờ, thì phải gìn giữ thành tâm nhất có thể. Không chỉ với Sơn Trà, mà còn là những làng chài ven biển, là nơi khởi nguồn cho thành phố Đà Nẵng, nơi lưu giữ những ký ức đẹp nhất của nhiều thế hệ người dân về vùng đất này.

Làng chài Nam Ô

Nam Ô trước đây là một địa danh thuộc Vương quốc Champa. Về sau, vào khoảng đầu thế kỷ XIV, khi vua Chế Mân của Champa dâng châu Ô, châu Lý cho Đại Việt vào năm 1306 để cưới công chúa Huyền Trân, vùng đất này trở thành cửa ô phía Nam của Đại Việt nên có tên gọi Nam Ô. Từ đó, người Việt bắt đầu di cư đến sinh sống ở vùng này.

Năm 1471, trong cuộc Nam tiến của vua Lê Thánh Tông, lại có thêm rất nhiều cư dân người Việt ở các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình... vào vùng đất này để sinh sống. Năm 1558, khi Nguyễn Hoàng vào trấn thủ xứ Đàng Trong, các đợt di dân vào vùng đất này diễn ra ngày càng nhiều. Trải qua nhiều biến thiên và thăng trầm của lịch sử, đến nay, làng Nam Ô không còn rộng lớn như xưa, chỉ còn là một ngôi làng nhỏ nép mình bên vịnh Đà Nẵng, nhưng tên làng Nam Ô vẫn được giữ nguyên.

Voọc chà vá chân nâu

khong de nhung gia tri van hoa bi phai nhat
Voọc chà vá chân nâu tại Sơn Trà

Loài khỉ ăn lá này có lông 5 màu (ngũ sắc), được Tổ chức Bảo vệ động vật hoang dã quốc tế (Worldlife Conservation Society - WCS) tôn vinh là “nữ hoàng của các loài linh trưởng” nhờ vẻ đẹp khác thường. Chà vá chân nâu thuộc họ khỉ cựu thế giới (để phân biệt với loài khỉ tân thế giới), được biết đến từ năm 1771 nhưng cuối thế kỷ XX mới được kết luận là loài riêng.

Theo Thạc sĩ Trần Hữu Vỹ, những dự án ở phía dưới ven biển của bán đảo Sơn Trà là những “điểm chết” của hệ sinh thái Sơn Trà. Hệ sinh thái là một chuỗi vận động liên hoàn. Trong đó, vai trò của con ếch, con bọ cũng giống như con voọc, con thú. Không có nghĩa chúng nhỏ bé mà chúng không có vai trò gì. Chính những dự án ở phía bờ biển đã cắt đứt chuỗi vận động liên hoàn, làm mất tính liên tục từ dưới biển lên trên rừng của hệ sinh thái. Điều này làm hỏng khu vực chuyển tiếp và làm tổn thương cả hệ sinh thái.

Thanh Hiếu