Không để nhà không số, phố không tên

13:53 | 13/04/2017

619 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Hà Nội vừa ra thông báo về đề xuất đặt tên và điều chỉnh độ dài một số tuyến phố, công trình công cộng trên địa bàn thành phố năm 2017. Sở Văn hóa - Thể thao (VH-TT) Hà Nội được giao nhiệm vụ thống kê số lượng thực tế đường phố chưa có tên để đề xuất đặt tên cho phù hợp với cấp độ, quy mô tuyến đường.

Đặc biệt, thông báo cũng yêu cầu Sở VH-TT “nghiên cứu đặt tên theo số để phù hợp cho việc áp dụng công nghệ số hóa trong quản lý, ứng dụng sau này”. Đồng thời, kiểm kê, đánh giá tình hình đặt tên đường phố và công trình công cộng từ năm 2002 đến nay, từ đó thiết lập ngân hàng tên đường phố theo các dạng, có sự phân loại theo thứ tự ưu tiên.

Với tốc độ đô thị hóa gia tăng nhanh chóng, Hà Nội được mở rộng ra các hướng ngoại thành, nhiều đường phố mới xuất hiện nhưng chưa có tên. Điều đó gây nên khó khăn cho việc giao dịch, tìm địa chỉ. Hơn nữa, ở hai thành phố lớn như Hà Nội và TP HCM hiện nay quỹ tên đường phố đã cạn kiệt. Chỉ còn cách đặt tên đường phố bằng số mới giải quyết được khó khăn này. Vì vậy, đề xuất của Hà Nội là hướng đi đúng.

khong de nha khong so pho khong ten

Tên đường phố quan trọng nhất là để giao dịch, để dễ tìm, dễ nhận biết. Tuy nhiên, nhiều người vẫn có quan niệm rằng, đường phố phải mang tên mới tốt. Nhưng quan niệm này sẽ gặp khó vì quỹ tên đường có hạn. Hơn nữa, có những tên đường không hay. Chẳng hạn ở TP HCM có những tên đường như Ấp Chiến Lược, Tên Lửa, Kênh Nước Đen... Ở Hà Nội có nhiều tên phố lạ hoắc khiến cư dân sống ở đó cũng chẳng tường vị này là ai, sự nghiệp và công tích ra sao.

Hiện tại quỹ tên đường Hà Nội cũng có hơn 500 tên danh nhân, khoảng hơn 2.400 tên lấy từ tên di tích đã xếp hạng. Trong khi đó, nhu cầu đặt tên đường phố mới từ nay tới năm 2030 dự kiến cần khoảng 500 tên đường mới. Vì thế, từ năm 2015, khi quỹ tên đường phố của thủ đô cạn kiệt, nhiều chuyên gia đô thị đã đề nghị Hà Nội đặt tên đường phố theo chữ số, chữ cái và địa danh để khắc phục tình trạng trên. Nhưng ngặt nỗi, Nghị định 91 của Chính phủ về quy định đặt tên đường phố chưa cho phép dùng số để đặt tên đường. Vì vậy, hiện tại Hà Nội nghiên cứu để chờ luật thay đổi rồi áp dụng. Trước mắt, thành phố mới có quy chế cho đánh số một số đường trong khu đô thị, còn ngoài khu đô thị phải kiến nghị điều chỉnh Nghị định 91 của Chính phủ.

Khi sáp nhập Hà Tây với Hà Nội cũng phát sinh trục trặc về tên đường phố. Thị xã Hà Đông cũng có hàng chục phố mang tên danh nhân trùng với các phố của Hà Nội. Sự trùng lắp này đã dẫn đến nhầm lẫn trong giao dịch, tìm địa chỉ.

Số nhà lộn xộn cũng gây nhầm lẫn, khó khăn cho nhiều người mỗi khi phải đi tìm địa chỉ cần thiết. Mặc dù quy định đánh số nhà đã rõ ràng là từ nhỏ đến lớn, từ đông sang tây, từ bắc xuống nam. Thế nhưng, có những phố đã bị đánh số lung tung, không theo quy định đó. Người sống lâu năm ở Hà Nội mà có lúc đi tìm mỏi chân, mỏi mắt cũng chưa thấy địa chỉ cần tìm.

Nếu Hà Nội dùng số để đặt tên cho đường phố là việc nên làm, bởi TP HCM đã làm việc đó từ lâu rồi. Có 12 quận của TP HCM mang tên bằng số (từ quận 1 đến quận 12) và nhiều đường phố ở các phường cũng mang tên bằng số mà không ảnh hưởng gì đến các hoạt động giao dịch. Nhìn rộng ra thế giới cũng có một số nước đã làm như vậy.

Có một thực tế đáng buồn là những đường phố mang tên các danh nhân, các vị vua và các anh hùng dân tộc của nhiều thời kỳ, nhưng chính những người dân sống trên các đường phố đó cũng không biết. Một trong những mục đích quan trọng là đặt tên đường phố như thế để giáo dục cho thế hệ sau biết được truyền thống lịch sử của ông cha. Song đáng tiếc, thế hệ trẻ bây giờ rất ít người biết được tên người đặt cho phố mình ở là ai, từng sống ở thời đại nào và có công trạng gì với đất nước. Nhưng không vì thế mà từ nay Hà Nội không dùng tên danh nhân đặt tên phố. Những địa danh, danh nhân tiêu biểu cũng vẫn được chọn lựa đưa vào ngân hàng dữ liệu tên đường phố. Do đó, việc nghiên cứu đặt tên phố theo số không ảnh hưởng đến tuyên truyền văn hóa lịch sử.

Một vấn đề nữa đặt ra là để tạo thuận lợi cho người dân, thành phố không đặt vấn đề đổi tên hay thêm số vào các đường phố đã có tên. Chỉ những tuyến phố chưa có tên thì mới nghiên cứu đặt như thế nào cho phù hợp, trong đó có việc đặt theo số. Bởi nếu thay đổi tên đường phố cũ sẽ phát sinh rất nhiều phiền toái cho người dân như thay đổi sổ hộ khẩu, giấy tờ tùy thân và nhiều loại giấy tờ khác; cơ quan Nhà nước cũng phải thay đổi con dấu, địa chỉ…

Hy vọng rằng, đề xuất của Hà Nội về đặt tên đường phố theo số sớm đi vào cuộc sống và giảm bớt khó khăn, phiền toái cho người dân cũng như các cơ quan, công sở.

Bùi Ngọc