"Không có đề án cụ thể thì không thể thoát khỏi khó khăn"

14:47 | 27/07/2012

1,537 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Đó là nhận định chung của đa phần các đại biểu có tham luận phát biểu trong Hội nghị góp ý Đề án tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, diễn ra sáng 26/7 tại trụ sở Bộ Công Thương, Hà Nội.

Trong 6 tháng đầu năm 2012, tình hình trong nước và quốc tế diễn ra trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, ảnh hưởng đến tình hình kinh tế - xã hội của nước ta nói chung và  hoạt động của toàn ngành công thương nói riêng. Thực hiện Nghị quyết số 13/NQ-CP ngày 10/5/2012 và Nghị quyết 26/NQ-CP ngày 9/7/2012 của Chính phủ, Bộ Công Thương đã xây dựng dự thảo Đề án tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ  trợ thị trường.

Doanh nghiệp sản xuất thép đang gặp khó khăn về vốn, hàng tồn kho.

Về tổng thể, đề án dự  thảo đã đạt được mục tiêu là tạo  điều kiện cho các doanh nghiệp ổn định sản xuất kinh doanh và phát triển nền kinh tế. Tuy nhiên, để đề án thật sự đi sát vào thực tiễn và thực hiện đạt hiệu quả cao nhất, mang tính chiến lược, dài hạn, các đại biểu cho rằng cần phải cụ thế hóa, chi tiết hóa từng giải pháp cho từng lĩnh vực kinh doanh chứ không thể nói chung chung.

Ông Nguyễn Quang Dũng, Trưởng ban chiến lược và đầu tư Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho rằng: “Cần quan tâm, tập trung cho việc tái cấu trúc tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Trong bối cảnh kinh tế hiện nay thì không một doanh nghiệp nào có thể  đứng ngoài cuộc. Nói đơn cử như Petrolimex, chúng tôi đã bắt tay xây dựng đề án chi tiết cho riêng mình, tập trung vào chiến lược phát triển dài hạn và tái cấu trúc lại mô hình sản xuất, tài chính và nguồn nhân lực. Do vậy, trong Đề án tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp cần có hướng dẫn chi tiết, cụ thể của Bộ Tài chính và Bộ Công Thương, có thế, doanh nghiệp mới có thể vững bước phát triển”.

Về giải pháp cụ thể trước mắt, theo ông Dũng, từ nay đến cuối năm chính sách tỷ giá rất cần ổn định để giúp các

doanh nghiệp (DN) xuất nhập khẩu hạn chế rủi ro. Liên quan đến chính sách thuế và phí, ông Dũng cho biết, cũng đã nhiều lần Petrolimex kiến nghị Bộ Công Thương và Bộ Tài chính tiến tới giữ ổn định thuế và phí,đặc biệt trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu.

GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài thì thẳng thắn đánh giá: “Dự thảo đề án chưa thấy hết mức độ nghiêm trọng, khi hàng trăm ngàn DN đang gặp khó khăn, tăng trưởng GDP cả nước sụt giảm. Phải đánh giá hết nguy hiểm của khó khăn để đưa ra giải pháp cụ thể cứu DN. Không có đề án cụ thể thì không thể thoát khỏi khó khăn!”.

Theo ông Nguyễn Mại, đề án chỉ nên đưa ra những giải pháp mới, khác với các giải pháp mà Nhà nước, Chính phủ đã đề ra trong các Nghị quyết 01, Nghị quyết 13 và  26. Ông Nguyễn Mại đề nghị, đề án phải nêu ra khó khăn của từng ngành hàng để đưa ra giải pháp riêng. Quan trọng nhất là cứu các DN bên bờ vực phá sản có khả năng phục hồi nếu có giải pháp ứng cứu.

Đối với giải pháp về vốn, ông Mại đề nghị: Nhà nước nên “mở hầu bao”, tính đến DN có khả năng phục hồi nhanh, nhiều lao động. Số vốn đưa ra không nhiều lắm, mỗi DN chỉ cần 1-2 tỉ đồng. Đề nghị Ngân hàng Nhà nước phải theo 1 quan điểm duy nhất - “cứu DN chính là cứu ngân hàng”.

“Quan trọng nhất là tái cấu trúc DNNN, điều chỉnh toàn bộ chiến lược phát triển công nghiệp phù hợp và tốt hơn, quan tâm đến chiến lược thu hút FDI và chú ý đến phát triển thị trường trong nước với tiềm năng 90 triệu người dân”, ông Mại đề xuất giải pháp cứu DN.

Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Lê Hồng Thăng thì cho rằng đề án chưa có số liệu cụ thể sẽ dẫn tới sự thiếu quyết liệt. Đề án nên tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp lớn như dệt may, da giày, sắt thép, cơ khí...  Đề nghị 6 tháng một lần cần điều chỉnh, bổ sung danh mục máy móc, thiết bị trong nước sản xuất trong nước được cần và công bố rõ ràng giúp địa phương định hướng, chỉ đạo doanh nghiệp cập nhật.

Đối với công tác đấu thầu, ông Thăng cho rằng, nhiều doanh nghiệp trong nước có năng lực nhưng vẫn “thua” ngay trên “sân nhà” vì thực tế đấu thầu vừa qua chính là việc đấu giá, do vậy cần có cơ chế bắt buộc trong công tác đấu thầu để DN ổn định sản xuất. Việc quy định dùng hàng tồn kho thế chấp vay vốn cũng cần đẩy mạnh để nhiều DN tiếp cận.

Trước những góp ý của đai biểu các ban, ngành, đại diện doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh, dù những khó khăn trong sản xuất đã từng bước được tháo gỡ nhưng hiện nay nền kinh tế vẫn còn tồn đọng nhiều thách thức. Sau Hội nghị, Bộ Công Thương sẽ tập hợp các ý kiến đóng góp để trình Chính phủ cũng như gửi cho các bộ ngành để xem xét và ban hành những giải pháp cụ thể gỡ khó cho các doanh nghiệp.

"Trong thời gian chờ đợi đề  án được phê duyệt, các bộ, ngành, địa phương, các DN khẩn trương triển khai những nội dung chính của  đề án được đánh giá là đúng để khẩn trương tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp" - Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng cho biết sẽ thúc đẩy nhanh các dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách và các nguồn vốn khác đã phê duyệt nhằm tiêu thụ sản phẩm, đồng thời có chính sách kích cầu ở một số nhóm hàng tồn kho lớn. Bộ cũng đang khẩn trương làm việc với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để bổ sung kinh phí cho chương trình xúc tiến thương mại quốc gia nhằm mở rộng thị trường xuất khẩu cho các doanh nghiệp.

Nguyễn Nga