Trung Quốc và tham vọng Biển Đông

Không chỉ là dầu khí mà còn tài nguyên cá

07:00 | 21/06/2014

1,030 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Thiếu nguồn cá trầm trọng cho nhu cầu trong nước là lý do nữa để Trung Quốc gây hấn và tranh giành Biển Đông. Trên chuyên san The Washington Quarterly, hai tác giả Alan Dupont và Christopher G. Baker đã giải thích điều này rất rõ. Xin trích lược…

Năng lượng Mới số 332

Cá đối với kinh tế Trung Quốc

Sự cần thiết bảo vệ các tuyến thương mại hàng hải quan trọng và nguồn năng lượng trong lòng Biển Đông đã trở thành cách giải thích phổ biến về thái độ và lối hành xử hung hăng trong việc tuyên bố chủ quyền hầu hết Biển Đông của Trung Quốc. Nhưng người ta đã bỏ qua tầm quan trọng của tài nguyên sinh vật biển. Trong mắt Trung Quốc, ngư trường phong phú vùng biển Đông Nam Á đang trở thành nguồn an ninh lương thực cực kỳ quan trọng đối với tương lai Trung Quốc, không kém so với dầu khí. Với nguồn cá tự nhiên giảm và nhu cầu gia tăng, cá đã trở thành thứ tài nguyên cần được bảo vệ, nếu cần thiết, bằng vũ lực, đối với Trung Quốc.

Bắc Kinh đang sử dụng các tàu đánh cá và tàu bán quân sự cho mục đích địa chính trị để theo đuổi chiến lược “cá, bảo vệ, tranh giành và chiếm hữu”, được thiết kế để củng cố “chủ quyền biển” từ đó tuyên bố “sở hữu” nguồn tài nguyên quanh các đảo tranh chấp ở Đông Nam Á, ép buộc các bên tranh chấp khác tuân thủ và khuất phục. Nếu chính sách này không đảo ngược hoặc kiềm hãm và có rất ít dấu hiệu cho thấy chúng đang được khống chế, hậu quả có thể gây nguy hiểm cho ổn định khu vực và thậm chí đối với cả vấn đề an ninh lâu dài của chính Trung Quốc.

Cá đã trở thành nguồn tài nguyên quan trọng chiến lược đối với Trung Quốc, bởi tình trạng khan hiếm lẫn vai trò trung tâm của nó đối với nền kinh tế, lối sống và chế độ ăn của nước này. Từ năm 1950, số lượng thủy sản đánh bắt tự nhiên và nuôi đã tăng gấp 5 lần (lên đến 148 triệu tấn với giá trị thị trường 217,5 tỉ USD). Sự khai thác chưa từng có này đã gây thiệt hại nghiêm trọng về mật độ cá tự nhiên. Hiện có chưa đến 15% nguồn thủy sản có thể sinh trưởng tự nhiên, trong khi 85% còn lại - theo Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc (FAO) - đang bị khai thác nghiêm trọng dẫn đến cạn kiệt.

Tàu đánh cá chằng với nhau bằng thừng đột nhập trái phép vào biển Hàn Quốc

Sản lượng cá tại vùng biển giáp Trung Quốc đã giảm đáng kể trong 20 năm qua. Tại Biển Đông, nơi chiếm khoảng 10% lượng thủy sản đánh bắt toàn cầu hằng năm, việc đánh bắt quá mức đã khiến lượng cá có thể sống và trưởng thành tự nhiên chỉ còn 5-30%. Điều này làm Trung Quốc lo lắng. Hơn 9 triệu ngư dân - ¼ tổng ngư dân thế giới - là người Trung Quốc. Bộ Nông nghiệp Trung Quốc ước tính, thủy sản đóng góp đến 330 tỉ USD/năm (khoảng 3,5% GDP) cho kinh tế Trung Quốc! Tỷ trọng sản lượng cá của Trung Quốc so với thế giới đã tăng từ 7% đến 34% kể từ năm 1961 nhưng mức tiêu thụ bình quân đầu người của nước này (31,9kg) hiện chiếm hơn gấp đôi so với phần còn lại thế giới (15,4kg) và bắt đầu đe dọa có khả năng cung vượt cầu. Trung Quốc đi đầu trong việc mở rộng quy mô và sức mạnh các đội tàu đánh cá so với châu Á. Trung Quốc còn trợ cấp ngành đánh cá 4 tỉ USD/năm, tức khoảng ¼ nguồn trợ cấp của các nước châu Á cộng lại và khoảng 15% thế giới.

Quân sự hóa ngư trường

Từ năm 2010, những giai điệu từ các tuyên bố Trung Quốc bắt đầu trở nên cứng rắn đáng kể quanh vấn đề tranh chấp đảo và quyền đánh bắt cá trong khu vực. Báo chí Trung Quốc được tự do “ướp tẩm” các cụm từ “chủ quyền không thể tranh cãi” và “lãnh thổ vốn có”… Năm 2012, trong cuộc tranh chấp bãi cạn Scarborough, một thiếu tướng Trung Quốc còn dọa đánh Philippines. Một bài viết trước đó trên tờ Quân đội Nhân dân cũng cảnh báo: Philippines sẽ phải nếm thứ rượu mà họ ủ!... Tàu đánh cá Trung Quốc cũng liên tục xuất hiện với số lượng chưa từng có xung quanh quần đảo Natuna thuộc Indonesia. Natuna gồm 272 hòn đảo nằm ở cực Nam Biển Đông thuộc tỉnh Riau của Indonesia, cách Trung Quốc đại lục đến gần 2.000km. Điều này cho thấy các tàu đánh cá Trung Quốc bây giờ có thể đi xa bờ như thế nào và Bắc Kinh muốn bành trướng “chủ quyền” của họ như thế nào.

Tháng 6-2009, Hải quân Indonesia bắt giữ 75 ngư dân Trung Quốc thuộc 8 tàu câu bất hợp pháp trong đặc khu kinh tế Natunas. Bắc Kinh giận dữ đòi thả ngay lập tức. Trong một vụ khác xảy ra sau đó, khi Hải quân Indonesia bắt giữ 10 tàu cá Trung Quốc ở phía bắc Natunas, vài giờ sau, hai tàu khu trục nhỏ Trung Quốc được “trang bị vũ khí hạng nặng” lập tức kéo đến và tham gia vào cuộc đối đầu căng thẳng trước khi các tàu đánh cá Trung Quốc được thả. Năm 2011, Hàn Quốc thu giữ gần 500 tàu đánh cá Trung Quốc, tăng 20% so với năm trước.

Đã có vài trường hợp Trung Quốc tỏ thái độ cực kỳ hung hăng. Tháng 12-2011, hai cảnh sát biển Hàn Quốc đã bị một thuyền trưởng tàu đánh cá Trung Quốc đâm (khiến một người chết). Trong một vụ khác, tàu đánh cá Trung Quốc cột vào nhau thành nhóm 12 chiếc đã choảng nhau kịch liệt với cảnh sát biển Hàn Quốc bằng móc câu, thanh kim loại và xẻng. Trung Quốc cũng liên tiếp gây hấn với Nhật. Tháng 9-2010, một tàu tuần duyên Nhật Bản đã bị húc bởi một tàu đánh cá Trung Quốc gần quần đảo Senkaku. Đó là chưa kể nhiều trường hợp tàu đánh cá được vũ trang của Trung Quốc bắn giết ngư dân Việt Nam…

Tất cả cho thấy Trung Quốc đang sử dụng “cá, bảo vệ, tranh giành và chiếm hữu” (FPCO) như một chiến lược được kết hợp với ván đấu được thiết kế lâu dài mà Bắc Kinh đang dàn tại Thái Bình Dương để tiệm cận hơn với chủ trương bành trướng tuyên bố chủ quyền. Tần số và kiểu chơi của các đoàn ngư thuyền Trung Quốc cho thấy chúng hẳn nhiên được bật đèn xanh. Nó cho thấy Bắc Kinh đang cố tình chơi trò “chiến tranh nhân dân” trên Biển Đông khi tung ra các đoàn ngư thuyền khổng lồ được cặp kè bảo vệ bằng tàu quân sự nhằm chứng minh khả năng của sức mạnh hải quân của họ. Khi các bên tranh chấp phản đối về mặt ngoại giao, Bắc Kinh luôn bác bỏ bằng thái độ cộc lốc.

Khi tàu đánh cá Trung Quốc vào khu vực tranh chấp, một trong hai tình huống xuất hiện. Thứ nhất, Trung Quốc luôn khiêu khích đối phương để cáo buộc họ gây hấn quá khích và mình là nạn nhân! Điều này làm cơ sở cho sự có mặt “can thiệp” của tàu quân sự Trung Quốc, nơi trước đó chúng không thể xuất hiện một cách hợp pháp. Thứ hai, nếu đối phương không phản ứng, Trung Quốc sẽ xem đó như là một sự thừa nhận bán chính thức và họ có quyền ở đó lâu dài!

Người dân Hàn Quốc phẫn nộ biểu tình trước Sứ quán Trung Quốc (Seoul) khi một Cảnh sát biển của họ bị ngư dân Trung Quốc đâm chết (tháng 12-2011)

Và trong một động thái gây tranh cãi đặc biệt, nhằm tăng cường cơ sở pháp lý cho yêu sách chủ quyền của mình trên một diện tích đến 2 triệu dặm vuông Biển Đông, tỉnh Hải Nam đã thông qua điều luật có hiệu lực vào ngày 1-1-2014, yêu cầu tất cả tàu đánh cá không thuộc Trung Quốc phải có sự cho phép của chính quyền Hải Nam, nếu không, tàu cá bị tịch thu và bị phạt 500.000 tệ (83.000USD). Nguy cơ ở đây là nó làm mờ thêm ranh giới giữa bảo vệ nghề cá và an ninh hàng hải. Điều này có thể dẫn đến việc quân sự hóa tranh chấp đánh bắt cá trên toàn Thái Bình Dương, đặc biệt là ở Biển Đông nơi mà yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc là rất nhiều và không rõ ràng.

Nhiều lần, tàu Hải quân Trung Quốc được điều động theo “bảo vệ” đã xuất hiện nhiều hơn cả tàu cá Trung Quốc. Tháng 4-2011, một báo cáo quân đội Philippines cho biết một tàu khu trục tên lửa lớp Jianghu-V đã cảnh báo 3 tàu cá Philippines tại đảo san hô Jackson, một ngư trường giàu cá cách tây Palawan 140 hải lý. Tàu khu trục Trung Quốc dọa nổ súng nếu các tàu đánh cá Philippines không ngay lập tức rời khỏi khu vực, sau đó bắn 3 phát cảnh cáo, buộc ngư dân Philippines phải cắt neo. Khi một trong những chiếc tàu đánh cá Philippines nói trên trở lại vào 3 ngày sau để vớt neo, thuyền trưởng tàu phát hiện rằng một đội tàu đánh cá Trung Quốc đang hăm hở kiếm ăn ngay tại khu vực nói trên.

Không có dấu hiệu nào cho thấy Bắc Kinh thực sự xem xét giải pháp “cùng thắng” (win-win) trong tranh chấp lãnh thổ và tài nguyên với các nước láng giềng. Trung Quốc đã ngày càng bị cô lập trong khu vực Đông Á. Các nước trong khu vực đang đứng cùng chung chiến tuyến chống lại sự trỗi dậy của Trung Quốc. Ở Đông Nam Á, 5 trong 10 nước ASEAN (Việt Nam, Philippines, Indonesia, Malaysia và Brunei) đang có tranh chấp cá nghiêm trọng với Trung Quốc. Ba nước láng giềng Đông Bắc Á (Nhật Bản, Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên) cũng phản đối Trung Quốc đánh bắt trái phép và coi đây là một vấn đề ngày càng căng thẳng trong các mối quan hệ song phương. Đài Loan cũng lo ngại về hậu quả “chủ nghĩa cơ bắp đơn phương” của Trung Quốc…

Một đề án quản lý nghề cá trên khu vực rộng, củng cố bằng các thỏa thuận đánh bắt cá song phương, sẽ không dễ dàng, đòi hỏi một mức độ trưởng thành về chính trị và sẵn sàng có những nhượng bộ giữa tất cả các bên. Vấn đề ở chỗ là Trung Quốc không hề có ý nhân nhượng. Các tuyên bố ngoại giao với giọng điệu tự mãn và đôi khi đe dọa liên quan các tranh chấp hàng hải đã củng cố ấn tượng rằng Trung Quốc sẵn sàng bỏ qua mọi quy tắc và quy ước để theo đuổi một lợi ích hạn hẹp…

M.KIM

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps