Không cần số đẹp

07:00 | 06/06/2015

1,074 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Tu hú kêu, hoa phượng đỏ báo hè về cùng với những con số siêu đẹp từ ngành giáo dục khi người ta công bố tỷ lệ học sinh giỏi là 90%. Ai cũng một thời cắp sách và đều biết rằng, mỗi lớp chỉ có dăm ba học trò giỏi thật sự. Lấy đâu ra trò giỏi nhiều đến nỗi tìm không ra học sinh trung bình, học sinh yếu kém!

Năng lượng Mới số 426

Qua rồi cái thời thầy Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân tuyên chiến với bệnh thành tích trong giáo dục. Thái độ quyết liệt của người đứng đầu ngành giáo dục khi ấy đã khiến tỷ lệ tốt nghiệp THPT trở về đúng thực chất như chưa bao giờ đúng như vậy.

Nay vắc-xin chống bệnh thành tích hết hiệu năng rồi. Tỷ lệ giáo dục nào cũng cao, cũng đẹp và việc biến học trò thành “chuột bạch” thí nghiệm lại tiếp tục. Chẳng hạn cấm thi tuyển sinh lớp 6 ở các trường THCS công lập do không có số liệu cụ thể học sinh lớp 6 trên các xã, phường. Việc thi tuyển chỉ xảy ra ở trường tư thục, trường điểm, chắc không đến 5% hoc sinh cần học lớp 6. Nay tuyển mà không có tiêu chí thì tuyển cách gì?

Không cần số đẹp

Và không chỉ ngành giáo dục, xu thế làm đẹp số liệu phổ biến ở nhiều ngành, nhiều cấp, đến nỗi Quốc hội phải cho sửa đổi Luật Thống kê. 90% học sinh đạt loại giỏi trong ngành giáo dục, 95% du khách nước ngoài hài lòng với du lịch Việt Nam kể cả những người suýt chết ở trên tàu du lịch bốc cháy ở Vịnh Hạ Long, bị móc túi ở chợ Bến Thành, bị “chặt chém” ở phố cổ Hà Nội…

Tại rất nhiều diễn đàn kinh tế, cử tọa đều hơn một lần ngạc nhiên bởi các số liệu vênh nhau đến kỳ quặc. Ngay cả các số liệu chính thức của Nhà nước cũng không chuẩn và đặc biệt quan tâm là tình trạng “vênh” kinh khủng giữa GDP cả nước với GDP các tỉnh vì nhiều tỉnh đạt cao gấp rưỡi cả nước. Xu hướng làm đẹp số liệu dẫn đến những bất cập trong chính sách kinh tế xã hội vĩ mô.

Tổng cục Thống kê cũng bó tay vì các số liệu đẹp, siêu đẹp kiểu này. Còn nhớ có lần chúng tôi dự cuộc họp khẩn cấp về  khắc phục hậu quả bão lụt ở một tỉnh miền Trung. Về đến Hà Nội đọc tin  tổng hợp của bộ, số liệu về thiệt hại vật chất của tỉnh này đã tăng thêm vài chục tỉ. Bấm điện thoại gọi về thì được nghe câu trả lời tỉnh queo: Các tỉnh nó đều tăng mức thiệt hại, tỉnh em cũng không thể khác.

Sau 12 năm đi vào cuộc sống Luật Thống kê 2003 đã tỏ ra không còn thích hợp, cần sửa đổi. 

Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII đang tiến hành việc này. Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đã trình Quốc hội Dự án Luật Thống kê (sửa đổi).

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu, Luật Thống kê (sửa đổi) đã được soạn thảo, chuẩn bị công phu, đầy đủ trên cơ sở tổng kết thực tiễn thi hành Luật Thống kê năm 2003 và rà soát các văn bản pháp luật hiện hành có liên quan bảo đảm tính đồng bộ, nhất quán. Hồ sơ Dự án Luật cơ bản tuân thủ trình tự, thủ tục theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành phạm vi điều chỉnh dự thảo Luật, quy định nội dung hoạt động thống kê, sử dụng thông tin thống kê Nhà nước; quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức cá nhân trong hoạt động thống kê, đồng thời quy định mục đích, nguyên tắc, yêu cầu, phạm vi của hoạt động thống kê ngoài Nhà nước và giá trị của thông tin thống kê ngoài Nhà nước.

Theo dự thảo, phạm vi điều chỉnh bao gồm thống kê Nhà nước và thống kê ngoài Nhà nước cho thấy sự hoàn thiện khuôn khổ pháp lý toàn diện của Dự thảo Luật đối với hoạt động thống kê của toàn xã hội. Đặc biệt, việc quy định thống kê ngoài Nhà nước bảo đảm quyền tự do kinh doanh theo quy định của Hiến pháp, đáp ứng nhu cầu thông tin thống kê phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và nhu cầu của tổ chức, cá nhân.

Có ý kiến cho rằng, thống kê là loại hình dịch vụ đặc biệt mà sản phẩm của thống kê có thể tác động lớn đến kinh tế - xã hội, có tính chất dẫn dắt, định hướng xã hội, do vậy nhiều ý kiến đề nghị nên đưa hoạt động thống kê ngoài Nhà nước vào loại hình kinh doanh có điều kiện. Cũng có ý kiến khác đề nghị Dự thảo Luật chỉ nên điều chỉnh hoạt động thống kê Nhà nước, còn hoạt động thống kê ngoài Nhà nước nên được điều chỉnh bởi pháp luật chuyên ngành khác.

Về hệ thống thông tin thống kê Nhà nước, đa số ý kiến tán thành với quy định dự thảo, hệ thống thông tin thống kê Nhà nước gồm 4 cấp: hệ thống thông tin thống kê quốc gia; hệ thống thông tin thống kê bộ, ngành; hệ thống thông tin thống kê cấp tỉnh và hệ thống thông tin thống kê cấp huyện.

Về hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia và điều chỉnh, bổ sung hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia, đa số ý kiến tán thành với quy định hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia kèm theo danh mục trong Luật và phân công cơ quan có trách nhiệm thu thập, tổng hợp chỉ tiêu thống kê. Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia phản ánh đầy đủ các chỉ tiêu cơ bản phát triển kinh tế - xã hội của đất nước do Quốc hội quyết định, đồng thời xây dựng hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia cần phù hợp với chuẩn mực và thông lệ quốc tế.

Có ý kiến đề nghị xem xét tính kết nối thống nhất trong quá trình phân cấp thực hiện nhằm khắc phục sự chênh lệch số liệu, nhất là chỉ tiêu GDP cả nước và GDP địa phương, chỉ tiêu việc làm mới, chỉ tiêu giảm hộ nghèo giữa bộ quản lý chuyên ngành và cơ quan thống kê trong thời gian vừa qua, phù hợp với phương pháp thống kê thế giới để đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Về bảo mật thông tin thống kê Nhà nước, đa số ý kiến tán thành với quy định của dự thảo về bảo mật thông tin thống kê Nhà nước, tuy nhiên đề nghị xem xét quy định rõ việc bảo mật thông tin thống kê phải tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật Nhà nước trong quá trình thực hiện hoạt động thống kê.

Về thẩm định hệ thống chỉ tiêu thống kê, đa số ý kiến nhất trí với Dự thảo Luật quy định việc cơ quan thống kê trung ương có trách nhiệm thẩm định hệ thống chỉ tiêu thống kê của bộ, ngành; thẩm định phân loại thống kê ngành, lĩnh vực; thẩm định phương án điều tra thống kê; thẩm định chế độ báo cáo thống kê cơ sở và chế độ báo cáo thống kê tổng hợp cấp bộ, ngành trước khi ban hành nhằm khắc phục sự chênh lệch số liệu thống kê giữa cơ quan thống kê trung ương và bộ, ngành. Tuy nhiên, cần làm rõ cơ quan chịu trách nhiệm pháp lý đối với số liệu thống kê khi công bố trong trường hợp phát hiện sai sót khi thẩm định.

Hy vọng với Luật Thống kê sửa đổi được thông qua trong kỳ họp này sẽ chấm dứt tình trạng “ông nói gà bà nói vịt” trong đánh giá tình hình kinh tế xã hội do số liệu “vênh” ở những trường hợp không phải do bệnh thành tích mà do không thống nhất cách tính toán, thống kê.

Thọ Vinh

 

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc