Khốn khổ như đi... xe hơi ở Hà Nội

22:02 | 11/06/2017

5,654 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tại những quốc gia phát triển thì ôtô chỉ đơn giản là một thứ phương tiện, song ở Việt Nam nhiều khi nó lại là một thứ tài sản có giá trị, thậm chí là thứ để khoe mẽ, chứng tỏ đẳng cấp… với những người xung quanh. Người có tiền mua xe để đi lại đã đành, song có những người còn “chạy ăn từng bữa” cũng cố sắm cho được một chiếc xe. Và cũng từ tâm lý đó mà biết bao những nỗi khốn khổ, thậm chí nhục nhã xảy đến với những ông chủ xế hộp. Cá nhân người viết cũng có nhiều năm ngồi sau vô lăng và cũng phải nếm trải những kinh nghiệm đắng chát…  

1. Sau nhiều năm trời tích cóp, rồi vay mượn người thân, bạn bè, anh Hoàng Xuân Linh (SN 1978, trú tại Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) cũng sắm được cho mình chiếc xế hộp BMW 325i. Khỏi nói vợ chồng, con cái vui đến thế nào, vì từ nay sẽ không còn cảnh đội mưa đội nắng khi đi làm, đi chơi. Cuối tuần cả gia đình có thể vi vu tại một số thắng cảnh quanh Hà Nội. Đặc biệt, mỗi lần về quê thăm gia đình nội ngoại thì mũi hai vợ chồng cứ gọi là… nở như bánh đa nướng vì được nhiều người khen giỏi giang, tháo vát “trẻ thế mà đã mua được xế hộp”…

Song những ngày tháng sung sướng trôi qua nhanh như một giấc mơ. Chỉ khoảng gần 1 năm cưỡi xế hộp, anh Linh đã cảm thấy nó trở thành… cục nợ mà muốn đẩy đi cũng khó. Số là cả gia đình đang tá túc trong một con ngõ bé tí, hai xe máy tránh nhau còn khó nên việc đi gửi xe là tất nhiên. Từ nhà ra tới bãi gửi xe cũng phải 300m, thành ra lúc cần đi đâu mà thấy trời nắng to, hoặc mưa rào là… ngại.

Thêm vào đó, chi phí nuôi xe cũng quá tốn kém. Mỗi tháng chỉ riêng tiền gửi xe cũng mất đứt gần 2 triệu đồng. Rồi đi đâu cũng phải gửi. Ít thì 30 nghìn đồng, nhiều lên tới 200-300 nghìn đồng/lượt. Vì là xe của Đức, lại cũ nên rất ăn xăng. Mỗi tháng đi ít cũng phải hết 3 triệu tiền xăng. Rồi còn thay dầu, rửa xe, đăng kiểm. Vị chi mỗi tháng nuôi xe đã mất đứt cả tháng lương của anh Linh. Cũng do chi phí quá tốn kém mà anh đành quay về đi xe máy. Chỉ thỉnh thoảng mới lấy ra đi vài lần. Như thế tuy tiết kiệm được tiền chi phí, song lại vẫn “xót” tiền gửi xe.

khon kho nhu di xe hoi o ha noi
Người đi xe hơi ở Hà Nội luôn phải đối mặt với nhiều nỗi lo lắng bị vặt gương, logo, đập vỡ kính xe...

Sang đến năm thứ 2, chiếc xe bắt đầu có dấu hiệu “lão hóa”, cứ thỉnh thoảng lại hỏng vặt. Mỗi lần hỏng ngoài sự bực mình vì phải thuê xe kéo về gara, tiền sửa chữa mà còn tốn vài triệu đồng để thay phụ tùng. Thực sự anh Linh đã ngán chiếc xe đến tận cổ. Song hồi mua hết hơn 600 triệu đồng, lại còn đầu tư trang bị đủ thứ phụ kiện mà nay người mua chỉ trả chưa đến 300 triệu. Quá xót tiền, anh Linh và vợ cứ dùng dằng mãi không biết bán hay giữ. Bán thì lỗ nặng, mà giữ thì vừa xót của lại vừa không có tiền trả nợ!

Bi đát không kém anh Linh là trường hợp mua xe của anh Tuấn, trú tại quận Long Biên (Hà Nội). Vì xác định ít tiền nên anh chỉ đầu tư chiếc xe “cỏ” Chevrolet Spark trị giá gần 200 triệu đồng. Để có được số tiền này, Tuấn cũng phải bán đi mảnh đất ở quê.

Ban đầu anh cũng được hưởng sự sung sướng khi ngày ngày vặn vô lăng tránh được mưa nắng. Thi thoảng đi chơi xa có cái xe cũng rất tiện. Chỗ gửi xe thì anh để ngay gốc cây gần nhà, nên mỗi tháng cũng đỡ được một khoản tiền kha khá. Nhưng rồi anh Tuấn cũng không tránh khỏi chuyện… phát rồ vì chiếc xe.

Do đã có hàng chục năm được dùng làm taxi, nên chiếc xe ngày càng xuống cấp. Sau khi mua về được vài tháng thì anh Tuấn phải thay cả dàn lốp. Rồi thì két nước bị bục, xe nằm im một chỗ khiến cho Tuấn khốn khổ phơi mình nửa ngày ở trên đường cao tốc chờ xe cứu hộ. Một thời gian sau thì đến lượt củ đề lăn ra chết, rồi điều hòa nóng như thể trong lò thiêu… Không hiểu sao máy nổ to như thể xe công nông… Tuấn đã phải mất mấy chục triệu đồng “đắp” vào chiếc xe thì nó mới có thể tiếp tục lăn bánh. Đã thế cứ 6 tháng lại phải đi đăng kiểm, mua bảo hiểm và nộp phí bảo trì đường bộ. Oải quá, Tuấn muốn “đẩy” đi mà người ta chỉ trả 50 triệu đồng. Đúng là “bán bò tậu ễnh ương”.

khon kho nhu di xe hoi o ha noi
Người đi xe hơi ở Hà Nội luôn phải đối mặt với nhiều nỗi lo lắng bị vặt gương, logo, đập vỡ kính xe...

Không tìm hiểu kỹ về chủng loại xe, không tính được chi phí nuôi xe, không biết “bệnh” của xe để có thể xử lý cho đúng… là những vấn đề mà nhiều người lần đầu mua xe bị mắc phải. Và sai lầm này sẽ khiến cho chủ xe phải trả cái giá rất đắt. Bản thân người viết cũng từng bị một chủ gara ôtô tại khu vực Linh Đàm (Hoàng Mai, Hà Nội) chém “khét lẹt” khi đi sửa xe tại đây.

2. Tuy không phải quá “lăn tăn” về tiền nong, chi phí nuôi xe, song những người thuộc dạng khấm khá vẫn cứ lĩnh nhiều “trái đắng” khi cưỡi xế hộp ở Hà Nội.

Năm 2016, anh Hoàng Nguyên - một giám đốc doanh nghiệp tư nhân tậu chiếc BMW X6. Quả thật ngồi lên chiếc xe này thì người khó tính cũng phải cảm thấy hài lòng. Xe đầm, cách âm tốt, giảm xóc tuyệt hảo. Nếu mát ga chạy đường trường có thể lên tới 150-200km/h mà cảm thấy… như không. Ngồi xe cả ngày cũng không có cảm giác mệt mỏi. Song những phiền toái vẫn cứ xảy đến với anh như thường.

Đầu tiên là cảnh tắc đường ngộp thở tại Hà Nội. Không chỉ trong giờ cao điểm mà gần như tất cả các khung giờ (trừ thời gian 22 giờ đến 6 giờ) nhiều tuyến phố ở Hà Nội bị nghẽn nghiêm trọng. Nếu ai nóng vội sốt ruột thì có lẽ không thể chịu được khi phải chôn chân tại những ngã tư, những con phố nhỏ mà không biết bao giờ mới thoát ra được. Đường đã đông lại chật nên vỏ xe rất dễ bị xước xát…

Thứ nữa, đi xe sang ở Hà Nội rất dễ bị vặt đồ. Đây có lẽ là nỗi niềm của hàng ngàn, hàng vạn chủ xế sang. Hoàng Nguyên kể, trong năm 2016 anh đã 3 lần bị vặt mất gương, logo… Chỉ sơ hở vài phút là có thể bị trả giá hàng chục triệu đồng cho một bộ gương.

Chưa hết, đi xế sang cũng đồng nghĩa là “ví” cũng phải dầy. Gửi xe ư?, xe đẹp phải gấp đôi tiền. Vào tiệm cà phê hay ăn phở thì cũng thường bị “chém” mạnh. Đặc biệt nếu đi ngoại tỉnh, ghé lề đường mua chút hoa quả hay chai nước cũng thường bị đội giá lên gấp 2, 3 lần. Dù chủ xe là người giàu có, nhiều tiền đi chăng nữa nhưng cái kiểu bị “chém” do đi xe sang cũng là điều họ khó có thể chấp nhận được. “Ngoài ra, đi xe sang mà lỡ vi phạm giao thông thì thường cũng bị “phạt” nặng hơn là đi xế cỏ” - Hoàng Nguyên ngao ngán.

Mỹ Loan, hiện công tác tại một công ty truyền thông thì lại có những nỗi khổ khác khi đi xế hộp. Do tay lái yếu, Loan thường xuyên bị va quệt. Hôm thì phi đổ cây của nhà người khác. Hôm lại đè nát xe máy của một cô sinh viên… Thấy Loan đi xe sang, lập tức các “bị hại” đòi cô phải đền với một số tiền cao đến phi lý. Nhưng là phụ nữ chân yếu tay mềm nên Loan đành phải ngậm ngùi rút ví.

“Những vụ mà do tự mình gây ra phải đền đã đành, song có những vụ mà đối tượng tự “ăn vạ” mà vẫn cứ phải bồi thường” - Loan nhăn nhó kể. Số là có lần Loan có việc phải đi sang Đông Anh. Đến đoạn đường Phạm Văn Đồng, đột nhiên có chiếc xe máy ở đâu tạt đầu ép xe Loan vào lề đường. Thế rồi 3 thanh niên người đầy “mực” (xăm trổ) nhảy xuống đập cửa xe đòi Loan phải bồi thường cho cái chân bị xước của một đối tượng. Rõ ràng trên đường đi Loan không hề va chạm với ai, nhưng thân cô thế cô, đám thanh niên lại quá hung hãn nên Loan đành phải bỏ ra 1 triệu ra để “bồi thường” cho chúng!

khon kho nhu di xe hoi o ha noi
Một đối tượng chuyên đập kính ôtô để trộm cắp bị bắt giữ tại Cơ quan Công an

3. Ngoài những nỗi khổ trên, thì nhiều chủ xe ở Hà Nội còn nơm nớp lo bị trộm đồ. Chỉ trong vòng vài tháng vừa qua mà trên địa bàn TP Hà Nội đã xảy ra hàng chục vụ trộm cắp trong xe ôtô.

Anh P.V.M (SN 1982, trú tại Tây Hồ, Hà Nội) thuật lại vụ việc bị kẻ gian đập kính để trộm đồ. Khoảng 19 giờ 30 ngày 14-3-2017, anh đậu xe tại bãi đỗ ở sân tennis B, phường Yên Hòa, Cầu Giấy rồi xách vợt vào sân. Cũng như mọi lần, anh M vẫn để đồng hồ, điện thoại… trên xe. Cho đến khoảng 21 giờ, khi anh quay lại xe để ra về thì tá hỏa khi phát hiện kính hậu xe đã bị đập vỡ, nhiều tài sản đã bị nẫng mất. Tương tự như vậy, tối ngày 16-3 một chiếc xe khác đậu ở đây cũng đã bị kẻ gian đập vỡ kính chắn gió để trộm cắp tài sản.

Sau khi nhận được thông tin trình báo của các bị hại, Công an phường Yên Hòa đã khẩn trương có mặt tại hiện trường, tập trung khám nghiệm, điều tra truy xét các đối tượng gây án. Do thời điểm xảy ra vụ việc vào chập tối, ở nơi vắng khu dân cư nên công tác rà soát các đối tượng nằm trong diện nghi vấn gặp rất nhiều khó khăn.

Qua tổ chức thu thập nghiên cứu những dấu vết mà đối tượng để lại tại hiện trường, một điều tra viên giàu kinh nghiệm nhận định, kính chắn gió vốn là loại kính có độ cứng rất cao, không dễ gì dùng búa hay vật tày để đập vỡ được. Ngoài ra, do gần sân tennis nên đối tượng nếu ra tay không cẩn thận sẽ gây ra tiếng động và sẽ bị phát hiện. Từ nhận định trên chỉ huy Công an phường Yên Hòa phỏng đoán, các đối tượng ra tay gây án phải rất “có nghề”. Và từ đây, hướng điều tra được Cơ quan Công an tập trung vào những đối tượng làm nghề sửa chữa ôtô, hay nhân viên trông giữ phương tiện đi lại ở khu vực xung quanh địa bàn...

Nhận định đó đã đúng khi mà chỉ sau vài giờ tập trung rà soát, Công an phường Yên Hòa đã làm rõ đối tượng gây án là Ngô Minh Điệp (SN 1992, ở Sóc Sơn, Hà Nội) là nhân viên của một xưởng sửa chữa ôtô nằm trên cánh đồng Bông (Yên Hòa, Cầu Giấy). Khám xét nơi ở của Điệp, lực lượng điều tra đã thu giữ số tài sản trộm cắp được đối tượng cất giấu trong phòng ngủ.

Tại Cơ quan Công an, Điệp khai do thiếu tiền tiêu và nướng vào những cuộc chơi thác loạn ở các nhà nghỉ, vũ trường với bạn gái, Điệp đã nảy sinh ý định trộm cắp. Tối ngày 14-3, gã mò đến sân tennis cạnh đó, nơi để khá nhiều xe ôtô của khách vào chơi thể thao. Nhìn quanh không có ai đứng gần, Điệp sử dụng vật cứng đập vào kính chắn gió phía trước và sau xe ôtô để trộm cắp tài sản.

khon kho nhu di xe hoi o ha noi
Băng nhóm chuyên dàn cảnh trộm cắp trên một số tuyến quốc lộ ven Hà Nội

Do là thợ cơ khí, chuyên sửa chữa xe ôtô nên Điệp biết được “mẹo” đập vỡ kính để không gây tiếng động. Chính vì vậy, mặc dù các chủ nhân của hai xe ôtô chơi thể thao gần đó nhưng tuyệt nhiên không phát hiện ra sự việc. Chỉ khi đối tượng “ôm” đồng hồ, điện thoại và nhiều tài sản có giá trị khác của chủ xe để trong xe bỏ trốn, chủ nhân của hai chiếc xe ôtô này mới phát hiện sự việc.

Trên một diễn đàn chuyên về ôtô trên mạng Internet, nhiều thành viên cũng cảnh báo tình trạng một nữ quái chuyên giở trò trộm cắp tại khu vực quận Đống Đa, Hà Nội. Nữ quái này thường xuyên “phục” ở các đoạn phố đông người, chỗ dừng đèn đỏ rồi “tự nhiên như ruồi” giật cửa ôtô thò tay vào trộm đồ. Thậm chí có trường hợp nữ quái này còn leo hẳn lên xe ngồi. Khi thấy chủ xe phản ứng thì đối tượng vờ hỏi lăng nhăng: “Ơ không phải xe anh X, Y… à?” rồi nhanh chân lủi mất.

Dù mệt mỏi, đau đầu thậm chí… khốn khổ khốn nạn vì xe hơi, thì vẫn phải công nhận rằng ôtô là một loại phương tiện an toàn, văn minh - là phương tiện mà các gia đình nên có. Chỉ hy vọng chất lượng giao thông ở Hà Nội sớm được cải thiện và nạn vặt đồ cũng như trộm cắp tài sản của lái xe sẽ sớm chấm dứt.

Phá băng nhóm chuyên dàn cảnh trộm cắp trên xe ôtô

Trung tá Lê Kim Đồng, Đội trưởng đội Chống tội phạm trên tuyến, địa bàn Phòng Cảnh sát hình sự CA TP Hà Nội kể lại với chúng tôi. Khoảng thời gian đầu năm 2015 cho đến đến tháng 3-2016, trên các tuyến quốc lộ vành đai ngoại thành Hà Nội liên tiếp xảy ra hàng loạt vụ trộm cắp tài sản trên cabin ôtô hết sức nghiêm trọng. Nhóm đối tượng gồm 2-4 tên đi xe máy bám theo các ôtô đang đi rồi giả làm lực lượng chức năng như Thanh tra giao thông, Cảnh sát Giao thông, Quản lý thị trường… áp sát rồi ép lái xe phải dừng lại. Bọn chúng bắt lái xe và người ngồi trong cabin phải xuống xe, dùng thủ đoạn lôi kéo họ về phía cuối xe để đồng bọn leo lên cabin trộm cắp tài sản.

Theo trình báo của bị hại, trưa một ngày đầu xuân anh Nguyễn Anh Văn, Nguyễn Khắc Hùng (trú tại Thanh Xuân, Hà Nội) cùng anh Nguyễn Văn Vụ (trú tại Hưng Yên) điều khiển xe ôtô tải đi giao hàng. Khi xe đến khu vực thôn Du Ngoại (Mai Lâm, Đông Anh, Hà Nội) thì có 2 thanh niên đi xe máy áp sát cabin ôtô ra hiệu yêu cầu anh Văn dừng xe. Bọn chúng hỏi lăng nhăng vài câu và tạo sự chú ý kéo cả ba anh Văn, Hùng, Vụ xuống cuối xe. Vài phút sau các đối tượng nói là “nhầm xe” và bỏ đi. Khi ấy anh Văn trở lại cabin thì phát hiện thấy mất 1 balô trong có 70 triệu đồng, 1 máy tính bảng Ipad và nhiều giấy tờ khác. Ngoài vụ việc trên, băng nhóm này còn gây ra ít nhất 4 vụ khác với thủ đoạn tương tự, nẫng đi số tiền cả tỉ đồng của các bị hại.

PC45 đã lập chuyên án đấu tranh với nhóm tội phạm manh động này. Áp dụng liên hoàn các biện pháp nghiệp vụ, ban chuyên án đã dựng lên được thủ đoạn và “hành trình” ăn hàng của chúng. Các đối tượng di chuyển trên 2 xe mô tô, chia thành 2 nhóm và phân công, phân nhiệm cụ thể. Nhóm đi trước sẽ “tăm tia” con mồi, rồi vượt lên ép xe để “đánh lạc hướng” bị hại. Khi đã lừa được chủ xe và tài xế ra phía sau xe, đồng bọn sẽ bất ngờ tiếp cận cabin (thậm chí đập vỡ kính chắn gió nếu cabin bị khóa) để nẫng đi tiền, tài sản có giá trị và nhanh chóng biến mất. Thấy đồng bọn đã khoắng xong, 2 đối tượng ban đầu cũng “lượn” luôn.

Một ngày cuối tháng 4-2016, trinh sát phát hiện nhóm đối tượng gồm 4 tên chia làm 2 cánh điều khiển xe máy chạy lòng vòng trên nhiều tuyến quốc lộ để tiếp cận những xe ôtô xe hàng có giá trị.

Bọn chúng thấy chiếc xe ôtô mang BKS 98C-02443 liền lập tức áp sát rồi ép lái xe phải dừng xe lại. 2 đối tượng lớn tiếng hỏi: “Xe này chở gì?”. Thấy trên cabin xe vẫn còn 2 người nữa, chúng gọi cả 2 xuống, kéo cả 3 người ra phía sau xe rồi vu vạ: “Xe này ăn cắp cám của tao”. Thừa cơ, 2 tên đồng bọn đã mò lên cabin khoắng đồ.

Ngay lúc ấy, tổ công tác PC45 bất ngờ xuất hiện bắt quả tang. Vốn là những kẻ manh động, liều lĩnh hai đối tượng đã rút dao găm ra chống trả, nhằm tạo điều kiện cho đồng bọn bỏ chạy. Các trinh sát hình sự ngay lập tức khống chế hai đối tượng trộm cắp, đồng thời tổ chức lực lượng truy đuổi bắt nốt 2 đối tượng còn lại.

Yên Chi