Khởi công nhà máy Nhiệt điện theo hình thức BOT lớn nhất Việt Nam

13:59 | 17/09/2011

446 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Chiều 16/9, tại thị xã Cẩm Phả (Quảng Ninh), Công TNHH Điện lực AESTKV Mông Dương đã tổ chức lễ khởi công xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Mông Dương 2.

Lễ khởi công xây dựng.

Tham dự có ông Phạm Minh Chính, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh; ông Nguyễn Văn Đọc, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh; ông Lê Dương Quang, Thứ trưởng Bộ Công Thương.

Đây là dự án được đầu tư thông qua các công ty thành viên của tập đoàn AES (Mỹ), Posco Power (Hàn Quốc) và China Investment Corporation (Trung Quốc) theo tỷ lệ góp vốn tương ứng là 51, 30, 19%.

Mông Dương 2 là nhà máy nhiệt điện đốt than theo hình thức BOT đầu tiên và lớn nhất cho tới nay được thực hiện tại Việt Nam.

(BOT (Built-Operation-Transfer) Xây dựng-Vận hành-Chuyển giao. Các công ty bỏ vốn xây dựng trước (Built) thông qua đấu thầu, sau đó khai thác vận hành một thời gian (Operation) và sau cùng là chuyển giao (Transfer) lại.)

Dự kiến nhà máy sẽ vận hành thương mại vào năm 2015 và sẽ được chuyển giao cho phía Việt Nam sau 25 năm vận hành.

Dự án gồm 2 tổ máy có công suất mỗi tổ là 560MW (1.120MW) với tổng vốn đầu tư vào khoảng 2 tỉ USD, được đánh giá là sẽ góp phần quan trọng trong việc cân đối nguồn năng lượng, bổ sung hiệu quả vào hệ thống điện lưới quốc gia trong tương lai.

Ông Paul Hanrahan Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Tập đoàn AES (Hoa Kỳ) khẳng định: Với kinh nghiệm và quyết tâm của Tập đoàn cùng các đối tác, chắc chắn đây sẽ là điểm sáng trong các dự án FDI ở Việt Nam, trở thành một trong những dự án có ý nghĩa to lớn đối với ngành công nghiệp điện Việt Nam.

Phát biểu tại lễ khởi công, Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang khẳng định: Với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao trong quá trình thực hiện công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước, những năm tới, nhu cầu điện của Việt Nam tăng nhanh.

Dự kiến đến năm 2020, tổng công suất nhiệt điện đốt than của Việt Nam cần khoảng 36.000MW, chiếm gần 47% tống công suất phát của hệ thống.

Để đạt mục tiêu này, Chính phủ Việt Nam sẽ phải thực thi nhiều chính sách, giải pháp, trong đó, hình thức đầu tư BOT các dự án nguồn điện được khuyến khích. Hiện tại, Bộ Công Thương đang tiếp tục đàm phán để đầu tư xây dựng 11 dự án khác với công suất 14.000MW.

X.P