Khoan sức dân nghĩa là gì? (Kỳ 2)

08:00 | 27/08/2016

|
Ngoài ra, Hán ngữ còn có “khoan thư dân lực” [寬紓民力], mà ta có thể dịch là nới lỏng sức dân.

Rồi còn có cả “thư khoan dân lực” [紓寬民力], “thiểu khoan dân lực” [少寬民力], “thư dân lực” [紓民力], v.v..., nhưng “khoan dân lực” vẫn là dị bản trung tâm. Liên quan đến nghĩa và từ ngữ của mấy cấu trúc này, trong “Thư gửi bà nội trợ thứ trưởng”, cô giáo Giáng Hương có viết rằng trong Đại Việt sử ký toàn thư, di chúc của Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn đã nhấn mạnh “khoan thư sức dân”. Nhưng trong công trình lịch sử này, chúng tôi chỉ thấy ghi những ý mà Hưng Đạo Vương trả lời cho Trần Anh Tông lúc lâm trọng bệnh, trong đó có câu: “Vả lại, khoan thư sức dân để làm kế sâu gốc bền rễ, đó là thượng sách để giữ nước”. (Tập II, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1967, tr. 80). Mà đây lại là lời đáp trực tiếp chứ không phải di chúc. Cô giáo Giáng Hương còn viết rằng nếu học theo tiền nhân để nói, chính xác thì phải là “khoan thư sức dân” chứ không phải “khoan sức dân”. Nhưng đây lại là lời dịch của kim nhân Cao Huy Giu chứ đâu phải lời nói của tiền nhân Trần Quốc Tuấn! Còn lời của Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn thì lại được chép trong Đại Việt sử ký toàn thư, bản chữ Hán, như sau: “Thả khoan dân lực dĩ vi thâm căn cố đế chi kế, thử thủ quốc chi thượng sách dã” [且寬民力以爲深根固柢此守國之上策也](*). Thế là lời của tiền nhân Trần Quốc Tuấn chỉ có 3 chữ “khoan dân lực” còn 4 chữ “khoan thư sức dân” mà cô giáo Giáng Hương đã dẫn thì lại là của kim nhân dịch giả Cao Huy Giu (có Đào Duy Anh hiệu đính) nên tất nhiên không thể được xem là “bản gốc”! Chính 4 chữ “khoan thư sức dân” mới là khó hiểu chứ, nói gì thì nói, 3 chữ “khoan sức dân” vẫn dễ hiểu hơn, nhất là vì 2 tiếng “khoan thư” lại rất xa lạ với hầu hết người Việt (Còn “khoan thứ” thì khác). Ba tiếng “khoan sức dân” gần đây vẫn được một số người dùng một cách bình thường và tự nhiên, như:

- “Do khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp nước ta rất thấp nên điều mong đợi nhất của họ là được “khoan sức dân” thông qua việc giảm thiểu thuế, phí, kể cả “phí bôi trơn”, lãi suất cho vay...” (Vũ Khoan, “Chờ được “khoan sức dân”, Tuổi trẻ, 9-9-2015). - “HOAN HÔ: Khoan sức dân thời biển chết” (Lao động, 12-8-2016).

- “Hãy khoan sức dân, dừng thu phí bảo trì đường bộ với xe máy” (Quang Phong [thực hiện], Dân trí, 25-6-2015).

- “Nó cũng không phù hợp với triết lý “khoan sức dân” của cha ông ta khi muốn chấn hưng đất nước” (Lời của TS Lưu Bích Hồ trong bài “Làm gì để tránh tận thu, vắt kiệt sức dân?”, Nhịp cầu đầu tư, 2-4-2016).

Tóm lại, theo chúng tôi, thì “khoan sức dân” ngắn hơn, gọn hơn, dân dã hơn, hợp với tâm thức của người Việt hơn. Đưa chữ “thư” vào chẳng những không nói thêm được điều gì mà còn làm cho lối nói thêm rườm rà, rắc rối. Huống chi, theo lời ghi trong sử sách, thì tiền nhân Trần Hưng Đạo chỉ nói “khoan dân lực” chứ đâu có nói “khoan thư sức dân”.

A.C

Năng lượng Mới 551