Khó tin vào an toàn thực phẩm

06:35 | 25/11/2012

1,694 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Sự xuất hiện tràn lan các loại thực phẩm bẩn trên thị trường khiến người dân ngày càng mất niềm tin vào chất lượng thực phẩm. Mức độ mất an toàn vệ sinh thực phẩm trầm trọng đến độ nhiều người tin rằng, ngoài những thực phẩm tự mình nuôi trồng, chế biến thì tất cả những thực phẩm bán trên thị trường đều có nguy cơ chứa đựng hóa chất độc hại.

Bẩn từ vườn…đến mâm cơm

Hiện nay, khi khoa học nông nghiệp, công nghiệp hiện đại phát triển thì các loại hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), thuốc thú y ngày càng đa dạng. Để sản xuất nông nghiệp đạt năng suất cao, việc sử dụng các loại thuốc BVTV, thuốc thú y cũng gia tăng nhanh chóng. Vì lợi nhuận, nhiều người đã không ngại tăng liều lượng thuốc, tăng số lần phun xịt thuốc BVTV, tăng cường dùng thuốc thú y không theo hướng dẫn để lại những tồn dư độc tố trong nông sản, thực phẩm, đem đến những hệ lụy lớn cho sức khỏe con người. Đó là nguyên nhân của không ít các vụ ngộ độc thực phẩm cấp tính và mãn tính.

Theo số liệu của Cục BVTV - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, có 30-60% mẫu rau tồn dư hóa chất BVTV vượt quá ngưỡng cho phép, 35-60% nông dân chỉ thực hiện cách ly sử dụng thuốc BVTV từ 1-3 ngày trước thu hoạch, 25-43% cách ly từ 4-6 ngày, trong khi đó, phần lớn thuốc BVTV phải thực hiện thời gian cách ly trước thu hoạch từ 7-14 ngày, hoặc lâu hơn.

Một nghiên cứu sinh ở TP HCM vừa thực hiện thử nghiệm cho thấy: Một con lợn nặng khoảng 13kg, cho ăn mỗi ngày lượng thức ăn nhiễm hóa chất tạo nạc với hàm lượng chỉ 500 microgam/1kg thức ăn, nuôi liên tục với thức ăn đó trong 20 tuần, con lợn đã nặng đến trên 100kg. Do đó, dù có truyền thông, kêu gọi đến đâu đi nữa thì với mức lợi nhuận cao như vậy không tránh khỏi tình trạng sử dụng thuốc tăng trọng trong thức ăn chăn nuôi.

Việc quản lý lỏng lẻo hóa chất, phụ gia thực phẩm làm trầm trọng thêm tình trạng mất ATVSTP

GS.TS Chu Phạm Ngọc Sơn - Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội Khoa học Kỹ thuật TP HCM nhận định: Hiện nay, các loại thực phẩm tươi, thực phẩm chế biến trong nước chứa đựng quá nhiều nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) với sự xuất hiện ngày càng nhiều hóa chất có khả năng gây ngộ độc được thêm bất hợp pháp vào thực phẩm, thức ăn chăn nuôi vì mục đích lợi nhuận như: dùng phẩm màu công nghiệp trong thực phẩm; kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản; chất clenbuterol, salbutamol nhằm tăng trọng và tạo thịt siêu nạc trong chăn nuôi gia súc, gia cầm và gần đây phát hiện khô mực chứa hàm lượng thuốc rầy, phẩm màu diaminoazobenzene độc hại nhuộm cho thịt gà để tạo màu vàng tươi; dùng phẩm màu cấm orange II trong tạo màu bắt mắt thịt quay, xá xíu…

Tình trạng mất ATVSTP đã làm gia tăng các vụ ngộ độc thực phẩm trong thời gian gần đây. Trong 9 tháng năm 2012, ngành y tế ghi nhận 142 vụ ngộ độc thực phẩm với 4.669 mắc, trong đó có 28 người tử vong. So với cùng kỳ năm 2011, tình hình ngộ độc thực phẩm gia tăng cả về số vụ, số mắc, số người chết. Đó là chưa kể đến hàng loạt các loại bệnh tật gia tăng và trầm trọng thêm mà nguyên nhân xuất phát từ những độc tố tích tụ do dùng thực phẩm nhiễm hóa chất độc hại.

Có thể nói, thực phẩm bẩn hiện đang bủa vây người tiêu dùng, mất ATVSTP xuất hiện ở tất cả các khâu: sản xuất, nuôi trồng, vận chuyển, chế biến. Mỗi ngày đều có một lượng lớn thực phẩm hư hỏng, hôi thối được tiêu thụ trót lọt, được “phù phép” thành thực phẩm tươi ngon để đánh lừa người tiêu dùng. Rồi vấn đề mất an toàn vệ sinh trong bếp ăn tập thể, việc nhập khẩu bất hợp pháp qua biên giới những hóa chất, sản phẩm không rõ nguồn gốc, quản lý lỏng lẻo hóa chất, phụ gia thực phẩm… đã làm trầm trọng thêm tình trạng mất ATVSTP.

Năng lực quản lý hạn chế

Hiện nay, người tiêu dùng ngày càng nhận thức rõ hơn về tác hại do dùng thực phẩm kém chất lượng nhưng đa số họ vẫn phải mua những mặt hàng rẻ, vừa túi tiền, vì đời sống người dân còn khó khăn. Người tiêu dùng cũng chỉ biết trông chờ vào các biện pháp quản lý của Nhà nước để hạn chế thực phẩm kém chất lượng xuất hiện trên thị trường vì bằng mắt thường khó có thể phát hiện được thực phẩm nhiễm hóa chất. Tuy nhiên, hiện nay công tác quản lý dường như đang lúng túng trước số lượng quá hùng hậu của thực phẩm bẩn.

Nguồn nhân lực làm công tác kiểm tra chất lượng thực phẩm còn thiếu và yếu, cộng thêm công tác quản lý chồng chéo, thiếu hiệu quả khiến vấn đề ATVSTP lâu nay không được như mong muốn. GS.TS Chu Phạm Ngọc Sơn cho rằng: Hiện nay, chúng ta đã có Luật ATVSTP, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa nhưng có quá nhiều bộ, tổng cục chịu trách nhiệm về ATVSTP cho một mặt hàng, tạo sự chồng chéo về trách nhiệm và dễ tạo ra kẽ hở cho người vi phạm luật. Một mặt hàng thực phẩm hiện nay có thể thuộc 3 bộ quản lý: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Y tế và thêm Hải quan nếu được nhập từ nước ngoài về. Do đó, cần giảm bớt sự chồng chéo trong hệ thống quản lý để dễ dàng kiểm soát, tập trung hơn trong quản lý và dễ quy trách nhiệm.

Các vụ ngộ độc thực phẩm ngày càng gia tăng

Một yếu kém khác trong công tác quản lý chất lượng thực phẩm là sự yếu kém trong khâu kiểm nghiệm. Các labo xét nghiệm hiện nay rất khó phát hiện hết những chất nguy hại trong thực phẩm. Phần lớn các phương tiện kiểm nghiệm trong nước hiện nay chỉ kiểm soát được các hóa chất nhắm đến chứ chưa thể nhận diện được các chất lạ khác không nằm trong tầm nhắm. Đặc biệt, một nghịch lý là chúng ta thường quan tâm nhiều hơn đến việc kiểm nghiệm các hàng hóa xuất khẩu để đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe về chất lượng thực phẩm của nước ngoài còn thực phẩm trong nước lại ít được quan tâm kiểm tra. Vì vậy, chất lượng hàng hóa xuất khẩu ngày càng được nâng cao trong khi đó thực phẩm trong nước lại liên tục bị đe dọa bởi nguy cơ mất an toàn.

Các chuyên gia kiến nghị nên huy động tổng thể hệ thống labo kiểm nghiệm, kể cả các hệ thống kiểm nghiệm tư nhân có đủ năng lực để tham gia vào công tác kiểm tra, giám sát chất lượng thực phẩm. Bên cạnh công việc thường ngày của các phòng kiểm nghiệm này, cơ quan chức năng có thể giao cho mỗi phòng kiểm nghiệm trách nhiệm kiểm tra, giám sát chất lượng một loại thực phẩm nhất định như: rau củ quả, thủy hải sản, thịt, sữa, trứng… để đi sâu vào công tác kiểm tra, kiểm soát, quản lý chặt hơn chất lượng thực phẩm.

Các biện pháp tuyên truyền qua hệ thống truyền thông và các hội đoàn về ATVSTP hiện nay khó phát huy được hiệu quả vì khó có thể ngăn được người sản xuất sử dụng các chất bị cấm trong thực phẩm vì lợi nhuận quá lớn. Do đó, hiện tại tăng cường quản lý Nhà nước với chất lượng thực phẩm vẫn là phương sách hiệu quả nhất. Nếu thiếu quản lý, để nguy cơ mất an toàn thực phẩm tiếp tục gia tăng như hiện nay thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe cộng đồng, của cả giống nòi vì thực phẩm là nhu cầu sống thiết yếu, dù biết nguy hại nhưng người dân vẫn phải sử dụng.

Mai Phương

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

(PetroTimes) - Lễ hội Holi của người Hindu, còn được gọi là Lễ hội Màu sắc, báo trước sự khởi đầu của mùa xuân.