Khó hoàn thành chỉ tiêu bảo hiểm xã hội

09:33 | 28/08/2017

580 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Năm 2016, số người tham gia BHXH của nước ta tăng 6,8%. Đây là năm có mức tăng trưởng cao nhất trong vòng 5 năm qua. Tuy nhiên, nhìn vào con số cụ thể thì đến nay, nước ta mới có hơn 13.400.000 người (chiếm 24% lao động) tham gia BHXH tự nguyện và bắt buộc.

Với tốc độ này, ngành bảo hiểm khó thực hiện được nhiệm vụ mà Nghị quyết 21 của Bộ Chính trị và mục tiêu mà Chính phủ giao cho. Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22-11-2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2020 chỉ rõ: Phấn đấu đến năm 2020, có khoảng 50% lực lượng lao động tham gia BHXH, 35% lực lượng lao động tham gia BHTN; trên 80% dân số tham gia BHYT. Sử dụng an toàn và bảo đảm cân đối Quỹ BHXH trong dài hạn; quản lý, sử dụng có hiệu quả và bảo đảm cân đối Quỹ BHYT. Xây dựng hệ thống BHXH, BHYT hiện đại, chuyên nghiệp, hiệu quả cao, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

kho hoan thanh chi tieu bao hiem xa hoi
Chi trả lương hưu hằng tháng theo chế độ BHXH

Lãnh đạo ngành BHXH cho rằng: Số lượng đối tượng tham gia BHXH tăng như trên chưa đáp ứng với kỳ vọng của chính sách, cách xa với mục tiêu của Nghị quyết 21. Nguyên nhân của tình trạng trên là điều kiện kinh tế xã hội thời gian qua còn khó khăn và số lao động tham gia quan hệ lao động không tăng nhiều.

Do tình trạng khó khăn, nhiều doanh nghiệp phải giải thể hoặc thu hẹp quy mô, dẫn tới cắt giảm lao động. Số doanh nghiệp tăng nhiều nhưng quy mô chủ yếu là nhỏ hoặc siêu nhỏ nên sử dụng ít lao động. Mà theo quy định thì những doanh nghiệp siêu nhỏ, có số lao động quá ít, thời gian hợp đồng ngắn sẽ không tham gia đóng BHXH. Trong khi đó, ý thức tuân thủ pháp luật của một bộ phận chủ sử dụng lao động còn kém. Cơ chế kiểm soát và cưỡng chế việc tuân thủ pháp luật BHXH còn yếu.

Việc chưa kiểm soát được quá trình khai báo của doanh nghiệp dẫn đến việc không nắm được số lao động tham gia BHXH bắt buộc để giám sát, công tác thanh tra của ngành LĐ-TB&XH còn chưa thường xuyên do thiếu nhân lực. Trong khi đó, ngành BHXH mới được giao thêm chức năng thanh tra nên việc vào cuộc chưa nhiều. Ngoài ra, một số địa phương vì mục tiêu thu hút đầu tư nên chưa thực sự quyết liệt xử lý những vi phạm BHXH, một số người lao động vì mưu sinh trước mắt cũng không dám đấu tranh với vi phạm.

Thời gian để thực hiện mục tiêu như Nghị quyết 21 đề ra không còn nhiều mà khối lượng thực hiện công việc lại còn quá lớn.

Những khó khăn vẫn còn nan giải. Số lượng người tham gia BHXH thời gian qua không tăng nhiều và thiếu bền vững. Một số lượng lao động tham gia BHXH đã phải rút khỏi thị trường lao động và muốn nhận chế độ BHXH một lần. Một thực trạng diễn ra mấy năm qua là trung bình mỗi năm có khoảng 600.000-700.000 người nhận BHXH một lần. Nếu trừ số người tăng từ việc tham gia BHXH và số người nhận BHXH một lần sẽ thấy số thực tăng không đáng kể.

Không ít người dân, doanh nghiệp vẫn miễn cưỡng khi tham gia BHXH, BHYT. Nguyên nhân là do chưa thực sự hiểu ý nghĩa, vai trò của 2 chính sách này. Thông tin về BHXH, BHYT dù đăng tải đều đặn trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhưng nhiều người chưa quan tâm.

Từ thực trạng này, ngành BHXH đã cùng Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp chặt chẽ hơn công tác tuyên truyền về BHXH, BHYT có sự đổi mới, sáng tạo. Bên cạnh việc tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về BHXH, BHYT; những "góc khuất" của việc triển khai chính sách cũng được báo chí đề cập như hành vi tiêu cực, trục lợi Quỹ BHXH, BHYT, những hình thức trốn đóng BHXH…

Với chính sách mới, từ ngày 1-1-2018, người tham gia BHXH tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ một phần mức đóng, tuy nhiên, nhiều người vẫn muốn được hỗ trợ mức cao hơn.

Về đối tượng tham gia, không khống chế trần tuổi: nam từ đủ 60 tuổi trở lên, nữ từ đủ 55 tuổi trở lên đều được tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện. Từ 1-5-2017, doanh nghiệp chỉ còn đóng 17% vào Quỹ BHXH (3% vào Quỹ ốm đau, thai sản, 14% vào quỹ hưu trí và tử tuất). Ngoài 17% trên, doanh nghiệp còn phải đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp: Trước 1-6-2017 đóng 1% trên tiền lương đóng BHXH của người lao động. Nhưng từ 1-6, chỉ phải đóng 0,5% (theo Điều 22, của Quyết định 595/QĐ-BHXH, có hiệu lực từ 1-5-2017).

Cùng với thực hiện các chính sách mới, ngành BHXH và Bộ LĐ-TB&XH sẽ trình Chính phủ cơ chế giao chỉ tiêu cho các địa phương đôn đốc, kiểm tra việc vận động người dân tham gia BHXH. Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị mới có thể đẩy nhanh tiến độ, nâng cao tỷ lệ người dân tham gia BHXH từ nay tới năm 2020. Tất nhiên, việc đạt được chỉ tiêu còn khó khăn.

Bùi Đức

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc