Loại bỏ việc đốt vàng mã

Khó cũng vẫn phải làm!

06:55 | 07/03/2018

753 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) vừa có văn bản đề nghị đồng bào Phật tử không đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo. Thế nhưng, để xóa bỏ tập tục này không phải điều dễ dàng.

Nhà Phật “nói không” với vàng mã

Ngày 22-2, GHPGVN đã có Công văn số 031/CV-HĐTS gửi tới Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó đề nghị các ban thường trực này phối hợp để trụ trì các tự viện (chùa, tổ đình, tịnh xá, thiền viện, tu viện, tịnh viện, tịnh thất, niệm phật đường) hướng dẫn đồng bào Phật tử “loại bỏ mê tín dị đoan, đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo và các hình thức khác trái với thuần phong mỹ tục, văn hóa dân tộc và văn hóa Phật giáo Việt Nam”.

kho cung van phai lam
Đốt vàng mã tại chùa chiền

Chia sẻ về công văn này, Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu (Phó chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN) khẳng định: “Tập tục đốt vàng mã có xuất xứ từ Trung Hoa và du nhập vào Việt Nam. Tuy nhiên, tập tục này chỉ gắn với các tín ngưỡng dân gian, Phật giáo không hề có kinh sách nào nhắc tới việc đốt vàng mã cả”.

Thứ tưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy: Bộ hoàn toàn ủng hộ quan điểm của GHPGVN đề nghị “loại bỏ mê tín dị đoan, đốt vàng mã”, đồng thời sẽ triển khai nhiều giải pháp nhằm đẩy lùi vấn nạn này… Tuy nhiên, đối với tập tục lâu đời là đốt vàng mã, việc đẩy lùi, loại bỏ không thể thực hiện trong một sớm một chiều. Cũng không thể sử dụng các biện pháp hành chính, cấm đoán cứng nhắc để yêu cầu người dân không được đốt vàng mã.

Cũng theo nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vỹ (giảng viên ĐH Quốc gia Hà Nội): “Từ quá khứ, nhiều cơ sở tín ngưỡng của Việt Nam đều nhập hết vào nhau. Để rồi, người đi chùa bây giờ cứ vậy mà đốt mã mù trời để xin tài, xin lộc, trong khi triết lý Phật giáo chỉ hướng tới việc cầu mong cho mình và cho mọi người cuộc sống nhân ái, vị tha, hạnh phúc”.

Trên thực tế, công văn của GHPGVN không phải là văn bản đầu tiên yêu cầu hạn chế việc đốt vàng mã bừa bãi tại các di tích văn hóa hoặc cơ sở tôn giáo. Trước đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định 28/2017/NĐ-CP (sửa đổi từ Nghị định 158/2013/NĐ-CP) và nêu rõ sẽ “phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi thắp hương hoặc đốt vàng mã không đúng quy định của ban tổ chức lễ hội, ban quản lý di tích”. Tuy nhiên, cho đến nay, việc đốt vàng mã bừa bãi tại các di tích văn hóa, cơ sở tôn giáo… vẫn chưa thể hạn chế và tạo nên sự lãng phí tiền của không đáng có.

“Đốt” tiền tỉ mỗi năm

Theo con số thống kê chưa đầy đủ, mỗi năm người dân Việt Nam đốt gần 50.000 tấn vàng mã. Chỉ tính riêng ở Hà Nội, số tiền thật “đốt” cho vàng mã lên tới trên 400 tỉ đồng/năm. Trung bình vào mỗi dịp lễ, tết, mỗi gia đình phải bỏ ra từ 30.000-50.000 đồng mua vàng mã, thậm chí có gia đình tiêu tốn đến hàng chục triệu đồng.

Không những gây tốn kém về mặt tiền của, việc đốt vàng mã bừa bãi cũng gây không ít thiệt hại do hỏa hoạn. Năm 2017, TP HCM có tới gần 20 người chết và hàng chục nạn nhân bị thương do hỏa hoạn xuất phát từ việc đốt vàng mã dịp đón tết cổ truyền. Năm nay, trong ngày cúng ông Công - ông Táo, 8 căn nhà đã cháy rụi tại TP HCM. Không những vậy, ngày 20-2 (mùng 5 tết), khu vực sân trước đền Mẫu (Đồng Đăng, Lạng Sơn) đã xảy ra hỏa hoạn, với nguyên nhân được cho là bắt đầu từ việc đốt vàng mã và để cháy lan sang các quầy bán mặt hàng này.

Bày tỏ quan điểm đồng tình với việc từ bỏ tục đốt vàng mã, nhà sử học Dương Trung Quốc (Tổng thư ký Hội Sử học Việt Nam) cho rằng, đây là một hủ tục và đã đến lúc tất cả xã hội Việt Nam cần chung tay để loại bỏ. Ông nhấn mạnh: “Đốt vàng mã có thể là tục lệ lâu đời với quan niệm dương gian thế nào thì cõi âm cũng như thế. Đó cũng được xem như là một cách thể hiện trách nhiệm của con cháu đối với tổ tiên. Thế nhưng, cái gì cũng vừa phải. Việc hóa vàng chỉ nên mang tính tượng trưng. Không thể cái gì cũng biến thành giấy, thành vàng mã như nhà lầu, xe hơi, điện thoại đời mới... rồi mang đi đốt”.

Có thể nói, để ngay lập tức loại bỏ việc đốt vàng mã bừa bãi là điều khó thực hiện được, tuy nhiên, dù khó nhưng các cơ quan quản lý văn hóa vẫn phải làm. Bên cạnh việc tăng cường tuyên truyền, các cơ quan chức năng cần kiểm tra, nắm chắc số lượng các cơ sở sản xuất, kinh doanh vàng mã để có biện pháp quản lý, hỗ trợ kịp thời đối với những hộ có nhu cầu chuyển hướng kinh doanh. Bên cạnh đó, các nhà chùa, nơi thờ cúng cũng cần có khuyến cáo để người dân không nên mang theo vàng mã khi đi lễ. Có như vậy, thói quen mang theo vàng mã của người dân mới được hạn chế và những thiệt hại do đốt vàng mã bừa bãi mới có thể giảm thiểu được.

Tục đốt vàng mã không phải của người Việt Nam mà xuất phát từ Trung Quốc. Vào trước thế kỷ thứ VI, các vua chúa qua đời thường chôn theo người thân cận, kẻ hầu, của cải và vật dụng sử dụng thường ngày. Về sau, người ta nghĩ ra cách tạo hình nhân thế mạng và làm đồ giả như vàng, ngân xuyến... đốt gửi xuống âm phủ. Dần dần, tục đốt vàng mã lan sang Việt Nam và được người dân coi là tín ngưỡng văn hóa.

Vào giữa thập niên 30 của thế kỷ trước, trong phong trào Chấn hưng Phật giáo được Hội Phật giáo Bắc Kỳ (thành lập năm 1934) phát động, việc vận động Phật tử và nhân dân xóa bỏ tục đốt vàng mã, đồ mã cũng đã được đặt lên hàng đầu.

Theo các nghiên cứu, sáng kiến bãi bỏ vàng mã khi ấy đã nhận được sự đồng tình và sự cộng tác nhiệt thành của nhiều thành phần, từ các nhà tu hành, các cư sĩ tại gia, cho đến các Phật tử, quần chúng và thậm chí là một số quan lại của triều đình nhà Nguyễn khi đó. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, đặc biệt là việc tục đốt vàng mã, đồ mã “bén rễ” khá chặt trong đời sống, nên cuộc vận động này cũng chỉ dừng lại ở đó.

K.An

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc