Khó chọn đúng giá thuốc

21:33 | 30/05/2017

2,020 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Bất cứ ai ra cửa hàng dược phẩm mua thuốc, dù chỉ là viên thuốc cảm, lọ thuốc đau mắt đều thấy ngay sự bất cập của giá thuốc tây.

Thật khó mà chọn được giá đúng cho loại nhu yếu phẩm đặc biệt này, bởi giá thuốc bị buông từ lâu. Cùng công dụng, với thành phần như nhau, nhưng loại nào quảng cáo ì xèo trên tivi sẽ đắt hơn so với loại kia, do “cạnh tranh” giữa các doanh nghiệp. Thế nhưng, nếu để tâm một chút sẽ thấy, cùng một sản phẩm của cùng một nhà sản xuất, mà ở các cửa hàng khác nhau, giá lại khác nhau thì rõ ràng giá thuốc đã tự tung tự tác. Điều kỳ cục hơn là, giá thuốc bán ở trong khuôn viên bệnh viện hoặc ở gần phòng khám lại đắt hơn ở ngoài. Người bán thuốc “đánh” vào tâm lý tiêu dùng để tăng giá mà không bị quản lý, thậm chí còn được làm ngơ, vì đây là cơ sở thân hữu của bác sĩ.

Nhiều năm nay, tình trạng thuốc tây trên thị trường được bán với mức giá không đồng nhất đã là một thực trạng rất phổ biến. Cùng một loại thuốc, các nhà thuốc tây, quầy thuốc bán lẻ tại khu dân cư có mức giá bán khác, các nhà thuốc, bệnh viện công lập có giá bán khác, mà các nhà thuốc bệnh viện tư nhân lại có một mức giá khác nữa.

kho chon dung gia thuoc
Một nhà thuốc tại Hà Nội

Hầu như người bệnh không thể tìm được cửa hàng nào có giá thuốc “tin cậy”, kể cả ở trong quầy thuốc của bệnh viện, mặc dù thuốc chữa bệnh phải được niêm yết công khai. Giá thuốc bây giờ được cửa hàng “niêm yết” trên bao bì từng vỉ, từng hộp, từng lọ… nên người mua chỉ biết giá thuốc khi thanh toán trả tiền và đọc trên hóa đơn. Về nhà xem lại phiếu bán hàng lần trước mới biết mình mất tiền oan.

Các nhân viên bảo hiểm y tế dễ dàng phát hiện các bác sĩ rất “thích” kê đơn thuốc ngoại, thuốc hiếm, trừ vài loại thuốc nội giá rẻ sẽ được cấp phát cho bệnh nhân có thẻ bảo hiểm. Ngoài ra, còn có việc bác sĩ gợi ý dùng thêm cả thực phẩm chức năng. Mà giá thực phẩm chức năng thì thiên la địa võng bủa vây người bệnh, vì không thể biết thực giá là bao nhiêu, dù suốt ngày trên tivi nhắc không phải thuốc, không có tác dụng chữa bệnh.

Không chỉ có người bệnh kêu giá thuốc mà chính một số lãnh đạo ngành y tế cũng thừa nhận, giá thuốc thiếu công khai, minh bạch…

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến từng nhấn mạnh, chênh lệch giá thuốc giữa các bệnh viện với nhau, giữa bệnh viện và thị trường, giữa các địa phương và ngay trong địa bàn là do “giá thuốc bị đẩy đi lòng vòng, các hãng dược bắt tay với thầy thuốc kê đơn để hưởng hoa hồng” và “ngoài nguyên nhân lợi nhuận còn có kẽ hở của pháp luật” bị lợi dụng. Bộ trưởng Kim Tiến đánh giá, việc ngành y tế vừa quản lý về chuyên môn, lại vừa quản lý giá là không phù hợp.

Vì vậy, theo Luật Giá, Bộ Tài chính được phân công thực hiện chức năng quản lý giá nói chung và là đơn vị xây dựng các chính sách, cơ chế về giá thuốc, đồng thời đảm bảo tính khách quan trong quản lý giá thuốc.

Trong tình hình giá thuốc lộn xộn như trên, Nghị định 54/2017/NĐ-CP vừa ban hành ngày 8-5-2017 sẽ có hiệu lực từ tháng 7-2017 đã quy định khá chặt chẽ, sát sao, để hạn chế hiện tượng thả nổi giá thuốc trên thị trường thời gian qua. Hy vọng nghị định mới có thể giúp người dân được mua thuốc tây với giá minh bạch và hợp lý, ngăn ngừa các “chiêu” để lách luật, nâng giá thuốc. Nghị định 54 có một chương quy định cụ thể về các biện pháp quản lý giá thuốc. Nghị định đã nêu rõ, cơ sở kinh doanh dược có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các quy định về kê khai, kê khai lại giá thuốc và các quy định khác về quản lý giá thuốc.

Theo Nghị định 54, cơ sở kinh doanh dược phẩm không được bán thuốc khi chưa có giá kê khai. Kê khai giá từng loại thuốc do chính cơ sở sản xuất, cơ sở nhập khẩu thuốc đó đã kê khai cũng phải kê khai lại trên trang web của Bộ Y tế. Tất cả các cơ sở kinh doanh dược không được bán buôn, bán lẻ thuốc cao hơn mức giá kê khai, kê khai lại được công bố.

Để hạn chế việc “kê khai” tùy tiện, muốn kê thế nào thì kê, cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền chịu trách nhiệm xem xét mức độ hợp lý của giá thuốc được kê khai và có văn bản thông báo cho cơ sở kinh doanh dược kiến nghị xem xét lại mức giá của mặt hàng thuốc do cơ sở đã kê khai. Bên cạnh đó, nhà thuốc, cơ sở bán lẻ thuốc tây cũng chịu trách nhiệm niêm yết giá bán lẻ từng loại thuốc tại cơ sở kinh doanh.

Ngoài ra, nghị định cũng quy định trực tiếp luôn mức thặng số bán lẻ của dược phẩm trong khuôn viên cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, khống chế mức thặng số bán lẻ từ 2-15%. Điều này cũng sẽ góp phần giảm tình trạng “chặt chém” tại các quầy thuốc bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh vẫn tồn tại bấy lâu, đặc biệt đối với các loại thuốc độc quyền phân phối tại bệnh viện, đặc trị bệnh, bệnh nhân không có lựa chọn khác.

Tuy vậy, dù nghị định có quy định cụ thể thì vẫn có những cách khác nhau để các nhà thuốc tự đặt ra giá thuốc của mình. Hy vọng, sự vào cuộc mạnh mẽ của cơ quan quản lý, thời gian tới, thị trường thuốc tây sẽ được minh bạch, tiến tới chấm dứt loạn giá để người bệnh sẽ được mua thuốc với giá hợp lý và đúng giá kê khai, niêm yết!

Bảo Giang

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc