Khi "tiên học văn, hậu mới học lễ"

07:00 | 02/03/2014

3,189 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Có một thực tế đáng buồn là, càng ngày số lượng các vụ việc liên quan đến sự suy thoái đạo đức, lối sống của giới trẻ lại càng xuất hiện với tần suất và mức độ đáng báo động hơn, thể hiện lỗ hổng trong việc giáo dục kỹ năng sống trong hệ thống giáo dục của Việt Nam hiện nay.

Cần kỹ năng mềm

Khi thử tìm những từ khóa như “nữ sinh đánh bạn”, “đổi tình lấy điểm” hay “tự tử vì áp lực học tập”… trên mạng, chúng ta thấy hiện ra hàng triệu kết quả. Điều đó cho thấy, chuyện “tiên học lễ, hậu học văn” trong không ít trường lớp ở Việt Nam đang không đi đúng và đi trúng mục đích của nó. Việc quá coi trọng đào tạo kiến thức của các bộ môn giáo dục phổ thông, trong khi xem nhẹ chuyện giáo dục cho học sinh, sinh viên kỹ năng sống, kỹ năng mềm để xử lý, giải quyết, thích nghi với những tình huống thực tế của cuộc sống đã để lại những hậu quả khó lường cho các em và cả xã hội.

Ấy thế nhưng, có thể thấy chuyện “rèn đức” vẫn chưa được coi trọng bằng “luyện tài” ở trong các nhà trường của ta. Một minh chứng rõ ràng cho vấn đề này là chuyện giáo dục đạo đức của Việt Nam đang rất thiếu đồng bộ và dễ nảy sinh tiêu cực. “Đạo đức” hay “giáo dục công dân” - môn học có nhiệm vụ giúp học sinh 3 cấp tiểu học, THCS và THPT tiếp cận nội dung các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, hình thành phát triển nhân cách con người; giúp các em có thể tự chủ trong cuộc sống cá nhân, tự tin khi tham gia hoạt động ngoài cộng đồng đã được đưa vào hệ thống giảng dạy từ lâu, tuy nhiên hiệu quả của môn học này đối với các em trong thực tế không được cao.

Áp lực từ điểm số của nhiều môn văn hóa đã khiến nhiều học sinh, sinh viên mệt mỏi và không còn hứng thú với việc học các kỹ năng sống ở trong trường

Lý do là bởi thời lượng quá ít của môn học này trong thời khóa biểu của các em: So với các môn học trang bị các kiến thức cơ bản khác như ngữ văn, toán, ngoại ngữ… 2 môn học này chỉ chiếm 1-2 tiết học/tuần. Còn lại, phần lớn thời gian học sinh lên lớp là để tiếp thu một khối lượng kiến thức, bài giảng đồ sộ của các môn học khác. Tâm lý “môn chính, môn phụ” cũng khiến cho các em học sinh không thật sự hào hứng với bộ môn này.

Học sinh hiện nay bị nhồi nhét quá nhiều kiến thức của quá nhiều môn đã khiến cho các em không còn thời gian để nghỉ ngơi, giải trí và tiếp xúc với cuộc sống thực tế nữa. Chính người lớn, cụ thể là cha mẹ và thầy cô đã gieo vào tâm trí của các em tư tưởng cứng nhắc: “Phải tranh thủ mọi thời gian có thể để học, mọi việc khác trong gia đình và xã hội, con không cần quan tâm” và “chỉ có kỳ thi học kỳ, thi chuyển cấp hay thi đại học mới là quan trọng nhất”, vì vậy cũng khó tránh khi các em không mấy hào hứng với những bài học về đạo đức, kỹ năng sống vốn được truyền dạy đã vừa ít ỏi, lại vừa khô khan như hiện nay.

Vấn đề đào tạo, phát triển các kỹ năng mềm trong cuộc sống cho thế hệ trẻ cũng không được nhà trường và gia đình chú trọng đúng mức. Thời buổi kinh tế thị trường khiến cho nhiều bậc phụ huynh dường như lơ là việc dạy dỗ con em mình mà chuyển sang kiểu “khoán trắng” việc dạy kiến thức văn hóa và phát triển kỹ năng sống cho nhà trường. Trong khi đó, dù đã rất cố gắng nhưng các thầy, cô cũng chỉ có thể khuyên bảo, nhắc nhở các em về thái độ sống, cung cách giao tiếp ứng xử… trong một số tình huống cụ thể trong lúc tận dụng những giờ dạy đạo đức, giáo dục công dân hay ngoại khóa chứ chưa có được một hệ thống bài giảng, giáo trình cụ thể và chi tiết.

Việc truyền dạy cho các em phát triển kỹ năng giao tiếp, ứng xử trong cuộc sống thế nào cho đúng là câu hỏi trăn trở của nhiều thầy, cô giáo, bởi lẽ trong thực tế, nhiều em tỏ ra rất trầm tính, ít khi phát biểu ý kiến trên lớp, các thầy, cô (kể cả giáo viên chủ nhiệm) cũng khó có điều kiện nắm bắt được cụ thể hoàn cảnh của từng học sinh mình dạy nên giữa thầy và trò có sự xa cách là đương nhiên.

Tiềm ẩn nhiều nguy hại

Về chuyện giáo dục giới tính và tình dục an toàn với các em chẳng hạn. Đáng lẽ ra, những người lớn như thầy, cô giáo hay cha mẹ phải là người thẳng thắn giảng giải cho các em hiểu về những thay đổi tâm sinh lý ở tuổi dậy thì hay chuyện thế nào là quan hệ tình dục an toàn, tuy nhiên tâm lý hay e ngại, ngượng ngùng, né tránh của người lớn đã khiến cho các em không hiểu được rõ tầm quan trọng của những kiến thức này và hệ quả là nhiều em đã “phá rào” để tìm đến với chuyện quan hệ dễ dãi hay “sống thử” và chịu những hậu quả đáng tiếc.

Theo Hội Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam, bình quân mỗi năm nước ta có khoảng 300.000 ca nạo phá thai (chiếm 20% trong tổng số ca nạo phá thai), cao nhất so với các nước Đông Nam Á và đứng thứ 5 trên thế giới. Tình trạng nạo phá thai có xu hướng tăng trong những năm gần đây và điều đáng lo ngại là phần đông đối tượng phá thai nằm trong độ tuổi vị thành niên, những người vẫn còn đang trong độ tuổi đi học.

Hay một thực trạng đau xót khác đã và đang diễn ra là tình trạng bạo lực học đường ngày một gia tăng với mức độ đáng báo động. Câu chuyện một đoạn clip ghi lại sự việc ngày 18/2 vừa qua, tại Trường THPT Nguyễn Huệ (thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn, Bình Định), một thầy giáo đã thẳng tay tát học sinh nhiều cái rồi bị học trò “phản công” được lan tải trên mạng đã cho thấy mức độ nghiêm trọng của việc thiếu kỹ năng sống của một bộ phận thầy và trò ở Việt Nam. Chỉ vì thiếu nền tảng giao tiếp, ứng xử tốt, thiếu kiềm chế lúc nóng giận mà thầy đã mất chất và trò đã mất nết. Gây ầm ĩ trên báo đài hiện nay cũng không còn là các vụ nam sinh hành hung nhau mà lại là hàng loạt vụ nữ sinh đánh nhau, xâm phạm sức khỏe, danh dự và nhân phẩm người khác đã thực sự cũng cho thấy tác hại của việc coi trọng dạy chữ hơn dạy người của giáo dục Việt Nam hiện nay.

Một số hành vi phản cảm của giới trẻ hiện nay (đốt tiền, đánh nhau, hôn nhau ngay tại lớp học…) do các em chưa có được kỹ năng sống tốt

Bàn về vấn đề này, GS.TSKH Trần Ngọc Thêm (Giám đốc Trung tâm Văn hóa học lý luận và ứng dụng - ĐH Quốc gia TP HCM) cho rằng: “Đó là cả một quá trình. Chúng ta đều biết rằng không ai thật thà bằng con trẻ: “Ra đường hỏi già, về nhà hỏi trẻ” - ông cha ta từ lâu đã dạy thế. Nhưng dần dần, ở nhà các bé được chứng kiến những ứng xử của cha mẹ theo kiểu “nghĩ một đằng, nói một nẻo” và được giải thích rằng đó là sự tế nhị, khéo léo để không làm mất lòng nhau.

Lớn lên chút nữa, các em sẽ không khó khăn để nhận ra sự dối trá lan tràn khắp nơi. Từ thi cử gian dối, bệnh thành tích trong nhà trường (học sinh dốt cỡ nào cuối năm cũng được điểm 8-9 và lên lớp, tỷ lệ tốt nghiệp phổ thông năm nào cũng cao ngất ngưởng) đến cân điêu, nói thách ở ngoài chợ; thanh minh thanh nga khi có lỗi; nạn phong bì, chạy chọt ngoài xã hội…

Sự dối trá phổ biến đến mức người lớn thường quên đi rằng, mình đang nói dối, ai cũng nghĩ mình là người thật thà. Khi bị bắt gặp nói dối, họ luôn có đủ lý do để tự biện bạch. Cứ như thế, năng lực nói dối được tích lũy dần cùng với sự trưởng thành của đứa trẻ.

Nói đến kỹ năng sống là nói đến khả năng thích nghi với cuộc sống của mỗi một cá nhân. Cá nhân đó phải biết vận dụng những hiểu biết của mình trong cuộc sống và có những hành động, ứng xử phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội và pháp luật. Trong mỗi lĩnh vực, phạm vi của cuộc sống đòi hỏi mỗi cá nhân phải có những kỹ năng riêng. Từ các em nhỏ bậc mầm non đến các cụ cao niên đều cần có những kỹ năng này để ứng phó với cuộc sống muôn màu muôn vẻ.

Đâu là giải pháp?

Để khắc phục tình trạng giới trẻ thiếu kiến thức và kỹ năng sống hiện nay, nhất thiết phải có sự chung tay góp sức của nhiều phía. Việc hình thành kỹ năng sống không thể có được trong ngày một ngày hai mà cần có thời gian, quá trình để rèn luyện.

PGS.TS Đinh Thị Kim Thoa (Đại học Quốc gia Hà Nội), người đã thực hiện nhiều công trình nghiên cứu về tâm lý giáo dục cho rằng, mục tiêu của các nhà trường là hướng tới giáo dục toàn diện, nhưng thực tế ở các trường học vẫn đang chú trọng nhiều đến việc dạy chữ hơn dạy người. Dường như việc dạy người vẫn mang tính tự phát, bằng những lời khuyên răn, chỉ bảo của ông bà cha mẹ hay thầy cô.

Để công tác giảng dạy kỹ năng sống cho các em đạt hiệu quả, TS Thoa cho rằng, chính các thầy, cô phải vượt qua được sự lúng túng, chủ động tiếp cận nội dung này. Bởi kỹ năng sống của các thầy, cô phần lớn có được từ sự trải nghiệm của chính họ, nhưng để biến những trải nghiệm đó thành kiến thức truyền đạt cho học sinh đòi hỏi các thầy cô phải có sự nghiên cứu, tạo ra được quy trình cụ thể, có như vậy mới dễ dàng truyền đạt tới cho học sinh. TS Thoa còn nhấn mạnh, vấn đề này ở giáo viên Việt Nam vẫn còn thiếu, họ không thiếu về vốn sống mà là thiếu cách để truyền dạy lại cho học sinh.

Vai trò của gia đình cũng đặc biệt quan trọng. Phụ huynh nên dành nhiều thời gian để chuyện trò, quan tâm, chia sẻ với con em mình để thấu hiểu những tâm tư, tình cảm, định hướng được cho các em suy nghĩ và hành động đúng với các chuẩn mực đạo đức xã hội và pháp luật, nhằm tránh những hậu quả đáng tiếc do thiếu hiểu biết.

Và tất nhiên, bên cạnh việc học tốt các môn văn hóa, các bạn trẻ cũng nên chủ động tìm hiểu những kỹ năng cần thiết trong cuộc sống thông qua việc học hỏi từ thầy cô, bạn bè, người thân và tích cực, chủ động tự rèn luyện, nâng cao vốn sống của bản thân thông qua việc giải quyết những tình huống trong cuộc sống, đặc biệt là những khó khăn thử thách để tự trưởng thành. Hãy nhớ: “Lửa thử vàng, gian nan thử sức”.

Đăng Đức