Khi sân khấu… tối đèn

08:58 | 14/11/2015

1,150 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong vài năm gần đây, người ta đang nói nhiều tới câu chuyện kịch nói “mất” người xem, hay sân khấu... tối đèn do đói khán giả. 

Bắc – Nam đều gặp khó

Vừa qua, câu chuyện “đói” khán giả ở nhiều sân khấu kịch khu vực phía Nam như IDECAF, Hồng Vân, Hoàng Thái Thanh, 5B… đang khiến nhiều người cảm thấy ngỡ ngàng. Bởi từ trước tới nay, miền Nam, đặc biệt là TP.HCM, vẫn luôn được coi là “mảnh đất màu mỡ” cho nghệ thuật sân khấu nói chung và kịch nói riêng. Cảnh tượng người dân xếp hàng dài chờ đợi mua vé để xem các vở chính kịch, hài kịch hay kịch thiếu nhi không còn quá hiếm lạ đối với thị trường phía Nam.

Thậm chí, có những sân khấu như sân khấu kịch Phú Nhuận luôn trong tình trạng chật kín chỗ ngồi với các vở diễn đã làm nên tên tuổi như “Người vợ ma”, “Quả tim máu”. Nhưng giờ đây, các sân khấu đó đều lâm vào tình trạng khó khăn. Các sàn kịch trụ cột của làng kịch nói TP HCM như: IDECAF, Hồng Vân, Hoàng Thái Thanh, 5B, Kịch Sài Gòn, Nụ Cười Mới... đều rơi vào tình trạng không đủ khán giả.

Ông “bầu” Huỳnh Anh Tuấn (IDECAF) trăn trở: “Mấy năm qua, sân khấu TPHCM đã và đang mất dần từ 30% - 50% lượng khán giả. Hầu hết các sân khấu kịch xã hội hóa đều xảy ra tình trạng này”. Sân khấu kịch Phú Nhuận của NSND Hồng Vân đang ở trong thế cầm cự, nếu đóng cửa thì các nghệ sĩ không biết đi về đâu mà tiếp tục thì không biết lấy đâu kinh phí để duy trì.

Tình trạng càng trở nên bi đát đối với các sàn kịch phía Bắc như Nhà hát Kịch Việt Nam hay Nhà hát Tuổi trẻ. Ông Nguyễn Thế Vinh - Giám đốc Nhà hát cho biết: “Bao năm nay, chúng tôi không có địa điểm để diễn nên nhiều vở kịch đã dựng nhưng không thể diễn thường xuyên. Nhà hát kịch từng có địa điểm là Nhà hát Lớn Hà Nội, nhưng sau đó bị thu hồi, trong khi sân khấu tại Nhà hát Kịch Việt Nam quá nhỏ, sức chứa chưa đến 400 chỗ ngồi, mỗi tối bán hết vé cũng chỉ thu về 10 triệu đồng. Con số này rõ ràng khiêm tốn, không đủ bồi dưỡng cho diễn viên, chứ đừng nói êkíp đằng sau như âm thanh, ánh sáng, họa sĩ…”.

Là một trong những sàn kịch hiếm hoi “sáng đèn” ở phía Bắc, Nhà hát Tuổi trẻ cũng đã phải đối mặt với rất nhiều thách thức. NSUT Chí Trung – Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ đã từng chia sẻ, khó khăn  lớn nhất của nhà hát là những vở kịch kinh điển, lịch sử thường không bán được vé, ít khán giả đến xem. Bên cạnh đó, ở  ngoài Bắc, nhu cầu xem kịch khá hạn chế, thói quen đi xem kịch miễn phí vẫn còn tồn tại. Đó chính là lý do khiến sân khấu kịch đang chết dần ở Hà Nội cũng như ở miền Bắc. Mặc dù gần đây, Nhà hát Tuổi trẻ đang dần vực dậy với hình thức kịch xã hội hóa, thu hút đầu tư của các đơn vị ngoài, song con đường trở lại với thời kỳ vàng son của kịch nói còn rất nhiều khó khăn.

khi san khau toi den

Xung quanh việc 12 diễn viên xiếc nghỉ việc

Thông tin 12 diễn viên đoàn xiếc “Làng tôi” thuộc Liên đoàn Xiếc Việt Nam bỗng nhiên nộp đơn xin nghỉ việc tập thể khiến nhiều người sửng sốt. 

khi san khau toi den

Sân khấu kịch ‘chết’: Chung quy cũng bởi vì… tiền

(PetroTimes) –  Khi nói về nguyên nhân sân khấu kịch ‘chết’, tác giả - đạo diễn Lê Quốc Nam cho biết, chung quy cũng chỉ vì tiền!

Vấn đề ở đâu?

Câu chuyện sân khấu “đói” khán giả từ lâu đã trở thành nỗi nhức nhối đối với những người làm nghệ thuật. Nói về nguyên nhân thành công của sân khấu kịch nói chung, tác giả Chu Thơm, cha đẻ của rất nhiều vở kịch ăn khách, cho rằng: “Tôi nghĩ, chúng ta thiếu những vở kịch nói về những vấn đề hiện tại mà xã hội đang quan tâm. Chỉ nói miền bắc và miền nam thôi cũng đã có sự khác biệt. Sân khấu miền nam chấp nhận những vở kịch được “biến báo” từ phim truyền hình Hàn Quốc. Họ quan niệm, khán giả nào thì sân khấu nấy. Kịch miền bắc đang bị một vấn nạn: thiên về đao to búa lớn, như sợ khán giả không hiểu, một vấn đề cứ được đay đi đay lại, có những vở nặng nề như họp cơ quan. Nếu sân khấu phía Bắc buộc phải xã hội hóa, thì các nghệ sỹ làm sân khấu buộc phải làm ra những vở diễn bán được vé, và buộc phải tìm mọi cách để kéo khán giả đến rạp, sẽ không có chỗ cho những vở diễn giải ngân”.

khi san khau toi den
Một cảnh trong vở Hamlet của Nhà hát Kịch Việt Nam

Muốn có những vở diễn hay, “hút khách”, đối với nhà viết kịch Chu Thơm, dàn diễn viên là yếu tố cốt lõi. Ông nhận xét: “Dàn diễn viên trẻ hiện nay thực lực không đồng đều và không chất lượng như thời trước. Tình trạng diễn viên đến cảnh không thuộc kịch bản, không hiểu nhân vật, đài từ không tốt… rất phổ biến trong giới sân khấu hiện nay. Cũng có nhiều diễn viên quen với điện ảnh, quen diễn hài, đến khi được giao vai chính kịch thì không thể diễn được”.

Bên cạnh nỗi buồn thiếu khán giả, một trong những lý do khiến các nghệ sĩ sân khấu khó có thể cống hiến hết mình cho nghệ thuật là bởi thù lao quá ít ỏi. Mỗi diễn viên chỉ được trả mức thù lao 200.000 đồng/ người/đêm diễn và 80.000 đồng/ buổi tập/người. Với thù lao như vậy, một diễn viên chỉ có thu nhập là 2.400.000 đồng/tháng và phải tập liên tục, với những vở kịch kinh điển, lịch sử. Thu nhập “bèo bọt” thì khó có thể duy trì được đam mê và tình yêu với nghề, càng không thể đòi hỏi sự hi sinh hay cống hiến.

Ngoài ra, một lý do cũng khiến sân khấu kịch thiếu vắng khán giả là do thiếu hụt những kịch bản hay và bắt kịp nhịp sống hiện đại. PGS -TS Nguyễn Thị Minh Thái phân tích: “Sự khủng hoảng này xuất phát từ cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 bởi không tìm thấy sự đồng điệu. Tôi không tìm thấy hình bóng cuộc sống của tôi trên sân khấu. Sân khấu đã không trả lời những vấn đề mà cuộc sống đặt ra cho tôi. Trong khi bản chất của sân khấu là đối thoại, dường như nó đang xa lánh các cuộc đối thoại và điều đó cho thấy sân khấu đang “tự vẫn” trước khi khán giả “giết” sân khấu”.

Tại hội thảo “Sân khấu thủ đô với đề tài hiện đại” do Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức vừa qua, nhiều đạo diễn và các nhà nghiên cứu sân khấu đều thống nhất về kịch bản, cần tránh sa vào tính giải trí, đời thường, chạy theo lợi nhuận, thiếu tính văn chương và nghệ thuật.  Bên cạnh đó, mỗi nhà hát cũng nên tạo dựng cho mình đội ngũ sáng tác phù hợp với quan điểm, hướng đi của nhà hát. Đồng thời “nói không” với dựng vở cho đủ chỉ tiêu.

Bên cạnh những khó khăn, trở ngại chồng chất, sân khấu kịch nói chung và sàn kịch Hà Nội nói riêng đã có những tia sáng, đã nhúc nhích hoạt động trở lại và có được kết quả đáng kể mang tên Nhà hát Tuổi trẻ. Trong bối cảnh khán giả mất thói quen mua vé, ban lãnh đạo Nhà hát đã tự tiếp cận với đối tác là Ngân hàng SHB và Bảo hiểm BSH với nguồn tài trợ 2 tỉ đồng và sử dụng nguồn kinh phí này đầu tư cho những vở diễn xã hội hóa.

Giám đốc Trương Nhuận nhấn mạnh: “Chúng tôi hoạt động theo đúng tư duy: mỗi tác phẩm sân khấu đích thực là một sản phẩm văn hóa cần được “chào hàng”. Mà để “chào hàng” được, chúng tôi tích cực kết nối giữa tác phẩm và công chúng thông qua việc xây dựng những tác phẩm đạt về giá trị thẩm mỹ, giá trị xã hội, giá trị thương mại và luôn xác định công chúng tiếp nhận của mỗi vở diễn là ai, chứ không phải xây dựng theo ý thích của một êkip nào đó”.

Bên cạnh đó, một tin vui đến với làng kịch nghệ nước nhà là vở kịch Hamlet của Nhà hát Kịch Việt Nam bán vé với mức giá lên tới … 1 triệu đồng/vé. Thậm chí, ngay cả lãnh đạo nhà hát lúc trước khi công diễn cũng không thật sự tự tin khi cho rằng đấy là “phép thử của nhà hát về nhu cầu xem kịch cổ điển của khán giả bây giờ”. Thế nhưng đến ngày 1-11, theo thông tin của Nhà hát Kịch VN, vé hạng nhất của đêm diễn tại Nhà hát lớn đã được bán gần hết - gần 300/336 chỗ, chỉ còn vé hạng hai và hạng ba (400.000 - 700.000 đồng/vé). Không chỉ thế, hai đêm diễn vào thứ bảy, chủ nhật (ngày 7 và 8-11) tại rạp số 1 Tràng Tiền cũng đã phát hành hết vé.

Điều này khẳng định khán giả không hoàn toàn quay lưng với sân khấu kịch nói, mà họ chỉ đón chờ những tác phẩm đáp ứng được nhu cầu giải trí và thông tin mang hơi thở thời đại, có ý nghĩa xã hội thiết thực. Để “kéo” người xem trở lại với sân khấu, người làm nghề cũng cần tỉnh táo và hạn chế “chạy đua” theo thị hiếu, bớt dần những vở diễn đơn thuần giải trí hoặc chỉ để hù dọa khán giả, hoặc câu khách với những yếu tố sốc, sex, đồng tính... Chỉ khi bớt “nông” và “sổi”, sàn kịch hai miền mới có hi vọng sáng đèn và ghi dấu ấn trong trái tim người yêu nghệ thuật của cả nước. 

Khánh An

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

(PetroTimes) - Lễ hội Holi của người Hindu, còn được gọi là Lễ hội Màu sắc, báo trước sự khởi đầu của mùa xuân.