Khi “ông hoàng” đến thời mạt vận

07:15 | 13/08/2016

7,471 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Arập Xêút - “ông vua” của thế giới dầu khí, kẻ bị cáo buộc là đã gây nên cuộc khủng hoảng giá dầu kéo dài từ giữa năm 2014 đến nay, đang phải trả cái giá không hề rẻ chút nào cho những toan tính ích kỷ của mình trong cuộc đấu tranh giành thị phần và cạnh tranh địa chính trị với Mỹ và Iran…  

"Ngôi vương” trong thế giới dầu khí của Arập Xêút có được không chỉ do nước này khai thác nhiều dầu mỏ nhất thế giới, mà còn bởi vương quốc này đã cùng lúc đảm đương được 3 vai trò một cách hiệu quả.

khi ong hoang den thoi mat van
Quốc vương Arập Xêút Salman

Thứ nhất, lượng dầu mà Arập Xêút có thể bơm ra thị trường được ví như một “chất ổn định độc nhất”, có thể làm đầy các khoảng trống thỉnh thoảng được tạo ra do sự thiếu hụt sản xuất từ các nhà khai thác dầu lớn, qua đó giúp làm bình ổn thị trường dầu mỏ. Đây là điều mà Arập Xêút đã làm vào giai đoạn 1970-1972 khi sản lượng khai thác dầu khí của Mỹ bị suy giảm; hồi 1978-1980 khi Cách mạng Iran nổ ra; và 1990-1991 khi xảy ra chiến tranh Iraq - Kuwait.

Đôi khi, Riyadh phải gánh vác trách nhiệm này với chi phí rất lớn. Như Matthew Simmons viết trong cuốn “Twilight in the desert: The coming Saudi oil shock and the world economy”, Arập Xêút thực sự gần như bị ám ảnh bởi vai trò của người duy nhất có khả năng làm ổn định thị trường dầu mỏ toàn cầu. “Vương quốc này đã phải chi tiêu một số lượng ngày càng tăng nguồn tài nguyên không tái tạo và đang giảm dần của mình, để chắc chắn rằng họ luôn luôn có công suất dự phòng khoảng 1,5 đến 2 triệu thùng/ngày, trong trường hợp thế giới lâm vào cảnh đói khát dầu”.

Vai trò thứ hai, là một người anh tốt của thế giới Arập, những người sử dụng dầu mỏ như một thứ vũ khí chống lại các nước không thuận theo chính sách Trung Đông của mình. Lệnh cấm vận dầu mỏ hồi năm 1973-1974 của Tổ chức Các nước Xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) mà cầm đầu là Arập Xêút, theo đó, ngừng cung cấp nhiên liệu sang Mỹ, Nhật và Tây Âu, chính là đòn trừng phạt cho sự ủng hộ của nhóm này đối với Israel trong cuộc xung đột giữa Israel và liên quân Ai Cập - Syria.

Nếu như ở vai trò thứ nhất Arập Xêút như một “người hùng” cứu rỗi thế giới, thì ở vai trò thứ 3 này, họ lại có thể biến thành một đối thủ cạnh tranh tàn nhẫn - người sẵn sàng lợi dụng sự thiếu thốn dữ liệu dầu đáng tin cậy để “nắm dây cương” thị trường dầu toàn cầu theo một cách khắc nghiệt, như hồi năm 1997, khi xảy ra khủng hoảng tài chính châu Á.

Vai “ác” này lại được Riyadh diễn lại lần nữa khi từ chối cắt giảm sản lượng dầu để loại bỏ dư thừa trên thị trường dầu do cung vượt cầu, trước sự nổi lên của các nhà sản xuất dầu khí đá phiến Mỹ và sự trở lại thị trường dầu mỏ của Iran khi thoát cấm vận của phương Tây.

Nhưng tình hình bây giờ lại khác. Sự khác biệt lớn nhất nằm ở chỗ hiện tại, Mỹ đang là nước khai thác dầu lớn nhất thế giới, chứ không phải Saudia Arabia. Nhiều tiến bộ về khoa học kỹ thuật, đặc biệt là công nghệ khai thác dầu đá phiến, đã đưa Mỹ vượt qua Arập Xêút và Nga để trở thành nước khai thác dầu lớn nhất thế giới với sản lượng 9,2 triệu thùng/ngày. Nước Mỹ ngày nay cũng không còn phải lo thiếu hụt năng lượng. Theo số liệu năm ngoái, nguồn cung dầu trong nước có thể đáp ứng 89% nhu cầu của quốc gia này. Hiện nay Arập Xêút khó có thể cùng lúc chơi được cả 3 vai kể trên như họ đã từng làm được nữa.

Mặt khác, Arập Xêút đang gặp khó khăn, bất ổn nghiêm trọng. Ngân sách Arập Xêút dựa vào hơn 90% doanh thu bán dầu. Dân không phải nộp thuế, vì vậy cách duy nhất để gây quỹ là từ doanh thu bán dầu. Khi giá dầu giảm từ 100USD/thùng xuống 30USD/thùng, ngân sách tự nhiên cũng thâm thủng. Arập Xêút đã mất 390 tỉ USD lợi nhuận dầu mỏ dự kiến thu được vào năm ngoái, thâm hụt ngân sách cao chưa từng có, lên đến 100 tỉ USD. Lần đầu tiên kể từ năm 1991, Arập Xêút buộc phải đi vay tiền để trang trải chi tiêu. Khoản nợ quốc gia đầu tiên của Riyadh lên đến 10 tỉ USD và có thời hạn trong 5 năm.

Tháng 6 vừa qua, IMF lại “réo” chuông cảnh báo về tình trạng hụt thu ngân sách ở Arập Xêút. Chính phủ nước này buộc phải cắt giảm chi tiêu và tìm cách tăng nguồn thu nếu không muốn ngân sách tiếp tục thâm thủng. Nhưng việc đó không hề dễ dàng ở Arập Xêút.

Việc Bộ trưởng Bộ Điện nước Abdullah al-Hasin bị sa thải hồi tháng 4-2016 là một thể hiện rõ nhất của điều này. Ông al-Hasin bị chỉ trích vì để giá nước cao, áp quy định mới về đào giếng và cắt giảm trợ cấp năng lượng. Trong khi đó, những gì mà vị quan chức này làm là để tiết kiệm cho vương quốc 30 tỉ USD - số tiền rất quý giá cho một kho bạc đang thâm hụt do giá dầu thấp. Nhưng vấn đề là 86% người dân Arập Xêút lại muốn tiếp tục được trợ cấp nước và điện. Họ không được chuẩn bị cho sự mất mát này. Họ coi đây là quyền của họ. Họ nói rằng một đất nước giàu năng lượng như Arập Xêút tại sao lại không cung cấp năng lượng miễn phí cho người dân của mình.

Người dân thì không chịu từ bỏ thói quen được hưởng trợ cấp, còn Hoàng gia thì cũng khó lòng đoạn tuyệt với lối chi tiêu, hưởng thụ xa xỉ. Vua Salman mới đây đã thuê riêng một bãi biển ở miền Nam nước Pháp để phục vụ cho các kỳ nghỉ của gia đình.

Nếu Arập Xêút còn “cố sống, cố chết” ăn thua với Mỹ, Iran thì e rằng, trong khi các đối thủ của họ vẫn “sống nhăn răng”, Riyadh đã thở “thoi thóp” rồi.

Trong cơn khủng hoảng đó, Arập Xêút tìm đến công ty tư vấn McKinsey. Và những gì họ nhận được là khuyến cáo: Arập Xêút sẽ phải giảm mạnh sự lệ thuộc tai hại vào dầu mỏ, tiến hành chuyển đổi kinh tế và tăng năng suất lao động. McKinsey kêu gọi Arập Xêút cắt giảm việc làm trong khu vực công và giảm 3 triệu lao động nước ngoài mức lương thấp. Nhưng nền kinh tế chính trị của Arập Xêút là phụ thuộc vào việc làm nhà nước cho các đối tượng và sự giúp đỡ của những lao động nước ngoài lương thấp. Thay đổi hai trụ cột này là vấn đề sống còn của chế độ quân chủ. Một Arập Xêút không có dầu, thành thật mà nói, là một Arập Xêút không có chế độ quân chủ!

Linh Phương

Năng lượng Mới 546

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc