Khi công chức cười… với dân

07:00 | 29/03/2017

2,221 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nhằm siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, tích cực trong thi hành công vụ của cán bộ, công chức, viên chức, UBND TP Hà Nội vừa có văn bản yêu cầu tất cả bộ phận tiếp dân, tiếp nhận giải quyết thủ tục hành chính phải quán triệt và niêm yết 10 nội dung. Trong đó, có nội dung: Yêu cầu cán bộ, công chức phải tươi cười, niềm nở khi tiếp dân.

Nụ cười không mới

Cụ thể, 10 nội dung gồm: Khách đến, được chào hỏi; Khách ở, luôn tươi cười; Khách hỏi, được tư vấn; Khách yêu cầu, phải tận tâm; Khách cần, được thông báo; Khách vội, giải quyết nhanh; Khách chờ, được xin lỗi; Khách phàn nàn, phải lắng nghe; Khách nhờ, luôn chu đáo; Khách về, được hài lòng. Đây là một trong những nội dung nằm trong Kế hoạch số 69/KH-UBND vừa được UBND thành phố Hà Nội ban hành nhằm siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, đổi mới lề lối, phong cách làm việc, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, tích cực trong thi hành công vụ của cán bộ, công chức, viên chức thành phố.

khi cong chuc cuoi voi dan
Cán bộ, công chức tiếp dân

UBND thành phố Hà Nội yêu cầu triển khai, tổ chức thực hiện kế hoạch một cách đồng bộ ở các cấp, các ngành, các địa phương trên toàn thành phố, gắn với nhiệm vụ chính trị, công tác chuyên môn của các ngành, các địa phương, tránh phô trương, hình thức, làm theo phong trào. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị, bộ phận trực tiếp phụ trách, chỉ đạo triển khai thực hiện kế hoạch này. Từ đó, góp phần thay đổi căn bản tư duy, đổi mới thái độ, lề lối làm việc của cán bộ, công chức, viên chức khi trực tiếp tiếp nhận, thụ lý, giải quyết thủ tục hành chính. Tất cả phải trên tinh thần: “Lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp là tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công việc”.

Đây không phải là lần đầu tiên vấn đề cán bộ, công chức khi tiếp dân phải tươi cười được đề cập. Ngay tại buổi làm việc với Huyện ủy Phúc Thọ, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đã quán triệt quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức: “Chúng ta vẫn hay nói là chính quyền phục vụ mà đã là chính quyền phục vụ thì kể cả người dân nóng tính, có xưng hô thế nọ thế kia chúng ta cũng phải vui. Bây giờ phải tập đứng trước gương cười. Chứ còn nóng tính lên như trường hợp cô nhân viên mắng dân ầm ầm như vậy nhìn rất phản cảm”.

Trước đó, tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2016 và Triển khai công tác năm 2017 của Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hà Nội, Chủ tịch thành phố Nguyễn Đức Chung cũng nói: “Mỗi vị trí, mỗi người cần biết nở nụ cười trên môi, biết nói cảm ơn, xin lỗi. Phải luôn thân thiện, giữ đúng nguyên tắc, nhưng phải gần gũi, cần hạn chế thấp nhất phiền hà cho người dân...”. Và thực tế, phong trào phát động nụ cười trong công chức, viên chức Nhà nước đã xuất hiện từ nhiều năm nay nhưng xem chừng vẫn chưa có nhiều biến chuyển.

Để không chỉ là khẩu hiệu

Cũng phải nhắc đến việc cán bộ công chức, viên chức một số địa phương đã có thay đổi hình ảnh, thái độ phục vụ cũng như cách ứng xử đối với người dân. Như tỉnh Đồng Tháp, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp đã kiên quyết yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức từ tỉnh cho đến xã, phường nâng cao chất lượng công tác tiếp đón được xem là một trong những vấn đề quan trọng của tỉnh. Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: "Cán bộ không đủ chuẩn và không biết cười, không đồng cảm với nhân dân thì dứt khoát phải cho nghỉ".

khi cong chuc cuoi voi dan
Clip tuyên truyền văn hóa giao tiếp của CBCNV đối với người dân của TP Đà Nẵng

Hay như gần đây nhất năm 2016, TP Đà Nẵng cũng thực hiện hẳn một video gửi đến các cơ quan, ban, ngành của thành phố để tuyên truyền về văn hóa giao tiếp của cán bộ, công chức, viên chức đến người dân. Bằng cách cảm thông với đặc thù nghề nghiệp gặp nhiều áp lực, nhưng khẳng định lợi ích vật chất, lợi ích tinh thần và nguyên tắc cần ân cần trong giao tiếp với người dân nên video “Chỉ cần nở nụ cười” đã đem đến nhiều hiệu quả tích cực.

Theo Sở Nội vụ TP Đà Nẵng, việc kêu gọi thay đổi văn hóa ứng xử của cán bộ, công chức khi tiếp xúc người dân và doanh nghiệp cũng đã được thành phố nhiều năm triển khai. Tuy nhiên, qua kết quả khảo sát hằng năm vẫn còn một số công chức viên chức có thái độ chưa thực sự đúng mực, thân thiện, niềm nở, nhiệt tình, hoặc còn thờ ơ với tổ chức, cá nhân. Do đó, nhằm tăng cường công tác truyền thông về văn hóa giao tiếp, ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức đối với người dân và doanh nghiệp nên TP Đà Nẵng đã xây dựng video này. Từ đó đến nay thông điệp: “Đối xử tốt với người dân là đối xử tốt với chính mình” và “chỉ cần nở nụ cười” thường xuyên được cán bộ, công nhân viên chức thành phố phát huy.

Thực tế, hành động của TP Hà Nội cũng là thông điệp mà tất cả những cán bộ, công chức, viên chức trên cả nước cần biết để có thái độ đúng đắn khi giao tiếp với người dân. Rõ ràng việc tươi cười niềm nở, sai phải biết xin lỗi là một trong những yếu tố tối thiểu mà bất cứ ai cũng cần phải biết. Nhưng dường như thời gian qua nụ cười của cán bộ, công nhân, viên chức ở các cơ quan công quyền tại nhiều địa phương vẫn như một thứ xa xỉ. Nhiều cán bộ còn có thói cửa quyền, hách dịch, thậm chí kỳ thị… khi tiếp dân. Chính những cán bộ, công chức, viên chức ấy đã quên lời dặn của Bác Hồ rằng: “Mỗi cán bộ phải là công bộc của dân”.

Về vấn đề này, các chuyên gia nhận xét: “Công chức không thân thiện, thậm chí cáu gắt là hiện tượng phổ biến, đặc biệt là bộ phận tiếp xúc nhiều với dân, nhóm ngành có lương thấp... Đến nơi công quyền, đa số người dân phải chứng kiến thái độ không vui vẻ của cán bộ, công chức. Những lúc như vậy, nhiều người dân chọn cách “đi cửa sau” để công việc được giải quyết nhanh gọn. Thực tế không ai bắt buộc công chức lúc nào cũng phải cười, nhưng điều chính yếu là người công chức phải biết thân thiện với người dân. Mỗi công chức phải hiểu tác phong của người cán bộ là phải lịch thiệp, lễ phép, thân thiện, không được phép cáu gắt. Thế nhưng, các cán bộ, công chức, viên chức ở ta có thể biết nhưng không làm hoặc không muốn làm. Rất nhiều trường hợp cán bộ khi hướng dẫn người dân làm các thủ tục hành chính nếu có thiếu giấy tờ thì không thông báo ngay với người dân là thiếu những giấy tờ gì. Thay vào đó cán bộ lại hành dân, nay thiếu cái này, mai thiếu cái khác. Đó có thể xuất phát từ năng lực yếu kém khiến cán bộ hình thành tác phong làm việc theo thói cửa quyền hoặc biết nhưng vẫn nghĩ cách hành dân”.

Ngoài ra, có biểu hiện của một số cán bộ cho rằng, phải lạnh lùng, hách dịch mới có uy. Để thay đổi tình trạng này không khó khi chính bản thân những người được xem là công bộc, là đầy tớ của dân phải tự thay đổi trước.

Huyền Anh

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc