Khi chuyện hỷ trở thành “gánh nặng”...

14:39 | 05/09/2017

1,786 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Cưới là một nghi lễ mang đậm văn hóa Việt xưa và nay. Duy trì tục lệ cưới cũng là gìn giữ một nét văn hóa đẹp. Thủ tục cưới hỏi ngày xưa rất cầu kỳ, đến nỗi người ta cho là hủ tục và tìm cách tối giản nó. Nhưng trải qua nhiều cuộc tối giản, đến nay, chuyện cưới vẫn khiến người ta “nhăn nhó”.  

Ôn cố tri tân

Nếu so sánh tục cưới hỏi xưa và nay, thoạt đầu người ta sẽ nghĩ tục xưa quá rườm rà, phức tạp. Nhưng ngẫm kỹ lại, cho dù những yếu tố bị đánh giá là hủ tục thì văn hóa cưới hỏi ngày xưa vẫn văn minh hơn ngày nay.

Hãy xem, chữ “ăn” được người xưa hiểu như thế nào, gọi là ăn hỏi, ăn cưới, nhưng rõ ràng là người xưa không đặt vấn đề ẩm thực lên hàng đầu. Có chăng người xưa trọng hình thức “miếng trầu quả cau” chỉ lấy cái “cớ” để họ hàng hai bên chuyện trò, giao lưu với nhau. Yếu tố tinh thần mới quan trọng và nếu nghiên cứu kỹ thì rõ ràng văn hóa cưới hỏi của người xưa có nhiều bản sắc hơn, vui hơn và nhiều dấu ấn hơn văn hóa cưới thời hiện đại.

khi chuyen hy tro thanh ganh nang
Dường như ai cũng muốn làm mới văn hóa cưới hỏi nhưng vì “tế nhị”, vì ngại dư luận nên chưa... hành động

Phải chăng cái điều chúng ta ra sức tối giản bao lâu nay lại chính là bản sắc? Khi mà không còn những trò chơi vui vẻ tại các lễ cưới như: tung tiền xu cho bọn trẻ con mới được vào cổng, sau khi đã vào đến sân nhà gái, đoàn đi đón dâu được mời vào nhà ngồi chơi ăn trầu, uống nước. Nhà gái bao giờ cũng làm ra vẻ dùng dằng, lần khần và chỉ đồng ý cho dâu đi vào giờ cuối của buổi chiều. Đoàn đưa dâu của nhà gái cũng gồm những thiếu nữ trẻ và xinh (gọi là các cô phù dâu), đứng đầu đoàn đưa dâu cũng là một bà có tuổi còn song toàn (còn chồng) và “mắn” con. Lúc này cả đoàn đón dâu và đưa dâu cùng đi, nên rất đông vui. Nào ô, nào khăn, nào nón thúng quai thao, nào yếm thắm bao xanh, môi trầu “cắn chỉ”...

Quá nhiều biến tướng

Văn hóa cưới hỏi ngày nay thật nhạt nhẽo. Người xưa có câu: “Có cưới mà chẳng có cheo. Nhân duyên trắc trở như kèo không đinh”. Đó là tục lệ cưới xin cổ xưa. Ngày nay đám cưới của người Việt đã có những thay đổi lớn, hướng tới đan xen tính chất dân tộc, trang trọng nhưng tiết kiệm. Tuy nhiên, đó chỉ là người ta lầm tưởng, thực tế vấn đề cưới hỏi ngày nay đang trở thành một “gánh nặng” khó có thể thay đổi được.

Người tổ chức đám cưới chỉ lo sao cho mâm cao cỗ đầy, khách dự đám cưới thì lo “phong bì” sao cho xứng tầm với cỗ. Đám cưới ngày nay chẳng khác một cuộc trao đổi là bao. Vì những yếu tố bị coi là “hủ tục” đã được tối giản, nên người tham dự lễ cưới cũng chỉ đến ăn rồi về, tuyệt nhiên không có sự tương tác, giao lưu văn hóa, câu chuyện của mọi người trong đám cưới cũng chỉ dừng ở mức độ xã giao. Đi ăn cưới bỗng thành việc “có đi có lại”, một sự trao đổi!

Ngày nay, hiếm thấy cô dâu chú rể mặc trang phục cổ truyền dân tộc trong đám cưới, thay vào đó là trang phục hiện đại đậm phong cách của người châu Âu. Thủ tục cưới cũng được tổ chức nhanh - gọn - nhẹ. Sau chưa đầy 10 phút bước vào lễ đường, cô dâu chú rể đi “cụng ly” để chào hỏi các mâm thì coi như... đám cưới đã xong. Vấn đề là chi phí cho những đám cưới chóng vánh này không hề nhỏ. Ngày nay, ở thành phố, việc “khổ chủ” phải tốn cả... tỉ đồng để tổ chức một lễ cưới không còn là chuyện lạ. Còn ở nông thôn, khi mà nhiều vùng vẫn duy trì tục mời cả làng đến ăn cỗ thì người nông dân cũng phải quyết “vung tay” nếu không muốn bị dân làng “trách”.

Tại sao cứ phải đặt nặng vấn đề “ăn” khi mà điều đó khiến tất cả mọi người cảm thấy mệt mỏi? Đành rằng cuộc sống hiện đại ngày nay không có nhiều thời gian để duy trì những trò chơi giàu bản sắc như xưa tại các đám cưới, thì cũng không nên “hành nhau” chỉ vì… ăn uống. Không nên để một nét văn hóa đẹp như cưới hỏi trở thành vấn đề “gượng ép” người trong cuộc, càng không nên biến nó thành “gánh nặng” của xã hội khi mà ngày nay, không ít người nổi tiếng “đua nhau” tổ chức tiệc cưới xa xỉ, rất tốn kém chỉ để thỏa mãn sở thích hào nhoáng của bản thân.

khi chuyen hy tro thanh ganh nang

NSND Chí Trung chia sẻ: “Gia đình tôi tổ chức đám cưới cho con gái lặng lẽ lắm, chỉ làm báo hỉ cho mọi người biết. Con gái cưới, tôi gửi 1.000 thiếp báo hỉ tới anh em, bạn bè. Chỉ một vài người bạn rất thân thì mời dự tiệc nhỏ thôi. Rất nhiều người không biết con gái tôi đã cưới chồng. Tổ chức đám cưới linh đình rất lãng phí và đau đầu. Người cưới không lợi, người được mời không lợi, lợi mỗi nhà hàng. Người tổ chức cưới thì méo mặt lo một đám cưới to tát, người được mời méo mặt lo đi “trả nợ”, còn lại số ít vui vẻ thực sự. Bản chất thì người cưới lỗ, người được mời lỗ, có mỗi nhà hàng lãi”.

Tập tục cưới hỏi

Đầu tiên đại diện nhà trai đến nhà gái, sau khi đã chọn được dâu đúng với “chuẩn”. Nếu sau lần dạm ngõ này không có vấn đề gì thì lễ ăn hỏi chính thức được tiến hành. Nhà trai mang lễ vật gồm trầu cau, chè thuốc, có khi là xôi gà đến nhà gái để chính thức bàn chuyện cưới xin. Sau lễ hỏi, nhà gái mang trầu cau đi chia khắp họ nội, ngoại, xóm giềng, bè bạn, thông báo việc gả chồng cho con. Sau đó người ta chọn ngày lành tháng tốt để tổ chức lễ cưới (theo sách cổ “Thọ mai gia lễ”).

Tùng Lâm