“Khéo” chọn và dùng người tài

06:55 | 15/02/2017

2,053 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngày 14-11-1945, Báo Cứu quốc đăng bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh với tiêu đề “Nhân tài và kiến quốc”.

Bài báo có đoạn viết: “Kiến thiết cần có nhân tài. Nhân tài nước ta dù chưa có nhiều lắm nhưng nếu chúng ta khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng thì nhân tài càng ngày càng phát triển, càng thêm nhiều (…). Vậy chúng tôi mong rằng, đồng bào ta ai có tài năng và sáng kiến về những công việc đó, lại sẵn lòng hăng hái giúp ích nước nhà thì xin gửi kế hoạch rõ ràng cho Chính phủ. Chúng tôi sẽ nghiên cứu kế hoạch ấy một cách kỹ lưỡng, có thể thực hành được thì sẽ thực hành ngay”.

kheo chon va dung nguoi tai

Sau đó một năm, vào ngày 20-11-1946, cách đây 70 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại cho đăng bài viết “Tìm người tài đức” trên Báo Cứu quốc. Vì “E Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi những bậc tài đức không thể xuất thân”. Người thừa nhận khuyết điểm đó và yêu cầu các địa phương lập tức điều tra, lập danh sách những người tài đức báo cáo ngay cho Chính phủ biết. Với tư tưởng đại đoàn kết toàn dân tộc, tin ở nhân dân, tin ở con người, tin ở lòng yêu nước và khả năng tiềm ẩn ở mỗi con người và với tình cảm chân thành, trong thời kỳ cách mạng còn trong trứng nước cũng như trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cuốn hút và trọng dụng rất nhiều người tài năng, nhất là những vị nhân sĩ, trí thức vào công cuộc kiến thiết và bảo vệ nền độc lập của dân tộc.

Có phải là một sự trùng hợp ngẫu nhiên? Ngày 12-11-2016, tại TP Hồ Chí Minh, ngay sau khi dự Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gặp gỡ các chuyên gia, trí thức và doanh nhân Việt Nam tiêu biểu ở nước ngoài, nhằm lắng nghe các sáng kiến, giải pháp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tại đây, các chuyên gia, trí thức và doanh nhân tiêu biểu đã thẳng thắn chia sẻ nhiều băn khoăn, kiến nghị nhiều giải pháp khả thi. Thủ tướng khẳng định, Chính phủ lắng nghe và sẽ sớm có chủ trương, kế hoạch cụ thể đối với các vấn đề mà chuyên gia, doanh nhân kiều bào nêu lên, với tinh thần dân chủ, cầu thị, tạo mọi điều kiện cho sự phát triển.

Thủ tướng cho rằng: “Kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn cũng không nên bi quan, chùn bước trước khó khăn, thách thức. Càng khó khăn thì càng đoàn kết, thống nhất, càng có ý chí mãnh liệt để phát triển”. Đây là tín hiệu mới trong việc đoàn kết, quy tụ, phát huy sức sáng tạo, trí tuệ, kinh nghiệm của những người con đất Việt ở khắp mọi nơi cùng chung tay xây dựng đất nước.

Hiện nay, những người có tài (tất nhiên là đi liền với đức) ở trong nước và nước ngoài không hiếm. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, trong đó có sự yếu kém, tiêu cực về nhiều mặt trong công tác cán bộ cho nên không phải người tài - đức nào cũng có điều kiện phát huy phẩm chất, năng lực cống hiến, phục vụ đất nước, quê hương. Đó là hiện tượng chạy chức, chạy quyền, chạy luân chuyển, chạy tuổi, chạy tội, chạy thành tích, chạy việc... khá phổ biến. Không ít cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu có xu hướng “chọn người nhà” chứ không chọn người tài. Tình trạng “con ông cháu cha”, “một người làm quan cả họ được nhờ”, rồi “chi bộ nhà ta”, “chính quyền họ ta” không phải là hiếm.

Không chỉ chuyện cán bộ, động đến cái gì cũng phải “chạy”, việc gì cũng phải “bôi trơn” là rào cản đối với những cán bộ, đảng viên, trí thức đàng hoàng, trọng danh dự. Trong khi đó, với hơn 90 triệu dân và hơn 4,5 triệu đồng bào ta ở nước ngoài, chúng ta có rất nhiều người có tài năng, đức độ ở khắp mọi nơi trong nước và nước ngoài nhưng chưa được biết đến, chưa được phát huy, sử dụng hoặc có được sử dụng nhưng chưa có chính sách đãi ngộ thỏa đáng, cho nên không được lâu bền.

Có nhiều nguyên nhân, nhưng cái chính là chúng ta chưa “khéo lựa chọn” và chưa “khéo dùng” như Bác Hồ đã dạy và đã làm. “Khéo” ở đây hoàn toàn không phải là cách làm cứng nhắc, đúng theo bài bản, quy trình. Chữ “khéo” có liên quan đến nghệ thuật dùng người. Chữ “khéo” đối với người lãnh đạo cũng không có gì là khó vươn tới và đạt được. Đối với trí thức chân chính, đối với những người tài họ đều mong muốn ở người lãnh đạo của mình sự am hiểu, thông cảm, chân thành từ trái tim người lãnh đạo. Bởi vì, đối với những người hiền tài, tiền bạc cũng quan trọng, nhưng cái quý hơn, quan trọng hơn là sự tôn trọng, tin cậy, tin dùng và tạo điều kiện thuận lợi, phát huy tự do, dân chủ để họ cống hiến cho Tổ quốc, nhân dân. “Khéo” còn có ý nghĩa “dụng người như dụng mộc”, dùng người phải biết tính người, phải biết làm cho phần tốt ở trong mỗi con người “nẩy nở như hoa mùa xuân” và “phần xấu bị tàn lụi dần đi”.

Một điều rất quan trọng hiện nay là khi cất nhắc cán bộ, cần phải xét rõ người đó có gần gũi quần chúng, có được tin cậy và mến phục không. Phải xem người ấy thích hợp với công việc gì, đừng để cái sở trường biến thành sở đoản và ngược lại. Nếu người đó có tài mà không dùng đúng tài của họ cũng là lãng phí nguồn nhân lực. Nếu cất nhắc không cẩn thận, thì không khỏi đưa người chỉ nói mà không biết làm vào những địa vị lãnh đạo. Ở đâu mà người đứng đầu không lắng nghe ý kiến cấp ủy, tập thể lãnh đạo, mang nặng đầu óc gia trưởng, độc đoán... thì ở đó không thể có môi trường làm việc dân chủ, công bằng để người tài phát huy hết khả năng của mình.

“Hiền tài là nguyên khí quốc gia”. Kinh nghiệm lựa chọn, bố trí, sử dụng người tài của ông cha ta, Đảng ta cũng như nghệ thuật dùng người của Chủ tịch Hồ Chí Minh là vô cùng phong phú và bổ ích cần được dày công nghiên cứu, đúc kết, bổ sung vào lý luận cũng như đối chiếu với thực tiễn công tác tổ chức - cán bộ hiện nay, theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII.

Vũ Lân

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc