“Khát” biên kịch vàng

13:48 | 01/08/2017

1,296 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Điện ảnh Việt Nam đang có sự bùng nổ về số lượng phim chiếu rạp, phim truyền hình… Thế nhưng, lý do điện ảnh nước nhà chưa thể “mang chuông đi đánh xứ người” được vẫn quanh quẩn ở tình trạng thiếu kịch bản hay, thiếu biên kịch có chất lượng.

“Rác điện ảnh” tràn lan

Theo số liệu thống kê của Cục Điện ảnh Việt Nam, mỗi năm Việt Nam có khoảng 35-40 phim ra rạp, trong đó chủ yếu các bộ phim về đề tài tình yêu đôi lứa được thể hiện theo hai hướng chính là kinh dị và hài hước, ngoài ra còn có phim hành động, giả tưởng. Tuy nhiên, chất lượng nội dung phim vẫn chưa đạt như mong muốn vì thiếu kịch bản hay. Cho đến nay, phim Việt chỉ chiếm 25% thị phần và số lượng phim thu hút khán giả tới rạp có lẽ cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay.

2 năm qua, điện ảnh Việt Nam lại đón một “làn sóng” mới - phim remake (phim được làm lại từ kịch bản nước ngoài). Các tác phẩm điển hình trong làn sóng này có thể kể tới “Bạn gái tôi là sếp” (làm lại từ phim hài Thái “ATM: Er Rak Error”), “Sắc đẹp ngàn cân” (làm lại từ phim “200 Pounds Beauty”), “Yêu đi, đừng sợ!” (làm lại từ phim “Spellbound” của Hàn Quốc).

Trong mảng phim truyền hình, cả hai bộ phim đang gây sốt trên kênh truyền hình quốc gia là “Sống chung với mẹ chồng” và “Người phán xử” thì cũng có kịch bản dựa theo tiểu thuyết Trung Quốc hay làm lại từ sản phẩm của Israel. Bên cạnh đó, ngoại trừ các phim được chuyển thể từ tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh thì những bộ phim có kịch bản thuần Việt chưa có quá nhiều đột phá.

khat bien kich vang
“Tấm Cám: Chuyện chưa kể” là một trong những sản phẩm điện ảnh hiếm hoi có kịch bản thuần Việt và thu hút khán giả

Đã từng có quan điểm tồn tại trong giới nghệ sĩ như: “Phim nước ngoài mở đầu không có gì nhưng càng xem càng có gì, phim Việt mở đầu có gì nhưng càng xem càng không có gì”. Nhiều bộ phim có cốt truyện ít hấp dẫn, thậm chí hời hợt, lời thoại ngô nghê, thừa thãi; nhiều phim chỉ cốt khoe sắc đẹp diễn viên, phong cảnh hoặc lạm dụng kỹ thuật tối tân để khoe kỹ xảo, âm thanh thu hút, hình ảnh lung linh hay áp dụng các chiêu trò để nổi tiếng, câu khách… Chính những điều này đang khiến “rác trong điện ảnh” trở nên tràn lan, khó kiểm soát và cũng không thể dựa vào doanh thu để đánh giá nội dung của sản phẩm điện ảnh.

Đạo diễn Phan Đăng Di: “Vai trò của kịch bản rất quan trọng. Đặc biệt, các nền điện ảnh lớn đã đặt vị trí kịch bản là một trong những thành phần sáng tạo chính của phim. Thành bại của phim quyết định là ở đó”.

Theo đạo diễn Nguyễn Hữu Phần, đội ngũ viết kịch bản, biên kịch của Việt Nam hầu hết xuất thân từ các ngành nghề khác như nhà văn, nhà báo… Tuy có nhiều kinh nghiệm, trải nghiệm cuộc sống nhưng chưa được đào tạo bài bản về viết kịch bản và biên kịch nên kỹ thuật thể hiện lên phim chưa cao, viết chủ yếu theo dạng kịch bản văn học.

Đạo diễn - biên kịch Đức Thịnh cũng cho hay: “Rất nhiều bạn trẻ gửi kịch bản phim đến tôi, một ngày đến vài kịch bản, thế nhưng nội dung kịch bản đơn giản, hời hợt và không có chiều sâu, không đáp ứng được nhu cầu thị trường nên không thuyết phục được nhà sản xuất. Sai lầm của các kịch bản hiện nay là nhiều bạn trẻ đang lầm tưởng chỉ có ý tưởng thì sẽ có kịch bản hay, thực tế nội dung thể hiện trong kịch bản mới là điều quan trọng”.

Tác giả "vàng" đâu rồi?

Trong lễ trao giải Cánh Diều được tổ chức vào tháng 4-2017, tất cả 50 phim điện ảnh tham gia tranh giải đều do tư nhân sản xuất và hoàn toàn vắng bóng các bộ phim có sự tham gia, đặt hàng hoặc khuyến khích tổ chức sản xuất của Nhà nước. Điều này dấy lên sự hoang mang cho những người tâm huyết với điện ảnh nước nhà. Đã có ý kiến trong giới điện ảnh từng chia sẻ: “Không có sự định hướng, tài trợ của Nhà nước, điện ảnh như con thuyền bị mất bánh lái”.

Thậm chí, trong giới điện ảnh đang diễn ra hiện tượng kịch bản được viết ra bởi các nhóm gồm nhiều tác giả, được nhà sản xuất thuê với giá rẻ (chỉ 200 nghìn đồng/tập), trong khi mỗi tập phim trung bình tầm 10 triệu đồng. Trong khi đó, có không ít “nhà biên kịch” có độ tuổi 16-18, khiến nội dung kịch bản lủng củng, hời hợt, lời thoại nhạt nhẽo bởi thiếu trải nghiệm cuộc sống và kinh nghiệm tiếp xúc với điện ảnh.

Để phát triển điện ảnh nước nhà, đã có nhiều ý kiến cho rằng, cần thành lập quỹ phát triển điện ảnh Việt Nam như mô hình quỹ phát triển điện ảnh của một số nước trong khu vực, nhằm định hướng, quảng bá các tác phẩm điện ảnh Việt Nam. Tuy nhiên, dù được đề xuất, trình Chính phủ từ năm 2010, nhưng cho đến nay, đề án quỹ phát triển điện ảnh vẫn gặp vướng mắc do luật hiện hành.

Có thể nói, kịch bản thiếu, chất lượng kém kết hợp công nghệ làm phim chuộng lối “mì ăn liền” nên nhiều phim thuần Việt có nội dung nhạt nhẽo và bị chính khán giả Việt quay lưng. Vì thế, dù là thị trường tiềm năng cho phát triển điện ảnh, nhưng nếu không có đầu tư đúng mức vào những “biên kịch vàng”, những kịch bản chất lượng, thì chúng ta vẫn chấp nhận thực tế phim nội thua trên chính sân nhà.

Khởi động cuộc thi "Nhà biên kịch tài năng 2017"

CGV vừa khởi động cuộc thi “Nhà biên kịch tài năng 2017”, bắt đầu từ ngày 6-6 đến 14-9-2017. Đây là cuộc thi được tổ chức nhằm tìm kiếm và nuôi dưỡng các tài năng biên kịch để sáng tạo nên những tác phẩm kịch bản xuất sắc, góp phần cho ra đời những bộ phim Việt có chất lượng cao.

Cuộc thi gồm 3 vòng, vòng 1 thí sinh nộp ý tưởng tối đa 1.000 chữ. Ban tổ chức sẽ lựa chọn 24 ý tưởng xuất sắc nhất vào vòng 2 cuộc thi. Trong vòng 2, các thí sinh sẽ tham gia một khóa huấn luyện với hội đồng thẩm định của chương trình và sẽ chọn 6 thí sinh xuất sắc vào vòng 3 cuộc thi.

Ngoài các giải thưởng vàng, bạc, đồng và khuyến khích, các thí sinh nào được nhà sản xuất lựa chọn kịch bản để làm phim sẽ được CGV hỗ trợ một phần chi phí sản xuất phim và là nhà phát hành của bộ phim đó. Tổng giải thưởng cuộc thi lên tới 600 triệu đồng.

Hội đồng thẩm định của cuộc thi là những nhà làm phim chuyên nghiệp và uy tín: Đạo diễn Charlie Nguyễn, đạo diễn Đức Thịnh, nhà sản xuất - diễn viên Trương Ngọc Ánh, đạo diễn Lê Thanh Sơn, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh, đạo diễn Đinh Tuấn Vũ.

Khánh An

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

(PetroTimes) - Mùa tulip ở Hà Lan không chỉ đơn thuần là một mùa hoa, mà còn là biểu tượng của nét văn hóa, truyền thống và niềm tự hào của người dân xứ sở cối xay gió.