Khẩn trương ứng phó với dịch cúm chết người

07:00 | 25/02/2017

438 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trước tình hình dịch cúm A/H7N9 tại Trung Quốc đang diễn biến phức tạp và lan rộng ở 13 tỉnh, thành phố khiến số người tử vong tăng đột biến và dịch cúm A/H5N1 hoành hành tại tỉnh Svay Rieng, Campuchia, Bộ Y tế đã tổ chức cuộc họp cùng các bộ, ngành liên quan nhằm đưa ra các phương án ứng phó khẩn cấp khi dịch cúm gia cầm xâm nhập nước ta.

Nguy cơ cao

Tham gia cuộc họp khẩn có các lãnh đạo các bộ, ngành liên quan như: Bộ Y tế, Cục Thú y - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Cục Quân y - Bộ Quốc phòng, Cục Y tế - Bộ Công an, Cục Quản lý Thị trường - Bộ Công Thương, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc.

Tại cuộc họp, ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng Bộ Y tế cho biết: Tình hình dịch cúm A/H7N9 tại Trung Quốc đang diễn biến phức tạp ở 13 tỉnh, thành phố với số mắc lên tới 1.200 người, tỷ lệ tử vong chiếm khoảng 40%, trong đó tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây là nơi có giao lưu thương mại, du lịch nhiều với nước ta cũng ghi nhận bệnh. Điển hình, trong 2 tháng đầu năm 2017, tại Trung Quốc đã ghi nhận hơn 340 trường hợp mắc cúm A/H7N9 tạo thành đợt dịch thứ 5 kể từ năm 2013. Tích lũy từ tháng 3-2013 đến nay, Trung Quốc đã ghi nhận 1.183 trường hợp mắc. 91% trường hợp mắc cúm A/H7N9 là đều có tiền sử phơi nhiễm với gia cầm sống tại các chợ buôn bán gia cầm hoặc với môi trường bị ô nhiễm do gia cầm nhiễm bệnh. Ông Phu cho biết, hiện chưa có bằng chứng về việc lây truyền từ người sang người.

khan truong ung pho voi dich cum chet nguoi
Lực lượng thú y phun thuốc tiêu độc khử trùng cho đàn vịt, tránh nguy cơ lây lan cúm gia cầm

Điều đáng lo ngại nữa là dịch cúm A/H7N9 cũng đã xảy ra tại hai tỉnh biên giới dài với Việt Nam là Vân Nam và Quảng Tây. “Đây là vấn đề rất đáng quan ngại trong bối cảnh giao lưu, đi lại giữa hai nước”, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long ái ngại.

Tuy nhiên, theo Cục trưởng Phu, nguy cơ dịch cúm còn nguy hiểm hơn nhiều khi tại tỉnh Svay Rieng, Campuchia là tỉnh có chung đường biên giới với nước ta, ngay tháng đầu năm 2017, đã ghi nhận ổ dịch cúm A/H5N1. Do đó, nguy cơ Việt Nam bị hai dịch cúm này xâm nhập là rất cao. Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long đặt câu hỏi: “Tại sao tốc độ gia tăng của cúm A/H7N9 tại Trung Quốc gần đây tăng nhanh như vậy, dù mầm bệnh không có sự biến đổi? Chúng ta phải có đáp ứng mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn khi cùng lúc phải đối mặt với hai dịch cúm A/H7N9, cúm A/H5N1”.

Theo Đại diện WHO, đặc tính của virus chưa có gì thay đổi, dù tốc độ bệnh ở Trung Quốc đang gia tăng nhanh. Trong khi đó A/H7N9 không gây chết trên gia cầm, nên việc giám sát chủ động nhiễm virus trên người là rất quan trọng. Bên cạnh đó cần tăng cường tập trung vào khu vực gia cầm được vận chuyển, lưu hành để tập trung việc giám sát được tốt hơn.

Phải giám sát người

Ông Trần Như Dương, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương khẳng định: “Từ nhiều năm nay, việc chú trọng giám sát tác nhân cúm là việc thường xuyên của Viện Vệ sinh Dịch tễ. Trong năm 2016, 3.386 trường hợp viêm đường hô hấp cấp tính nặng, nhưng chỉ phát hiện cúm B (cúm thường), còn không phát hiện cúm A/H5N1 hay H7N9. Từ đầu năm 2017 tới nay cũng chưa phát hiện trường hợp nào nhiễm cúm A/H5N1 hay H7N9”.

Tương tự, tại khu vực phía Nam, PGS.TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur, TP Hồ Chí Minh cho biết, giám sát tại khu vực này trong những tháng đầu năm 2017 có 20 ca viêm phổi nặng với bệnh lâm sàng tương tự như cúm A/H7N9, nhưng kết quả xét nghiệm đều nhiễm cúm A/H1N1 thông thường. Tuy nhiên, với cúm A/H5N1 ở khu vực phía Nam trong tháng 2-2017 xảy ra 3 ổ dịch trên gia cầm.

Trước năm 2010 tập trung ở khu vực phía Bắc, 5 năm trở lại đây 9 trường hợp mắc trên người thì có đến 8 trường hợp ở khu vực phía Nam. PGS.TS Phan Trọng Lân nói: “Với cúm A/H7N9 lo lắng hơn cúm A/H5N1, bởi cúm A/H5N1 gây chết đàn gia cầm là dấu hiệu để cảnh báo. Trong khi cúm A/H7N9 không gây ra bệnh cảnh lâm sàng, gia cầm sống rất khó phát hiện ra. Vì thế, việc tăng cường giám sát trên người là vô cùng quan trọng”.

Đối với ổ dịch cúm trên gia cầm thì ông Đàm Xuân Thành, Phó cục trưởng Cục Thú y cho biết, trong 2 tháng đầu năm 2017, xảy ra 1 ổ dịch cúm A/H5N1 tại xã Diễn Châu, Nghệ An và 1 ổ dịch ở Bạc Liêu, 1 ổ dịch A/H5N6 ở xã Phổ Cường (huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi). Tới thời điểm này đã tiêu hủy hết số gia cầm nhiễm bệnh trên. Tuy nhiên, trong ngày 20-2-2017, ở xã Trực Thuận (huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định), Cục Thú y đã phát hiện 1 ổ dịch và đã tiêu hủy 4.600 con vịt bị nhiễm bệnh. Ông Thành cho hay, các địa phương vẫn tiến hành tiêm phòng vắc-xin cúm A/H5N1, nhưng cúm A/H7N9 thì chưa có vắc-xin.

Trước nguy cơ đối mặt với hai dịch cúm gia cầm nghiêm trọng, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đề nghị: Để chủ động ngăn ngừa dịch bệnh cúm gia cầm trên người, cần tăng cường kiểm duyệt dịch bệnh ở những khu vực có lưu lượng đi lại lớn, các điểm du lịch. Khu vực Nha Trang là một trong những nơi cần lưu ý. Bên cạnh đó, dọc biên giới Trung Quốc, Campuchia, cần tăng cường giám sát các bệnh viện, mở rộng diện lấy mẫu giám sát cúm, kể cả bệnh nhân có biểu hiện cúm thông thường.

Thứ trưởng nói: “Bệnh nhân chỉ cần có biểu hiện cúm thông thường là đưa vào lấy mẫu, đẩy độ nhạy, phát hiện kịp thời để có biện pháp khống chế. Chương trình giám sát phải mở hơn so với trước đây. Trong trường hợp cần thiết có thể lấy mẫu thí điểm cộng đồng, nhất là người buôn bán, tiếp xúc với gia cầm. Phải triển khai ngay sau cuộc họp ngày hôm nay”.

Ông Long cũng cho biết, Bộ Y tế đã ban hành sẵn 5 tình huống để ứng phó trước dịch bệnh, đề nghị các cơ quan chỉ đạo ở các địa phương xem xét kỹ lưỡng các kịch bản ứng phó trước mọi tình huống. Hiện nay, các phòng xét nghiệm của Việt Nam hoàn toàn có năng lực xét nghiệm đạt chuẩn chất lượng WHO.

Kết luận buổi họp, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long đề nghị lãnh đạo các địa phương chỉ đạo Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Công an, Bộ đội Biên phòng tăng cường ngăn chặn, bắt giữ gia cầm nhập lậu qua biên giới, xử lý nghiêm các hộ kinh doanh trái phép, không để hiện tượng buôn bán, vận chuyển gia cầm và các sản phẩm gia cầm không được kiểm dịch, không rõ nguồn gốc trên thị trường, đặc biệt tại các chợ đầu mối.

Bên cạnh đó, tại các cửa khẩu, Sở Y tế các địa phương tổ chức giám sát chặt chẽ để phát hiện sớm những trường hợp nghi ngờ mắc bệnh; triển khai các biện pháp truyền thông cho hành khách xuất, nhập cảnh đi/đến vùng có dịch về biện pháp phòng chống. Đồng thời tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh đường hô hấp cấp tại các cơ sở y tế và cộng đồng, lưu ý đối với trường hợp có tiền sử tiếp xúc với gia cầm ốm, chết cần được lấy mẫu bệnh phẩm gửi về Viện Vệ sinh Dịch tễ, Viện Pasteur để xét nghiệm và triển khai kịp thời các biện pháp cách ly, điều trị, phòng chống dịch…

Để phòng bệnh dịch cúm gia cầm, người dân hạn chế tiếp xúc với gia cầm ốm, chết và chất thải từ gia cầm; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn thông thường; chỉ ăn thịt gia cầm và các sản phẩm gia cầm đã được nấu chín kỹ, không ăn tiết canh, không sử dụng gia cầm và các sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc; người dân đi/đến từ vùng dịch bệnh cúm gia cầm chủ động theo dõi sức khỏe để phát hiện sớm, điều trị kịp thời hạn chế các biến chứng, tử vong.

Nguyễn Bách