Khai nguồn năng lượng mới từ câu hỏi “Tại sao?”

08:06 | 10/03/2017

1,865 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Câu hỏi hay nhất của nhân loại để không ngừng tiến bộ là câu hỏi “Tại sao?”. Nhưng thậm chí còn có câu hỏi hay hơn nữa, đó là câu hỏi “Tại sao không?”.  

Bởi, khi ta gặp một chốt chặn nào đó trong cuộc đời, tất cả mọi người đều cho rằng không thể làm được, không vượt qua được, không giải quyết được, nhưng khi ta dám dũng cảm đặt câu hỏi “Tại sao không?” và tìm cách bật nút chặn, thì hoàn toàn có khả năng ta sẽ khai mở được một nguồn năng lượng mới và chạm tới nấc thiên tài.

khai nguon nang luong moi tu cau hoi tai sao
(Ảnh minh họa)

Người Do Thái ở Israel không những hỏi “Tại sao?” mà họ luôn hỏi “Tại sao không?”. Vì thế mà Israel là đất nước sáng tạo bậc nhất thế giới. Hầu như những cải tiến mang tính nhảy vọt trong công nghệ thế giới đều được nhân tài Israel khởi xướng. Tại Israel cũng hình thành một văn hóa quan hệ đặc biệt, đó là văn hóa tranh luận. Không có chuyện nhân viên sợ sếp, nhất nhất tuân thủ theo sếp. Nhân viên luôn luôn đặt câu hỏi "Tại sao?" trước bất kỳ một vấn đề gì sếp đưa ra để tìm cách cải tiến nó. Thậm chí câu hỏi này cũng không cần tránh, một nhân viên có thể hỏi thẳng: “Tại sao ông là sếp của tôi mà không phải tôi là sếp của ông?”.

Có một rào cản khá lớn khiến học sinh Việt Nam còn chưa tiến bộ bằng học sinh Mỹ, Singapore, hay Israel, đó là học sinh Việt ít dám hỏi "Tại sao?".

Điều này có yếu tố thói quen ảnh hưởng. Nhà trường ở ta thường giảng dạy theo kiểu thầy đọc, trò ghi, tạo nên thói quen thụ động tiếp thu kiến thức có sẵn, không động não để lật đi, lật lại vấn đề. Ít khi việc dạy được tiến hành theo phương pháp tranh luận, thầy giáo nêu vấn đề, hướng dẫn học sinh tìm lời giải đáp sau đó thầy kết luận và học sinh có quyền tiếp tục hỏi thêm đến khi thực sự nắm rõ nội dung mà thầy muốn truyền đạt.

Ít khi đặt câu hỏi "Tại sao?" ngay cả ở nhà, ở trường, chỉ biết nghe theo nên dần dần học sinh ở ta hình thành thói quen thụ động, khó xây dựng được kỹ năng tư duy độc lập trong mọi tình huống, hoàn cảnh.

Vấn đề là, đặt câu hỏi "Tại sao?" có khó lắm không? Chúng ta chỉ ngại thôi. Nhưng con người ta hơn nhau nhiều khi chỉ ở chỗ vượt qua chữ “Ngại”. Thành vì quả quyết, bại vì ngại ngùng. Bạn đừng tin ngay vào bất cứ ai, bất cứ sự việc gì, mà khi chợt thấy nghi vấn, phải biết hỏi tại sao. Phải tìm cách kiểm chứng từ thực tế.

Chúng ta cũng đang có thói quen tin vào Internet, hễ thấy cần tìm hiểu cái gì thì ngay lập tức hỏi “Giáo sư Google”. Hỏi mà thấy thông tin đáp ứng là tin tắp lự. Nhưng tốt nhất là ta chớ vội tin, xin nhắc lại là phải đến tận nơi để kiểm chứng nếu ta có thể. Bạn phải tự đi để khám phá. Và hãy cho con bạn khám phá, chúng sẽ thấy sự thật không phải như chúng thường nghe, thường nghĩ, mà sự thật rất khác, rất ấn tượng. Chúng ta hãy đưa con mình ra khỏi nhà, có thế chúng mới học được nhiều điều từ thực tế, những bài học chính xác nhất.

Không chỉ luôn hỏi "Tại sao?" trong lớp, học sinh nước ngoài khi nghe xong bài giảng của thầy, thậm chí chúng còn kiểm tra lại xem thầy nói có đúng không từ các nguồn tin khác do chúng tự chủ tìm kiếm. Sau đó chúng tranh luận lại với thầy, cho đến khi thầy làm trò thỏa mãn với những câu hỏi "Tại sao?". Điều này giúp học sinh suy nghĩ tích cực. Thầy giảng một nhưng học sinh sẽ tìm hiểu thêm hai, ba, bốn... Phương pháp giảng của thầy là gợi mở vấn đề, cung cấp một ít thông tin, để khuyến khích học sinh tự nghiên cứu, tìm ra những kiến thức bên ngoài sách vở. Điều này mang lại hiệu quả cao cho giáo dục, đào tạo. Rèn nên những con người luôn chủ động, tích cực suy nghĩ và tìm tòi, giỏi kỹ năng và biết xoay sở tốt trong mọi hoàn cảnh. Chính vì thế, khi tốt nghiệp ra trường, sinh viên có thể bắt tay ngay vào công việc mà không tốn thời gian và chi phí đào tạo lại ở cơ sở làm việc.

Một trong những cái dốt lớn nhất là cả nể. Có thể trong bụng không phục những hễ thấy người trên mở miệng, là vâng dạ rối rít. Nếu không như thế sợ bị coi là "đồ mất dạy”, đồ bất hiếu. Cha mẹ nào cũng muốn con có hiếu, nhưng con có hiếu vị tất đã được cha mẹ yêu! Tôi có trung chắc gì đã được vua dụng. Chả nên nhìn người khác mà làm việc mình, hãy cứ làm việc gì mình thấy hợp lý, thấy chính xác, thấy nó có ích cho mình và cho mọi người. Như vậy, mỗi người chúng mình mới có thể kích hoạt và sử dụng được tối đa năng lực nhân tính của mình, khai mở được nguồn năng lượng tiềm ẩn.

Tử Đinh Hương

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

(PetroTimes) - Lễ hội Holi của người Hindu, còn được gọi là Lễ hội Màu sắc, báo trước sự khởi đầu của mùa xuân.