Khai hội năm mới và những lúng túng năm cũ

09:24 | 31/01/2012

913 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sự biến tướng, thương mại hóa ở nhiều lễ hội những năm gần đây khiến dư luận xã hội bức xúc. Vì thế, Chính phủ đã có Công điện 162 hồi tháng 2/2011 để chấn chỉnh tình trạng này. Thế nhưng, mùa lễ hội năm 2011 trôi qua, vẫn có nhiều "sự cố" xảy ra, làm giảm giá trị văn hóa của lễ hội, gây bức xúc trong nhân dân. Nhìn lại những được mất của mùa hội vừa qua, chắc chắn, sẽ rất hữu ích khi khai hội 2012.

Hòm công đức, mê tín dị đoan làm mất vẻ thanh tịnh

Năm 2011, các lễ hội dân gian lớn được tổ chức quy mô hơn, song cơ sở vật chất, đặc biệt là hình thức dịch vụ lại không theo kịp, gây nên cảnh chen lấn, xô đẩy, khiến cho yếu tố tâm linh bị suy giảm, mà điển hình là việc phát ấn ở đền Trần (Nam Định) đều được các nhà quản lý ở cả 3 điểm cầu Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng nhắc đến. Ngoài ra, nhiều di tích vẫn bị xâm hại, do tùy tiện tu sửa, tôn tạo, mất tính nguyên gốc, gây phản cảm như ở Phủ Dày, Nam Định, đền Gióng (Sóc Sơn, Hà Nội), chùa Keo (Thái Bình) v.v… cùng với tình trạng lập quá nhiều ban thờ, hòm công đức và đĩa để tiền giọt dầu, đã làm mất vẻ trang nghiêm, thanh tịnh, đặc biệt là việc ném tiền giọt dầu vào tay tượng phật, ném tiền vào hậu cung như phủ Tây Hồ, động Hương Tích, chùa Trấn Quốc (Hà Nội), chùa Bái Đính (Ninh Bình), đền Bà Chúa Kho v.v…

Một dẫn chứng điển hình của nét văn hóa truyền thống bị biến tướng chính là lá ấn đền Trần (Nam Định). Các nghiên cứu khoa học chỉ ra, đây chỉ là lá ấn mang tính cầu an của một dòng họ, hoàn toàn không mang nghĩa thăng quan tiến chức, nhưng khoảng hơn chục năm, với những lời loan truyền không chính thức, lá ấn đã mang một ý nghĩa hoàn toàn khác và lễ hội vốn chỉ là của một địa phương bỗng “biến” thành cấp toàn quốc từ khi nào chẳng rõ. Vì thế, vào đêm 14 tháng Giêng hàng năm, hàng ngàn xe ôtô, hàng vạn người từ các nơi dồn về đền Trần để “mua” ấn bằng mọi giá, làm mất cả nét đẹp lẫn tính thiêng linh của một lễ hội. Năm nay, việc phát ấn sẽ có nhiều thay đổi, với sự chỉ đạo kiên quyết của Bộ VH-TT&DL, hy vọng lá ấn đền Trần sẽ được trả lại ý nghĩa ban đầu và đích thực của nó, sau khi những giá trị ảo được khoác cho lá ấn đã được lột bỏ bằng các nghiên cứu khoa học.

Ganh đua mở hội nhằm phô trương

Mùa hội năm trước, theo ghi nhận của Cục Văn hóa cơ sở, còn xuất hiện xu hướng mở hội với tần suất cao, ganh đua, phô trương thanh thế dòng họ, làng xã, đưa thêm nhiều yếu tố làm biến dạng nghi thức định hình của lễ hội. Đặc biệt là nhiều nơi tự nâng cấp thành lễ hội cấp quốc gia, quốc tế, dù không có cơ sở khoa học, làm nhiễu loạn thông tin. Xuất hiện việc “quan phương hóa” lễ hội, khi các địa phương đua nhau tổ chức lễ hội và mời lãnh đạo cấp trên về dự cùng với số lượng khách mời quá đông, không tuân thủ các qui định Nhà nước. Bên cạnh đó vẫn phổ biến ở một số lễ hội lớn tình trạng nâng giá, ép giá, hành khất đeo bám khách du lịch, cùng hiện tượng đốt đồ mã, khấn thuê, bói toán, cờ bạc, rả xác, ăn xin, móc túi vv… làm giảm đi tính tôn nghiêm và những nét đẹp văn hóa của lễ hội, gây sự bức xúc trong nhân dân. Một bộ phận không nhỏ du khách đến lễ hội nặng về tư tưởng cầu xin thần thánh, thái quá về niềm tin tín ngưỡng, thần linh với mong muốn cầu lộc, tài, phúc, danh lợi, mà không hiểu được mục đích thanh cao của lễ hội là biết ơn các bậc tiền nhân, niềm tin chân – thiện – mỹ, dẫn đến việc dâng đồ lễ tốn kém, phức tạp.

Năm nay vẫn lúng túng?

Đã rút kinh nghiệm từ nhiều năm, nhưng bước vào mùa hội năm nay, Bộ VH-TT &DL vẫn lúng túng, chưa đưa ra được mô hình thống nhất về quản lý ở các di tích, nên việc sử dụng tiền công đức chưa đúng mục đích, thiếu minh bạch vẫn phổ biến vì hiện còn theo nhiều lợi ích. Những “lình xình” về vấn đề sử dụng tiền công đức ở một di tích ở Nam Định năm trước chính là những kinh nghiệm thực tế và không phải là hiếm.

Ông Phạm Xuân Phúc – Phó chánh thanh tra Bộ VH-TT&DL cho biết: Nhiều nơi sử dụng tiền công đức để làm bia và khắc tên người công đức lên đó, như ở đền Trình – chùa Hương cho xây bia công đức giống như bia ở Văn Miếu Quốc Tử Giám, thậm chí chùa Liên Phái còn trổ cả tường chùa để khắc tên người công đức, rất phản cảm; đền Bà Chúa Kho cũng dự định xây nhà để bia khắc tên những người công đức. Đáng nói là, nhiều nơi để bia lại có bát hương, trong khi đại đa số người có tên trên văn bia vẫn còn sống.

Lễ hội chợ Viềng

Từ lâu, Bộ VH-TT &DL yêu cầu Viện Nghiên cứu Văn hóa nghiên cứu và tham mưu trong việc phân biệt mê tín với tâm linh, cũng như vấn đề cấm đốt vàng mã nơi công cộng. Thế nhưng, thật ngạc nhiên khi một vị đại diện của Viện này cho rằng, đó là những vấn đề nhạy cảm và gần như không thể làm nổi. Nhiều người rất ngạc nhiên trước ý kiến này, khi Viện Nghiên cứu Văn hóa là nơi phải có trách nhiệm giải mã vấn đề này và hoàn toàn có thể làm được, bằng việc thông qua hội thảo hay nghiên cứu đề xuất, để phân biệt được thế nào là mê tín dị đoan, thế nào là tâm linh vì điều này là rất cần thiết, tránh việc lợi dụng để phát ngôn buôn thần bán thánh.

Một vấn đề gây khó khăn cho công tác quản lý của ngành văn hóa hiện nay là sự chồng chéo dẫn đến mâu thuẫn trong việc quản lý: trong khi Bộ VH-TT &DL cấm sản xuất và sử dụng đồ mã, thì Bộ Công Thương vẫn cho đó là một nghề, vì thế, việc sản xuất và vận chuyển đồ mã lại là không vi phạm. Bên cạnh đó, nhiều nhà quản lý văn hóa cũng bày tỏ sự lo ngại khi đang xuất hiện nhiều loại hình lễ cầu siêu khắp cả nước với quy mô lớn, đặc biệt là ở các nghĩa trang liệt sĩ. Do đó, rất cần có sự hướng dẫn để các buổi lễ mang đúng nghĩa, đúng tầm cỡ, thay vì khoán trắng cho tôn giáo như hiện nay. Việc quy hoạch lễ hội là cần thiết, để trả lễ hội của tôn giáo cho tôn giáo tổ chức, trả lễ hội của dân gian cho dân gian, Nhà nước không nên đứng ra tổ chức mà chỉ tạo điều kiện và giúp đỡ về quản lý trật tự xã hội, xử lý vi phạm.

Để có thể quản lý tốt hơn công tác tổ chức lễ hội, chúng tôi đồng tình với ý kiến của Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái: Phải có sự thống nhất trong quản lý sử dụng và sản xuất vàng mã và điều này, cần phải có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Tới đây, Nhà nước sẽ rút vai trò khỏi các lễ hội dân gian, để lễ hội dân gian do người dân đứng tổ chức, còn lễ hội truyền thống cách mạng do quan chức tham gia tổ chức. “Món nợ” đã nhiều năm của ngành văn hóa về mô hình quản lý di tích, tiền công đức, quy định lễ hội nào cấp quốc gia tỉnh, lễ hội nào cấp tỉnh v.v… nay rất cần được sớm “thanh toán”, mới tránh được những thất thoát không đáng có, để trả lại nét đẹp văn hóa thực sự cho các lễ hội, tránh hiện tượng lợi dụng để buôn thần, bán thánh.

Dạ Miên

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

(PetroTimes) - Mùa tulip ở Hà Lan không chỉ đơn thuần là một mùa hoa, mà còn là biểu tượng của nét văn hóa, truyền thống và niềm tự hào của người dân xứ sở cối xay gió.