Khách hàng và ngân hàng

20:44 | 22/11/2017

768 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Giống bất cứ ngành nghề kinh doanh nào, ngân hàng cũng cần có nhiều khách hàng để tăng doanh thu. Hoạt động của ngân hàng càng sôi động thì chứng tỏ hoạt động sản xuất kinh doanh trên nhiều lĩnh vực của xã hội có sự tăng trưởng tốt.

Tuy vậy, khách hàng còn một số điều chưa hài lòng với ngân hàng trong quá trình giao dịch, phục vụ các dịch vụ, nhất là khâu thu phí qua rút tiền ATM.

Thẻ ngân hàng đang ngày càng phổ biến nhờ sự tiện dụng và các ưu đãi mà nó mang lại. Vì thế mà các ngân hàng đã diễn ra cuộc đua ưu đãi. Nhiều loại thẻ được phát hành miễn phí, thậm chí còn được đi kèm khuyến mãi. Tuy nhiên, hầu như những ưu đãi này chỉ diễn ra một thời gian ngắn và khách hàng sẽ phải làm quen với việc trả phí. Sử dụng loại thẻ nào, của ngân hàng nào để giảm chi phí trở thành nỗi băn khoăn của rất nhiều người sử dụng thẻ.

khach hang va ngan hang

Mỗi ngân hàng lại có một chính sách về phí dịch vụ khác nhau để thu hút khách hàng. Một số ngân hàng miễn phí dịch vụ này nhưng lại thu phí dịch vụ khác, cũng có ngân hàng thu phí cao hơn bình quân với lý do tự cho là “mình có chất lượng phục vụ tốt hơn”.

Đối với thẻ ATM, hầu hết các ngân hàng đều miễn phí phát hành loại thẻ phổ biến này. Trong khi đó, phí thường niên, số dư bắt buộc lại khá cao. Đó chính là điều gây nhiều bức xúc nhất cho người sử dụng. Một chiếc thẻ ATM đang phải chịu nhiều loại phí, từ phí phát hành, phí thường niên, phí phát hành lại, phí chuyển khoản, phí rút tiền, SMS banking…

Mỗi ngân hàng cũng có nhiều loại thẻ khác nhau, chính sách thu phí cũng đa dạng. Trong khi có những ngân hàng như Vietcombank, DongA Bank miễn phí phát hành và không áp phí duy trì tài khoản nhiều loại thẻ thì một số ngân hàng không những áp số dư tối thiểu 50.000 đồng, thu phí thường niên, thậm chí thu phí phát hành có loại lên tới 100.000 đồng.

Ngoài những loại phí dễ thấy thì còn những bắt buộc về số dư tối thiểu hay hạn mức rút tiền, cũng được xem như một cách thu thêm phí của ngân hàng mà người dùng thẻ ít để ý. Thực tế, việc một số ngân hàng bắt buộc số dư tối thiểu mà không tính lãi suất cũng được coi như một cách thu phí tinh vi, tính ra thì số thu này không hề nhỏ. Nếu một ngân hàng có hàng triệu thẻ ATM, mỗi thẻ có số dư bắt buộc là 50.000 đồng thì con số tiền lãi mà ngân hàng đó thu về hàng tháng không hề nhỏ.

Từ mấy năm nay, nhiều ngân hàng áp dụng phí mỗi lần rút tiền cùng hệ thống là 1.100 đồng, còn đối với hệ thống khác là 3.300 đồng. Mặc dù mức phí này không cao nhưng số tiền rút tối đa mỗi lần tại cây ATM lại bị hạn chế. Như vậy là để rút một số tiền lớn, khách hàng lại phải trả nhiều lần phí rút tiền. Chẳng hạn một số ngân hàng quy định hạn mức giao dịch tối đa một lần là 5 triệu đồng, tối thiểu 10.000 đồng, nên nếu muốn rút 20 triệu đồng, chủ thẻ sẽ phải rút tới 4 lần; đồng nghĩa với phí rút tiền được nhân lên gấp 4. Như vậy, phí trên mỗi lần giao dịch tuy là nhỏ nhưng nếu tính trên số lượng thẻ đang lưu hành thì sẽ là một con số khổng lồ. Nay lại có đề xuất tăng phí khi rút tiền là điều không nên. Người dân sẽ giữ tiền mặt và không dùng thẻ ATM nữa.

Cả nước có hơn 90 triệu thẻ ngân hàng và con số này còn tiếp tục tăng lên. Với dân số Việt Nam hiện có hơn 90 triệu người thì mỗi người dân trung bình đã sử dụng 1 thẻ ngân hàng. Tất nhiên, một người có tới hàng chục cái thẻ nhưng cũng chỉ sử dụng một vài thẻ; còn nhiều người chưa dùng thẻ nào.

Chủ trương của Nhà nước là khuyến khích người dân từ bỏ thói quen dùng tiền mặt. Điều này đem lại rất nhiều lợi ích, không chỉ cho hệ thống ngân hàng mà còn cho cả sự phát triển chung của nền kinh tế. Nhưng do chưa hài lòng với cách thu phí của ngân hàng nên còn nhiều người dân không muốn chuyển từ dùng tiền mặt sang dùng các loại thẻ để thanh toán, giao dịch…

Đối với các giao dịch khác cũng có những điều chưa ổn. Một khách hàng ở Lê Đại Hành (Hà Nội) phàn nàn: ông thế chấp sổ đỏ nhà đất để vay tiền của Techcombank. Khi đã trả hết cả tiền gốc và lãi thì gần 2 tháng sau ngân hàng mới trả sổ đỏ nhưng chưa đưa cho ông giấy xác nhận để ông nộp cho cơ quan quản lý Nhà đất của quận làm thủ tục hoàn lại quyền sử dụng nhà đất. Vì trước đó, ngân hàng mang sổ đỏ của ông đến quận xác nhận rằng, sổ đỏ đang thế chấp tại ngân hàng, có đóng dấu ở cuối sổ. Như vậy, nếu ông muốn giao dịch gì, bán nhà chẳng hạn, thì sổ đỏ của ông không có giá trị. Vậy mà hằng năm trời, ông hỏi ngân hàng, lúc thì nhân viên nói người giữ giấy xác nhận đó đi vắng, lúc thì nói nhân viên đó chuyển đi nơi khác rồi…

Chỉ điểm qua những điều chưa ổn trên đây cũng thấy rằng, ngân hàng cần có sự điều chỉnh phù hợp để tạo thuận lợi cho khách hàng. Mục đích chuyển từ dùng tiền mặt sang giao dịch bằng các loại thẻ ngân hàng sẽ sớm được thực hiện nếu các ngân hàng đổi mới, có những hình thức phục vụ ưu đãi có lợi hơn cho khách hàng. Như vậy mối quan hệ giữa khách hàng với ngân hàng sẽ càng gắn kết hơn.

Linh Trang