Khách du lịch sẽ phải đóng thuế?

22:37 | 29/06/2017

1,097 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Dự thảo Luật Du lịch sửa đổi đang được thảo luận sôi nổi, đặc biệt về thành lập quỹ hỗ trợ phát triển du lịch. Trong đó có nhắc đến việc sẽ thu phí, thuế đối với khách du lịch trong và ngoài nước…  

Thu phí để xúc tiến đầu tư?

Ngày 9-6 vừa qua, tọa đàm “Luật Du lịch, động lực thúc đẩy du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn” đã được Hiệp hội Du lịch Việt Nam phối hợp với Báo Nhân dân tổ chức tại Hà Nội. Tại đây, nhiều nội dung quan trọng đã được đưa ra thảo luận, đặc biệt, một trong những vấn đề được nhiều người quan tâm là việc thành lập quỹ hỗ trợ phát triển du lịch.

Theo Dự thảo, quỹ này được thành lập với mục đích là để đẩy mạnh hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch Việt Nam ở trong nước và thế giới, hỗ trợ nghiên cứu thị trường, phát triển sản phẩm, bồi dưỡng nhân lực và truyền thông du lịch trong cộng đồng. Quỹ được hình thành từ 3 nguồn: Nhà nước cấp, đóng góp tự nguyện và các nguồn hợp pháp khác.

khach du lich se phai dong thue
Khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam. (ảnh minh họa)

Theo ông Vũ Thế Bình - Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam - vốn ban đầu của quỹ hỗ trợ phát triển du lịch được Nhà nước cấp là 300 tỉ đồng, con số này được bảo tồn suốt trong quá trình hoạt động. Ngoài khoản đóng góp tự nguyện, kinh phí quỹ sẽ thu từ các nguồn hợp pháp khác như trích một phần từ phí, lệ phí visa và phí tham quan tại các điểm đến. Song con số này không nhiều. Do đó, để tái đầu tư, tạo nguồn lực cho du lịch, nên thực hiện việc thu phí, thuế đối với du khách như một số nước đã làm.

Tại buổi thảo luận, ông Phạm Mạnh Cương - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Lữ hành Việt Nam - đưa ra dẫn chứng về nguồn thu để lập quỹ xúc tiến của một số nước và điểm du lịch trên thế giới. Chẳng hạn, tại Malaysia, từ 1-8-2017, sẽ tiến hành thu thuế du lịch đối với các du khách trong nước và quốc tế. Thuế sẽ căn cứ vào thời gian, địa điểm du khách nghỉ qua đêm. Ví dụ, nếu ở tại khách sạn 5 sao, khách phải trả phí 20 ringgit/đêm (100.000 đồng), con số này thấp dần nếu sao khách sạn nhỏ và số đêm lưu trú ít. Nguồn thu này sẽ được sử dụng để phát triển du lịch của Malaysia.

Hiện nay, ngân sách dành cho xúc tiến du lịch của Việt Nam rất thấp, mới chỉ khoảng 2 triệu USD, chỉ bằng 2,9% của Thái Lan, 1,5% của Singapore và 1,9% của Malaysia.

Hay tại Mỹ, công dân đến từ hơn 30 quốc gia nằm trong diện miễn thị thực phải nộp lệ phí 14USD thông qua hệ thống điện tử, trong đó 10USD tái đầu tư cho xúc tiến du lịch. Nhiều nước châu Âu đồng loạt áp dụng thuế lưu trú đối với khách du lịch từ đầu năm 2016.

Từ những dẫn chứng này, ông Cương đề xuất, đối với các nguồn hình thành quỹ trong Dự thảo Luật Du lịch sửa đổi, có thể bổ sung thêm “nguồn thu từ khách du lịch”, giống như các nước trên thế giới đang làm.

Mất sức cạnh tranh?

Đề xuất thu thuế du khách nhằm đóng góp vào quỹ hỗ trợ phát triển du lịch được nhiều doanh nghiệp, chuyên gia ủng hộ, nhưng cũng không ít ý kiến lo ngại. Bởi việc thu thuế có thể ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của ngành du lịch nội địa.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, đây là đề xuất không phù hợp với Việt Nam, nếu thực hiện thì sẽ gặp nhiều khó khăn và thậm chí là sự từ chối của khách du lịch đến Việt Nam.

Ông Nguyễn Minh Phong cho rằng, không nên thu thuế của khách du lịch, bởi vì hiện nay ta cũng đã thu thuế các doanh nghiệp, thuế tiêu thụ đặc biệt và các loại phí tham quan… Nếu thêm một khoản thuế hoặc phí nữa thì ngành du lịch nước ta sẽ mất đi sức cạnh tranh.

khach du lich se phai dong thue
PGS.TS Phạm Trung Lương

Liên quan tới việc thành lập quỹ hỗ trợ phát triển du lịch, PGS.TS Phạm Trung Lương - nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch đánh giá: “Việc thành lập quỹ là điều cần thiết và nên có thêm một nguồn thu từ khách du lịch để bổ sung, bởi vốn Nhà nước đầu tư cho quỹ hiện nay quá ít so với nhu cầu”.

Nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch cho biết, việc thành lập quỹ hỗ trợ phát triển du lịch đã được đề cập đến cách đây gần 20 năm. Khi xây dựng kế hoạch đầu tiên của du lịch Việt Nam thì thấy rằng, ngành du lịch nước ta nếu chỉ dựa vào nguồn ngân sách của Nhà nước để phát triển sẽ rất hạn chế. Tuy nhiên, tại thời điểm đó, ngành du lịch vẫn bị coi là một ngành phụ, không như các ngành giao thông vận tải hay xây dựng được chú trọng đầu tư, hỗ trợ nhiều.

Về đề xuất thu thuế đối với khách du lịch, PGS.TS Phạm Trung Lương cho hay: “Đây không phải đề xuất dựa trên cái mới hoàn toàn, mà hiện nay một số nước trên thế giới đã thực hiện rồi. Qua đó, trên cơ sở học tập, tiếp thu các nước đó mà áp dụng vào Việt Nam”.

Để thực hiện được việc thu thuế khách du lịch, PGS.TS Lương cho rằng, nên trích ra từ số tiền mà khách mua một tour hoặc từ giá phòng đối với khách lưu trú ở các khách sạn. Tuy nhiên, cũng lưu ý cách thu làm sao cho tế nhị, hợp lý để không gây sự khó chịu cho du khách. Dù vẫn còn nhiều vấn đề cần phải xem xét, bàn luận, nhưng PGS.TS Phạm Trung Lương cho rằng: “Các nước khác đã làm được thì mình cũng làm được và nếu làm tốt thì sẽ đem lại cho ngành du lịch nước ta một nguồn thu đáng kể để phát triển”.

Chu Phượng - Xuân Hinh

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

(PetroTimes) - Lễ hội Holi của người Hindu, còn được gọi là Lễ hội Màu sắc, báo trước sự khởi đầu của mùa xuân.